Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Đi tìm cái đẹp cho thư pháp chữ Việt Bài 2 Người viết thư pháp cần có những gì ?

Cái bóng (là ảnh chụp chứ không phải tranh cắt bóng)
Photo : Mai Cường (mình đưa lên photoshop làm lại phần nền)


Hôm rồi có một người bạn hỏi – Tôi muốn tập viết thư pháp, tôi cần phải có những gì. Tôi cười và bảo người bạn – thì chỉ cần giấy, mực, bút lông là đã có thể tham gia tập viết thâu đêm suốt sáng rồi. Thì nhìn bên ngoài quả có thế thật. Tập viết chữ thì chỉ cần bấy nhiêu là đủ rồi, chủ yếu là bỏ thời gian để rèn luyện kỹ năng viết chữ sao cho điêu luyện, làm chủ được ngòi bút của mình. Điều này rất quan trọng trong sáng tác thư pháp. Đôi khi ta muốn thực hiện một đường bút thật ngọt ngào cho một bố cục đã định sẵn trong đầu, nhưng bàn tay lại không thực hiện đúng điều mình nghĩ suy do kỹ năng rèn luyện chưa đạt đến độ chuẩn. Vì vậy việc rèn luyện viết thư pháp không phải chỉ ngày một ngày hai, mà nó phải là một quá trình lâu dài và liên tục. Chẳng phải Vương Hy Chi đã chỉ vào hàng tá chum vại đựng nước để bảo với con trai của mình rằng không có con đường tắt nào đi đến thành công dành cho người viết thư pháp. Chỉ có sự rèn luyện kiên nhẫn với thời gian, mỗi ngày qua đi kỹ năng sẽ tăng dần. Khi đã làm chủ được ngọn bút, lúc ấy thì thỏa chí tung hoành trên giấy, cái "lực" đã tòng cái "tâm" rồi thì mới thể hiện được điều mình nghĩ suy, mình ấp ủ. Tuy nhiên, thư pháp không chỉ là rèn luyện kỹ năng viết chữ. Con chữ chỉ là phương tiện, là cái phần bên ngoài để nhà thư pháp chuyển tải những đạo lý ẩn chứa phía sau những đậm nhạt sáng tối, phía sau những nét xổ nét hoành lung linh trên mặt giấy.Thư pháp cũng giống như hội họa, âm nhạc, ..hoặc những bộ môn nghệ thuật khác, đó là việc rất cần thiết phải rèn luyện cho mình những kỹ năng thực hành điêu luyện để nhằm thỏa mãn cho những sáng tạo bản thân. Nhưng kỹ năng chỉ là công cụ, còn sáng tạo lại là công việc của tư duy. Muốn phát huy được năng lực sáng tạo nghệ thuật của tư duy, đòi hỏi cần có một nền tảng kiến thức chung về nhiều mặt. Vì vậy luyện thư pháp đâu chỉ là viết mà còn phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều mặt trong cuộc sống.

Hiện nay thư pháp tiếng Việt đang được rất nhiều người tập luyện, mà đông nhất lại là các bạn trẻ. Chỉ cần mua một quyển sách dạy viết thư pháp cộng với sự khổ luyện, tập viết một cách thật sự có kỹ năng thì tưởng chừng như tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà thư pháp. Vì vậy có rất nhiều bạn đến với thư pháp chủ yếu chỉ là luyện con chữ, thể chữ, cốt làm sao cho thật đẹp, thật điêu luyện còn thì ít chú ý đến chiều sâu về văn hóa, về thẩm mỹ mà một người viết thư pháp cần có. Đành rằng thư pháp là viết chữ, nhưng việc rèn luyện bút pháp cũng chủ yếu để thể hiện cái tư duy, cái nghĩ suy và những sáng tạo của người viết. Con chữ chỉ là phương tiện để truyền tải những thông điệp mà người viết muốn gửi gắm. Sự thành công của một bức thư pháp đâu chỉ là do chữ đẹp, bay bướm , mà nó là sự hài hòa của cả một tổng thể từ bố cục đến nội dung, từ cái hình tướng bên ngoài đến chiều sâu nội tại. Muốn được như vậy, người viết phải có một nền tảng nhất định về thẩm mỹ, về văn hóa và cả vốn sống. Nếu chỉ chú trọng đến việc luyện chữ mà không chú ý đến những yếu tố thẩm mỹ khác, người viết rất khó tiến xa.

Ai cũng có thể viết thư pháp được,chữ viết bản thân xấu đẹp không quan trọng, miễn sao có cố tâm rèn luyện ắt sẽ thành công . Tôi đã đọc một câu có nội dung gần như thế trong một quyển sách hướng dẫn viết thư pháp. Dĩ nhiên tôi cũng không phản đối điều này, nhưng theo tôi, nếu chữ viết thường ngày của ta xấu quá,khi rèn luyện thư pháp ta sẽ gặp phải một số khó khăn và khó tiến xa. Viết thư pháp là viết chữ, Vì vậy con chữ cũng phải đạt được những yếu tố thẩm mỹ nhất định mới có thể dẫn dắt người xem đi sâu hơn vào nội tâm bức thư pháp. Chữ viết thường nhật không đẹp, khi luyện viết chữ, người viết phải coppy lại mẫu chữ của người khác, khó tạo ra sự riêng tư – một yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật. Chữ viết của mỗi cá nhân là đặc thù riêng biệt, khó giống nhau. Vì vậy, có một căn bản chữ viết đẹp, sau khi đã thuần thục kỹ năng, người viết sẽ dễ dàng phát triển chữ viết của mình thành một phong cách riêng, và thuận lợi cho việc sáng tạo cái mới trong thư pháp.

Thư pháp Việt ra đời chủ yếu đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần. Trong một xã hội phát triển với nhịp sống hối hả như hiện nay, viết và thưởng ngoạn thư pháp cũng là một cách thư giản chống lại những căng thẳng trong cuộc sống . Nó như một thú thưởng ngoạn tao nhã của những người hoài cổ, yêu mến nghệ thuật truyền thống. Dù chỉ mới xuất hiện nhưng nó đã được đông đảo mọi người chấp nhận và hưởng ứng, điều này thật sự thuận lợi cho sự phát triển của bộ môn thư pháp chữ Việt. Tuy nhiên việc phát triển một cách rầm rộ và tự phát của nó cũng làm một số người tỏ ý quan ngại, cho rằng thư pháp có thể làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Có ý kiến còn xem việc viết thư pháp làm bôi bẩn chữ Việt. Phát biểu như thế có vẽ vội vã và quy chụp một cách thiếu suy xét. Có hay không những bức thư pháp thì chữ Việt hay tiếng Việt cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển hay sự trong sáng của tiếng Việt. Thư pháp chỉ là thú chơi, thuần là nghệ thuật, mượn con chữ để gửi gắm vào đó những nghĩ suy, những khát vọng mang lại cho cuộc sống cái đẹp. Mục đích cuối cùng của nó là thưởng ngoạn, hoặc hơn thế nữa là để chuyển tải những giá trị đạo đức nhân văn, những đạo lý của người xưa. Xét cho cùng vai trò của một bức thư pháp Việt giống như một bức tranh được viết bằng chữ, mà trên đó những con chữ được sắp xếp với các mãng đậm nhạt sáng tối khác nhau tạo thành một sự tương phản nhưng lại hài hòa trong một tổng thể hoàn chỉnh. Viết thư pháp chữ Việt đâu phải chỉ là một sự dàn trãi đều đặn các con chữ trên mặt giấy. Đôi khi để tìm một bố cục chặt chẻ, hợp lý cho nội dung văn học cần thể hiện,người viết thư pháp phải mất đến mấy ngày để chọn cho mình một bố cục ưng ý nhất rồi mới quyết định phóng bút. Có những câu đối, câu thơ có nội dung rất hay nhưng hình dáng con chữ không thuận lợi khi thể hiện, trong trường hợp này người viết phải thật sự đắn đo tính toán bố cục để có thể bù được vào khiếm khuyết ấy mà vẫn tạo nên được sự thành công của bức thư pháp. Muốn làm được như thế, người viết phải có một nền tảng căn bản cần có về hội họa, một chiều sâu thẩm mỹ nhất định. Sáng tạo là công việc của tư duy, nhưng nó phải được dựa trên những hiểu biết nhất định về nghệ thuật về xã hôi, có như thế tác phẩm mới đi đúng hướng và không trở nên lập dị. Cái đẹp theo quan điểm cá nhân của mỗi người hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu không dựa trên nền tảng những chuẩn mực về cái đẹp của thời đại, của xã hội, chắc rằng tác phẩm sẽ trở nên lạc lõng, không hòa vào được với hơi thở của cuộc sống.

Nội dung các bức thư pháp chữ Việt hiện nay rất đa dạng, và phong phú. Các sáng tác thường sử dụng các câu danh ngôn, câu đối chứa đựng những giá trị đạo đức, những tư tưởng nhân văn, hoặc các câu thơ hay, sâu sắc của các tác giả nổi tiếng. Vì vậy để nội dung các bức thư pháp của mình phong phú, có chiều sâu, người viết cũng cần phải có một vốn đọc phong phú, một khả năng cảm nhận văn học nhất định. Khi chọn một câu thơ hay câu đối để thể hiện, người viết cần phải hiểu những giá trị tư tưởng chứa đựng trong nội dung câu chữ, để từ đó bằng ngòi bút của mình truyền tải đến người xem, tạo nên sự đồng cảm , gặp nhau giữa người xem và người viết Muốn hiểu thấu đáo những nội dung câu chữ mình viết, cần tìm hiểu nhiều thứ, từ văn học, lịch sử, nghệ thuật….chính cái nền tảng kiến thức kia sẽ giúp tư duy sáng tạo nên những cái mới, cái đẹp, phù hợp với nhịp sống phát triển xã hội. Bên cạnh, khi có được một vốn văn hóa, xã hội và kiến thức đủ chiều sâu, chiều rộng, người viết sẽ dễ dàng tìm được những những đề tài, những nội dung sâu sắc, có giá trị nhân văn cao. Tránh được việc lập lại của người khác hay quanh quẩn ở những đề tài quen thuộc

Như vậy viết thư pháp đâu chỉ là việc rèn luyện kỹ năng viết chữ bằng bút lông, một bức thư pháp đâu chỉ là con chữ mà nó là một tác phẩm với một sự tổng hoà rất nhiều yếu tố nghệ thuật như : hội hoạ, thi ca, âm nhạc, thiền học....Vì vậy đến với thư pháp, song song với việc rèn luyện kỹ năng chấp bút, thì đọc và tìm hiểu học hỏi cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ. Sáng tạo nào cũng phải dựa trên những nền tảng nhất định, nó có thể đi trước thời đại nhưng nó vẫn phải luôn mang tính kế thừa chứ không thể là một thứ "từ đất nẻ chui ra", không giống trước cũng chẳng thể có sau. Kỹ năng và kiến thức phải xem trọng như nhau, sự tương đồng giữa hai mặt sẽ giúp người viết dễ dàng thực hiện những ý đồ nghệ thuật, nâng cao giá trị tác phẩm. Nghệ thuật phải là những rung động chân thực trước cuộc sống, ở một góc độ nào đó thư pháp Việt cũng đang tiếp nối truyền thống "văn dĩ tải đạo" của cha ông ta. Không chỉ là thưởng ngoạn, giải trí mà nó còn đem đến một giá trị tinh thần, tính nhân văn và những triết lý sống, hướng đến cái chân của thiện và mỹ. Do vậy, người viết cũng cần có cái tâm trong sáng, trong một nhân cách được rèn luyện, mở lòng ra với cuộc sống, với đất trời. Đó cũng chính là cái đạo của người luyện thư pháp vậy.

Trên đây là những nghĩ suy của bản thân trong mong muốn đóng góp vào sự phát triển của thư pháp Việt. Chắc rằng còn rất non nớt, rất mong được các bậc tiền bối, các bậc đàn anh lượng thứ và chỉ giáo