Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Góc quê xuân và mẹ

Ngày muộn.
Nắng vương trên lá cỏ.
Cánh én chao.
Hàng cau...Gió lao xao.
Chiều cuối năm nồi bánh chưng đỏ lửa.
Xuân năm nay vắng tiếng mẹ cười.

Bao mùa xuân
Mẹ dệt yêu thương.
Dệt những ước mơ.
Đôi tay gầy guộc,
chái bếp quen ngày mưa tháng nắng.
Khói chiều quê lãng đãng hồn quê.


Những dấu chân xưa...
Con chập chửng bước theo.
Gốc rạ, bờ tre. Con đường làng.
Nắng !
Mẹ cho con đôi chân. Ngày tháng.
Dấu chân chim. Mẹ hằn cả vào tim.

Bao mùa xuân kẻ ở người đi.
Chiều ba mươi mẹ vẫn canh nồi bánh
Bao mối lạt...
Nổi lòng của mẹ.
Tấm lòng quê chan chứa tình quê.

Luống hoa hiên nhà,
tết này không nụ.
Chiều cuối năm ai quét lá sân vườn.
Tiếng chổi tre.
Lời à ơi sâu thẳm.
Góc quê ơi ! thương lắm mẹ vai gầy.

Những con đường tuổi thơ. Đi qua
Ngang dọc chốn quê.
Lưng trâu dong ruổi.
Vắt cơm muối vừng ủ nóng tàu lá chuối.
Có vị mồ hôi và nước mắt mẹ tôi.

Lá trầu vàng.
Trái cau xanh héo úa.
Lễ tổ tiên cánh phượng bay xa.
Dòng sông trôi, con đò tách bến.
Con ngẩn ngơ .
Bờ lau trắng chiều xuân.

Mùa xuân này con lại về đây.
Góc sân vườn. Mẫu đơn bát ngát.
Nồi bánh chưng.
Lửa hồng...
Bóng mẹ.
Vẫn mênh mang một góc chiều quê.

những ngày cuối năm

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc: Triển lãm tranh đá Thất Sơn

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc: Triển lãm tranh đá Thất Sơn

Cập nhật ngày: 08/12/2010 07:03:24

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc vừa khai mạc triển lãm tranh đá Thất Sơn của tác giả Nguyễn Hoàng Nam - cộng tác viên Phân hội Mỹ thuật, giáo viên Trường THCS huyện Châu phú.

Từ nguồn nguyên liệu là đá granit của vùng đất Thất Sơn - An Giang, tác giả Nguyễn Hoàng Nam đã sáng tạo ra loại tranh đá cho màu sắc nguyên thủy, có độ bền cao và là dòng tranh thứ 2 sau dòng tranh đá quý (saphia) của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Để làm được tác phẩm, tác giả phác thảo tranh, chọn nguyên liệu, màu đá phù hợp sau đó rải bột đá lên nền tranh. 44 tác phẩm được tác giả giới thiệu lần này mang đến cho người xem những nội dung gồm: Phong cảnh thiên nhiên, lễ hội và sinh hoạt của con người vùng đất Thất Sơn, chân dung, mieu tả…

TẤN THÀNH (Phòng VH&TT TXCĐ

Nguồn: Báo An Giang Online (http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?id=271&newsid=27570)


Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Khai mạc triển lãm Tranh đá Bảy Núi lần 2


Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 05/12/2010, tại Nhà triển lãm Châu Đốc đã diển ra lễ khai mạc triển lãm tranh đá bảy Núi. đến dụ có nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-chủ tịch hội liên hiệp VHNT An Giang,cùng với các ban ngành thị xã Chau đốc, anh em văn nghệ sỹ của thị xã và bạn bè thân hữu.Trong đợt triển lãm này,mình giới thiệu 44 bức tranh đá Bảy Núi và chính thức ra mắt dòng tranh đá Bảy Núi. Triển lãm diển ra trong không khí khá ấm cúng, chân tình. Hôm nay post mấy tấm ảnh chia sẽ cùng bằng hữu. (đây là ảnh của Thanh Quang chụp cho mình trong loạt ảnh triển lãm)


Đọc bài phát biểu giới thiệu tranh đá



Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT An Giang - Nhà văn Đổ Phủ-Chủ tịch Hội văn nghệ thị xã Châu Đốc cắt băng khai mạc triển lãm

Từ trái sang : Nhà giáo Mai Việt Phú, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Nhà văn Tường Vân. Hoạ sĩ Đoàn Khải

Chụp ảnh với Trịnh Bửu Hoài

Nhạc sỹ Huỳnh Thưởng-Chủ tịch Hội Văn nghệ Châu Phú tặng hoa

Nhà văn Đoàn Văn Đạt phút ngắm tranh

Trả lời phỏng vấn của đài Truyền hình An Giang

Nhà thơ Trịnh Bửu hoài trả lời phỏng vấn

Một ly rượu cùng bạn bè thân hữu





xem tranh

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Câu thơ cho đời

trong cuộc đời của mỗi người làm thơ, có được vài câu thơ tâm đắc, được mọi người thuộc và nhớ đã là hạnh phúc lắm rồi. Còn nếu nó được lưu truyền, cắm rể vào trong dòng chảy của nền văn hoá đất nước, trở thành một thứ tài sản tinh thần chung của mọi người, thì đó quả là sự viên mãn quý báu mà cuộc sống dành cho nhà thơ. Muốn có được điều đó, thiết nghĩ ngoài cái tài sử dụng con chữ, nhà thơ cũng cần phải có cái tâm. Yêu thương cuộc sống, biết đồng cảm, biết lắng nghe, và quan trọng nhất là hoà nhịp vào sự rung động của cuộc sống, để từ đó có những câu thơ thổn thức cho đời.

Làm sao không nhớ đến Hàn Mặc Tử khi đọc hai câu thơ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, hay khi đọc Cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, nào hay ở mãi đến hôm nay, thì chắc ăn hình ảnh của lão thi sĩ cuồng Bùi Giáng sẽ hiện ra ngay trong đầu ta...Trong đời sống văn học Việt Nam, có biết bao thi sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình bằng những câu thơ xuất thần, đậm tính nhân văn. Về An Giang, khi đọc hai câu thơ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, có ai trong chúng ta không nhớ đến nhà thơ Phạm Hữu Quang. Một nhà thơ đất Bắc đọc xong hai câu thơ của Phạm Hữu Quang đã thốt lên rằng, chỉ với hai câu thơ ấy cũng đáng mặt nhà thơ.

Đối với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã chuyền tay nhau những bài thơ tình của anh, chép vào lưu bút ...cho bạn gái. Những câu thơ như:

Tên của tôi người đi xin đừng nhắc

cứ xem tình như máu chảy ra sông,.....

hay

Thiên đường ta là chiều thơ sớm nhạc

Nhạc chưa tàn mà buồn vướng trên mi...

hoặc

Một ngày ví với thiên thu

Một đời ví với phù du thật buồn….

Có thể nói anh có nhiều câu thơ hay, đọng lại trong lòng người đọc và chắc chắn một điều là nó gắn liền với tên tuổi của anh. Nhưng có lẽ với hai câu thơ Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, Quê nhà một góc nhớ mênh mông, thì anh thật sự đã làm tròn sứ mệnh của người làm thơ. Chỉ cần gõ vào google từ khoá Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, có vô số trang Wed, trang Bloge xuất hiện hai câu thơ ấy. Khi thì là câu tiêu đề, khi là câu đại diện thay cho hình ảnh. Nhiều nhất có lẽ là các bạn trẻ sử dụng làm chữ ký để trao đổi trên các diễn đàn. Có lẽ tầng suất xuất hiện của hai câu thơ ấy trên mạng cao hơn tất cả những câu thơ tiếng Việt đã dược đưa lên không gian ảo. Trong cuộc sống thường nhật ta cũng bắt gặp hai câu thơ ấy xuất hiện mỗi khi đến dịp lễ tết. Cầm trên tay hộp quà có in hai câu thơ ấy, có người xa quê nào mà không khỏi chạnh lòng, không khỏi những hoài niệm. Trong chuyến ghé thăm Bản Đôn, tôi lại bắt gặp một bức tranh gò đồng hai câu thơ ấy. Tôi hỏi người bán tranh có biết thơ của ai không. Ông trả lời với vẻ thật hiểu biết - thơ dân gian ấy mà !

Hai câu thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài không hề mang tính triết lý cao siêu hay ẩn chứa những tư tưởng lớn có tính minh triết cho đời sống. Chỉ là hai câu thơ bảy chữ, tạo thành một cặp đối chỉnh chu với đề tài tình yêu quê hương đất nước. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra những câu thơ gần như thế về đề tài quê hương đất nước thật hay của các tác giả khác. Tuy nhiên khi đọc lên, ta luôn thấy nó gắn với một tên tuổi, nó vẫn là một thứ riêng tư của một ai đó, mặc dù nó cũng khiến bao người thổn thức, bao người rung động. Còn với hai câu thơ đã nêu của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, người ta không đọc nó lên để thưởng thức, để tâm đắc, mà nó vang lên như một tiếng lòng, như một niềm khắc khoải được kết lại thành vần trong mỗi người. Hai câu thơ giản đơn lại có sức sống bền vững, bắt rễ vào trong vốn văn hoá của dân tộc, làm giàu thêm tình cảm của con người Việt Nam.

Có được thành công như thế, điều đầu tiên chính là sự mộc mạc dễ hiểu, dễ nhớ. Không có một từ ngữ nào ẩn dụ, đánh đố dù với người đọc bình dân. Nhưng yếu tố quan trọng nhất ở đây chính là nội dung của hai câu thơ đã chạm đến một góc thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam : Quê Hương. Dù đi đâu ở đâu, thì đối với người Việt, quê hương vẫn là nơi thân thương nhất, gắn bó máu thịt từ cái thuở "chôn nhau cắt rốn". Hai câu thơ như một sự giãi bày cho tình cảm với quê hương,với đất nước ẩn chứa trong tâm hồn của mỗi người Việt. Ai trong chúng ta không muốn tìm lại những gì thân thương nhất, gần gủi nhất mỗi khi tâm hồn lắng lại, sau những bon chen, sóng gió cuộc đời. Trong những ngày lễ tết cổ truyền, nỗi nhớ về một nơi mang nhiều kỷ niệm gắn liền với một thời tuổi thơ lại càng da diết hơn, càng khắc khoải hơn. Phải ở trong hoàn cảnh mịt mùng viễn xứ ngày cuối năm, mới thắm thía được cái "nhỏ hẹp" của "đất khách" cho dù có trời cao, đất rộng, thênh thang trăm lối. Cái nhỏ hẹp ở đây chính là sự ngột ngạt, chật chội trong cảm giác bị vây hãm bởi sự đối phó với hoàn cảnh sống, trong một khung cảnh không hề chứa dựng những hoài niệm để có thể xoa dịu những nỗi niềm. Chỉ một góc quê nhà, nhưng ở đó mọi vật, mọi nơi đều có tên riêng của nó, đều gắn liền với một thời êm đềm nhất, hạnh phúc nhất. Còn chốn bình yên nào có thể hơn được cái góc quê có dòng sông nhỏ với chiếc cầu nối liền hai xóm, hay cái xóm nhỏ hiền hoà có bến đò ngang với luỹ tre làng quanh năm xanh biếc...Cuộc sống hối hả bon chen, cuốn mọi người vào nhịp điệu của nó. Một nơi chốn để có thể xoa dịu những nỗi đau, để cân bằng tâm hồn mỗi khi cuộc đời nổi cơn sóng gió chính là nỗi khát khao cháy bỏng của tất cả mọi người. Hai câu thơ không chỉ như một lời khắc khoải vang lên từ trong đáy lòng của mỗi người, mà nó còn là niềm chung của tất cả mọi người mỗi khi ký ức ùa về ngồn ngộn những niềm riêng.

Nhà thơ đã cụ thể hoá cái nơi để ta nhớ , đưa ta về một góc trời riêng tư mà chỉ mỗi người với những trãi nghiệm bản thân mới thấy cái "mênh mông" của chốn cũ, nơi mà gặp nhau hàn huyên chuyện đời, nói hoài chẳng hết. Nỗi nhớ quê hương được nhà thơ cô đọng lại trong một không gian vừa đủ chứa đựng những hoài niệm riêng tư cho mỗi người. Chỉ một góc quê nơi có cây cà na rụng đầy trái chín mỗi độ con nước ngấp nghé hiên nhà, chỉ một góc thôi chiếc cầu chiều nào mẹ cũng ngồi giặt áo...Tình yêu quê hương, đất nước không thể là thứ tình cảm chung chung, không có những liên hệ “máu thịt” với cuộc sống của mỗi cá nhân. Tình yêu quê hương chỉ thật sự mãnh liêt khi nó được gắn liền với những hồi ức, những kỷ niệm in đậm trong ký ức về một nơi chốn thân quen, chứa đựng những tình cảm chân thành.

Ai chảng thấy cái nỗi “nhớ mênh mông” kia khi phải bôn ba nơi “đất khách muôn trùng”, khi phải rời xa cái góc quê nhà để mưu cầu hạnh phúc. Hai câu thơ đã nói dùm cái điều luôn hiện hữu trong lòng, nên khi đọc lên, cái tình cảm lâu nay cất giấu bỗng chốc bùng lên đánh thức những k niệm ngủ yên đâu đó trong cõi lòng. Ta chỉ còn tự tình với những nỗi niềm của chính mình. Mọi liên hệ với hai câu thơ đều nằm trong những hoài niệm và tất nhiên sự liên hệ đến tác giả cũng khó mà xuất hiện khi tình cảm đang xao động và được hướng về một góc riêng. Câu thơ thật dể nhớ, dể thuộc. Người ta truyền cho nhau như một câu ca dao mà ông cha đã đúc kết từ tình cảm bao đời đối với quê hương, đất nước. Hai câu thơ giờ đây đã trở thành tài sản của mọi người, hoà vào trong tâm linh của con người Việt, góp phần giữ cái ngọn lữa tình yêu quê hương đất nước luôn âm ỉ cháy trong một nơi thiêng liêng nhất. Đâu có ai có thể xem tâm sự ấy chỉ là của riêng mình khi mà ai cũng có "một góc quê nhà" để thương, để nhớ. Hai câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng lại lột tả được tâm tình ẩn chứa bao đời nay trong tâm thức của những con người luôn yêu thương và sẳn sàng hy sinh để bảo vệ đất quê. Phải là một sự rung động chân thực trước cuộc sống từ một trái tim chân thành và một tình yêu quê hương sâu đậm mới có thể có những từ ngữ giản đơn nhưng chứa đựng những tình cảm, những giá trị nhân văn, làm đẹp thêm tâm hồn Việt.

Có lẽ nhà thơ Trịnh Bửu Hoài chẳng nhận được xu nào từ những chủ cơ sở bánh kẹo, cơ sở thủ công mỹ nghệ hay cả những anh chàng viết thư pháp khi họ sử dụng thơ của anh. Đơn giản là họ cũng chỉ nghĩ rằng mình đang sử dụng thơ dân gian ! Nhưng cái anh nhận được ở đây thì không có tiền nào có thể mua được, hay thứ của cải nào đánh đổi được. Đó là hạnh phúc của những người làm nghệ thuật khi đứa con tinh thần của mình, được cuộc sống tiếp nhận rồi nuôi dưỡng để từ đó nó bắt rễ vào trong vốn văn hoá của dân tộc, ghi dấu trong đời sống tinh thần của bao người. Như con tằm rứt ruột nhả tơ, nhưng những sợi tơ giờ đây không còn là tơ tằm mà trở đã thành tơ lòng lóng lánh v đẹp tâm hồn. Với hai câu thơ ấy, anh đã hoàn thành sứ mệnh của người làm thơ, mang cái chân thiện mỹ đóng góp vào nền văn hoá dân tộc. Có thể khi đọc hai câu thơ, chẳng còn ai nhớ đến tên Trịnh Bửu Hoài, nhưng điều này thì có ý nghĩa gì cơ chứ. Vấn đề là hai câu thơ vẫn sẽ sống mãi trong lòng mọi người, vẫn sẽ hoà vào trong tâm tư tình cảm của bao người vì có ai trong đời mà không môt lần cảm nhận Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp. Quê nhà một góc nhớ mênh mông.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Triển lãm tranh đá Bảy Núi - lần 2 năm 2010


Vậy là sau gần hai năm-tháng 2-2009, kể từ ngày giã đá làm bức tự hoạ đầu tiên. Hai năm cật lưc lao động, tập trung thời gian, tiền bạc để thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển tranh đá Bảy Núi, thành một dòng tranh trang trí đặc thù của An Giang. Ngày chủ nhât, 05/12/2010, mình sẽ khai mạc triển lãm tranh, chính thức giới thiệu và ra mắt tranh đá Bảy Núi, tại nhà triển lãm thị xã Châu Đốc. (Khai mạc lúc 8 giớ sáng, đơn vị tổ chức là hội Văn học nghệ thuật Châu Đốc). Trước mắt xem như mình đã đi được một chặng đường, nhưng chỉ là chặng khởi động. Để đưa tranh đá Bảy Núi vào đời sống, phát triển thành một dòng tranh có tiếng nói riêng, tạo được chổ đứng trong lòng người thưởng ngoạn xem ra không giản đơn chút nào. Con đường phía trước thật sự nhiều thử thách đối với một người không nhiều tài và lưc như mình. Sự khởi đầu nào cũng thật khó khăn, không biết liệu đồng lương ông giáo của mình có đeo nổi điều mình ấp ủ hay không. TQuang bảo thuận theo tự nhiên. Mình cũng nghĩ thì cứ dzậy đi, tận nhân lưc mới tri thiên mạng.
Rất mong quý bạn bè thân hữu gần xa ủng hộ cho triển lãm và tranh đá Bảy Núi

Tờ rơi cho triển lãm tại Châu Đốc
(in hai mặt)


Cố lên
Khổ 42 cm x 62 cm


Hoa
Khổ 30 cm x 40 cm



Thiếu nữ
Khổ 30 cm x 40 cm