Chủ Nhật, 27 tháng 3, 2011

Tự tình quê hương

Ảnh sưu tầm

Mai xuôi về nam
Sao quên những ngày đất Bắc.
Một chuyến viễn du về với cội nguồn
Nửa đời người mới ngược đường mở cõi.
Đất tổ, quê xưa hạnh ngộ lần đầu.

Đã không còn những dòng sông chia cắt
Hai bờ xa, nước mắt lớn ròng
Bao máu xương cho ngày sum họp.
Gió phương nam gợn sóng sông Hồng.

Đất nước chúng mình(*) đâu cũng đẹp.
Núi sông xanh.
Lấp lánh biển xanh.
Đồng ruộng xanh, cò trắng lưng trời
Ngân nga tiếng Nguyệt cầm trong sáng.

Trường Sơn ơi,
Chiếc đòn gánh oằn trên vai Mẹ
Gánh yêu thương lấp những niềm đau.
Lời nghẹn ngào.
Những dòng sông, Nước mắt.
Biển Đông dang tay,
Khắc khoải thở dài.

Hơn ba mươi năm đất nước yên bình
Sao môi Mẹ vẫn chưa rạng rỡ.
Đất lửa miền Trung máu xương bom đạn
Nắng vẫn chói chang, mái rạ gió lùa

Sông Hương chiều nay lững lờ nhung nhớ.
Bến Văn Lâu đâu bóng thuyền trôi,
Câu hò mái nhì trôi xuôi con nước
Khách đường xa(**) ngơ ngẩn giữa sương mờ.

Đất Bắc ơi, lần đầu diện kiến
Bóng cờ lau có phất phới trong sương.
Dấu ngựa đá bao phen buông vó,
Hồn Thăng Long còn quyện sóng Bạch Đằng ?

Hà Nội mênh mang, cửa ô lộng gió.
Đêm hồ Tây hoa sữa quấn chân người.
Những góc phố chỉ một lần sơ ngộ
Sao như quen tự những bước đầu đời.

Mai về nam.
Bồi hồi nửa đêm trở giấc.
Cây trúc xinh lên phố tự lâu rồi
Vầng trăng khuya đâu níu người ở lại.
Tô Thị ơi sao không đợi chàng về..

Ôi những làng quê
Những lũy tre.
Áo tứ thân đã thôi bay trong gió
Con sáo sang sông bao giờ trở lại.
Gốc đa xưa sầu nhớ con đò.

Đất nước trãi dài như tiếng mẹ ru.
Chiều Tây Bắc tiếng khèn gọi bạn
Đêm Sapa sáo mèo khắc khoải.
Mường Khương, Pha Long đèo ẩn ngàn mây

Mai về Cửu Long mênh mang con nước.
Nhớ Mẫu Sơn đêm sương đẫm rượu ngô.
Ở nơi tầm cao địa đầu tổ quốc,
Chợt nghe tiếng quân reo quyết giữ biên cương.

Đất nước quê hương một lần tương ngộ,
Phút chia tay bao nỗi buồn vui.
Bốn ngàn năm trời đất giao hòa.
Mong nắng ấm, mẹ cười rạng rở.

(*) lời của nhà thơ Pờ Sảo Mìn
(**)Chữ của nhà thơ Hàn Mặc Tử

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2011

Cuộc thi truyện ngắn Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long

Nội Dung chủ đề
-Truyện ngắn viết về vùng đất và con người Đồng bằng sông Cửu Long trong chiến tranh, xây dựng, và bảo vệ tổ quốc.
-Ưu tiên cho những tác phẩm viết về nhân tố mới ở đồng bằng sông cửu long trong thời buổi hội nhập và phát triển, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Quy định chung
-Tất cả các tác giả chuyên và không chuyên hiện sinh sống, và làm việc trong khu vặc đồng bằng sông Cửu Long đều có quyền dự thi. Các thành viên Ban tổ chức và Ban giám khảo không có quyền dự thi.
-Số lượng tác phẩm dự thi : Mỗi tác giả không quá 3 tác phẩm. Mỗi tác phẩm không quá 5.000 từ.
-Tác phẩm dự thi phải được đánh máy sạch sẽ trên 1 mặt giấy A4. Ở phần cuối mỗi tác phẩm ghi rõ bút danh, họ tên thật,dịa chỉ liên lạc, số điện thoại...tách rời tác phẩm để tiện việc rọc phách ,cho mã số.
-Trong thời gian diễn ra cuộc thi, Ban tổ chức có quyền đọc, chọn và gửi in ở các báo, tạp chí văn nghệ trong khu vực. Các tác giả được hưởng nhuận bút theo chế độ hiện hành của Tòa soạn báo, tạp chí đó. Tuy nhiên, những tác phẩm được Ban tổ chức chọn in này chưa phải là qua vòng sơ khảo.
-Trong thời gian diễn ra cuộc thi, các tác phẩm dự thi được gửi in ở các nơi khác mà chưa được sự đồng ý của BTC xem như vi phạm thể lệ cuộc thi.
-Ngoài phong bì ghi rõ :"Tác phẩm dự thi Truyện ngắn ĐBSCL lần thứ 4" và gửi về Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, 43 Nguyễn Văn Cưng, Long Xuyên , An Giang.
Thời gian
-Nhận tác phẩm từ ngày 15-3-2011 đến hết ngày 30-9-1011 ( căn cứ theo dấu bưu điện)
-Lễ tổng kết phát thưởng sẽ tổ chức vào tháng 12-2011
Ban tổ chức
1.Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-Chủ tịch Hội LH VHNT An Giang - Trưởng ban
2.Nhà văn Mai Bửu Minh- Phó Chủ tịch Hội LH VHNT An Giang - Phó ban
3.Nhà thơ Lê Thanh My- Tổng biên tập tạp chí Thất Sơn - Phó ban.
4.Nhà văn Nguyễn Lập Em-Phân hội trưởng Phân hội Văn học An Giang - ủy viên.
5.Họa sỹ Bùi Quang Vinh-Phó Chánh văn phòng Hội LH VHNT An Giang - ủy viên.
6.Bà Văn Thị Tuyết Thu- Kế toán hội LH VHNT An Giang - ủy viên.
Hội đồng giám khảo
Mời những nhà văn có uy tín đang sống và làm việc ở ngoài khu vực ĐBSCL nhưng am hiểu sâu sắc về vùng đất - con người ĐBSCL tham gia chấm chọn.
Giải thưởng
-Giải nhất 8.000.000 đồng
-Giải nhì 6.000.000 đồng
-Giải ba 4.000.000 đồng
-Giải khuyến khích mỗi giải 2.000.000 đồng.

Thứ Sáu, 4 tháng 3, 2011

Ký ức 30 - 4

Ảnh sưu tầm

Thời gian quả là trôi qua nhanh chóng, mới đây thôi, vậy mà ba mươi sáu năm. Đủ để một thằng nhóc tì chạy lon ton theo sau xe Jeep của Huyện đội Châu Phú vào tiếp quản dinh thiếu tướng Lâm Thành Nguyên trở thành một gã đàn ông trung niên, vợ con nheo nhóc. Hồi ấy tôi chỉ mới mười tuổi và đang sắp hoàn thành lớp nhì cấp tiểu học. Lũ trẻ chúng tôi thì biết gì về thời sự, vả lại thời ấy quê tôi chưa có điện, đâu có tivi để mà theo dõi tin tức. Mặc cho Buôn Ma Thuộc long trời lở đất với trận đánh mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh, mặc cho tiếng gầm thét của cuộc pháo kích cấp tập từ hơn 20 tiểu đoàn pháo binh thuộc các Quân đoàn 2, 3 và 4 QĐNDVN vào các căn cứ của QLVNCH tại Nhơn Trạch, Hố Nai, Biên Hoà, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa…, chúng tôi vẫn vô tư với những trò nghịch ngợm sau giờ đi học.

Những ngày cuối tháng 4/1975, khi tin tức chiến sự dồn dập báo về, cha tôi luôn đi làm về rất muộn với vẻ mặt lo âu. Có hôm ông ngồi trầm ngâm bất động, đôi mắt nhìn về một hướng mông lung. Thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp cha mẹ thì thầm với nhau vẻ căng thẳng, nhưng khi chúng tôi xuất hiện, họ lập tức im bặt. Trong xóm người ta bàn tán xôn xao lúc rảnh rỗi sau giờ cơm chiều. Những ánh mắt lo lắng nhìn nhau. Đủ thứ chuyện được kể ra. Nào là Việt Cộng ốm nhom, đeo tàu đu đủ còn không gãy, vào đây sẽ bắt phụ nữ, tắm máu những ai có tham gia với Mỹ-Ngụy. Mỗi người góp một chút mà tất cả đều chỉ là nghe nói. Những chuyện như thế đối với lũ con nít chúng tôi chỉ là như nghe chuyện ma đường rừng rùng rợn. Có lẽ cả người lớn cũng chẳng tin được những chuyện như thế. Tuy nhiên sau những tin đồn rằng nóng hổi ấy, bao giờ cũng là những tiếng thở dài lo lắng. Mọi người chỉ mong chiến sự đừng nổ ra, đừng có cảnh nhà tan cửa nát, máu đổ thây phơi như mậu thân sáu tám. Bọn con nít chúng tôi không biết mậu thân sáu mươi tám nó ghê ra làm sao, nhưng cũng thấy sợ khi nghe người lớn rỉ tai nhau. Nhưng rồi chuyện trường, chuyện lớp, chuyện vui chơi của tuổi thơ nhanh chóng lấp đi những thứ đáng quên ấy. Chúng tôi vẫn đi học đều dặn.

Ngôi trường cấp một nơi tôi học kế bên nhà ngoại, nên hết giờ học tôi lại ghé qua, lang thang trong vườn cây ăn trái nằm bên cạnh đình làng. Cái không khí hoang mang, lo sợ sẽ có chiến sự vẫn ở đâu đó bên ngoài không gian tuổi thơ với bao trò nghịch ngợm. Quê ngoại tôi ở Ba Chúc, Bảy Núi. Cả gia đình ông đều là gia đình cơ sở cách mạng, tiếp tế gạo và thuốc men cho Tiểu đoàn 512. Hai người con trai độc nhất trong số chín người con của ông đều là liệt sỹ. Năm 1960, Các cơ sở cách mạng của tiểu đoàn 512 bị quân ngụy tăng cường khủng bố, đánh phá dữ dội. Cơ sở của gia đình ông bị lộ, ông buộc phải đưa toàn bộ gia quyến của mình lánh nạn ở Châu Phú. Ngoại tôi là một người từ tốn, hiền lành, nhưng khẳng khái và thẳng thắn, ứng xử rất chừng mực với mọi người. Ông cao lớn phương phi, da vẻ hồng hào. Đặc biệt là mái đầu bạc phơ với bộ râu trắng như cước, rậm và dài, phủ kính phía trước ngực càng làm tăng sự yêu mến của tôi mỗi khi tiếp chuyện với ông ( chỉ có tôi trong dòng tộc là thừa hưởng cái zen bộ râu của ông). Những ngày lộn xộn này, cha mẹ tôi cũng an lòng hơn khi anh em chúng tôi ở với ngoại. Nhà ngoại chỉ cách nhà tôi non hai cây số. Sau giờ học ở lại nhà ngoại chơi chán chê đến chiều mát mới về nhà. Những khi không ra vườn anh em tôi chỉ lẩn quẩn quanh ông ngoại. Khi về ngụ tại làng Vĩnh Thạnh Trung, ông được Ban quý tế đình thần giao làm từ đình, trông coi quản lý, hương khói cho đình. Ông là người cẩn thận và tận tâm với công việc. Những lúc không làm việc nhà, ông lại qua bên đình, quét dọn sạch sẽ tất cả các bàn thờ từ trước đến sau. Ông rất trân trọng công việc mình đang làm, ông thường nói với mọi người trong những dịp cúng lệ ở đình làng “Cái đình chính là sinh hoạt của cả làng, mất cái đình là mất đi chất keo gắn kết tình cảm cộng đồng”. Những ngày này, chúng tôi cũng quanh quẩn bên ông, giúp ông làm việc, nghe ông kể chuyện. Ông kể về thời thanh niên của mình, về thú dữ ở núi Dài nơi ông có miếng rẫy khá to. Ông không hề đả động gì đến chuyện chiến tranh, chuyện gian khó khi tham gia tiếp tiếp lương thực cho bộ đội 512. Có lẽ ông muốn giữ cho chúng tôi cái không khí yên bình đầm ấm dù ngoài kia trời sắp nổi phong ba bão táp. Chỉ có mỗi một lần ông nhìn xa xăm rồi nói “Cả cuộc đời ngoại chưa bao giờ thấy được đất nước độc lập tự do. Chiến tranh, loạn lạc, đã giết chết những ước mơ, những hoài bão. Mong rằng cuộc đời của các con sẽ được sống trong khung cảnh thanh bình”. Cuối cùng thì ông đã được chứng kiến ngày đất nước hoàn toàn thống nhất. Nhưng ước mơ của một thời trai trẻ đã trôi theo những tháng năm loạn lạc. Tội cho ông cũng chẳng hưởng được sự thanh bình bao lâu, ông mất vì bệnh cuối tháng 5-1975, chưa đầy một tháng sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thọ bảy mươi lăm tuổi.

Càng gần đến ngày 30-4 không khí càng căng thẳng nặng nề. Trên đường quốc lộ trước nhà tôi hàng ngày đã thấy những chiếc xe vũ trang chạy xuôi ngược. Người ta kéo về dinh thiếu tướng Lâm Thành Nguyên đủ loại súng ống. Bọn trẻ con chúng tôi bây giờ mới thấy sợ hãi. Trường học đã đóng cửa rồi. Chẳng có việc gì làm. Tuy nhiên sợ thì có sợ, nhưng co ro mãi ở nhà rồi cũng chán, chiều nào chúng tôi cũng tụ ra cánh đồng sau nhà chơi trò tránh trận giả mặc cho người lớn rục rịch với trận chiến thật sắp tới. Cả xóm không còn rộn rịp như trước nữa, mọi người lo gói ghém đồ đạc để ngộ nhỡ có nổ súng cũng có chuẩn bị trước. Tin tức vỉa hè vẫn được truyền đi từ nhà này sang nhà khác, nhưng nó không còn rôm rả nữa mà chỉ là những ánh mắt lo lắng, và những lời thì thầm. Nhà tôi gần dinh thiếu tướng Hòa Hảo Lâm Thành Nguyên, lũ nhóc chúng tôi vẫn thường hay đứng xa xa tò mò nhìn súng ống, lính tráng từ các nơi kéo về đông nghịch trước sân của khu dinh thự.

Buổi tối khi cha tôi về từ công sở, nơi mà bây giờ người ta chỉ bàn tính xem tử thủ hay là buông súng, bàn xem việt cộng có giết hết những người theo chế độ VNCH không. Qua câu chuyện của cha tôi, tôi cũng loáng thoáng về tình hình hiện tại.Việt cộng đang tiến quân như vũ bão về phía Sài Gòn. Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã mất hầu hết các vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ từ xa quanh Thành phố. Sài Gòn lúc này trở thành một ốc đảo chỉ còn giao lưu với bên ngoài bằng đường không. Còn ở đây không khí thật hết sức hoang mang. Dường như có hai phe, phe chủ chiến thì đang tập họp binh lực chốt giữ các vị trí xung yếu, một phần kéo về Phú Tân, thánh địa của đạo Hòa Hảo tử thủ. Phe còn lại thì thấy cái thế tất yếu của thời cuộc, chấp nhận buông súng đầu hàng vô điều kiện để tránh thương vong đổ máu. Vậy là nghiêm trọng rồi, chiến sự có thể diễn ra ngay trên mảnh đất mà tôi đang sống. Không phải là “ bùm bùm ‘ bằng miệng với khẩu súng cọng chuối mà đám nhỏ chúng tôi hay chơi. Mà là “đòm” một phát, máu me tùm lum, hồn lìa khỏi xác. Nếu thật sự đánh nhau, những viên đạn ấy có buông tha lũ trẻ nít chúng tôi không. Tôi đã được xem trên tivi tin tức thời sự họ chiếu trước khi hát cải lương vào mỗi tối thứ bảy. Chiến tranh thật quả nhẫn tâm. Người chết khắp nơi, nhà cửa tang hoang, ruộng vườn hoang hóa…Những đứa trẻ lên chín lên mười như chúng tôi ngày ấy thật sự không hiểu người lớn tại sao phải chơi trò chiến tranh tàn nhẫn như thế.

Người lo âu nhất là mẹ tôi. Bà quá hiểu sự tàn nhẫn của chiến tranh từ khi còn là cô gái có đôi chân dẻo, ngược bao con dốc gánh gạo tiếp tế cho tiểu đoàn 512 bộ đội An Giang ở núi Dài. Cả gia đình Ngoại tôi đều là gia đình có công cách mạng, gia đình liệt sỹ. Cô thợ may xinh xắn, nói chuyện rất có duyên, được các chàng trai xứ núi săn đón, tưởng chừng như sẽ có được một cuộc sống hạnh phúc, yên bình bên mái ấm. Vậy mà cũng bị chiến tranh kéo vào trong cái cơn lốc đáng sợ của nó. Mẹ tôi và cha tôi gặp nhau làm chồng vợ khi cả hai đều đã một lần gãy gánh. Mẹ lớn tôi qua đời khi tuổi còn trẻ vì bạo bệnh. Còn mẹ tôi thì bị chiến tranh cướp đi cả chồng và đứa con trai độc nhất. Người chồng trước của bà là một chàng nông dân chất phác, trồng rẫy rất giỏi, nhưng phải ở miết trên núi Dài vì trốn lính. Chiến tranh vẫn không tha ông. Ông chết khi còn rất trẻ vì dẫm phải mìn của quân du kích trong lúc đi thăm rẫy. Còn người anh một mẹ với tôi, đi quân dịch năm 1974, chưa đầy một năm cũng chết trận. Chiến tranh đã là một thứ bóng ma đè nặng tâm hồn người phụ nữ đã một lần mất trắng, làm sao bà không lo sợ cho cái gia đình bé nhỏ này nếu chiến sự lại nổ ra. Bà chỉ là một cô gái xứ núi với mong muốn có được một cuộc sống yên bình hạnh phúc bên mái ấm gia đình. Cái ước muốn quá đỗi bình thường ấy đã bị chiến tranh tước đoạt tất cả, để lại trong bà một nỗi đau thương khó phai nhòa. Ngày ấy khi cùng gia đình về lánh nạn ở Châu Phú, bà là một thiếu phụ có nhan sắc, có nghề nghiệp và cũng được rất nhiều đám ngấp nghé kết thân. Bà đã chọn cha tôi. Có lẽ trong sự lựa chọn ấy, một phần là để đền đáp những gì mà cha tôi đã làm cho gia đình ngoại. Những ngày ngoại mới đặt chân về Châu Phú, bọn an ninh quận thường xuyên đến hạch sách, dò xét. Với vai trò là trưởng ấp, ông đã hết lòng che chở và giúp đỡ gia đình ngoại ổn định cuộc sống. Thật ra, với thành tích cả gia đình tham gia cách mạng, lúc đầu ngoại đâu chấp nhận có thằng rể trong chính quyền ngụy Sài Gòn, dù chỉ là một tép riu. Chính sự chân thành của cha bằng một thứ tình cảm con người xuất phát từ trái tim, không có chính kiến, không có chiến tuyến đã chinh phục ngoại và mẹ. Bà đã đồng ý lấy một gã đàn ông chết vợ với ba con còn nhỏ dại. Và một lần nữa bà tìm được hạnh phúc bên gia đình ấm êm của mình.

Mẹ tôi sinh cho cha tôi năm người con, nhưng có ba người yểu mệnh, chỉ còn tôi và thằng em trai tính đến ngày 30-4-75 vẫn chưa tròn hai tuổi. Đã một lần mất mát, khổ đau nên bà đâu thể không lo lắng cho sự bình yên của cái gia đình mà bà đã hết lòng vun quén. Với những người phụ nữ như bà, thì chuyện quốc gia, dân tộc lớn lao quá. Bà chỉ ước mơ có một cuộc sống hạnh phúc bình dị bên mái ấm đơn sơ như bao người phụ nữ. Chiến tranh đã quá đủ với bà. Bà ghét nó. Ghét sự vô tâm đến tàn nhẫn của nó. Tiếng mìn nổ xé lòng vào một chiều ven con suối nhỏ đã cướp mất của bà ước mơ về một mái gia đình yên ấm. Đau đớn mất chồng, bà lại phải cắn răng gửi con về nội để nó được yên ổn khi bà tham gia làm cơ sở, tiếp tế lương thực cho cách mạng. Bà muốn đứa con của mình sống xa tầm tay chiến tranh, lớn lên với cuộc sống học hành, ước mơ bình thường. Vậy mà…nó bị bắt lính chưa được năm tháng thì bà đã nhận giấy báo tử của QL VNCH, báo tin con trai bà đã anh dũng hy sinh. Vết thương cũ chưa kịp liền sẹo, nỗi đau mới lại một lần nữa xé toang da thịt. Phải nhờ vào thời gian và sự chân thành của cha, mẹ mới dần dần lấy lại được thăng bằng, trở lại với cô gái xứ núi yêu đời, chịu thương chịu khó. Bao nhiêu năm qua bà đã sống hết lòng, hết dạ, vun đắp cho cái tổ ấm này. Giờ đây, đứng trước diễn biến tình hình hiện tại sao bà lại không lo cho hạnh phúc có thể vuột mất tầm tay. Vậy mà bà chính lại là người bình tĩnh nhất nhà. Những ngày bà vẫn duy trì nề nếp sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Bửa cơm tối phải đủ mặt cả nhà. Mấy hôm cuối tháng 4-1975, tình hình hết sức lộn xộn, cha tôi đi về rất muộn, nhưng mẹ cùng chúng tôi vẫn chờ đến khi cha về rồi mới dọn cơm cho cả nhà và trong bửa ăn bà luôn giữ cái không khí ấm cúng bao năm nay...Sau này khi tôi đi bộ đội làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, những khi thấy một bửa cơm gia đình của những người khơ-me, tôi lại nhớ đến bữa cơm của những ngày 30-4 ấy. Và tôi hiểu mẹ tôi đã cố giữ sự bình yên cho anh em tôi, vì bà biết rằng nếu có nổ súng, sẽ chẳng bao giờ có những bữa cơm quây quần đần ấm như thế nữa. Và có lẽ bà cũng muốn níu giữ những giây phút ngọt ngào của cuộc sống ... Mẹ tôi không hưởng được bao nhiêu cái hạnh phúc cả đất nước nối liền một dãy. Cuối năm 1975, bà mất đột ngột bởi một cơn bạo bệnh, để lại thằng em trai mới hơn thôi nôi.

Ngày 30-4 đường xá khá yên vắng. Các hoạt động buôn bán sinh hoạt hầu như không còn diễn ra. Mọi người rúc vào nhà, còn phải lo cho gia đình mình nữa chứ. Sài gòn đã thất thủ rồi, Đài phát thanh Sài Gòn đã phát lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của Tổng thống Dương Văn Minh. Bao nhiêu sư đoàn tinh nhuệ, vũ trang đầy đủ cũng phải tan tác tháo chạy, một dúm người tụ lại ở đây mà cũng nói chuyện tử thủ. Không khí hoảng loạn bao trùm khắp mọi nơi nhất là những gia đình có người tham gia với chính quyền VNCH. Cuộc chiến tranh quá dài và khốc liệt. Hai mươi năm với bao nhiêu mất mát đau thương, những người thua trận làm sao không sợ sệt, làm sao không có chút hoảng loạn. Tất cả các cơ quan, công sở đều đã đóng cửa. Chế độ đã sụp đổ, các tướng tá chóp bu tháo chạy không dám quay đầu lại. Các đơn vị lính địa phương quân kéo về dinh Thiếu tướng Lâm Thành Nguyên với quyết tâm tử thủ đều đã tự động rã hàng ngủ, buông súng, tìm mọi cách về quê. Mạnh ai nấy lo thân. Quần áo, mũ nón lính vứt bỏ khắp mọi nơi. Đến chiều ngày 30-4 đã không còn thấy một bóng lính VNCH trên đường quốc lộ. Việt Cộng đã tiếp quản Sài Gòn, chẳng mấy chốc sẽ tràn xuống đồng bằng sông Cửu Long. Không biết rồi có cuộc tắm máu nào như lời đồn đại không, trốn về nhà gặp gỡ vợ con rồi có gì cũng đỡ nuối tiếc. Binh bại như núi đổ, tam thập lục kế , dĩ đào vi thượng.

30-4 cha tôi không đến công sở, mà có tới cũng chẳng có ai ở đó. Những cộng sự ngay từ chiều hôm qua đã bỏ về nhà. Cũng không trách họ được, ai cũng phải lo thân mình, chẳng ai dại đem mạng sống của mình ra để chống đỡ cho con tàu đã…xem như chìm nghỉm vào lòng biển khơi. Họ cũng như ông thôi, cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, chỉ vì sự tồn tại, chỉ vì để mưu sinh. Những khẩu hiệu hô hào vì dân vì nước của mấy gã dân biểu, những thứ quốc kế dân sinh hay lý tưởng xã hội của nền Đệ nhị cộng hòa, lớn lao quá, xa vời với họ quá. Họ cũng chỉ là những công dân bình thường, mong ước có được một cuộc sống thanh bình, với những hạnh phúc đơn sơ, bình dị. Cuộc chiến tranh dài hai mươi năm đã cuốn theo nó bao nhiêu là mất mát, đau thương, bao nhiêu là hệ lụy. Sự khốc liệt của nó chính là đã đẩy người Việt Nam về hai phía đối ngược nhau, ở vào cái thế chẳng đặng dừng…Trong một hoàn cảnh lịch sử như thế, không bị cuốn về phía này thì phải về phía kia, không có chổ cho người đứng giữa.

Cha tôi sinh năm 1925, và là con út thứ mười ba trong gia đình có mười hai người con. Năm mười bảy tuổi ông đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Anh chị lớn đều đã có gia đình riêng. Ở một mình nên ông thường đóng cửa nhà đi khắp nơi dạy nghề võ kiếm sống. Hồi ấy cuộc sống loạn lạc khó khăn, ở trong vùng sâu xa nên cha tôi chỉ học chữ đến biết đọc biết viết. Bù lại ông được nội tôi vốn là một võ sư rèn luyện kèm cặp từ nhỏ, mười lăm tuổi ông đã không có đối thủ trong vùng. Những năm bốn mươi, năm mươi của thế kỷ hai mươi, ở nông thôn Nam bộ vẫn tồn tại mỗi làng một sân luyện võ để trai làng đến tập võ nghệ phòng thân, rèn luyện sức khỏe. Võ sư thông thường là những người giỏi võ, từ xứ khác đến. Tuy nhiên muốn được dạy ở đó, người mới đến phải đánh bại vị sư phụ đang đứng dạy tại sân luyện ấy, chứng tỏ sự hơn hẳn về võ công của mình. Có được một căn cơ tốt lại được cha rèn luyện từ nhỏ, nên ông được mời dạy ở nhiều nơi, dĩ nhiên là phải đấu theo quy định, tạo được uy tín trong giới võ thuật. Rồi ông gặp má lớn tôi, sống ở rể chí thú làm ăn trên mảnh đất ông già vợ cho khi làm lễ cưới.

Những tưởng cuộc đời sẽ xuôi buồm thuận gió, nào hay ngày qua phong vũ bất kỳ. Ở với cha tôi được ba người con thì mẹ lớn tôi lâm bạo bệnh. Bà phải nằm liệt trên giường điều trị bệnh trên mười năm rồi mới qua đời. Vợ chết, ông trở nên trắng tay vì phải lo thang thuốc cho bà trong thời gian dài đăng đẵng. Ba đứa con còn nhỏ dạy, mà nghề dạy võ của ông sắp mai một rồi. Người Mỹ đã vào Việt Nam với súng ống hiện đại, ai cần đi học võ nữa. Đứng từ xa “đòm” một phát đối phương đã ngõm củ tỏi, võ công có cao siêu đến đâu cũng phải quy thiên. Để có tiền nuôi con ông đã phải làm thuê rất nhiều nghề, và không từ chối bất kỳ công việc nặng nhọc nào miễn có tiền lo cho gia đình. Thấy ông biết ít chữ nghĩa lại giỏi võ và được bà con quý mến, người ta đề nghị ông ra làm trưởng ấp. Đang khi phải vất vả mưu sinh, ông nhận lời ngay mà không do dự. Với ông nó đơn giản chỉ là một công việc. Làm gì cũng vậy, phụ trách giữ gìn an ninh trật tự xã hội cho một ấp để bà con có được cuộc sống yên lành cũng tốt. Cái đạo của người học võ được cha ông truyền dạy từ thuở ấu thơ nên ông luôn lấy cái tình người đặt lên đầu trong công việc. Ông sống gần gũi và được lòng người dân trong ấp. Ông tổ chức thanh niên tự vệ ấp quy củ nhằm giúp đỡ thanh niên trong ấp đúng tuổi quân dịch trốn lính. Nhiều lần ông giúp đỡ các cán bộ cách mạng nằm vùng thoát khỏi sự truy bắt của bọn an ninh chìm, sau 30-4 ông được những người ấy xác nhận đã giúp đỡ cách mạng nên chỉ bị học tập cải tạo mấy tháng. Nhưng ở vào lúc này, ông cũng như bao nhiêu người cùng chung cảnh ngộ trên khắp đồng bằng sông cửu long, tránh làm sao khỏi nỗi lo sợ cho số phận của mình. Cuộc chiến tranh với bao nhiêu tàn khốc kéo theo nó. Những người Cách mạng đã phải chịu bao cảnh tù đày, tra tấn dã man, chịu bao đau thương mất mát, giờ đây khi nắm chính quyền họ có trả thù những người thất trận không. Mọi người sinh ra đều mong muốn sống tự do và yên bình. Nhưng đâu phải ai cũng định đoạt được số phận của mình. Có bao nhiêu anh hùng đã tạo nên thời thế. Số phận của mỗi cá nhân quá nhỏ bé so với những biến cố mang tính thời đại. Phần đông đều bị cuốn vào trong vòng xoay của lịch sử, và số phận của họ có thể hoàn toàn bị định đoạt bởi một sự kiện, một biến cố xã hội. Có muốn tránh cũng không khỏi. Mấy hôm nay cha tôi rất ít nói. Ông lo cho những ngày sắp tới, dĩ nhiên không chỉ đơn giản là số phận của riêng ông mà tương lai của gia đình nữa. Hiện tại anh em tôi còn nhỏ dại quá. Thật ra tôi thấy ông đã chuẩn bị hành trang, nghe nói cùng một số người qua tổ đình Hòa Hảo tạm lánh qua lúc sóng gió này. Nhưng cả một chế độ đã sụp đổ ở đâu mà chẳng thế. Mẹ tôi thì chỉ sợ có chiến sự. Mấy hôm nay bà khuyên cha tôi ở lại nhà bên cạnh gia đình, sẽ không có trả thù, không có tắm máu. Bà đã từng là một giao liên, bà hiểu rõ chính sách của quân giải phóng. Trong thời điểm này, có lẽ lời khuyên ấy là hợp lý nhất. Nên hôm qua cha tôi đã đóng cửa cẩn thận trụ sở ấp nơi ông phụ trách để chờ quân giải phóng vào tiếp quản.

Buổi cơm trưa nay cả gia đình quây quần bên nhau, không khí hơi trầm lắng nhưng trong hoàn cảnh này thật sự đã là đầm ấm. Vẫn như mọi hôm, mẹ tôi vừa chăm sóc thằng em út, vừa lăng xăng gắp thức ăn cho cả nhà. Khi radio phát lời đầu hàng vô điều kiện của tổng thống Dương Văn Minh, cha tôi yên lặng. Tôi không biết ông nghĩ gì. Nhưng mẹ tôi thì vui mừng thật sự. Như vậy là sẽ không có nổ súng, không có trận đánh cuối cùng. Chấm dứt một cuộc chiến kéo dài hai mươi năm đã tạo nên bao đau thương mất mát. Chấm dứt bao nhiêu những khắc khoải đợi mong. Có lẽ niềm vui vỡ òa trong lòng bà, vừa xới cơm bà vừa thì thầm trong khi đôi mắt rưng rưng giọt lệ “ kết thúc rồi, hòa bình rồi ..” Tôi thực sự chưa hiểu hết ý nghĩa của những vấn đề này, nhưng tôi cũng vui theo niềm vui của mẹ. Cả gia đình tôi sẽ vẫn như xưa, quây quần bên nhau trong mái ấm gia đình.

Buổi tối đường sá vắng tanh. Nhà nào cũng đóng cửa sớm ngay khi mới vừa chạng vạng. Sài Gòn đã được quân giải phóng tiếp quản, vậy mà ở đây mọi thứ vẫn chưa có động tĩnh gì. Vẫn chưa thấy bóng dáng một giải phóng quân nào. Làng xóm yên tĩnh. Thỉnh thoảng có vài tiếng súng lẻ tẻ vang lên trong đêm càng tăng thêm sự hồi hộp. Người ta thì thào với nhau “ không biết chừng nào mấy ổng vô ”. Một tiếng chó sủa vu vơ cũng làm giật thót, rồi rón rén ghé mắt qua khe cửa chờ đợi. Đêm nay cha và mẹ tôi thức rì rầm nói chuyện rất khuya. Tôi cũng không ngủ được. Tôi chưa hiểu gì về hòa bình, độc lập, ấm no, hạnh phúc. Một thằng bé lên mười như tôi chỉ nóng lòng muốn biết anh giải phóng quân hình dáng ra làm sao mà thôi.

Sáng ngày 1.5 tình hình có vẽ hơi lộn xộn. Một số kẻ lợi dụng trong lúc vô chính phủ đã đến cướp phá, hôi của ở những trụ sở của chính quyền Sài Gòn. Người ta chở đồ ra kìn kìn từ căn cứ của Hải quân Mỹ đặt ở Bến Cát – Châu Phú. Bất cứ thứ gì miễn là lấy được, mang đi được, chủ yếu là vật dụng sinh hoạt, thực phẩm, tất cả đều bị khoắng sạch. Chỉ mới chiều hôm qua người ta còn không dám ra khỏi nhà vì sợ hãi, sáng nay thì lòng tham lấn át tất cả mọi thứ. Sự hoảng loạn ban đầu đã qua đi, tuy các sinh hoạt vẫn con ngưng trệ nhưng ngoài đường đã có đông người qua lại. Người ta tụ tập lại với nhau thành từng nhóm, rồi bàn tán, phỏng đoán đủ thứ chuyện. Cũng còn những lo lắng, không biết chính quyền mới sẽ thế nào, nhưng rõ ràng ai cũng vui mừng vì chiến tranh đã chấm dứt. Cuộc chiến dài đăng đẳng vậy mà qua một đêm thức giấc, tiếng súng bỗng im bặt, đất quê trở lại thanh bình.

Hôm nay, mẹ không cho anh em chúng tôi ra đường. Trong thời điểm này với bao nhiêu thứ lộn xộn, chuyện tên bay đạn lạc biết đâu mà lường. Đã có chuyện đánh nhau tranh giành chiến lợi phẩm của những người hôi của. Vô chính phủ thế này, ai mạnh là hơn. Cả buổi sáng tôi ngồi ở ngoài hiên nhìn ra đường quốc lộ phía trước nhà, mọi thứ diễn ra không theo một trật tự nào. Chẳng có thứ gì ràng buộc nữa. Đột nhiên không còn luật lệ, không còn những quy tắc xã hội, trong phút chốc cái tự do được giải phóng đến triệt để tránh sao khỏi những hành xử quá đà. Súng ống, chất nổ quăng tùm lum thế kia, ai cũng lấy được, biết chuyện gì xảy ra, ngồi ở nhà tránh chuyện thị phi là tốt nhất. Nhưng mà cái lũ con nít chúng tôi làm sao có thể bó gối ngồi mãi một chổ khi ngoài đường chộn rộn thế kia. Sau bữa cơm trưa, lợi dụng lúc không ai để ý, tôi dọt ra đường rồi đi tìm lũ bạn trong xóm. Buổi trưa không còn cảnh nháo nhác, xô bồ như lúc sáng, nhưng không khí căng thẳng vẫn chưa lắng dịu đi. Mọi người trong xóm có mặt đầy đủ, lúc này thì đi đâu, làm gì ? Họ tụm lại từng nhóm, vẻ mặt người nào cũng trầm lặng, ưu tư. Vẫn chưa thấy quân giải phóng tiến vào, tình hình này không biết còn lộn xộn đến bao lâu. Bọn nhóc bạn tôi thì đang tụ lại ngồi hóng chuyện ở chỗ quán đá mía của bác Tư. Hôm nay bác không bán, nhưng cũng vẫn có mấy ông trong xóm đến thời sự. Cũng vẫn là những tin nghe nói nóng hổi cho qua những giờ phút chờ đợi này.

Mãi đến hơn ba giờ chiều, khi bọn trẻ chúng tôi còn mãi mê giành phần xí được những chùm me keo chín mọng, phía ngoài đường bỗng vang lên nhiều tiếng reo, tiếng hô “ Tới rồi !”, “ Quân giải phóng tới rồi ”, “ Việt công tới rồi ”…Tiếng í ới gọi nhau khắp xóm. Ngoài đường quốc lộ lúc này đã có rất đông bà con trong xóm, họ muốn nhìn tạng mặt anh bộ đội giải phóng. Tôi cũng vội vã ra đường rồi chen lên phía trước vừa kịp lúc nhìn thấy một chiếc xe jeep cắm một lá cờ nữa xanh, nữa đỏ từ hướng cầu chữ S chạy xuống trong tiếng reo hò của bọn con nít. Chỉ thế thôi sao ? Cái tôi chờ đợi là một đoàn quân rầm rập vũ trang, tiến vào trong tư thế hiên ngang của người thắng trận. Tôi dọt theo lũ nhóc đang chạy sau chiếc xe jeep chậm chậm tiến về hướng dinh thiếu tướng Lâm Thành Nguyên. Giây phút sợ sệt ban đầu đã qua, người ta đổ xô ra đường để được nhìn rõ những con người đã làm nên chiến thắng, đã mang lại hòa bình sau hai mươi năm chiến tranh loạn lạc. Chiếc xe jeep chậm dần rồi rẽ vào dừng trước dinh thiếu tướng Lâm Thành Nguyên. Phía trong dinh mọi sự vẫn yên ắng. Từ trên xe một người đàn ông trung niên bước xuống, theo sau ông ba bốn người trẻ tuổi đeo súng trước ngực. Tất cả bọn họ đều mặt quân phục màu xanh với áo bỏ vào quần tinh tươm. Họ trao đổi với nhau một chốc rồi tất cả đi vào dinh thiếu tướng Lâm Thành Nguyên. Đám đông xôn xao bàn tán một chốc rồi tản dần. Như vậy là quân cách mạng đã tiếp nhận chính quyền, trật tự trị an sẽ được lập lại, mọi thứ sẽ như xưa, chúng tôi sẽ lại được đến trường, không còn lo bị bắt lính nữa. Tự dưng tôi thấy mình lớn hẳn và tự hào như đã được chứng kiến một sự kiện trọng đại của đất nước. Kết thúc rồi, chiến tranh đã chấm dứt rồi ngoại ơi. Ước mơ về một cuộc sống thanh bình, tự do cho chúng con mà ngoại luôn mong muốn giờ đã thành hiện thực rồi. Tôi nghỉ chắc ngoại tôi rất vui. Chiều nay tôi sẽ đi thăm ông, mấy hôm nay sức khỏe ông không tốt, mấy vết thương cũ khi bị bắt tra tấn giờ lại trở chứng, hành hạ ông. Tôi ngước nhìn theo con đường dài hut hút trước mắt. Mọi người ai đã về nhà nấy. Loang loáng trong ánh chiều là những tia nắng xuyên qua kẽ lá, từng đốm, từng đốm nhảy múa trên mặt đường. Ngày cũ sắp qua đi..