Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Sinh nhật

 

Ta đón tuổi mình
Không có nến
Không hoa
Ngày mỉm cười mỉa mai tóc trắng
Xếp lại ngược xuôi
Hát lời kinh khổ

Ly cà phê đọng những tháng ngày.

Sinh nhật 50 -01-10-2015

Thứ Sáu, 18 tháng 9, 2015

Cà phê chiều

Cà phê chiều
Quán vắng.
Bất chợt đàn ai.
Ray rức.
Nắng cuối ngày uể oải. 
Con chim sẻ loay hoay gắp sợi hoàng hôn

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2015

Sao vậy thầy?

Sáng không có tiết dạy, ra ngồi cà phê cốc vỉa hè.
Một phụ huynh của trường chạy xe ngang qua, thấy mình lập tức quay lại. Cà phê chưa kịp mang ra anh đã quay sang hỏi giọng có vẻ ấm ức:
-Ông thầy, sao trường thu bắt buộc nhiều khoản quá vậy thầy?
-Dạ ví dụ khoản nào ạ.
-Cô chủ nhiệm thông báo phải đóng sáu chục ngàn tiền học bơi, trong khi con tui nó lội như rái cá vậy.
-Dạ cái này là chủ trương của trường nhằm phổ cập cho các em môn bơi lội.
-Nhưng con tui đâu có cần phổ cập nữa. Còn nếu là đưa vào chính khóa thì trường phải lo chứ, con tui đóng học phí rồi mà.
-Dạ trường không có hồ bơi nên phải thuê ngoài, vì vậy vận động cha mẹ học sinh đóng góp.
Anh vẫn nói giọng ấm ức:
-Thằng nhỏ xẹt một cái là lội qua con kinh gần hai chục thước tự nhiên giờ bắt phổ cập bơi trong cái hồ chỉ lớn hơn cái nia một chút.
Tôi suýt sặc cà phê vì "cái nia" của anh, đành nói lãng sang chuyện khác. Vẫn chưa xả xong, đốt một điếu thuốc rồi anh quất tiếp:
-Còn chuyện này càng ức hơn nữa ông thầy.
-Dạ chuyện gì ạ.
-Thì chuyện học thêm.
Vụ này thì khổ cho tôi rồi, tôi dạy môn không thể dạy thêm nên không hiểu lắm mấy cái sự lắc léo trong dạy thêm học thêm, biết gì mà trả lời đây hè.
-Thằng con tui học rất chăm chỉ và thông minh, lớp 6 lớp 7 không có đi học thêm bữa nào, vẫn ngon ơ cuối năm đạt loại giỏi. Năm nay lên lớp tám, lớp nó có 34 đứa, đi học thêm môn toán hết 33 đứa còn lọt mình nó. Cô giáo toàn dạy trước bài học trong buổi học thêm, rồi vào lớp chỉ cho bài tập hoặc nói chuyện trên trời dưới đất vì bài dạy rồi. Đứa nào có đi học thêm thì làm được, còn thằng nhỏ không đi học thêm nên không được nghe giảng bài làm sao làm bài được. Thử hỏi làm vậy là đúng sai. Giờ chính khóa thì phải dạy bài theo chương trình chứ.
Lại đốt một điếu thuốc rồi tiếp tục:
-Tui nói vầy ông thầy nghe có đúng không. Dạy thêm thứ nhất là để phụ đạo cho các em yếu kém hiểu bài vở tốt hơn mà theo chương trình chính khóa, thứ hai là nhằm bồi dưỡng nâng cao cho các em em học sinh khá giỏi để các em có bản lĩnh hơn trong bộ môn của mình. Còn các tiết chính khóa trên lớp thì phải được giữ nguyên chương trình chứ. Làm ăn kiểu này có phải là để bắt buộc ai cũng phải đi học thêm không?
Ông này cũng rành quá, tôi đành ậm ừ đưa đẩy:
-Dạ cái này tùy thuộc vào sự sắp xếp và ...lương tâm của người thầy nữa anh ạ.
Anh vỗ đùi đánh đét một cái:
-Đúng cái này là không có lương tâm chút nào. Lương tháng cũng lãnh đàng hoàng mà.
Tôi ấp úng thanh minh:
-Chắc tai lương tháng sống không đủ
Anh nhìn tôi rồi nói tỉnh queo:
-Vậy để tui tính tiền cà phê luôn ông thầy.
!!!

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2015

Thư giản.

Những nốt nhạc đầu đời
Sáng thứ hai, cả lớp nghiêm túc chuẩn bị cho buổi học đầu tuần. Thầy bước vào lớp nhìn quanh một vòng ra chiều vừa ý.
-Nào các con, hôm nay thuộc bài không?
Cả lớp đồng thanh:
-Dạ thuộc bài hết cả thưa thầy.
-Giỏi lắm, các con thuộc bài hết rồi thầy không cần dạy nữa.
Thứ ba, Cả lớp tập vở mở sẵn để trên bàn chờ đợi thấy đến.

Thầy vào lớp nhìn một lượt rồi hỏi:
-Hôm nay các con thế nào? Có thuộc bài không?
Nữa lớp đồng thanh:-Dạ chúng con thuộc rồi.
Thầy nhìn nữa lớp còn lại rồi hỏi:
-Còn các con thế nào.
-Dạ chưa thuộc ạ. 
Chờ học sinh yên lặng thầy bảo:
-Hôm nay nữa lớp thuộc bài dạy cho nữa lớp chưa thuộc bài. Thầy không cần dạy nữa.
Thứ tư, cả lớp hồi hộp chờ thầy đến. Thầy bước vào lớp nở một nụ cười tươi rói rồi hỏi:
-Sao rồi, hôm nay các con thuộc bài không?
Cả lớp đồng thanh hô lên: 
-Dạ thưa thầy chưa thuộc ạ.
Thầy nhìn một vòng ánh mắt không được vui rồi bảo:
-Lớp không thuộc bài là không tốt. Các con học bài cũ cho thuộc. Hôm nay thầy cũng không cần dạy nữa!
Cả lớp !!!???.

Thứ Năm, 3 tháng 9, 2015

Xa rồi mùa cũ.

Tắm đồng- Ảnh Internet
Tôi đi tìm con nước tuổi thơ.
Tháng bảy mưa bay.
Dòng sông đỏ quạch.
Rau muống bò lên triền đê.
Đợi nước.
Cây gáo rụng hoa vàng, tiếc những mùa qua. 


Thứ Sáu, 7 tháng 8, 2015

Thư giản

Cuộc sống là một bản đàn với đầy đủ những cung bậc, sắc thái. Mỗi cá nhân chúng ta là một phần của bản đàn ấy. Có thể là nốt trầm, nốt luyến,...hay thậm chí chỉ là một dấu lặng. Điều quan trọng là tất cả đều phải diễn tấu sao cho đừng lỗi nhịp, để bản đàn ấy luôn là một tác phẩm âm nhạc mang nhiều giá trị.

Thứ Năm, 30 tháng 7, 2015

Nỗi buồn mùa tuyển sinh.

Học sinh THCS Cái Dầu sinh hoạt ngoại khóa
      Mùa tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2015-2016 Trường THCS Cái Dầu có 54 học sinh không đủ điểm để vào học ở PHTH Trần Văn Thành và Trường PT Bình Long, trên tổng số khoảng 200 học sinh dự tuyển, chiếm hơn 25%. Một tỷ lệ thật sự đáng buồn.
Điều này đồng nghĩa việc có 54 học sinh không thể tiếp tục con đường học vấn. Các em hoặc phải đi lao động kiếm sống hay vào các trường Trung cấp dạy nghề (nếu gia đình có điều kiện).THCS Cái Dầu là một trường có nhiều thành tích trong các cuộc thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh. Thế nhưng niềm vui vì những thành tích ấy có đủ để nhạt phai nỗi buồn cho cái kết chất lượng giáo dục trong mùa tuyển sinh này không.
       Dĩ nhiên học tốt thì đậu, học dở thì rớt, đó là điều tất yếu, và đâu phải ai cũng có thể vào đại học hay cao đẳng. Nhưng chỉ ở một trường THCS đã có đến 54 em không thể tiếp tục học lên cấp 3, cái chất lượng giáo dục ấy thật sự làm đau lòng các bậc phụ huynh luôn kỳ vọng về tương lai con em mình, và ray rức lương tâm của những thầy cô trực tiếp giảng dạy luôn mong muốn sự thành đạt cho học trò của mình.
     Một phụ huynh hỏi tôi: "Con tôi đi học thêm quá trời luôn, nhưng kết quả sao lại thế hở thầy, nguyên nhân từ đâu vậy thầy?". Thật sự tôi không biết phải trả lời thế nào với vị phụ huynh ấy. Phân tích những nguyên nhân chủ quan, khách quan hay đổ lỗi tại các em không chịu học...Nói chung, những thứ ấy, các nhà giáo dục, báo chí nói nhiều quá rồi, chắc chắn tôi không thể làm an lòng vị phụ huynh. Nhưng rõ ràng cái lớn chính là cách mà cái nền giáo dục Việt Nam đang được quản lý và điều hành đã tạo nên một chất lượng giáo dục đáng buồn như thế. Kết quả tuyển sinh của trường THCS Cái Dầu không phải là cá biệt, và không chỉ là trong năm nay nếu Giáo Dục Việt Nam vẫn được quản lý điều hành theo cái cung cách mà nó đang diễn ra.
Nền Giáo dục Việt Nam rồi sẽ đi về đâu!

Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Ca phê chiều

Ca phê chiều
Quán vắng.
Bất chợt đàn ai.
Ray rức.
Nắng cuối ngày uể oải. 
Con chim sẻ loay hoay gắp sợi hoàng hôn

Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Tôi ơi...đừng tuyệt vọng!

Tranh đá grannit
Tôi biết đến nhạc Trịnh trong một lần đến chơi và ngủ lại nhà đứa bạn cùng lớp. Lạ nhà, nên chỉ mới hơn bốn giờ sáng là tôi đã thức giấc. Không gian ở miền quê thật yên tĩnh. Tôi định xuống giường, mở cửa để ra sau vườn hít thở không khí trong lành buổi ban mai. Bỗng trên lầu vọng xuống tiếng đàn guitar từ chiếc máy cassette, rồi một giọng nữ cất lên thật ngọt ngào và sâu lắng. “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi…”… Những ca từ và giai điệu đầu tiên đã cuốn hút tôi. Có gì đó vừa xa, vừa gần, vừa lạ, vừa quen, nữa như lời kinh, nữa như lời trò chuyện. Hồi ấy, những năm đầu thập niên 1980, lũ học trò cấp ba chúng tôi chỉ được nghe những bài nhạc đoàn đội trong các buổi sinh hoạt ở trường, hay nghe những bài hát chiến đấu phát trên đài phát thanh qua chiếc loa đặt ở đầu ngõ. Bây giờ nghe những bài nhạc này, tôi bỗng như phát hiện một thế giới âm nhạc hoàn toàn khác. Buổi sáng trong lúc quây quần bên mâm cơm, chú Phương (là cha của người bạn tôi) cho biết đó là nhạc Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly.

Thứ Sáu, 9 tháng 1, 2015

ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ


Đờn Ca Tài Tử là hoạt động văn hóa dân gian đặc trưng của vùng đất sông nước miệt vườn, trở thành cốt cách của người Nam Bộ xưa nay. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian này vẫn tồn tại và phát triển, gắn bó mật thiết trong đời sống người dân Nam Bộ.
Ban Đờn ca Tài tử
Ngày 05/12/2013, trong phiên họp Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan đã khẳng định, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí và chính thức công nhận Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là sự khẳng định giá trị nghệ thuật của loại hình Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của cả dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là gạch nối giữa văn hóa bác học và văn hóa dân gian, giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu cần thiết, đa dạng của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.
Năm học 2014 – 2015 Sở Giáo Dục và Đào Tạo An Giang có định hướng đưa Đờn ca tài tử vào giới thiệu trong chương trình Âm nhạc cấp THCS (2 tiết học cho một cấp lớp). Tuy nhiên, hiện nay tư liệu về Đờn ca tài tử không nhiều, chủ yếu là những bài viết, nghiên cứu mang tính giới thiệu là chính chứ chưa có một tổng kết chính thức nhằm giúp cho người tìm hiểu về Đờn ca tài tử có một cái nhìn bao quát và có hệ thống về loại hình nghệ thuật này. Bên cạnh, Bộ Giáo Dục Đào Tạo vẫn chưa ban hành một giáo trình cụ thể cho việc giới thiệu nghệ thuật Đờn ca tài tử trong nhà trường phổ thông, vì vậy gây không ít khó khăn cho giáo viên Âm nhạc trong việc giới thiệu loại hình nghệ thuật này đến học sinh.
Tài liệu này là tổng hợp bài viết của các tác giả Trà Mi, Bảo Ngọc, Phạm Ngà đăng trên trang blog Hương Phù Sa (có đường link dẫn nguồn ở cuối bài) nhằm cung cấp cho giáo viên giảng dạy bộ môn Âm nhạc cũng như các bạn muốn tìm hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử có được những tư liệu mang tính khát quát về nghệ thuật này để từ đó có thể cung cấp cho học sinh THCS những kiến thức cơ bản mang tính hệ thống của loại hình âm nhạc này. Rất mong các tác giả lượng thứ cho việc dẫn bài viết.