Thứ Hai, 28 tháng 6, 2010

Hành trình xuyên Việt 1

Đất thần kinh
Cổng Đại Nội





Đâu rồi hào quang của một triều đại, đâu rồi những cung tần,mỹ nữ....


Không đi được cùng một lúc với đoàn, mà phải đi máy bay ra trước để đón đầu tuy tốn tiền nhưng cũng có cái hay.Lần đầu tiên ngồi máy bay (mong đừng cười) mà lại là Boing 707 nữa chứ. Bồng bền giữa mây trắng, nhìn từ trên cao xuống, phong cảnh thật sự đẹp tuyệt vời. Những hình ảnh mà trước đây chỉ được xem trên tivi, bây giờ hiện ra ngay trước mắt dưới cánh máy bay, hùng vĩ và thơ mộng như một bức tranh.. Tôi thích nhất lúc bay ngang qua núi rừng Tây Nguyên, trên cao nhìn xuống một màu xanh ngút ngàn ẩn hiện phía dưới những đám mây trắng trôi lãng đãng. Ở trong cái màu xanh chập chùng ấy, những con sông chảy uốn lượn như những cánh tay vươn dài ôm lấy núi rừng. Dưới cánh máy bay, bổng hiện ra một hồ nước (có lẽ là một hồ chứa nước thuỷ điện mà tôi không biết tên gì) lấp lánh ánh mặt trời như một điểm nhấn, tạo cho bức tranh thêm phần lung linh huyền ảo. Rất tiếc ngồi trong máy bay không ghi lại được cảnh nào. Chuyến bay cũng khá nhanh, khởi hành ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) lúc 7g10 phút, đến 8g30 tôi đã có mặt ở sân bay Phú Bài (Huế). Quá sớm so với đoàn, như vậy tôi có hơn nữa ngày trời để lang thang một chút ở nơi mà các vua chúa nhà Nguyễn đã chọn làm kinh đô của Việt Nam.Đây là lần đầu tiên tôi tới Huế. Lần đầu đặt chân xuống mảnh đất cố đô, không khỏi có chút bồi hồi trong dạ. Huế hôm nay nóng quá, có lẽ phải trên 38 độ. Trước tiên phải tìm chổ nghỉ cho cả đoàn, để đồ đạc cái đã.Với quãng đường từ Nha Trang đến Huế, có lẽ phải 22g đêm anh Hoài và cả đoàn mới đến. Vậy là phải tranh thủ đi thăm một số nơi mà từ trước đến nay chỉ nghe qua.
Anh chàng chạy honda ôm mê âm nhạc (anh chàng khoe mình là nhạc công đàn guitar list!) lại có vẽ thích làm một hướng dẫn viên, luôn miệng giới thiệu các di tích. Vậy là tôi "kết" luôn, nhờ anh ta làm tài xế kiêm người dẩn đường. Huế không ồn ào náo nhiệt như những thành phố phương nam. Không có nhiều nhà cao tầng, đường phố nhỏ, nhưng lượng xe lưu thông không nhiều, nên phố xá dường như thân tình, gần gủi. Ngồi sau xe của anh chàng honda ôm, tôi có cảm giác như đi giữa một thị trấn vùng Bảy núi, nhất là đường đến các di tích.
Điểm đầu tiên tôi đến là Đại nội, cung đình của các vị vua nhà Nguyễn. Không có nhiều khách người Việt, mà chủ yếu là khách nước ngoài (những bức ảnh là tôi nhờ họ bấm máy dùm). Điều tôi thấy không được hay lắm là có hai quầy bán vé tham quan, một cho người Việt và một cho du khách nước ngoài. Sao lại phải phân biệt đối xử thế.
Hôm nay trời nắng nóng quá, tôi lang thang khắp nơi trong đại nôi. Đây là nơi mà các vị vua nhà Nguyễn cùng với cả triều đình của mình ngự trị trong mấy trăm năm. Tất cả giờ đây chỉ còn lại những phế tích ghi dấu một thời vàng son rực rở. Đâu rồi những buổi thiết triều uy nghi với rực rở mũ áo, võng lọng. Đâu rồi hào quang của một triều đại. Tất cả giờ chỉ là những hoài niệm trong lòng du khách khi có dịp ghé qua. Tôi thử cố hình dung cảnh sinh hoạt cung đình với dập dìu cung tần mỹ nữ, thái giám, quân cấm vệ. Thấy gì qua những hiện vật của người xưa để lại ! "những người muôn năm củ, hồn bây giờ nơi đâu", câu thơ viết về ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên sao mà hợp với hoàn cảnh này đến thế.
Điểm thứ hai tôi đến là lăng mộ Tự Đức, nơi a nghỉ cuối cùng của vị vua thứ hai triều đình nhà Nguyễn. Chắc chắn không thể sánh bằng lăng mộ của các hoàng đế Trung Hoa, nhưng như thế này thì cũng đã là "vua" rồi. Lăng rộng rãi và được chia ra nhiều khu vực. Có lẽ ngày xưa nó cũng huy hoàng dù đó là nơi để chết của một vị hoàng đế. Còn bây giờ mọi thứ đều củ nát rêu phong. Có khác gì giữa một nấm mồ hoang và một lăng mộ hoành tráng. Người nằm dưới ấy cũng đều về với cát bụi như nhau. Một nắm xương tàn, danh lợi chỉ là hư ảo, một thoáng vụt tan như bọt nước đầu gành.
Buổi trưa Huế nắng như đổ lửa xuống mặt đất. Ngồi ở trong bóng cây vẫn không thấy mát được chút nào. Anh chàng honda ôm tên Định nói huyên thuyên đủ chuyện, hắn bảo nên đi lăng Khải Định, kiến trúc đẹp và hoành tráng hơn. Nhưng nắng nóng quá, đành về khách sạn ngủ một giấc, dành lại cho dịp khác vậy.
Buổi tối ra bờ sông Hương uống cafe. Mãi đến 22 giờ anh Hoài và đoàn mới đến. Ngày mai đi chặng 3 và có lẽ dừng lại ở Thanh hoá.




Đúng là nên làm vua, đến nơi chết cũng hơn người thường gấp nghìn lần
(lăng mộ vua Tự Đức)


Đá cuội cũng thành tranh

Đây là bài viết thứ hai về tranh đá bảy núi. Bài viết trước của phóng viên Phụng Tiên đăng trên báo giấy cần thơ. Còn đây là bài viết của phóng viên Minh Tâm đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày thứ hai 28/6/2010 (http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/386804/Da-cuoi-cung-thanh-tranh.html), mình chép link và nội dung bài báo trên Tuổi Trẻ online. Tuy nhiên phóng viên Minh Tâm đã viết thiếu họ của mình lẽ ra phải là Phan Võ Hoàng Nam.

Thứ Hai, 28/06/2010, 07:18 (GMT+7)

Đá cuội cũng thành tranh

TT - 45 tuổi, chưa từng qua trường lớp hội họa, nhưng thầy giáo dạy nhạc Võ Hoàng Nam (ấp Vĩnh Phúc, thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có riêng một triển lãm tranh khá độc đáo, với chất liệu sáng tác là... đá cuội.

Ông Võ Hoàng Nam và những bức tranh làm từ đá cuội Bảy Núi - Ảnh: MINH TÂM

Trong một lần đi tham quan cảnh Thiên Cấm Sơn ẩn hiện trong sương mù bảng lảng, đẹp như tranh, ông Nam đã bật lên ý nghĩ phải ghi lại cảnh đẹp quê mình bằng chất liệu đặc trưng của xứ sở: những viên đá cuội Bảy Núi.

Mùa hè 2008, ông rong ruổi khắp các mỏ đá ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc..., lựa từng cục đá rồi dùng búa đập ra xem bên trong. Nếu thấy đạt chuẩn ông cho vào bao, về nhà đập nhỏ ra rồi bỏ vào cối giã thành những hạt đá nhỏ li ti, xong sàng chọn ra những hạt thuần màu, phân loại kích cỡ cho vào hũ nhỏ.

Ông Nam cho biết: “Sau khi phác thảo trên giấy nền, công đoạn quan trọng là tạo hình: rải những hạt đá lớn làm nền, hạt vừa tạo sự chuyển màu, còn hạt nhỏ tạo sự tinh tế. Tất cả đòi hỏi sự chu đáo, tỉ mỉ đến từng li, nếu không bức tranh sẽ hỏng. Sau đó dùng keo dán những hạt đá lại. Khâu này lúc đầu cũng lắm trầy trật, khi dán xong nền đá bị biến dạng làm mặt tranh xấu. Thử mãi cuối cùng tôi cũng tìm được loại keo tự chế thích hợp”.

Nửa năm trời ngồi giã, sàng, rải những hạt đá li ti... bức tranh Chiều Bảy Núi cũng hoàn thành. Nhưng tính vốn cầu toàn, nhìn sản phẩm chưa đạt cái thần như mình muốn, ông cảm thấy bứt rứt như nợ nần ai đó, thế là bắt tay làm lại. Vì thế nên “đứa con” đầu tiên với đá cuội Bảy Núi ông làm đến lần thứ 10, mất thêm ba tháng nữa.

Giờ thành thạo nắm được bí quyết nên trung bình mỗi bức tranh ông làm chỉ 10 ngày. Cuối tháng 4-2010, để chào mừng kỷ niệm 35 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 34 bức tranh bằng đá cuội giới thiệu quê hương, con người miền Tây, chân dung Bác Hồ... và 30 bức thư pháp của ông được Hội Văn học nghệ thuật huyện Châu Phú tổ chức triển lãm.

Theo ông Nam, màu sắc tự nhiên của đá cuội Bảy Núi rất hợp với màu nguyên sơ của thiên nhiên và tính bình dị của cuộc sống miền Tây, phù hợp cốt cách phóng khoáng, nghĩa hiệp, chất phác của cư dân miệt vườn nhiệt đới này. Những hạt đá được rải thành những mảng màu trắng, đen phối hợp hài hòa, bố trí theo quy luật sáng tối, xa gần, thể hiện tối đa các hiệu ứng mong muốn.

Từ đôi bàn tay khéo léo của ông, đá cuội đã trở thành hình ảnh làng mạc, thôn xóm, dãy Thất Sơn hùng vĩ cao chót vót giữa mây trời vùng biên viễn, hay cảnh rừng tràm Trà Sư rộn ràng tiếng chim lúc buổi sớm, hoặc những chiếc xuồng ba lá dập dềnh sông nước Cửu Long, những thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba hái những chùm bông điên điển...

Ông Nam ví von: “Tôi làm tranh giống như nông dân đi làm ruộng vậy. Cũng đi chọn giống rồi bỏ vào cối giã, sàng. Việc làm tranh cũng như chăm sóc cây lúa. Phải mang lại cảm giác bình yên, thanh thản, đầy sức sống để người vui nhìn thấy đời tươi hơn, người đang phiền toái sẽ thấy lòng dịu lại”.

Ông Trịnh Bửu Hoài, chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, nhận xét: “Anh Nam là người đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long dùng đá cuội làm chất liệu sáng tác. Tranh của anh khiến người ta hồi tưởng về ký ức vùng quê An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Từ đây An Giang có thêm một loại sản phẩm nghệ thuật độc đáo góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa quê hương”.

Đồng lương giáo viên eo hẹp nhưng thầy giáo Hoàng Nam may mắn có được người bạn đời ủng hộ mình.

Ông thổ lộ: “Tôi dự định mở phòng tranh tại nhà để vừa có thể đeo đuổi đam mê vừa giúp gia đình, đồng thời cũng mong muốn quê hương An Giang có thêm một “đặc sản” để níu chân du khách trong và ngoài nước”.

MINH TÂM

Chủ Nhật, 27 tháng 6, 2010

Khởi hành ...

Vậy là bây giờ đoàn Văn nghệ sỹ An Giang tham dự trại sáng tác Tam Đảo đang nghĩ ngơi thoải mái ở Nha Trang sau một ngày vượt đường. Còn tôi thì vẫn còn ngồi ở nhà gõ bàn phím máy tinh. Ai đời hẹn đêm thứ bảy 26/6, lại nghe thành đêm chủ nhật. 3 giờ sáng, chuông diện thoại đổ vang. Đầu dây bên kia chủ Tịch Hội Liên hiệp VHNT An Giang cho hay xe đang đậu trước nhà. Nghe điện thoại mà tá hoả, chưa chuẩn bị hành lý gì cả, không cách chi đi cùng với đoàn, đành bảo anh Hoài cho đoàn đi theo kế hoạch. Vậy là mất đứt chuyến đi, buồn bả quay vào ngủ tiếp !
Vợ thấy mình thui thủi vào nhà bổng nảy ra một ý kiến, tại sao anh không đi máy bay để đón đoàn ở chặng thứ hai. Vậy là có một giải pháp nhưng phải tốn một khúc cũng đau. Nhưng tại mình không liên lạc rỏ ràng đành phải chấp nhận giải pháp đi máy bay đón đầu Đoàn ở Huế. Theo kế hoạch ngày đầu sẽ nghĩ ở Nha trang, ngày thứ hai sẽ nghỉ lại Huế.
Chuyến bay sẽ khởi hành vào lúc 7g30 và đến Huế khoảng hơn 9 giờ. Tôi có hơn nữa ngày lang thang ở Huế để chờ Đoàn đến.
Thôi thì đành làm sang một lần cho biết mùi đi máy bay. Chỉ tiếc không theo đoàn ở hai chặng đầu chụp ảnh. Bây giờ đi chuẩn bị để chờ xe xuống đi TP.HCM, hy vọng chuyến đi không có những trục trặc thế nữa. Mình sẽ thông tin trên bloge về chuyến đi dự trại sáng tác Tam Đảo của đoàn Văn nghệ sỹ An Giang.

Thứ Bảy, 5 tháng 6, 2010

Những người đáng yêu

Một bộ tranh đá nude ! Diển tả những thân phận với những khổ đau, hạnh phúc, khát vọng, ước mơ...Đằng sau những đường nét trắng đen,những mãng đậm nhạt sáng tối là những số phận con người, là những day dứt cho những nổi trôi của một kiếp nhân sinh.
Đó là ước mơ của tôi cho tranh đá bảy núi, không biết tôi làm được không. Đây là bức kế tiếp...có tên riêng là tự vấn, và đánh số 5 trong loạt đàn bà.
Đàn bà 5
Khổ 50 cm x 70 cm