Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2023

NGANG QUA





Mùa đông đi ngang qua đây
Rơi tiếng dương cầm khắc khoải
Vụn vỡ tháng ngày lóng lánh
Phấn son - tóc trắng mỉm cười


Mùa đông chỉ về ngang qua
Bận chi xuân thì phai sắc
Nhủ lòng có nhau ngọt dịu
Mùa sang ấm những bàn tay


Ừ ta cũng ngang qua thôi
Một lần nghe thiên thu gọi
Tôi, em xênh xang sênh phách
Đàn ca với những vĩnh hằng

(Hết năm rồi 29/12/03) 

Thứ Hai, 28 tháng 8, 2023

Thăm Ngoại

Con về thăm mộ Ngoại

Đã qua mùa Vu lan

Chiều nay trời đầy gió

Bông sao rụng đầy bên hàng thiên điểu

Năm mươi năm

Ngoại xa người

 

Có bao nhiêu xô dạt con qua

Thời gian như ngọn triều

Làm rơi vãi những xanh xao tiếc nuối

Khu vườn ngoại

Bao mùa lá vàng ray rức

Những vòng xe đi về phía thiên thu

 

Ngoại đâu còn đếm những mùa sang

Con chim gõ kiếng lâu rồi cũng thôi kể khổ

Lũ cá chạch chui sâu

Những tầng quặng đất

Tiếng Ngoại đã hư vô 

Buổi nước kéo lũ lượt lên đồng

 

Sợi khói có đủ dài

Nối lại những sớm mai

Chưa tan sương đã nghe tiếng sôi ấm trà của Ngoại

Thằng bé ngày xưa giờ cũng cháu con ríu rít

Chỉ có đất vẫn tinh khôi

Nở những cội nguồn

 

Chiều thoảng lời ru trong mùi hương vườn cũ

Dòng sông đã trôi  

Qua buổi xuân thì

Ở trong buổi hoàng hôn


Bóng Ngoại lung linh chòm râu bạc

Cất tiếng cười

Ngạo nghễ với thiên thu. 

Trung tuần tháng 7 Quý Mão. 

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2023

Những miền xưa

Tôi đánh rơi những lặng yên

Bỗng nghe mặn giọt mồ hôi khi loay hoay tìm kiếm

Chia nhỏ được bao nhiêu

Những sát na vô định

Ngày rệu rã những tính toan

 

Như con công khoe bộ lông để xóa đơn côi

Tôi tự trang điểm mình

Loay hoay giữa lối ngoằn nghèo không hồi kết

Ngày hạ diêm dúa bởi con cánh cam múa bóng

Tôi cầm chầu

Gõ dùi về phía mùa thu

 

Tôi gặt những dại khờ

Trên cánh đồng tiếng dế không còn kể chuyện ngụ ngôn

Con sáo có qua sông?

Để cà na rụng nhớ thuở tắm truồng bến cũ

Những con đường

Lá cỏ đan thành nỗi nhớ

Bàn chân có nghe tiếng cười khẽ rong rêu

 

Tôi gọn ghẽ gói từng khoảng trời ký ức

Nhưng gió thốc tung tháng ngày

Và nắng vẫn cứ lên

Lời kinh nào cho em

Cho tôi

Giấc mơ yên ắng

Cuối bầu trời vẫn treo ngược một miền xưa


Cuối tháng 8/2023 

Chiều Bạc Liêu nghe câu Vọng cổ

Bạc Liêu chiều

Lặng yên những vòm cây

Chợt nghe ai rao câu vọng cổ

Tiếng nhặt

Tiếng khoan

Day dứt buổi hoàng hôn

 

Ai xuôi phương nam

Mang theo câu nhã nhạc

Mang theo tiếng đàn kìm

Phóng khoáng nghĩa nhân

Có phải vì yêu quê mới

Nên lời ca son sắt thủy chung

 

Sâu lắng tiếng đàn

Lững lơ qua bao kinh rạch

Bay qua những thăng trầm

Vẫn mãi “nghĩa tào khang”

Hò xê cống xê xang xự

Điệu thức buồn

Đau đáu khách thương hồ

 

Chiều Bạc Liêu

Nghe tiếng đàn Vọng cổ

Nhớ Cao Văn Lầu

Chặt dạ sắt son

Trăm năm sau

Rồi trăm năm nữa

Có ai còn hát bản Hoài lang (*)


6/8/2023



________________

(*) - Bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu. 

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2023

Về với Bạc Liêu



Theo em về Bạc Liêu

Ngày mưa giăng ngõ nhỏ

Réo rắt đàn ai

Bài Đảo ngủ cung hào sảng

Chiều Phương Nam nồng chén rượu tình

 

Có cơ cầu chi đâu

Chỉ là muốn níu chân người

Dung nạp bốn phương

Nên nhiều nhân nghĩa

Đất hiền hòa

Lời ca ngọt dịu

Vọng tiếng song loan từ thuở khơi nguồn

 

Mấy trăm năm

Góp sức vun bồi

Nệ chi Kinh, Hoa

Chung một lòng cho xứ sở

Mùa nối mùa

Nối vòng sinh tử

Bóng người xưa trong những hôm nay

 

Chiều nay về

Thăm tháp cổ Vĩnh Hưng

Bóng chiều trầm mặc

Bỗng nghe gió từ Gành Hào thổi tới

Xuyên trăm năm

Nuôi dưỡng những mạch đời

31/7/2023 

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2023

BÓNG MÙA




Sương mai

Đọng lại mái hiên

Nhành Nguyệt Quế

Nở một miền vô ưu

Hạ còn nắng

Đã nghe thu

Trong đáy mắt

Cất lời ru phận người

7/2023 

Thứ Hai, 12 tháng 6, 2023

DẠ THƯA!


Dạ thưa tôi

Giữa hồng trần

Nửa ngây dại

Nửa lần khân tháng ngày

Nửa này tỉnh

Nửa kia say

Cả hai nửa chỉ loay hoay

Đi về

 

Dạ thưa em

Giữa đam mê

Thuyền tình mấy nẻo ước thề

Xa xôi

Gió lên rồi

Cũng đành thôi

Những vì sao rụng

Trăng trôi ngậm ngùi

 

Dạ thưa anh

Có gì vui

Xênh xang hả?! chỉ là lui cui hà

Niềm riêng

Chập choạng gần xa

Con đò qua bến

Ánh tà huy bay

 

Dạ thưa người

Chốn trần ai

Áp tai nghe

Những tàn phai sớm chiều

Khúc ngọt ngào

Khúc đìu hiu

Phách nghịch phách đảo

Liêu xiêu cung sầu

 

Dạ thưa tất cả!

Mong cầu

Cho người tình

Hết nỗi sầu mênh mang

Dạ thưa!

Một ánh sao ngang

Trăm năm tôi hát bản đàn

Ru tôi

12:23. 12/6/2023 

Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

RỒI CŨNG HƯ KHÔNG

Đi qua ngày nhạt nhòa ước muốn
Những chiếc là thì thầm
Lời trầm mặc thở than
phải từ sâu trong cội rễ
Buồn vui nở những mạch nguồn

Loanh quanh vòng tròn
Những quen, những lạ
Ngoảnh lại
Cõi người cũng vậy thôi
Ai kẻ liễu tri
Ai người ngu muội
Chốn tử sinh có phân biệt dại khờ

Bao lần hư hao
Ngọt ngào đam mê trần thế
Bao bận nắng mưa
Cơn mộng xanh xao
Hun hút cung đường không ngã rẽ
Dài ngắn bao lâu những lối về?

Có lời yêu nào hóa đá
Để ngàn thu đọng mãi nụ tình
Phận lá thôi đành héo úa
Thăng trầm
Rồi hóa hư vô

Xin cho ngày đi không sám hối
Ru lòng mình tròn giấc tinh khôi

p.v.h.n - đầu hè 6/2023  

Thứ Sáu, 7 tháng 4, 2023

Nhớ



Có cánh diều nào về lại tuổi thơ
Khói chiều buông
Lửa hồng bóng mẹ
Mênh mang chiều quê
Lời ầu ơ sâu thẳm
Trẻ thơ ơi
Muôn dặm đường dài.  

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2023

Lời tình cho nhau

Tháng ba

Nắng rát hiên nhà

Anh bên em

Mùa xuân âm thầm qua ngõ

Cây hoàng lan cuối vườn nở muộn

Nụ môi thơm

Xao xuyến lời tình

 

Đừng buông nhau ra

Dẫu cho mầm khổ đâm chồi

Ta có nhau

Sá gì luân hồi quả đắng

Chỉ một lần thôi

Chất ngất

Ngàn năm trôi hạt bụi hoang đàng

 

Đừng thả tay nhau

Đã quá những dốc ghềnh

Gối chăn tháng năm

Dịu ngọt

Bàn tay tựa nhau

Những vết chai trần thế

Có nắng

Có mưa

Ấm lạnh những khung trời

 

Tháng ba về


Anh gói giọt nắng vàng

Sưởi ấm dỗi hờn ngày mưa giăng lối

Sợ những hoàng hôn nhạt nhòa hương lửa

Anh giữ tay em

Ân ái say nồng

 

Ừ thì bên nhau

Hết đoạn đường trần

Đợi chi kiếp sau biết còn chung lối

Rồi anh và em

Cũng chỉ là hạt bụi

Rong chơi ngàn năm khắp chốn thiên hà

Cuối tháng 3/2023 

Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2023

Đọc "Cuối hạ" của Phan Võ Hoàng Nam - Trịnh Thị Nhâm

CUỐI HẠ


Cuối hạ rồi em
Cành hoa đâu còn đỏ lửa
Lá phai
Mùa đã gọi mùa
Nắng cuối vườn có còn ai đợi
Chừng như thu lấp ló hiên nhà
Cuối hạ rồi
Em còn son phấn!
Đêm còn ru
Chăn gối còn nồng?
Thuyền tình trôi đã yên bến đổ
Tình nhân ơi
Hò hẹn phôi pha
Mùa rồi qua
Ta cũng qua ngày bổi hổi
Tuổi đã tròn năm tháng buồn vui
Vẫn dại khờ tựa ngày mới lớn
Chợt bàng hoàng
Thu lá vàng bay
Cuối hạ rồi
Tóc đã phai chưa
Lãng đãng tháng ngày
Đã ở phía này con dốc
Bao xuôi ngược chỉ là quanh quẩn
Bên hành lang của những giấc mơ
Mùa dẫu qua
Mùa lại nối mùa
Ta hữu hạn giữa trời không sắc
Nơi đi về,
Có gì vui phía ấy!
Sao chẳng thấy, ai?
Trở lại một lần
Cuối hạ ư,
Ừ thì là cuối hạ!
Rồi thu... rồi đông...
Mùa vẫn như là
In trong tập Nhà không có đàn bà-NXB Văn Hóa - Văn Nghệ 2019
Cảm nhận của chị Trịnh Thị Nhâm
Đọc bài "Cuối hạ" của Nguyễn Hoàng Nam, tôi không thể kìm viết ra những cảm nhận của riêng mình, mặc dù biết sẽ rất dài.
Một chiều cuối hạ, tác giả nhìn cảnh sắc hoa, lá nhạt phai, cảm xúc chợt ùa về. Cảm xúc sâu đậm mãnh liệt nhất, vẫn là ký ức một thời về mối tình đã ghi dấu trong tim, trong thời khắc giao mùa, cuối hạ sang thu. "Cuối hạ rồi em" lời nhắc thầm với em dịu dàng quá! "Cành hoa đâu còn đỏ lửa/ Lá phai/Mùa gọi mùa". Thời gian đã trôi xa, mái tóc đã nhuốm mầu sương khói.Liệu em có còn nhớ chăng? "Nắng cuối vườn có còn ai đợi/Chừng như thu lấp ló hiên nhà". Khổ thơ tiếp thật da diết (tôi đặc biệt thích khổ thơ này). Tác giả thả mình hồi tưởng lại, mong ước biết được: liệu em có còn phơi phới thanh xuân, có còn nồng nàn say đắm như ngày xưa chúng mình bên nhau? "Cuối hạ rồi/Em còn son phấn!/Đêm còn ru/Chăn gối mặn nồng?", rồi như sực tỉnh, anh trở về chấp nhận hiện thực "Thuyền tình trôi đã yên bến đỗ" và nhủ lòng mặc dù buồn và day dứt lắm! "Tình nhân ơi/Hò hẹn phôi pha". Điệp từ "Cuối hạ rồi" và từ "Mùa" được lặp lại nhiều lần gắn với nhóm từ bổ trợ "Mùa đã gọi mùa; mùa rồi qua; mùa dẫu qua; mùa lại nối mùa". Đây là phép ẩn dụ chỉ về thời gian, về tuổi đời con người, thành mạch liền dòng chảy, sự chiêm nghiệm, kiểm định lại về cuộc đời. Thời gian trôi, tuổi thêm tuổi. Cuộc đời từng trải mọi cung bậc thăng trầm: buồn vui, thành công, thất bại, song vẫn nhớ, vẫn đắm mình vào những ký ức đam mê hết mình của thời tuổi trẻ đầy mộng mơ, vụng dại không hề toan tính. "Mùa rồi qua/Ta cũng qua ngày bổi hổi/Tuổi đã tròn năm tháng buồn vui/Vẫn dại khờ như tuổi mới lớn". Anh bừng tỉnh rời khỏi miền ký ức "Chợt bàng hoàng" thời đó qua lâu rồi, ta giờ "thu lá vàng bay". Cuộc đời cuốn ta đi không còn quan tâm lắm đến sự hiện diện của thời gian, nhìn lại đã sang tuổi chiều rồi. "Lãng đãng tháng ngày/Đã ở phía này con dốc".
Bao tháng năm trăn trở, vật lộn, bươn trải với mưu sinh mang đầy ước vọng, nhưng đúc kết lại cũng chỉ "...Quanh quẩn/Bên hành lang của những giấc mơ".
Thời gian cứ vô tư làm phận sự của mình "Mùa lại nối mùa" và tác giả nhủ mình: quy luật của tạo hoá là bất biến ta dù không muốn nhưng phải chấp nhận không thể khác, bởi ta chỉ là hữu hạn trước cái vô cùng vốn có của tự nhiên. "Ta hữu hạn giữa trời không sắc/Cuối hạ ư,/Ừ thì cuối hạ/Rồi thu... Rồi đông/Mùa vẫn như là".

Bài thơ rất hay! Đã chạm vào trái tim người đọc. Chia sẻ với họ sự chiêm nghiệm về cuộc đời: tuổi trẻ, tình yêu, khát vọng, sự thành đạt hoặc không... mọi cái rồi sẽ đi qua theo tháng năm đầy lên của tuổi tác. Ta hãy đón nhận nó với cái tâm tỉnh thức và an nhiên ./.  



Trịnh Thị Nhâm



Một lần đến
Chốn rong chơi
Ngàn năm còn lại đất trời
Rỗng không!

NHỮNG MẢNH GHÉP TỪ ĐÁ THẤT SƠN - VĨNH THÔNG

Từ lâu, vùng Thất Sơn (An Giang) được xem là nơi chứa đựng những điều huyền bí, gắn liền với nhiều danh nhân, sự kiện và giai thoại, ngày nay thu hút đông đảo khách du lịch từ khắp nơi. Tuy vậy ít ai ngờ, từ nguyên liệu thô sơ của nơi đây là những viên đá, một dòng tranh độc đáo đã ra đời.

Tranh đá Bảy Núi là dòng tranh chỉ có riêng ở An Giang với chất liệu có sẵn tại địa phương là đá granite. Người “khai sinh” dòng tranh nầy là nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam (sinh năm 1967) ở thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Hiện nay, ông là giáo viên bộ môn Âm nhạc ở Trường THCS Cái Dầu, đồng thời là nhạc sĩ và nhà thơ, hội viên Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện Châu Phú. Ông được cho là người đầu tiên ở miền Tây sử dụng đá để làm tranh.

Tác giả của dòng tranh nầy tâm sự, ông nhận thấy đá Thất Sơn có rất nhiều tiềm năng, nhưng trước nay chỉ được sử dụng để phục vụ cho xây dựng, chưa được sử dụng để làm nên các tác phẩm nghệ thuật. Từ băn khoăn đó, kết hợp với sự tìm hiểu về tranh đá quý ở các địa phương khác, ông nảy ra ý tưởng sử dụng đá granite địa phương để chế tác tranh.

Tự nhận mình là người không có chuyên môn về mỹ thuật, thầy giáo Phan Võ Hoàng Nam vừa mài mò thử nghiệm, vừa tự học. Năm 2008, ông bắt đầu rong ruổi khắp vùng Thất Sơn để tìm kiếm những viên đá ưng ý. Chúng được ông đập nhỏ, rồi cho vào cối giã nhuyễn thành những hạt đá li ti, lại sàng bằng rây để phân loại ra những hạt đá. Tiếp đến, chúng được rửa sạch và phơi khô, sau cùng cho vào từng hũ nhỏ để sử dụng dần.

Để chế tác được một bức tranh đá Bảy Núi, đầu tiên tác giả phác thảo những đường nét trên giấy, rồi rải những hạt đá lớn làm nền, hạt vừa tạo sự chuyển màu, còn hạt nhỏ tạo sự tinh tế.  Những hạt đá được bố trí hài hòa với những mảng màu trắng và đen, theo quy luật sáng tối, xa gần, nhằm thể hiện tối đa các hiệu ứng mong muốn. Công đoạn nầy đòi hỏi sự chỉn chu đến từng li từng tí, vì nếu chỉ có một sơ xuất nhỏ thì phải bỏ toàn bộ bức tranh. Cuối cùng, tác giả sử dụng keo dán những hạt đá lại.

Buổi đầu, tác giả của tranh đá Bảy Núi gặp nhiều khó khăn khi thử nghiệm một chất liệu hoàn toàn mới. Không có người truyền dạy kỹ thuật, ông Phan Võ Hoàng Nam không chỉ phải tự hình dung ra những việc cần làm, mà còn phải tự chế tạo ra các dụng cụ phục vụ cho các công đoạn đó. Mặt khác, với đồng lương eo hẹp của một giáo viên trung học, ông còn phải rất đắn đo khi mua vật liệu. 

Nói về những tháng ngày gian nan nầy, ông tâm sự: “Ngoài những lúc đi dạy học, hầu như cả ngày tôi ở lì trong phòng, dồn toàn bộ tâm trí để thử nghiệm những bức tranh đá. Tranh vẽ vốn đã khó nhưng có thể học hỏi từ người đi trước, còn chất liệu đá thì tôi thật sự chỉ có thể mày mò thử nghiệm. Chỉ cần vài nét cọ với khoảng thời gian ngắn thì có thể biểu hiện được một bụi cỏ, nhưng khi xếp hạt đá có khi phải mất cả buổi sáng.”

Năm 2009, bức tranh đầu tiên được hoàn thành. Từ đó, ông Hoàng Nam tiếp tục sáng tạo nhiều bức tranh đa dạng, gặt hái những thành công nhất định, được sự đón nhận của công chúng thưởng ngoạn. Quả thật nỗ lực bỏ ra không uổng phí, những phiến đá granite thô cứng và gồ ghề của vùng Thất Sơn đã trở thành những bức trang mang đậm hồn quê, có khi sống động, có lúc lại khắc khoải ưu tư…

Nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam đã có hai cuộc triển lãm tranh đá Bảy Núi tại huyện Châu Phú vào tháng 4/2010 với 33 tác phẩm và tại thị xã Châu Đốc (nay là thành phố) vào tháng 12/2010 với 44 tác phẩm. Năm 2012, tranh đá Bảy Núi đoạt Giải Ba trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh An Giang. Đến nay, ông đã sáng tác trên 150 bức tranh với nội dung và kích cỡ khác nhau.


Không chỉ được công chúng đón nhận, tranh đá Bảy Núi còn được giới chuyên môn đánh giá cao. Nói về dòng tranh có một không hai ở quê hương, họa sĩ Bùi Quang Vinh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang nhận định: “Mặc dù Hoàng Nam không được đào tạo qua trường lớp, nhưng với nhiệt huyết nghề và chất liệu đặc biệt, cách tạo hình và nét vẽ của anh đã làm nên những tác phẩm có hồn.”

Khả năng biểu hiện của đá granite có những hạn chế nhứt định, nhưng vẫn không kém phần phong phú, có thể thể hiện được nhiều đề tài. Từ đôi bàn tay uyển chuyển của người thầy có hàng chục năm lướt trên phím đàn, những viên đá thô sơ đã trở thành những hình ảnh sống động của làng quê, muôn thú, núi rừng… Mặc dù chưa khai thác hết những ưu điểm của chất liệu, nhưng các tác phẩm Cố lên, Chiều Bảy Núi, Lạc loài, Tĩnh và động, Bến lặng… của Phan Võ Hoàng Nam đã phần nào cho thấy sự đa dạng đó.

Tranh đá Bảy Núi không lấp lánh như tranh đá quý, chỉ có thể sử dụng gam màu trắng đen làm chủ đạo, thay vào đó tác giả chú trọng vào chiều sâu của các tác phẩm, để người xem tranh tìm thấy sự bình yên sau những bộn bề cuộc sống. Đặc biệt, ưu điểm lớn nhứt của tranh đá Bảy Núi là có thể giữ được màu sắc và độ bền với thời gian. Mỗi tác phẩm có thể bảo quản trong môi trường bình thường đến cả trăm năm.

“Một số người đề nghị nhuộm màu đá, nhưng tôi muốn sử dụng màu sắc nguyên thuỷ của đá Bảy Núi để làm nên nét đặc thù. Tôi mong mỏi chất liệu đá grannit có thể góp mặt với các chất liệu như vỏ tràm, lá thốt nốt, gáo dừa… để làm nên những bức tranh mang tính riêng biệt của địa phương. Qua đó, chất liệu này có thể góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của quê hương An Giang và đóng góp thêm một chút vẻ đẹp cho cuộc sống” - ông Hoàng Nam chia sẻ.

Tuy nhiên, hiện nay nghệ nhân Phan Võ Hoàng Nam gặp nhiều khó khăn để duy trì và phát triển loại hình nghệ thuật độc đáo nầy. Trước hết, khi tuổi tác càng cao, sức khỏe càng giảm, ông không còn thuận lợi trong việc lặn lội khắp các đồi núi để tìm đá, giã đá, ngồi hàng giờ để làm tranh… Bên cạnh đó, với đồng lương giáo viên eo hẹp, ông không có thể mở rộng quy mô sản xuất. Cuối cùng, do quy trình chế tác quá vất vả, tranh đá Bảy Núi chưa tìm được truyền nhân kế thừa. Hy vọng các ngành chức năng tại địa phương có phương án hỗ trợ để loại hình nghệ thuật đặc thù của vùng đất An Giang không bị mai một.

Có thể nói, tranh đá Bảy Núi là sự kết hợp giữa thiên nhiên vùng Thất Sơn kỳ bí với con người tài hoa Phan Võ Hoàng Nam. Đây không chỉ là một khám phá cá biệt của nghệ nhân, mà còn là một hướng đi mới cho mỹ thuật Tây Nam Bộ. Niềm đam mê, sự tận tâm với công việc, cộng thêm tài năng có sẵn đã giúp ông hoàn thành nhiều tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Qua những mảng màu của đá Thất Sơn, người xem dường như có thể hồi tưởng những ký ức về miền quê An Giang.

 




VĨNH THÔNG


Thứ Tư, 8 tháng 3, 2023

NGHĨ


Ngày đến
Mặt trời vẫn tinh khôi hạt nắng
Ngàn năm trôi
Soi rọi những phận người
Buồn ơi!
Vui ơi!
Chỉ là mây phiêu lãng
Cánh chim chiều trong buổi tàn đông


(Tháng ba trời còn se lạnh).



Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

NGÀY CUỐI NĂM


Ngày cuối năm

Nhành lan bung mầm kỷ niệm

Bỗng nghe như có tiếng chổi sân vườn

Mẹ lặng lẽ gửi tình vào đất

Dáng mênh mang nghiêng mây trắng bềnh bồng

 

Ngày cuối năm

Cội mai già của cha khoe sắc

Chồi non gieo từ độ xuân thì

Nối mạch đời

Đất trời miên viễn

Nụ hoa xuân trải rộng yêu thương

 

Chiều cuối năm

Cháu con quây quần canh nồi bánh tét

Bóng người xưa trong ánh lửa hồng

Thương chốn quê

Thương những mùa sang

Có Cha, Mẹ trong từng thớ đất

 

Chiều cuối năm

Con ngồi ở nơi tím màu hoa khế

Ngày tháng ơi! Đau đáu những dại khờ

Bạc mái đầu

Qua hơn nữa vòng sinh tử

Bỗng thèm ly trà ngâu cha ướp chiều xuân

 

Chiều 30 tết Quý Mẹo.

21/1/2023.