Thứ Hai, 28 tháng 4, 2008

Sốt gạo..và chuyện áo cơm.

Có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời tôi chứng kíên một trận sốt gía gây xôn xao trong cộng đồng thế này. Miền Tây được mệnh danh là vựa lúa gạo của cả nước, thế mà chỉ trong một ngày giá gạo tăng lên đến 100%. Mới sáng bà xã đi mua giá 10.000 đồng /kg, đến chiều đã tăng lên trên 20.000 đồng /kg. Những gia đình lao động nghèo chạy gạo hàng bửa lại phải đối mặt những khó khăn. Những người lao động nghèo đã phải chi đến 40% số tiền kiếm được vào lương thực thực phẫm, nay với vật giá thế này tỷ lệ ấy sẽ là bao nhiêu. Đành rằng đây chỉ là một cơn sốt giá bất thường, trong một hai ngày tới các nhà quản lý sẽ áp dụng những chính sách hợp lý để bình ổn thị trường, nhưng nó làm cho cuộc sống người lao động đã khó lại càng khó hơn. Tình hình đối với những ngưòi hưởng lương nhà nước củng chẳng lấy gì làm khả quan lắm. Mấy tháng nay vật giá cả các mặt hàng thiết yếu đều tăng 30-40% ,thế mà lương thì vẫn vậy. Đôi khi tôi tự hỏi có phải ở Việt Nam có một định nghĩa về lương riêng biệt,không giống các quốc gia khác. Khỏi cần phải hạch toán chi ly, mỗi chúng ta đều biết đồng lương khu vực viên chức nhà nước hiện nay đáp ứng thế nào với những nhu cầu bức bách của cuộc sống. Việt Nam đang trên đà hội nhập và phát triển ! đó là điều mà mỗi người Việt Nam đều cảm thấy tự hào. Có ai không mong muốn mình được đóng góp công sức vào việc xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng,ấm no hạnh phúc cho mọi người. Thế nhưng với đồng lương như thế, có ai không chạnh lòng khi nghĩ đến gia đình mình. Tôi không biết các nhà hoạch định chính sách tiền lương có thật sự sống đúng với đồng lương của mình hay không ? Nhưng nếu họ chỉ thật sự sống bằng lương thì quả là họ giỏi thật.
Hồi học cấp 3, giáo viên dạy tiếng Pháp cho chúng tôi là một ông thầy già nghe đâu là cựu sĩ quan pháo binh từ thời Pháp. Ông dạy rất giỏi nhưng chỉ phải tội là hay nói triết lý cuộc sống. Ông bảo : mỗi tiết học tôi dành ra 10 phút để dạy các cô các cậu về cuộc đời ! Hồi đó đối với tuổi học trò chúng tôi thì những triết lý của ông nghe chỉ để mà vui, có đứa còn cho ông là lẩm cẩm. Hơn hai mươi năm rồi ra khỏi mái trường, câu nói mà tôi nhớ nhất của ông là "....mai mốt ra đời, chỉ chuyện cơm áo ,gạo tiền thôi là đã giủ các cô các cậu như cái mền rồi..! ".Bao nhiêu năm nay lăn lôn kiếm sống, mới thấy thấm thía điều thầy nói ngày xưa. Còn được là cái mền thì củng đã là đở rồi, sợ có khi đã tơi tả như một miếng giẻ rách. Cơm áo ,gạo tiền ! chỉ là những nhu cầu để tồn tai thôi đã làm cho ta cảm thấy mệt mõi với cuộc sống rồi, thì những ước mơ, những hoài bão, những khát vọng...có chổ đâu mà ươm mầm, mà sinh sôi nãy nở. Mỗi ngày lên lớp dạy đều nói với học trò về những gì tốt đẹp của cuộc sống, về những giá trị nhân văn mà mỗi người phải vươn tới trong đời. Nhưng khi ra khỏi lớp học, trở về với những bức bách của cuộc sống sinh hoạt đời thường, ta lại không khỏi ưu tư, hoài nghi về những điều ta nói.
" Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người...."(trịnh công sơn), Tôi đã viết một câu thư pháp "xuất thần" như thế treo ở trong phòng mình để tự nhắc nhở mình hãy sống lạc quan ,yêu đời. Thế nhưng mỗi sáng thức dậy với những vây hãm bởi nào là tiền gạo,tiền điện,tiền nước,tiền học phí cho con,... tự dưng sao thấy ngày tới mệt quá một kiếp người.Rồi cuộc sống những ngày tới có khả quan hơn không khó mà nói trước được. Mỗi người đều phải sống với ngày tới của mình, thôi thì hãy tự an ủi ta rằng cuộc sống rồi sẽ tốt đẹp hơn.. và hãy
Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy
Còn cho ta một ngày nữa để yêu thương. (trần lê nhân)

Không có nhận xét nào: