Thứ Sáu, 12 tháng 3, 2010

Tình chỉ là duyên

Người lại về,
từ bên kia vùng ký ức.
Hai mươi năm, một nửa vòng đời.
Tưởng con thuyền mãi xuôi biển rộng.
Cánh buồm xưa mờ mịt trong mơ.


Người lại về,
khẽ chạm vào góc khuất
Nơi ngủ yên của những tàn phai
Những niềm riêng chôn kín một đời.
Bỗng nhức nhối nỗi đau da thịt

Cứ ngỡ nước trôi xuôi,
thuyền xưa về bến.
Nào hay đâu giông tố giữa dòng.
Ta làm kẻ chinh nhân
Người về lối cũ.
Đêm có nghe nhãn rụng sau vườn.

Hai mươi năm mắt còn buồn !
Bức chân dung em,
đêm mưa nguồn thác lũ
Mảnh trăng xưa cất vào tim đau nhói,
Lạc mất em hun hút giữa đêm rừng.

Ta dấu đời mình vào mảng đen, mảng trắng.
Tháng năm trôi xuôi ngược bao dòng .
Thả đôi tay trơn tuột lợi danh.
bờ bến cũ mịt mờ xứ lạ.

Bao nhiêu năm, không về chốn ấy.
nắng đã phai, bóng khế rũ quanh thềm..
Có bao giờ trở giấc nửa đêm,
nghe lại tiếng đàn xưa thổn thức.

Ta gặp nhau ở giữa con đường.
Như chim én một lần qua sông rộng
Sao vô tình để quên chiếc bóng.
giữa dòng trôi bao nỗi thăng trầm.

Tình là duyên, hợp tan bọt nước.
Giọt sương mai lóng lánh cỏ mềm.
Chẳng nợ chi nhau cũng câu hò hẹn
Mong mùa xuân nắng ấm cuối con đường.

12.3.10
Trời nóng quá, mong một đám mưa.
sửa lại một câu

Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Hội thi Giáo viên giỏi Tỉnh An Giang


Chủ tọa đoàn của buổi lễ khai mạc

Sáng ngày 03-3-2010, tại nhà thi đấu đa năng của trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, đã diễn ra lễ khai mạc Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2009-2010, do sở Giáo Dục và Đào Tạo An Giang tổ chức. Đến dự lễ khai mạc có bà Phan Ngọc Trinh-Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang, ông Diệp Thành Long - Trưởng phòng Giáo dục trung hoc-trưởng ban tổ chức cuộc thi, cùng với hơn 300 giám khảo và thí sinh trong đợt thi này. (mình cũng được mời làm giám khảo nữa đó)
Hội thi giáo viên giỏi là một hoạt động thường niên của ngành giáo dục An Giang . Đây là một sự cố gắng của nhằm nâng cao chất lượng của giáo viên, hướng đến mục tiêu xây dựng một đội ngủ giáo viên có đủ tâm lẫn tài, đáp ứng cho những yêu cầu trong tình hình cả nước xây dựng một nền giáo dục ngang tầm với khu vực.
Khác với mọi năm, năm nay ngoài phần thi thực hành giảng dạy, mỗi thí sinh dự thi còn phải làm bài thi phần lý thuyết. Được biết năm học này Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức hội thi Viên phấn vàng, nên trong thể lệ dự thi có thêm phần thi lý thuyết.


116 vị giám khảo của hội thi


Và 217 thí sinh dự thi đợt này


Tặng hoa cho đại diện các tổ chấm thi


Tặng cờ cho đại diện các Phòng Giáo Dục và các trường THPT

Hội thi giáo viên giỏi là một hoạt động chuyên môn rất thiết thực và bổ ích cho giáo viên cũng như cho ngành Giáo Dục. Năm nay có 217 giáo viên dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, có nghĩa là trong hai năm qua ngành giáo dục an giang có 217 giáo viên giỏi cấp huyện (và giỏi cấp tỉnh của những của những năm trước nữa chứ). Nếu số giáo viên giỏi ấy phát huy hết được khả năng của mình, có lẽ ngành giáo dục An Giang đã khởi sắc từ lâu rồi. Để được tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, mỗi giáo viên phải trãi qua quá trình 2 năm giỏi cấp trường, 2 năm giỏi cấp huyện, có nghĩa là đến năm thứ năm mới được làm thí sinh thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Trong 4 năm ấy, những giáo viên tham gia thi GV giỏi phải cố gắng thật nhiều trong chuyên môn. Phải có sáng kiến kinh nghiệm, phải đạt những danh hiệu thi đua theo quy định...và cũng phải biết giữ mình. So với một giáo viên không dự thi, thì người muốn làm giáo viên giỏi phải đầu tư nhiều hơn từ thời gian, công sức, chất xám...nghĩa là cực hơn nhiều. Thế nhưng việc đãi ngộ lại làm nản lòng những người đạt danh hiệu. Ở cấp huyện, đạt giáo viên giỏi được thưởng 300 và giấy khen, còn cấp tỉnh thì 500 và bằng khen. Tiền thì chỉ đủ đãi bạn bè nhậu cốc ổi, giấy khen thì để đầu giường mà gậm nhấm niềm vui. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, liệu có đủ kích thích giáo viên phát huy hết công suất để được tiếng là giáo viên giỏi. Còn quyền lợi thì khác chi những giáo viên bình thường. Mác nói Vật chất quyết định ý thức. Ở trong bất cứ một hoạt động nào thì giữa cung và cầu phải đảm bảo một sự tương quan nhất định. Tại sao các công ty tư nhân lại thu hút được nhiều người giỏi về làm việc. Vấn đề là họ được đánh giá đúng với thực chất năng lực của họ thông qua các chính sách đãi ngộ. Với đồng lương hiện tại, có giáo viên nào mà không phải xoay xở thêm để trang trãi cho cuộc sống. Nếu sau 5 năm cố gắng giáo viên đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh, có được những đãi ngộ mà trước tiên là phải khác với giáo viên không có danh hiệu, thì người giáo viên giỏi mới cảm thấy được kích thích, cảm thấy mình được đối xử công bằng ( cho những cố gắng trong hoạt động giảng dạy). Như thế họ mới có thể cố gắng để xứng đáng với danh hiệu và cả những ràng buộc về quyền lợi. Chính việc đãi ngộ quá thấp như thế, thông thường các GV chỉ tập trung cố gắng cho các lần thi các cấp. Thời gian còn lại họ cũng chẳng phát huy được gì trong giảng dạy,. Mà mục tiêu của ngành là sự phát huy khả năng sau cuộc thi mà. Đa phần giáo viên đi dự thi với nghĩ suy thi thì phải thi vậy mà. Vì không thể không thi. Nó là một trong tiêu chí đánh giá, xét thi đua cuối năm.
Hôm dự khai mạc, giờ giải lao, tôi đem ý kiến này trình bày với một số anh em trong tổ chấm thi. Nghe xong một vị chức sắc của ngành GD Châu phú có mặt phán một câu chắc nịch Giáo viên là phải có tâm, đâu thể đòi hỏi vật chất, mà phải luôn phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục. Tôi không dám phản biện chút nào ! Ngay cả cái nền kinh tế định hướng XHCN còn phải thị trường hóa, huống hồ là những vấn đề liên quan đến đời sống con người. Làm sao có thể còn cách nghĩ của một thời mặc quần xà lỏn bắn AK.
Bên cạnh vấn đề đãi ngộ, thì cơ sở vật chất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của người GV. Dự thi thì chuẩn bị đầy đủ, từ những đồ dùng dạy học đến sự hổ trợ của công nghệ thông tin. Nhưng khi về trường giảng dạy thì những thứ ấy đâu phải trường nào cũng được như trường chuyên Thoại Ngọc Hầu. Vạy là đành trở lại với cách dạy chay truyền thống. Như vậy làm sao phát huy được tối đa khả năng của các giáo viên giỏi.
Vấn đề là phải đồng bộ, từ sự đãi ngộ đến những điều kiện hổ trợ giảng dạy. Đó chính là môi trường tốt nhất để những giáo viên giỏi cố gắng phát huy tối đa khả năng của mình, xứng đáng với những đãi ngộ mà mình được nhận. Có như thế Hội thi giáo viên giỏi mới đạt được những mục tiêu đạt ra.

Thứ Ba, 2 tháng 3, 2010

Đêm Thơ Nhạc huyện Châu Phú

Trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng ngày Thơ Việt Nam, đêm Nguyên Tiêu- 28-02-2010, tại nhà hàng Hoa Cau, Chi hội Văn Học Nghệ Thuật Châu Phú đã tổ chức đêm thơ nhạc, giới thiệu các tác phẩm thơ nhạc của anh chị em Hội viên sáng tác trong năm qua. Đến dự có Nhà văn Mai Bửu Minh-Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT An Giang, ông Nguyễn Văn Giữ trưởng ban tuyên huấn huyện ủy Châu phú, cùng với khoảng năm chục người trong đó có một nữa là hội viên.
Đêm Thơ Nhạc đã diễn ra trong một không khí thân tình và đầm ấm. Các Hội viên lần lượt lên trình bày các tác phẩm của mình. Mặc dù những giọng đọc, giọng ngâm còn ngượng ngịu, còn chưa được hay lắm, nhưng cái chính là được chia sẽ, được giao lưu cùng nhau trong không khí chân tình và cởi mở. Ở phần nhạc, giọng hát Minh Điểm với bài Chiều Long Châu của Quang Kỹ, và Hoàng Nguyên với bài Ru Người một giấc-nhạc Nguyễn Hoàng nam, thơ Đặng Phi Vũ đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng người nghe. Đêm thơ nhạc còn có thêm phần giới thiệu Thư pháp của Phan Võ Hoàng Nam ( số thư pháp rút từ triển lãm ở Tỉnh về) càng làm cho không khí của đêm thơ nhạc thêm màu sắc.


Nhạc sĩ Huỳnh Công Thưởng-Hội viên Hội LH VHNT An Giang-Chi hôi trưởng Chi hội VHNT Châu Phú phát biểu khai mạc.

Số lượng người dự không đông, nhưng không khí thật thân tình và ấm cúng.



Cô giáo nhà thơ Thanh Nga - Ngâm bài thơ Nguyên Tiêu của Chủ Tịch Hồ Chí Minh Đỗ Ngôn - Hội viên Hội LHVHNT An Giang thổi sáo trúc Hoàng Nam sử dụng Keyboad


Nhà Thơ Thảo Vi - Hội viên Hội LH VHNT An Giang làm MC cùng với...mình.


Nhà Văn Đoàn Văn Đạt - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam Hội viên Hội LH VHNT An Giang ngâm bài thơ mới sáng tác của anh.


"Nhạc sỹ" trẻ Phan Hoàng Nguyên giới thiệu bài hát sáng tác đầu tay của mình.


Nhà thơ Nhí Hà Nhật My My đọc bài thơ mới sáng tác của mình.


Tặng Anh Tám Đạt bức thư pháp hai câu thơ của anh
Gom bao mối chỉ trên đời lại
Đo được chăng lòng mẹ thuở nào



Thứ Hai, 1 tháng 3, 2010

Triển lãm Thư pháp

Vậy là sau bao nhiêu chuẩn bị, cuối cùng thì triển lãm Thư pháp của mình cũng được khai mạc. Có thể nói Hội LH VHNT Tỉnh An Giang đã có những giúp đở đáng kể để tôi có thể khai mạc triển lãm thư pháp của mình trong đêm thơ Nguyên Tiêu. Mặc dù tôi chưa dành cho nó hết những tiềm lực của mình do những lý do riêng tư, nhưng đối với triển lãm thư pháp lần này, tôi cũng đã dành nhiều thời gian và tâm huyết. Điều tôi chú trọng trong lần triển lãm này, là sự thử nghiệm những nghĩ suy của mình về thư pháp chữ Việt, một bộ môn còn khá mới mẽ. Nói đến thư pháp, người ta liền nghĩ ngay đến chữ Hán và thường cố gắng viết sao cho giồng chử Hán. Trong đợt triển lãm này, tôi hầu như không dùng các nét sổ, nét mác - kỷ thuật viết thư pháp chữ Hán- mà chủ yếu sử dụng những đường cong, đường tròn - đặc thù chữ la-tinh - để tạo nên sự mềm mại. Bên cạnh tôi sử dụng chính con chữ thường nhật của mình làm chủ đạo để có được sự riêng tư. Bước đầu, đã được bạn bè, thân hữu gần xa chấp nhận và khuyến khích. Nhận được những phản hồi để có thể nhận ra điều gì cần khắc phục, điều gì cần phát huy, đó là mong mỏi lớn nhất của tôi.

Sự kết hợp giữa Thơ và Thư pháp quả là đẹp đôi nếu không có mấy chú " bồ hong" không mời mà tới. Sau khai mạc chỉ hơn nữa tiếng, cả dãy thư pháp bị những chú bồ hong bu kín, có muốn tới thưởng lãm một tí cũng không chịu nỗi. Tội nghiệp ông anh nhạc sỹ Đổ Triệu An, đọc được mỗi bức một ngày rồi cũng phải rút ra khỏi đó. Bạn bè xem truyền hình trực tiếp thì thắc mắc, sao giới thiệu thư pháp triển lãm cùng lúc với đêm thơ mà không thấy một khung hình nào cả. Bồ hong dầy đến nổi ống kính truyền hình cũng chào thua. Cũng hơi đáng tiếc. Để giới thiệu trong đêm thơ nhạc của Chi Hội Văn học nghệ thuật Châu phú đêm rằm, tôi đã chuyển tất cả thư pháp về Châu Phú trong đêm. Sáng ra lại nghe điện thoại của bạn bè ở Long Xuyên hỏi sao đâu mất hết rồi, đêm hôm không xem kỹ được định sáng tới xem cho đàng hoàng. Thôi đành hẹn lại vậy.




Chuẩn bị cho triển lãm, đến 12 giờ trưa mới xong


Pano giới thiệu tác giả


Vài lời phát biểu khai mạc

Nhận hoa do Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-Chủ tịch Hội LH VHNT An Giang trao tặng.