Thứ Bảy, 24 tháng 5, 2008

Hè...và tuổi thơ tôi.

Hè lại về ! Mặc dù đã quá quen thuộc với chuyện " mỗi năm đến hè ",nhưng khi những cây phượng vĩ trên sân trường rực đỏ một màu hoa, khi tiếng ve râm ran đâu đó trên cành me tây tôi lại thấy có chút gì bồi hồi xúc động. Những ngày hè tuổi thơ sao mà thật tuyệt vời. Không có những lo toan cho cuộc sống thường nhật, không có những trăn trở nghĩ suy. Chỉ có những ngày rong chơi, khám phá thế giới xung quanh, tìm hiểu thiên nhiên và cuộc sống quanh ta. Thật thú vị biết bao khi ta là trẻ thơ mà lại được nghĩ hè nữa cơ chứ. Không cần phải thức khuya gạo bài sử của thầy Thịnh, củng không hồi hộp mỗi khi cô Khánh Hoà dạy tiếng anh gọi lên bảng, có thể cho phép mình dậy muộn một tí, và củng có thể rong chơi đâu đó vài hôm với bạn bè. Những ngày hè lại được về quê thăm nội, thăm ngoại, thăm cô , cậu, chú, dì .... Về quê với bao nhiêu thú vui dã ngoại, điều đó thật sự cuốn hút tôi mỗi khi hè đến, năm nào cha tôi củng cho anh em tôi về quê nội chơi cả tuần. Với tôi những chuyến về quê chơi trong những ngày hè đã trở thành những kỷ niệm khó quên gắn liền với một thời thơ dại, nó củng là chút hành trang mà tôi mang theo trong suốt cả cuộc đời.

Quê nội tôi ở giồng Ông Tỏ thuộc xã Kiến An, Chợ Mới ( bây giờ chỉ cần 2 tiếng đi xe máy là tới) có xa xôi gì đâu, nhưng mỗi lần hè về quê nội, với tôi là cả một chuyến hành trình đầy khám phá. Hồi đó đường xá không tốt, vã lại cũng không có nhiều phương tiện như bây giờ. Muốn đi về nội phải đón đò dọc Châu Đốc - Hoà Hảo, qua Vàm Nao ghé đầu kinh Sáu Nhựa, rồi lội bộ vào giồng Ông Tỏ. Tôi lại thích được đi bằng ghe tam bản do cha tôi chạy bằng máy đuôi tôm hơn. Thông thường thì cha tôi phải canh con nước vừa bắt đầu lớn là xuất phát,làm sao khi ghe chạy xuống tới vàm Bánh lái thì nước cũng vừa đầy mà, ghe mới đi được vào con rạch nhỏ. Có những hôm đi bị mưa gió, mặt sông nổi sóng, khi ngang qua Vàm Nao, chiếc tam bản do cha lái chạy chậm chạp, thận trọng cắt ngang những con sóng. Sợ nhất là những chuyến về ghe chở đầy tre mà lại gặp sóng to gió lớn khi đi qua Vàm Nao. Cứ mỗi lần có một con sóng kéo tới đập vào mũi ghe,nước bắn tung toé, tôi lại thấy giật thót tim. Cha tôi thì vẫn bình thường, không thấy ông có vẽ gì lo lắng. Chạy ghe khoảng hơn hai tiếng thì chúng tôi đến vàm Bánh Lái, nơi cửa sông đi vào con rạch, con đường thuỷ khó khăn đi vào giồng Ông Tỏ. Con rạch chỉ rộng khoảng độ ba bốn mét, ngoằn ngoèo uốn lượn chạy song song với con đường đất nhỏ. Có những đoạn, ghe đi sát vào những bếp nhà ven rạch, có thể nhìn rỏ cả những món ăn đạm bạc trong buổi cơm chiều làng quê của một gia đình nông dân sau một ngày làm việc. Tôi không biết mặt ông bà nội, Ông bà đã mất từ khi cha chưa đến tuổi lập gia đình. Cha nói ông nội con sinh năm 1871-tân mùi- còn bà nội thì nhỏ hơn vài tuổi. Cha tôi là con út trong gia đình có mười ba người con. Ông nội tôi mất năm 1945 hai năm sau, 1947 thì bà nội mất, khi ấy cha tôi mới mười bảy tuổi. Khi tôi bắt đầu biết thì những cô bác đã qua đời nhiều, trong mười ba anh em chỉ còn lại bốn người, cha tôi,bác sáu,bác mười và cô mười một. Có lẽ trong mấy anh em còn lại cha tôi và Bác Sáu thương nhau hơn cả, lần nào về quê chúng tôi củng ở nhà ông. Cha nói bác Sáu là người giống nội nhiều nhất. Lần đầu gặp ông tôi đã thấy yêu mến và kính trọng ông. Bộ râu trắng không rậm lắm, cặp kính lão và dáng người thanh mãnh cùng với phong thái điềm đạm từ tốn, hồi đó mỗi lần gặp ông tôi đều có cảm giác như ông là ông tiên vừa bước ra khỏi truyện cổ tích. Vợ chồng bác Sáu chỉ có một người con gái gã bắt rể nên với số đất ruộng ông nội chia, ông hoàn toàn không lo nghĩ đến chuyện miếng ăn. Vã lại ông củng không đòi hỏi gì nhiều trong cuộc sống, ông nối nghiệp nội tôi bốc thuốc nam miễn phí cho dân trong vùng. Những hôm trời mưa hoặc không đi chơi,tôi thích ngồi chặt thuốc nghe bác Sáu kể chuyện về dòng họ, về làng quê giồng Ông Tỏ. Giọng ông hiền từ và ấm áp vang lên trong khung cảnh thanh bình của một miền quê nghèo. Những câu chuyện của ông thật gần gủi vì đó chính là những mẫu chuyện của dòng tộc, của bà con chòm xóm xung quanh. Ở mỗi câu chuyện ông đều rút ra những triết lý sống, những cách xử thế sao cho phải đạo làm người. Tôi đã học được tình yêu quê hương, tình yêu thương con người từ những câu chuyện ấy.

Hồi ấy giồng Ông Tỏ còn là vùng sâu xa của chợ mới, vào trong giồng chỉ có một con đường đất nhỏ mùa mưa lầy lội, phương tiện đi lại khó khăn, nên cuộc sống hầu như rất biệt lập và yên tỉnh. Bỏ xa những ồn ào náo nhiệt của chốn phố chợ, buổi sáng thức giấc trong cái không khí tỉnh lặng của chốn đồng quê, tụ dưng cảm thấy lòng mình thanh thản lạ. Trong cái yên ắng nhẹ nhàng, tôi như hoà mình vào hơi thở của ban mai thanh bình quê nội. Tiếng những con chim tíu tít trong vườn tre, tiếng lục lạc của mấy chú bò nhởn nhơ tìm những bụi cỏ non bên bờ ruộng, tiếng con gà mái tìm ổ đẻ cục tác hoà vào tiếng cười đùa vô tư của lủ trẻ, tạo nên một khúc nhạc quê mộc mạc giản dị mà sâu lắng ngọt ngào. Buổi sáng vùng quê không khí thật trong lành, tĩnh lặng. Mùi rơm mục ngai ngái, mùi khói bếp cay nồng, mùi hăng hăng của đất và cả cái mùi phân bò chưa oai trong vườn tre, tất cả hoà quyện lại với nhau tạo nên một mùi đặc trưng riêng biệt. Ngày mới ở quê thanh bình và gần gủi. ta như cùng thở với thiên nhiên, cùng đắm mình trong nắng sớm ấm áp, cảm nhận được một sự thân thiết gắn bó với chốn làng quê, nơi mà những thế hệ trước tôi sinh ra và lớn lên. Ở đó hồn quê Việt Nam thật sự sáng trong, con người và thiên nhiên thật gắn bó và chân tình xiết bao.

Mới hơn tám giờ sáng một tí là đã thấy dọn cơm cho cả nhà."Bửa trưa đó em, ở quê không ăn sáng nên làm cơm ăn sớm rồi ai đi làm gì thì đi " Chị hai Khuya con bác Sáu giải thích với tôi khi tôi hỏi đây là bửa trưa hay bửa sáng . Ăn cơm xong củng là lúc mọi người bắt đầu công việc của mình. Chả có gì để gấp gáp ! Cả con gà mái già củng đủng đỉnh dắt đần con kiếm ăn quanh vườn. Còn tôi nháy mắt với mấy đứa cháu rồi vù ra sau vườn, bọn chúng nó đã chuẩn bị đồ nghề : dàn ná và đạn đất sét vo tròn. Hôm nay chúng tôi đi săn trong vườn tre. Ở quê, tôi là con của ông Út nên những người đồng vai phải lứa trong họ hầu như đã gìa, thôi thì đành đi chơi với cháu ngoại cháu nội của họ vậy. Mỗi lần về quê nội, tôi luôn thích thú khi được mấy đứa cháu dắt đi bắn chim trong vườn tre. Với một đứa trẻ lớn lên ở phố chợ như tôi, những buổi dã ngoại như thế thật sự thú vị. Tôi như được khám phá một thế giới mới, tôi tự tưởng tượng như mình đang trong một chuyến thám hiểm rừng già với nhiều sự hấp dẫn như truyện tranh Mowgli. Vườn tre không rộng lắm nhưng kéo dài từ nhà bác Sáu đến tận vườn củ của ông nội, gần sáu bảy trăm mét. Những bụi tre già xum xuê đầy gai, mọc san sát nhau, có nơi có đường để di ,củng có nơi phải vạch gai tre, thận trọng từng chút một, len lỏi tìm bắn những chú chim nghĩ trưa trong vườn .Vườn tre này do ông nội tôi trồng thời ông còn trai trẻ,đó là những năm đầu của thế kỷ hai mươi. Đến khi ông qua đời, ông chia đều cho những người con, cha tôi củng có một phần. Vườn tre vẫn thế ngày càng um tùm hơn, chỉ khác trước là nó đã được đánh dấu sở hữu từng phần của từng người cô, bác. Cả ngày trong vườn tre hầu như không có nắng rọi xuống, không gian mát rười rượi. Những thân tre già vươn cao rồi phủ đọt xuống, cành nhánh đan vào nhau che kín mặt đất. Buổi trưa vườn tre yên tỉnh vô cùng, chỉ có tiếng xạc xào của lá, tiếng kẽo kẹt của những thân cây cọ xát vào nhau mỗi khi có gió thổi qua. Lũ chim sâu tíu tít bắt những con côn trùng trong đám lá tre dày đặc, tiếng con chim gỏ kiến đều đặn cần mẫn gỏ vào thân tre, tiếng một đôi chim cu rĩa lông cho nhau kêu gru..gru..trên ngọn tre. Tất cả những thứ đó với tôi thật sự lạ lẫm. Tôi như có cảm giác mình khám phá thêm được những thú vị của cuộc sống quanh mình, những mệt mõi sau những ngày học tập dường như tan biến. Với tôi thì việc bắn chết một con chim bằng ná là điều chỉ có trong giấc mơ, nên chủ yếu tôi chỉ ăn theo phía sau. Lủ nhóc ở đây lại khác, đứa nào củng bắn rất giỏi nhất là thằng Bửu con chị hai Khuya. Nó ốm nhom và đen như một cây cột nhà cháy, tối ngày chỉ mặc một chiếc quần cộc, nhưng cái dàn ná thì lúc nào củng lủng lẳng trên cổ nó. Tối ngày nó không có ở nhà, đưa bò ra chổ ăn cỏ xong là nó bắt đầu sục sạo khắp mọi nơi. Ngoài đồng, dưới mương, trong vườn không có nơi nào không có dấu chân của nó. Xế qua khi nó lùa mấy con bò về chuồng, trong tay nó củng đã có một ít thức ăn mang về nhà. Khi thì mấy con chim hay cặp cúm núm, khi thì mớ cá tát dưới mương hoặc con rắn ráo dài sọc. Nó học hai năm lớp ba vẫn ở lại, năm thứ ba nó không chịu học nữa. Ba nó nói đói mới chết , dốt đâu có chết-nó cười hề hề khi tôi hỏi về chuyện học. Để bọn chúng nó đi trước, tôi từ từ tận hưởng cảm giác được thám hiểm một vùng đất mới lạ. Có những điều khi ta lớn lên nhớ lại, ta tự cười mình - trẻ thơ ! Ừ thì là trẻ thơ mà. Tôi tự như thấy mình là nhân vật chính trong một câu chuyện thám hiểm đường rừng ly kỳ. Thận trọng từng bước một, tưởng chừng như phía sau mỗi bụi tre, mỗi lùm cây là những cạm bẫy trùng trùng. Trong tâm trí trẻ thơ của tôi, vườn tre nhỏ bổng biến thành một cánh rừng già mênh mông bạt ngàn.
Vườn tre nhìn từ ngoài vào có vẽ bịt bùng, nhưng khi vào phía trong củng có những khoảng trống, những lối mòn luồn giữa những buội tre. Những loài cây thân buội như Duối, tu hú, vừng củng chen chúc nhau cố ngoi lên kiếm chút nắng mặt trời. Các loại dây leo như nhãn lòng, giác, bìm bìm... không chổ nào là không có trong vườn tre. Một thế giới thực vật hoang dã chen chúc nhau vươn lên khoe cành nhánh. Đang là mùa mưa nên cây lá lại càng tốt tươi. Tôi ngã người nằm trên một khoảng đất trống, lá tre rụng dầy như một tấm nệm êm ái dưới lưng. Mùi ngai ngái của đất và lá cây mục xộc vào mũi, một chú rắn mối lủi nhanh ào ào dưới lớp lá khô. Bình yên và nhàn nhã ! Với tuổi thơ của tôi ngày ấy, hạnh phúc nào hơn sự bình yên cuộc sống cho những ngày hè thú vị. Có gì xa xôi đâu, một mãnh vườn hoang, một chút trí tưởng tưọng thì khác chi những khu rừng rộng lớn.

Mặt trời vừa xế qua đỉnh đầu, củng là lúc bọn chúng nó thu quân, kiểm tra chiến lợi phẩm mang về. Củng chẳng nhiều nhỏi gì, ba bốn con chao chảo, một cặp cu ngói, còn có bốn năm con rắn mối mập bóng cả da, thằng Lộc thì bắt được mấy con chuột cống nhum làm ổ trên ngọn tre. Cả bọn kéo về vặt lông rồi đốt lá tre thui , làm thịt xong là giao cho chị hai Khuya, chiều nay thế nào củng có buổi rô-ti ngon lành, chị hai là thợ nấu nổi tiếng trong giồng mà. Sau bửa cơm chiều đậm đà hương vị đồng quê với món chính là nồi mắm kho cá lóc, Chị hai Khuya pha một bình trà rồi mang ra cái khoảng nhỏ tráng xi-măng trên sân, nơi bác Sáu cúng lạy mỗi ngày. Tôi củng thích được ngồi uống trà với bác Sáu và cha tôi. Mỗi khi tôi mom men đến , bác Sáu lại xoa đầu tôi cười rồi rót một ly đưa cho tôi. Mùi bông ngâu tươi thơm nhẹ nhàng xông lên mũi, hớp một ngụm nóng hổi, vị trà đắng ngọt đọng lại trên đầu lưỡi. Buổi chiều quê trôi qua thật thong thả, chậm chạm. Mấy con bò uể oải nhai những đọt cỏ non trong chuồng, con chó nhỏ cứ ngóng cổ lên trời sủa những đàn cò xếp thành hàng bay về phía núi xa xa. Giờ này đàn gà của bác Sáu bắt đầu tụ về đầy cái khoảng sân rộng trước nhà, bọn thăng Lộc, thằng Bửu mỗi thằng một thúng lúa vãi xuống sân cho bọn gà ăn trước khi đi ngủ. Đàn gà của bác Sáu đông thật, đủ cả các loại đứng dày đặc khoảng sân rộng trước nhà. Những chú gà trống nòi bộ lông đen trùi trũi đứng tách biệt phía cuối sân xa hẳn hai ba gã gà điều oai vệ với cái mào đỏ chói . Những chú gà con chạy lăn xăng bên mẹ để được nhận thức ăn, lủ gà tre lượn lờ khoe dáng , lủ gà giò choai thì hăng máu giành ăn mổ nhau la quang quác. Nổi bật hơn cả đám gà ác nhỏ con lông trắng muốt tập trung ở gần cửa vào chuồng từ tốn thưởng thức bửa ăn. Bác Sáu nuôi gà chủ yếu để làm thức ăn, nhà ở quê lại xa chợ có sẵn gia cầm lúc cần là có ngay. Ban ngày đàn gà được thả rông, tự kiếm ăn ở khắp nơi, ngoài ruộng, trong vườn, một không gian đủ rộng với nguồn thức ăn phong phú. Mỗi ngày bọn thằng Bửu chỉ phải cho gà ăn một lần khi bọn chúng về chuồng để ngủ. Những chú gà con mới nở với bộ lông tơ mềm mại chạy lăng xăng tranh nhau lên chuồng, những con gà mẹ không ngớt tuc tuc tập họp lủ con đến khi tất cả những đứa con của mình lên đầy đủ nó mới đủng đỉnh vào chuồng, rồi dang rộng đôi cánh ôm tất cả những đứa con vào lòng, chở che, sưỏi ấm giấc ngủ cho chúng.

Khi những con gà đã yên vị trong chuồng, trời củng bắt đầu nhá nhem tối. Ánh sáng đèn dầu từ trong những căn nhà lá hắt ra chỉ đủ tạo nên những mãng sáng tối lờ mờ trên những khoảng sân hẹp. giờ này mọi người trong xóm đều đã quây quần bên gia đình. Không có chuyện gì để làm, tôi tản bộ đi khắp xóm thăm hỏi bà con. Cả xóm này đều là con cháu của ông Nội. Họ sống với nhau chân tình và mộc mạc, chia nhau lít gạo khi giáp hạt, ới nhau một tiếng nếu tìm được mồi ngon. Hồi đó giồng Ông Tỏ không có điện nên có gì đâu để giải trí, sau một ngày lao động, chỉ cần vài xị rượu là đủ để ca vọng cổ ngon lành. Họ sống mộc mạc và giản dị biết bao. Buổi tối, trong cái vàng vọt của ánh sáng đèn dầu, họ quây quần bên nhau khi thì nghe cải lương qua chiếc radio, khi thì nghe kể những câu chyện ma rùng rợn. Chỉ hơn chín giờ đêm là xóm làng đã chìm vào giấc ngủ, đêm thật yên lặng và tĩnh mịch. Lạ chổ, những đêm đầu hầu như tôi rất khó ngủ, mỗi khi giật mình thức giấc đều phải nhìn ra phía trước nhà : căn nhà không hề đóng cửa trước, mà củng chẳng có cửa trước để đóng. Cả xóm tối ngủ đều không đóng cửa ! " Đâu có trộm đạo gì đâu mà lo cửa nẽo con ơi " bác Sáu cười bảo khi tôi thắc mắc về chuyện ấy. Mà họ củng đâu giàu có gì đâu mà lo bị trộm. Tôi thao thức nghĩ suy về quê nội, một vùng đất nghèo nhưng con ngưòi thì giàu tình cảm, giàu có sự yêu thương và chan chứa tình người. Ở nơi đây, các thế hệ trước tôi trong dòng tộc đã sinh ra và lớn lên, họ đã sống hết sức chân thành và giản dị, ở họ tôi đã tìm được sự mộc mạc nhưng chân tình của những con người Việt Nam yêu chuộng hạnh phúc và hoà bình.

Tôi đã có những ngày hè êm đềm quê nội, đầy ấp những kỷ niệm tuổi thơ. Ở đó tôi không chỉ học được những bài học bổ ích về thiên nhiên quanh ta, mà ở đó tôi cũng đã có rất nhiều bài học về về tình cảm giữa con người với con người, về những đạo lý sống đã được hun đúc bao đời, bao thế hệ dưới luỹ tre làng việt nam. Tôi tự hào vì tôi cũng là môt phần của họ, của làng quê Việt Nam.
Sau tháng ngày êm đềm của những mùa hè tuổi thơ, cuộc sống của tôi có nhiều biến động. Những tháng ngày bươn chải kiếm sống hầu như tôi không có dịp về thăm quê nội. Vợ chồng Bác Sáu, rồi chị hai Khuya cũng đã lần lượt qua đời , mọi thứ giờ đây cũng đã không còn như xưa . Đầu năm nay tôi mới lại có dịp về thăm quê nôi sau mười mấy năm. Thằng Bứu gã đứa con gái đầu lòng, hôm lên mời nó nài nỉ " Dòng họ mình chỉ còn ông Út (cha tôi) là lớn, hôm đó cậu và ông Út phải xuống dự với con". Ừ thì củng nên gác lại những bộn bề công việc, về thăm lại nơi có nhiều kỷ nệm tuổi thơ. Giồng Ông Tỏ bay giờ đã khác xưa rất nhiều. Con rạch nhỏ năm xưa giờ được nạo vét rộng và sâu thêm, Con đường đất nhỏ củng được nới rộng và tôn cao vượt lủ, nhà cất trên rạch đã được giải toả. Làng xóm bây giờ khang trang và thông thoáng hơn. Có điện về giồng Ông Tỏ củng thay da đổi thịt, cảnh quan nhà cửa giờ đã khác xưa rất nhiều. Nếu không có cây cầu ximăng bắc qua con rạch để qua nhà bác Sáu, có lẽ tôi đã không nhận ra đượ xóm củ. Căn nhà của bác Sáu năm xưa, sau khi anh chị hai Khuya qua đời , thằng Lộc cũng đã tháo dở cất lại hoàn toàn. Cái am nhỏ trước nhà sát mép con rạch, nơi bác Sáu để thờ dòng tộc và hốt thuốc nam giờ không còn nữa, thay vào đó là một con đường đất cao ráo mới mở chạy song song với con đường bên kia rạch. Hai mươi năm rồi, dòng họ giờ chỉ còn lại vài người tôi gọi là anh chị, về đám cưới bao nhiêu là cô cậu nhóc chào ông sáu mà chẳng biết con cháu nhà ai. Giống như những làng quê Việt Nam, giồng Ông Tỏ củng nhanh chóng bắt nhịp vào trong sự phát triển chung của cả khu vực. Những tiện nghi sinh hoạt trong cuộc sống đã trở nên quen thuộc kể từ khi có điện kéo về xã, mấy đứa nhỏ cũng đã có thể truy cập internet ở tiệm net game của cháu nội Bác Mười chỉ cách xóm có ba bốn trăm mét. Đó là sự vận động tất yếu của cuộc sống, nhưng khi nhìn cảnh không còn củ củng chẳng thấy người xưa, tôi củng cảm thấy bồi hồi trong dạ.

Buổi chiều trước khi về, thằng Bửu dắt tôi và cha tôi theo con đường đất nhỏ ra phía sau đồng để thăm mộ nông bà Nội. Ngôi nhà mộ được chăm sóc làm cỏ cẩn thận. Nó vẫn như thế, kể từ một mùa hè năm xưa tôi theo cha mẹ chở cát ,đá,ximăng về quê làm nhà mộ ông bà Nội. Vườn tre đã được phá ra trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế hơn. Thấp thoáng những mái nhà phản chiếu những tia nắng chiều quạnh quẽ tronh những vườn cây, bây giờ ở đây củng nấu bếp ga không thôi. Tôi chợt tiếc những sợi khói lam bay lãng đãng trên những vòm cây trong những chiều quê thanh bình năm xưa. Thấy tôi đứng tần ngần nhìn về phía vườn tre ngày ấy, thằng Bửu hiểu ý, nó bước dến bên tôi nói " cây tre để nhiều chẳng làm gì, không có lợi về kinh tế. vã lại bọn nhỏ củng không chơi như cậu cháu mình ngày ấy". Con tôi có đứa nào chịu về quê chơi đâu, chúng chỉ đòi hè này đi đầm sen, suối tiên. Trong nắng chiều chiếu xiên qua kẻ lá, lốm đốm trên mặt chúng tôi, tôi thấy đôi mắt thắng Bửu ươn ướt xa xăm . Những tia nắng rồi củng tắt, ngày sẽ qua mau....

Những ngày đầu hè

Thứ Bảy, 17 tháng 5, 2008

Mưa chiều

Chiều nay mưa qua nhà em
Lối cỏ ướt đầm

Nụ hoa choàng giấc muộn
Những chiếc lá rơi dầy trong nổi nhớ
Sợi mưa dài hun hút khói trời xa


Chiều nay mưa qua nhà em
Không có mong chờ

Cơn mưa buồn lạc bước
Vườn xưa vắng tênh nhạt nhoà kỳ niệm

Vết chân hằn trên phím thời gian

Chiều nay mưa qua dòng sông

Bến đời xuôi ngược

Chăng thấy nẻo đi về
Mịt mờ chân mây con đò lạc lối
Tháng năm trôi theo nước xuôi dòng


Chiều nay ta say cùng mưa

Ngủ quên trời đất

Không còn những giấc mơ
Chỉ mình ta với mưa chiều lặng lẽ
Gõ nhịp đều ru giấc phiêu linh

Thứ Tư, 14 tháng 5, 2008

Chuyện đời....

Mấy hôm nay đọc báo trên mạng mà bối rối vô cùng, cuộc sống xã hội ngày càng phức tạp, không biết ai đúng ai sai. Kẻ hôm qua bị bắt giam, bị khởi tố hôm nay thành người vô tội, người hôm qua làm kẻ điều tra, nay lại bị khởi tố. Tôi là người ít chú ý những chuyện đấu đá tranh giành của chốn quan trường củng thấy ngán ngẫm thay cho trò đời dâu bể. Kẻ thắng làm vua còn kẻ thua là giặc. Chuyện đó đã là sự thường tình từ xưa đến nay rồi, chỉ khổ tội là cho đám dân đen mà thôi, thấp cổ bé miệng nói gì được chứ. Mà có nói liệu có ai nghe đâu, bao nhiêu là nhân vật lớn với bao là phát biểu hùng hồn mà thay đổi được gì đâu. Ở chổ tôi chính quyền địa phương bán đất, bán luôn cả sân vận động mà thấy có ai nói gì đâu. Tội cho máy thằng nhóc chiều chiều không còn chổ dợt banh hò hét với nhau, ừ rồi các hội khoẻ,các giải địa phương tổ chức ở đâu nhỉ, vô phương biết ! Nhà nước địa phương nghe đâu thiếu nợ như chúa chổm, còn nhà của các vị thì cất to đùng như biệt thự, cái hàng rào thôi là đã có thể cất trên chục cái nhà tình nghĩa rồi. Của đáng tội các vị nào đâu muốn thế chứ, anh em ủng hộ không thôi, kẻ thứ này người thứ kia chung tay giúp đở vậy mà.
Với đồng lương giáo viên như tôi, bao nhiêu năm tích luỹ vẫn chưa mua nỗi cho mình cây đàn piano "seconhen", nếu không có xe máy trung quốc nhập vào, có lẽ vẫn còn phải chạy xe đạp đi dạy dài dài. Không hiểu các vị ấy làm cách chi tích luỹ hay thế !

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2008

Cuộc sống và...những nghĩ suy.

Vậy là sắp hết năm học , nhanh thật. Tuần sau học trò thi rồi sau đó chỉ là xử lý kết quả năm học, tổng kết rồi ...mùa hè. Dường như ngày tháng đi nhanh hơn khi người ta bắt đầu có tuổi. ngày qua luôn cảm thấy mình không đủ thời gian. Có quá nhiều thứ muốn biết. Cuộc sống phát triển với một tốc độ chóng mặt, chưa biết xong cái nầy đã có quá nhiều cái mới. Đôi lúc tôi cảm thấy mệt mỏi thật sự với việc phải cặp nhật cuộc sống hàng ngày để mình không phải là người tụt hậu. Giá như mình ở tuổi hai mươi ! Tôi nghĩ những người thuộc thế hệ tôi luôn sẽ nghĩ như thế khi so sánh về sự phát triển ở hai thời kỳ. Tôi lớn lên sau năm 1975, tuổi "teen" của chúng tôi làm gì có được những điều kiện cuộc sống như hiện tại. Sau giải phóng, cuộc sống thiếu thốn và khó khăn. Buổi tối đèn dầu tù mù, ngay cả chuyện đọc sách cũng đã khó khăn. Tôi còn nhớ năm tôi học lớp 8, để tìm được quyển " Ông già và Biển cả " tôi đã phải vất vã tìm cả nữa năm trời, còn tài liệu học tập các thứ thì khó tìm vô cùng, có chăng chỉ là những tài liệu đánh máy quay ronéo trên giấy rơm vàng khè mà không phải lúc nào cũng có. Trong trường hai ba đứa chúng tôi phải dùng chung một bộ sách giáo khoa mượn của thư viện, làm gì có thị trường trong cái thời bao cấp ấy mà mua, mà nếu có tôi củng làm gì có tiền để mua sách giáo khoa. Cả những năm học cấp 2 tôi không hề mua một quyển tập nào cả. Một phần là lĩnh thưởng cuối năm, phần còn lại ,cứ đến cuối năm học là tôi lại xin tập vở của bạn bè, tận dụng chổ giấy thừa phía sau đóng lại dành cho năm học sau, và cũng rất nhiều bạn bè làm giống như tôi vậy. Hồi đó rất ham học và rất khát khao hiểu biết, tôi đọc bất cứ thứ gì mình vớ được. Một bài thơ, một truyện ngắn,một tài liệu.... thứ gì mà chẳng được, làm gì có nhiều để mà chọn lựa.
Cuộc sống ngày càng đi lên,ngày càng phát triển là một xu thế tất yếu không thể thay đổi, nhất là hiện nay, với sự phát triển của internet, sự giao lưu, ảnh hưởng của các nền văn hoá khác nhau là điều không thể tránh khỏi. Chính sự giao lưu ấy góp phần thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia trên con đường hộ nhập. Tuy nhiên điều gì củng có tính hai mặt của nó. Bên cạnh những mặt tích cực mà nó mang lại, nó củng đặc ra một số vấn đề đáng để chúng ta phải suy gẫm. Không biết có phải là tôi cố chấp hay đã củ quá rồi không, tôi vẫn là người luôn luôn muốn giữ gìn giá trị xã hội truyền thống của người Việt. Tôi thích các giá trị đạo đức phương đông trong các mối quan hệ ứng xử giữa con người và con người, chính các chuẩn mực ứng xử mà ông cha ta đã dày công đúc kết đã hình thành nên con người việt nam trọng tình cảm và chân thành trong đời sống. Đó là điều mà cả dân tộc đã phải dày công chắc lọc,đúc kết, giữ gìn trong suốt quá trình hình thành và phát triển.
Chỉ trong hơn mười năm trở lại đây,với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, nhìn chung đời sống vật chất, tin thần của người việt từ thành thị đến nông thôn được nâng lên rỏ rệt. Điều này thì không có gì để nói rổi, vấn đề là ở chổ chính sự phát triển nhanh chóng của kinh tế xã hội, nó tạo nên những mối quan hệ tác động hoàn toàn không có trong truyền thống. Ở một mặt nào đó nó phá vở các chuẩn mực ứng xử truyền thống và đặc ra một số vấn đề xã hội buộc chúng ta phải suy gẫm. Hôm rồi đọc một bài trên báo Tuổi trẻ nói về một cô học sinh cấp 3 học rất giỏi, năng động, tham tốt các phong trào của trường lớp, được bạn bè thầy cô quý mến. Thế nhưng ở nhà thì cô bé chẳng hề biết làm giúp gia đình chuyện gì cả, căn phòng thì luôn luôn lộn xộn, bừa bãi quần áo, sách vở. Mẹ cô bé nhắc nhở thường xuyên cả đến rầy la nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Cho đến một ngày co gái đã phản ứng bằng cách đóng cửa phòng và treo trước cửa dòng chữ : "Sự lộn xộn của tôi.Phòng của tôi.Cuộc đời tôi.Đó là của tôi ".Đọc câu chuyện có nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau, kẻ đồng tình người phê phán. Riêng tôi thấy băn khoăn về cách nghĩ ,cách hành xử của cô bé với gia đình mình. Gia đình là nơi phát triển tình cảm của mỗi người, chính quá trình sống yêu thương gắn bó,chia sẽ với nhau giữa các thành viên gia đình, nó củng hình thành nên tình cảm gắn bó yêu thương với xóm giềng, với cộng đồng. Có yêu thương gắn bó,cảm thông chia sẽ những vui buồn chung của gia đình,mới có thể có được tình yêu thương với mọi người quanh ta. Chúng ta đâu mong muốn có một lớp con em thật giỏi chuyên môn nhưng lại vô hồn, thực dụng và lạnh lùng trong cuộc sống. Đây không phải là chuyện cá biệt của một gia đình mà hầu như nó xuất hiện ở hầu hết các gia đình có con em trong độ tuổi đi học, nhất là ở các đô thị với những mức độ và sự tác động khác nhau tuỳ vào sinh hoạt, giáo dục của từng gia đình. Đành rằng cuộc sống ngày càng tiến bộ, chúng ta không thể giữ mãi những chuẩn mực xã hội đã lỗi thời, không phù hợp với xu thế phát triển chung của nhân loại. Nhưng đâu phải cái gì củ củng lỗi thời, củng phải bỏ đi nhất là những đạo lý về đạo đức xã hội, về các mối quan hệ giữa người với người. Trong đạo lý của người Việt yếu tố đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu, tài luôn phải đi đôi với đức. Bạn có vui không khi những đứa con của bạn rất giỏi trong nhiều thứ, nhưng lại không biết đến tình làng nghĩa xóm, sống sòng phẳng vô hồn với những nỗi đau của cộng đồng. Bằng nhiều hình thức, chúng ta đang khuyến khích giới trẻ vươn lên, tự khẳng định mình, "Hãy cho thế giới biết mình là ai".Ở một góc độ nào đó, chúng ta đang khuyến khích các em thể hiện cái tôi, cái cá nhân của mình. Điều này thật sự giúp các em phát huy tính chủ động sáng tạo của mình trong các hoạt động, tạo nên sự cạnh tranh nhằm thúc đẩy xã hội ngày càng đi lên.Tuy nhiên, nó cũng làm cho chủ nghĩa cá nhân có cơ hội sinh sôi nãy nở,đã xuất hiện những lọc lừa, dối trá nhằm mục đích tiến thân, xuất hiện những kiều hành xử rất ư quái dị đi ngược với truyền thống của các bạn teen (đầy trên mạng đấy thôi)
Chúng ta tiếp nhận rất nhiều cái mới, nhưng cũng phải giữ gìn và phát huy cái vốn quý của dân tộc đã được truyền đời hàng bao thế hệ. Hiện tại chúng ta-mà nhất là giới trẻ- đang chịu ảnh hưởng của lối sống thực dụng kiểu âu mỹ thông nhiều nguồn du nhập. Tiếp nhận thế nào để vừa phù hợp với xu thế phát triển của thời đại vừa giữ được nền tảng đạo lý của dân tộc. Điều này không thể là một cá nhân hay tổ chức có thể làm được. Nó đòi hỏi ý thức dân tộc của toàn xã hội, mọi người phải chung tay giữ gìn những truyền thống đạo lý quý báu của ông cha ta, mà vai trò quan trọng nhất chính là nền tảng giáo dục gia đình. Tình cảm và nhân cách của mỗi con người là điều không phải một sớm một chiều có thể tạo nên được.Nó đòi hỏi phải có một quá trình hình thành và vun đắp lâu dài thông qua sự tác động của các mối quan hệ gia đình-gia đình, gia đình-xã hội. Bên cạnh là sự chung tay của cộng đồng, tạo nên một môi trường sống với những mối quan hệ ứng xử dựa trên nền tảng đạo lý của dân tộc. Nhưng rất tiếc có lẽ đây chỉ là những ý nghĩ mong ước hơi bị điên của tôi, của kẻ dư hơi ngẫm nghĩ chuyện cuộc đời, có lẽ tôi mãi là người của đường làng, bóng tre.

Chủ Nhật, 4 tháng 5, 2008

Một ngày....

  • Một ngày về lại lối cũ, tìm những dấu chân xưa, tìm lại những yêu thương, những ước mơ của một thơ dại. Gió mang đi đâu những kỷ niêm, để con đường mãi dài hun hút, những ngày xưa chỉ là giấc mơ qua...
  • Một ngày về lại miền hoang tưởng,ta bắt gặp ta,bé bỏng ,dại khờ và lẻ loi như 1 vì sao xa lạc lõng cuối trời .Nơi hoang tưởng  cả giấc mơ cũng tưởng chừng như hiện hữu....nhưng khẻ chạm vào tất cả đều tan biến. Chốn hoang tưởng chỉ là mộng mị khói trời xa.
    • Một ngày tìm lại chính ta, tìm lại những yêu thương được cất giữ nơi sâu thẳm của trái tim. Tình yêu vẫn còn đó, vẫn âm ỉ như ngọn núi lửa lẳng lặng cháy giữa lòng đại dương, Tình yêu em nơi chốn bình yên, ta trú thân vào khi trời dông bão.
  • Một ngày say quắc quay, rượu mềm môi đắng chát. Con đường nhỏ liêu xiêu, chếnh choáng đôi chân đời ghập ghềnh khúc khuỷu. Không có niềm vui,cũng chẳng có nỗi buồn ! Chỉ còn lại những nỗi đau trần thế, len lõi vào trong những góc tâm hồn, hằn sâu thêm khi tàn những cơn say.
  • Một ngày đi trên con đường quen, chợt nhận ra bao nổi đời riêng, những được mất hơn thua chỉ là trò phù phiếm. Rũ tay ở cuối đường có gì đâu là còn lại, Khởi đầu ở đâu, và kết thúc ở đâu ?
  • Một ngày.....