Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Khói chiều đồng nước

An Giang mùa lũ - Ảnh Internet
Tháng chín.
Ngẩn ngơ cơn lũ
Mẹ thở dài.
Khói bếp chiều cay mắt.
Mùa trôi theo dòng nước vô tình.

Tháng chín.
Con cá rô trở lại dòng sông.
Cà na rụng đầy.
Xao xuyến.
Xuồng câu đâu còn đêm về bến.
Con nước lên mẹ vẫn chong đèn.

Phép màu nào cho đôi tay mẹ.
Chắc chiu cùng đất
Tháng năm.
Run rẩy lúa non chưa kịp mang giọt sữa.
Chấp chới đồng sâu.
Bông súng trắng chơi vơi.

Câu hát xưa ai lấy chồng xa.
Bờ điên điển buồn trông nước chảy.
Cô gái xóm trên áo hoa ngày lũ.
Câu ca dao rơi giữa cánh đồng.

Mẹ một đời qua bao mùa lũ.
Thời con gái theo chồng bủa lưới đồng sâu.
Leo lét đèn dầu.
Xuồng câu dập dềnh sóng nước
Đói no, buồn vui
Con nước lớn  ròng.

Lũ vẫn như xưa
Mẹ giờ phất phơ tóc trắng
Tím bầm gót chân,
Ngày tháng lo toan.
Nước đêm.
Chập chờn giấc ngủ.
Mơ cánh cò lồng lộng phủ đời con.

Tháng chín.
Lục bình trôi ra biển.
Nước cầm đồng.
Mùa theo sóng mênh mông.
Một đời đi qua bao mùa lũ.
Con nước về.
Mắt mẹ vẫn cay.



Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Chiều say

Chiều say.
Trong mắt bạn-Sơn dầu của Lê Thủy
Nắng chập chờn nhảy múa.
Lối nhỏ chông chênh.
Hư ảo, thấp cao.
Ngày chậm qua, mờ mịt nẻo đi.
Chiều rơi xuống, thì thầm lời mộ địa.

Chiều nay ta say
Bồng bềnh.
Ngỡ như mây. Liêu xiêu góc phố.
Bao nhiêu ly, đong những nỗi lòng.
Ngày cũ mong manh
Bến bờ trôi nổi.
Chênh vênh ước mơ.
Vời vợi những đam mê.

Có bao giờ em say.
Lang thang tìm tháng năm thơ dại.
Hình hài xưa,
Bàng bạc lối xưa.
Có bao giờ quắt quay giữa cơn mộng thực.
Chợt bàng hoàng.
Say tỉnh cũng phù hoa.

Chiều nay say.
Trôi như dòng sông.
Phiêu lãng.
Bờ xa.
Nghe chừng tháng rộng ngày dài.
Ta say rượu.
Chiều say nhân thế.
Ta với chiều chếnh choáng nỗi riêng tư.

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Những chiếc cầu dây,

Cầu dây xã Bình Chánh-Châu Phú An Giang
Chiều trên cây cầu dây,
Nắng vàng. 
Lục bình lãng đãng.
Khăn quàng bay,
Trường mới khang trang.
Lúa xanh đồng,  lao xao cò trắng
Bóng em qua cầu, đường mới.
Chiều nghiêng.

Ở nơi má sinh em,
Ngày xưa.
Gập ghềnh cây cầu khỉ.
Thân phận nổi trôi, đồng nước mênh mông.
Chấp chới những mảnh đời.
Ước mơ  theo con nước lũ.
Đất thở dài, mắt mẹ mờ sương.

Bao nhiêu lần bông điên điên trổ vàng.
Làng quê bao năm thay da đổi thịt.
Điện về, sáng bao cuộc đời tăm tối.
Sáng những ước mơ.
Ấm áp tình người.

Đã không còn cầu tre lắc lẽo.
Lời ru xưa,
Gập ghềnh nẻo sang sông.
Cầu mới con qua.
Bao lối đời rộng mở.
Đất nở hoa, vang tiếng trẻ học vần.

Chiều quê bình yên.
Chợt nghe tiếng đàn ai xao xuyến.
Khúc Lưu thủy trường lắng đọng giữa dòng trôi.
Em qua cầu
Bâng khuâng gió hát..
Tôi ngẩn ngơ,
Cầu dây nắng mênh mang.

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Tản mạn ngày lũ


An Giang dầm mình chống lũ

Mấy hôm nay các tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long dầm mình trong lũ. Cơn lũ tiếp tục gây thiệt hại nặng  chủ yếu ở các huyện đầu nguồn lũ An Phú, Tân Châu, Phú Tân, Châu Thành, Long Xuyên. Lũ  đã làm 4 người chết, sạt lở 12.907 m2đất bờ sông; 3.471 căn nhà bị ngập; 651 căn xiêu vẹo; 344 ha lúa và hoa màu vụ 3 đang bị ngập và gặt ép; mất trắng 3.535 ha. Lũ còn làm ngập 120 ao cá và 136 km đường giao thông bị ngập, sạt bờ. Tỉnh kịp thời trích ngân sách 46 tỷ đồng chi phí gia cố đê, nhưng do cường suất lũ mạnh đã làm phát sinh 254 km đê bị vỡ, tập trung nhiều nhất là huyện Châu Phú, Châu Thành, Tịnh Biên….
Rất nhiều tuyến đê xung yếu bị vỡ, gây thiệt hại nặng nề cho bà con nông dân.  Anh bạn tôi thấy người ta đầu tư vụ ba kiếm ăn được, năm nay cũng nhảy vào đồng Ô Long Vĩ thuê sáu công đất đầu tư trồng lúa, tưởng có cái ăn, ai dè vỡ đê đành chịu mất trắng.Chưa tính hết thiệt hại mấy hôm nay là bao nhiêu, nhưng chắc chắn sẽ có rất nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, thiếu thốn. Ruộng đồng, vườn cây, ao cá…bổng chốc chìm sâu trong cơn lũ. Bao nhiêu công sức, bao nhiêu mồ hôi và tiền của đổ ra giờ mất tăm trong làn nước trắng xóa. Bao nhiêu cố gắng để cứu lấy những con đê. Những đơn vị bộ đội, Đoàn thanh niên… không quản ngại gian khó, trực chiến suốt hai tư giờ để đối phó với lũ. Nhưng trước cơn lũ hung hãn và lên nhanh, rất nhiều những con đê bao lần lượt vỡ, bất chấp mọi cố gắng chống chọi của những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết. Giá như những con đê được gia cố, tôn cao vượt đỉnh lũ thì giờ đâu phải vất vả mà vẫn mất trắng thế kia. Người miền Tây bao đời nay đã quen với cơn lũ hàng năm. Cứ đến hẹn lại lên, năm nào cũng thế, chỉ là lớn nhỏ khác nhau nên chẳng có gì phải bất ngờ. Mức lũ năm nay sẽ cao đã được dự báo từ mấy tháng trước. Nếu chúng ta có chuẩn bị, gia cố chắc chắn những con đê đủ sức chống chọi với mức nước đã được dự báo thì giờ đâu phải nhận những hậu quả nặng nề như thế.  Phòng bệnh bao giờ cũng tốt hơn là phải chửa bệnh.Chuyện đã rồi, cũng chỉ là rút kinh nghiệm. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những mất mát mà bà con nông dân phải gánh chịu.
Lũ lớn về gây nhiều thiệt hại nhưng cũng mang lại cho ruộng đồng một nguồn lợi thủy sản khá lớn. Ông Tư, người làm nghề đan lọp lươn ở Châu Thành cho biết đây là năm ông làm nhiều nhất trong hơn hai mươi năm làm nghề này (TH AG). Cá tôm mùa nước nổi là một tặng vật mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho miền Tây. Những con cá mẹ từ đầu nguồn xuôi dòng Cửu Long, rồi lên đồng đẻ và nuôi con. Nước không lên đồng được, những con cá vừa mới sinh không có chỗ trú thân đành trôi ra biển. Cùng với cá tôm, những nguồn lợi thiên nhiên do mùa lũ mang lại cũng dần dần cạn kiệt. Những thứ tưởng chừng như quen thuộc, gần gủi với người nông dân, bỗng chốc trở thành đặc sản , chễm chệ trong các nhà hàng sang trọng. Những thứ hôm qua người nông dân tiện hái về để cải thiện bữa ăn sau giờ làm đồng, giờ lại phải chắc lưỡi thèm thuồng. Ngày tôi còn nhỏ, dịp cá ra ( Cá sau khi sinh trưởng trên đồng trong mùa lũ, tập trung đổ ra sông trong mấy ngày. Nông dân gọi là cá ra), bọn nhóc chúng tôi với những chiếc vợt, chiếc rổ đơn giản cũng có thể  kiếm được rất nhiều cá. Nhất là cá Linh. Thật ra những ngày cá ra sông, chủ yếu là cá Linh với những đàn cá khổng lồ.. Gặp những đàn cá lớn chủ vó gạt phải tháo đáy lưới, thả bớt cá lại sông vì không thể kéo gạt được một số lượng cá lớn đến thế. Mắm và nước mắm cá linh từ lâu đã là thứ đặc sản nổi tiếng của miền Tây nước nổi. Cá Linh nướng, cá Linh chiên giòn, cá Linh nấu canh chua, cá Linh kho mắm….Chỉ con cá Linh thôi, đã có biết bao món ăn dân dã hết sức độc đáo.
Lũ ở miền Tây chỉ là nước nổi theo định kỳ. Con nước ngày hai buổi cứ lớn ròng và nước cũng từ từ dâng lên. Nước nổi ở miền Tây chưa bao giờ hung hãn, bất ngờ cuốn trôi mọi thứ như lũ quét ở miền Trung. Với trình độ khoa học kỹ thuật hiện đại ngày nay, ta hoàn toàn có thể dự đoán trước diễn tiến của thời thiết để có những quy hoạch dài hạn vừa đãm bảo vòng quay của đất mà vẫn giữ được nguồn lợi thủy sản và cũng đãm bảo tận dụng được lượng phù sa hàng năm từ thượng nguồn đổ xuống. Nước nổi là một đặc tính đã tự bao đời gắn bó với vùng đất này. Nó đâu phải là một thứ thiên tai gây những hậu quả nghiêm trọng nếu như ta có những quy hoạch, tính toán hợp lý. Đã đến lúc chúng ta nghĩ đến việc sống chung, hòa mình với lũ thay vì phải  chống lũ. Có lẽ các nhà khoa học cũng đã sẵn sàng vào cuộc. 





    
          Nước lên nhanh thật ! Sáng ra thức giấc, nước đã ngập đầy nhà. Mai mà chiều hôm qua đã kịp kê kích đồ đạc. Cả xóm giờ chỉ còn có nhà tôi chưa nâng nền nên mới phải ngập nước.Thế cũng hay. Con rạch Voi sau nhà tôi đi bị lấp đi nhiều năm rồi nên hầu như mấy năm nay tôi không cảm nhận được mùa nước nổi lên xuống thế nào. Năm nay nước lên cao vượt cả đỉnh lũ 2000. Cánh đồng nhỏ sau nhà tôi nước ngập mênh mông, nhưng bây giờ nó không còn là nơi để chúng tôi khám phá trong mùa lũ nữa rồi. Cũng chẳng còn chuột, rắn để mà đi săn. Mấy hôm nay bão liên tiếp, nên nước lại càng lên nhanh. Đứng phía sau nhà nhìn cảnh nước ngập khắp mọi nơi, tự dưng lại có cảm giác con rạch vẫn đang chảy ở phía dưới mặt nước. Mùa lũ ở Miền Tây luôn là mùa mà tôi thích nhất trong năm. Tuổi thơ tôi lớn lên cùng với những mùa nước nổi tràn đồng. Làm sao quên được những buổi bơi xuồng giữa đám điên điển mênh mông đang kỳ ra hoa vàng rực cả góc trời. Những kỷ niệm thi vị của tuổi thơ hầu như gắn liền với mùa nước nổi. Con rạch Voi sau nhà hiền hòa thơ mộng. Bỗng một sáng dậy, nước cuộn trào phù sa đỏ quạch, rồi tràn ra cả hai bên bờ để lên ruộng đồng. Cả một hệ sinh thái mùa nước nổi bỗng chốc chuyển mình, mang lại cho đồng nước một sức sống mãnh liệt. Con nước bồi đắp bao nhiêu phù sa, thanh tẩy cho cả một vùng đồng bằng châu thổ rộng lớn. Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho miền Tây một mùa nước nổi với bao nhiêu là  nguồn lợi mà nó mang lại. Tại sao chúng ta cứ phải đẩy chúng về phía biển đông để rồi phải gánh chịu bao nhiêu hậu quả mà nó gây ra. Người dân thâm canh vụ ba, có nghĩa họ đã tin tưởng vào chủ trương của chính quyền. Họ đã đặt niềm tin vào chính quyền chứ không còn phó thác cho sự may rủi của thiên nhiên. Những mất mát do lũ mấy hôm nay ai sẽ chịu trách nhiệm.Vẫn còn một con nước tháng chín, không biết rồi còn ngập đến đâu nữa.