Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Đợi

Ta ngồi đợi
Giữa đêm nghe tiếng vọng.
Con Thạch Sùng tắc lưỡi.
Tiếng thở dài từ trong tiềm thức.
Đợi điều gì ở cuối trời xa.

Ta ngồi đợi
Ngồi bên cội mai già rực rỡ.
Đàn én bâng khuâng, thềm xưa lạc mất.
Cánh mai vàng phởn phơ trong gió.
Mùa xuân năm nay không pháo giao thừa

Ta đếm ngày qua.
Thời gian trôi đi trong thinh lặng.
Chiếc lá rơi cũng làm giật thót đời.
Sợ sai lời cha, sợ bao cám dỗ
Trăm con đường,
Đâu chỉ một nẻo đi ?

Ta đã đi chập chửng, ngập ngừng
Thầm lặng, lo âu.
Sợ hãi với bao vây bủa.
Như gã thầy tu sợ rớt vào giới luật,
bởi cuộc đời lắm quỷ nhiều ma.


Cứ ngỡ cuộc đời như giấc mơ
Một giấc mơ có hoa có bướm
Bỗng bướm hoá thành sâu,
bỗng chốc hoa vươn cành gai nhọn
Giấc mơ cuộc đời tan vở mãnh gương soi.

Đợi bao nhiêu lâu rồi, ngồi đợi.
Chiếc lá xanh đã héo úa ước mơ.
Trái tim giờ nước mắt cạn khô,
lửa vẫn cháy...lập loè đom đóm.

Thôi đứng lên,
Tìm những ngày xưa.
Tìm cái thuở ta còn thơ dại nhất.
Tìm lại tiếng ầu ơ của mẹ
Ngân thiết tha câu hát sáng trong.

Thôi đứng lên,
giờ ta lại là ta
một chút dại khờ, một đôi khi lầm lỗi.
Có hề chi đời người vốn thế
Miễn sao ta sống thật với trái tim mình.

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Tạp bút ngày chủ nhật


Hôm nay đi lĩnh lương về, ngồi nhìn cái phiếu lương mà lòng buồn rười rượi. Không biết đến bao giờ những ngưòi sống bằng lương như giáo viên chúng tôi mới có thể trang trãi cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống bằng chính đồng lương mà mình lĩnh ra. Vật giá thị trường biến động, những nhu cầu xã hội ngày một nâng cao, nhưng đồng lương cứ vẫn thế, vẫn thiếu trước hụt sau, giật đầu này vá đầu kia. Bạn tôi làm giáo viên dạy được ba mươi năm rồi, chỉ có một đứa con học đại học mà bao nhiêu năm nay anh không mua nổi một cái xe trung quốc để đi dạy, còn bà xã anh thì tối ngày ở ngoài chợ với sạp rau. Tôi không biết các nhà hoạch định chính sách tiền lương có thử chỉ sống bằng tiền lương đúng nghĩa như chúng tôi không, chứ kỳ thực có ai đâu trong chúng ta không hiểu tiền lương như thế là chết đói. Lương và phụ cấp của tôi nhận mỗi tháng là hai triệu bốn trăm ngàn, như vậy hàng trăm thứ từ mắm muối, gạo cá, đèn, dầu, điện, nước,tiền trường,tang ma,cưới hỏi,..., kể cả cái dao lam cạo râu cũng chỉ gói gọn trong tám chục ngàn đồng cho một ngày. Chỉ sống thôi đã chưa đủ nói gì đến việc mua sắm. Làm gì có thể để dành tiền với khoảng lương như thế, muốn mua sắm hay trang trãi những khoảng tiền lớn một chút, đành phải đến ngân hàng vay tín chấp, rồi trả góp bằng cách trừ dần hàng tháng vào lương. Còn nếu không dúng kỳ vay thì đành hốt hụi rồi hàng tháng cũng lại trừ hụi chết vào lương. Vậy đấy, mà có tháng nào được lĩnh trọn số tiền lương của mình chứ.Ngoài các khoản trừ cố định : Đảng phí, công đoàn phí, đoàn phí,bảo hiểm xã hội,quỹ thất nghiệp ( cái quỹ này lĩnh lương tháng 11 chúng tôi bị truy thu từ tháng 1-2009,mà không hề được triển khai hay giải thích), thì chúng tôi luôn bị "vận động " trừ các khoản như : quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, mua vé số vì trẻ em nghèo, mua vé hát cũng vì người nghèo, cứu trợ lũ lụt..... Nhưng điều đáng buồn nhất là tất cả các khoản bị trừ ấy chúng tôi chưa bao giờ được thông báo, hỏi ý kiến. Lĩnh bao nhiêu, trừ bao nhiêu thủ quỹ làm phiếu ghi rỏ khi lĩnh lương, không có chuyện khiếu nại. Dĩ nhiên chuyện nhường cơm sẽ áo là đạo lý ngàn đời của người Việt Nam, những thầy cô giáo như chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu. Thế nhưng đã gọi là vận động thì cũng phải nói rỏ mục đích, yêu cầu để người được vận động hiểu rỏ,từ đó đóng góp. Còn đằng này, luôn luôn trừ xong rồi mới thông báo .Tiền lương cá nhân chính là công sức , mồ hôi của người lao động. Người lao động có quyền sở hửu tuyệt đối đối với số tiền được xem là lương hàng tháng của mình. Hành xử như thế phải chăng là một sự thiếu tôn trọng với cuộc sống và nhân phẩm của người lao động ( những thầy cô giáo chúng tôi). Trong tháng chỉ cần một cuộc vận động ở mức một trăm ngàn, có nghĩa là mất đi hơn một ngày sống. Tự dưng, người lao động phải chạy vạy, giật gấu vá vai để lấp vào cái khoản thiếu hụt do tự nguyện đóng góp ấy. Điều đáng để suy gẫm ở đây chính là cách ấy đã tước mất đi cái quyền được tự định đoạt tài sản, của cải của cá nhân đã được ghi rành rành trong hiến pháp và pháp luật. Tôi không biết có ai thấy rằng như thế là vi phạm pháp luật, xâm phạm tự do cá nhân hay không mà mọi sự vẫn diễn ra dài dài.
Theo quan điểm của Mac, ở góc độ người lao động, tiền lương phải là nguồn thu nhập chính, là nguồn tái sản xuất sức lao động và đủ để kích thích người lao động trong quá trình làm việc. Do đó họ phải được trả đúng trả đủ với sức lao động bỏ ra. Khi người lao động đã an tâm về cuộc sống sinh hoạt, họ mới có thời gian và tâm huyết cho công việc mà mình đãm nhận. Đồng lương chật vật, bấp bênh như thế, thử hỏi thầy cô giáo sao có thể toàn tâm toàn ý cho trường cho lớp. Tôi không cho rằng đồng lương thấp làm suy giãm chất lượng giáo dục. Nhưng kỳ thực, đồng lương như thế không thể kích thích được sức sáng tạo trong lao động giảng dạy, tạo nên tâm lý làm trả nợ, chưa kể đến những hệ luỵ đáng buồn từ đó. Tuần trước trong cuộc họp chi bộ của nhà trường, tôi đã chứng kiến một sự việc hết sức nhức nhối. Những điều đáng buồn của việc dạy thêm học thêm nghe nhiều rồi, trên báo, đài, internet đầy ra đấy, nhưng bây giờ chúng tôi ngồi đây để nghe một lá đơn trình bày các mâu thuẩn của học sinh với cô giáo dạy môn vật lý. Lá đơn khá dài trình bày chi tiết và kết luận cuối cùng là các em đề nghị đổi cô giáo bằng thầy đã dạy các em năm trước và cũng là giáo viên dạy thêm của các em. Nghe đọc xong lá đơn cả chi bộ nhà trưòng hầu như không ai phát biểu được điều gì. Đau đớn thật sự cho hoạt động giáo dục. Ở đây tôi không đi sâu vào chi tiết để phân tích xem ai đúng ai sai, tôi chỉ muốn nói đó có phải chăng chính là hệ quả của cái cung cách quản lý giáo dục và chế độ tiền lương hiện hành của chúng ta. Đồng lương như thế thử hỏi làm sao không tranh thủ kiếm thêm để mà sống, để mà lại đến lớp. Có thể dạy thêm được thì dạy thêm, không dạy thêm được thì phải ra ngoài tranh thủ kiếm việc thêm. Nếu đồng lương đãm bảo cuộc sống, nếu như chúng ta có một hoạt động dạy học - kiểm tra hợp lý, thì giáo viên đâu cần phải mệt mõi và mang tiếng về việc dạy thêm, và học trò cũng đâu cần tất bật ngược xuôi học thêm bù đầu bù cổ. Và như thế đồng nghiệp của tôi, học trò của tôi đâu phải rơi vào một bi kịch đau lòng đến vậy. Lâu nay khi nói về chất lượng giáo dục thì thầy cô giáo luôn là đối tượng hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhất. Thì cũng phải thôi, giáo viên chính là lực lượng then chốt trong hoạt động dạy học, không đổ cho giáo viên, thì ai vô đây chịu nữa chứ. Nhưng kỳ thực, phải ràng buộc với bao nhiêu thứ thủ tục quản lý, bao nhiêu quy định, có cái tưởng chừng hết sức vô lý, phản giáo dục đã biến người giáo viên trở nên thụ động. Chỉ riêng việc xem sách giáo khoa là pháp lệnh đã giết chết đi sự sáng tạo với vai trò cá nhân, biến người giáo viên trở nên một thứ phát ngôn viên cho những gì đã được đinh sẳn. Lúc Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, với những phát biểu hết sức tâm huyết của ông, giáo viên chúng tôi thật sự vui mừng hy vọng về một sự đổi mới của giáo dục nước nhà. Nhưng rồi có lẽ Ông quá bận rộn với công việc của chính phủ nên mọi việc vẫn chưa thấy tiến triển. Năm học 2008-2009, thực hiện" hai không" theo chỉ thị của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Phòng Giáo Dục huyện tôi xoá bỏ việc áp đặt chỉ tiêu giảng dạy cho giáo viên, nhưng lại chỉ đạo mỗi giáo viên tự đăng ký chỉ tiêu cho mình căn cứ vào chất lượng cuối năm của năm học trước, đặc biệt phải phấn đấu theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Ở mỗi kỳ kiểm tra, nếu chất lượng các bài kiểm tra không đạt với chỉ tiêu, giáo viên phải cho làm bài kiểm tra lại . Ai cũng biết là ở mỗi một độ tuổi các em phát triển sinh lý khác nhau, chịu sự tác động tâm lý khác nhau, nên việc đòi hỏi tạo một cái khuôn "năm sau cao hơn năm trước" là không thể thực hiện được. Cũng em học sinh ấy ở lớp sáu,lớp bảy rất ngoan hiền,học lực luôn tiên tiến. Nhưng có ai đảm bảo khi vào lớp tám với những tác động xã hội phức tạp hiện nay, em vẫn tiếp tục giữ vững và nâng cao thành tích học tập của mình. Việc đặt chỉ tiêu như thế thật sự gây khó khăn cho người giáo viên và dù muốn dù không họ cũng phải bám vào chỉ tiêu để nhằm giữ thành tích cuối năm. Để đảm bảo được chỉ tiêu ấy, giáo viên chỉ cần nhẹ tay một chút khi ra đề kiểm tra, nếu chưa đạt thì lại hạ đề tiếp tục, hoặc đơn giản hơn là chỉ cần cộng thêm điểm cho học sinh, mà cái cách này tôi chắc sẽ được thực thi nhiều nhất. Tôi không biết chủ trương này đến từ đâu, Sở , Bộ hay chỉ là của Phòng Giáo Dục. Nếu từ Bộ thì rỏ ràng chỉ tiêu vẫn được duy trì dù rằng ta đã nói không. Còn nếu đó là chủ trương riêng của địa phương thì quả thật mạnh ai muốn làm gì làm rồi. .
Thủ tướng Phan Văn Khải có lần phát biểu rằng tiền lương của chúng ta chỉ đủ để nuôi người lao động 10 – 15 ngày, đúng là vậy, mà như thế có nghĩa là, tiền lương của chúng ta không hoàn toàn đúng nghĩa tiền lương ...... K.Marx định nghĩa tiền lương là giá trị hay giá cả của sức lao động, nhưng biểu hiện ra bên ngoài như là giá cả của lao động.(TS. Đinh Sơn Hùng - Bàn về tiền lương -Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM). Như vậy cái giá của giá trị sức lao động mà những người sống bằng lương hiện nay xem ra quá thấp. Cũng sống đấy, nhưng xem ra 10 - 15 ngày còn lại là sống thoi thóp. Làm sao đòi hỏi một nền giáo dục thăng hoa khi mà lực lượng lao động chính của nó là các thầy cô giáo chỉ nhận được đồng lương đủ sống cầm chừng. Đứa em cùng trường tôi dạy được hai mươi năm rồi, Lương và phụ cấp là ba triệu rưởi mỗi tháng ( dĩ nhiên là chưa trừ các khoản ), như vậy lương một năm là bốn mươi hai triệu. Đúng bằng con số lẻ ( 942 triệu đồng) trong tổng lương một năm của ông Thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc SCIC. Úi chà, giá trị sức lao động của giáo viên nói riêng và của cán bộ công nhân viên hưởng lương nhà nước chỉ có ngần ấy thôi, thế mà giá trị sức lao động của ông thứ trưởng lại đến ngần này. Bốn mươi hai trên chín trăm bốn mươi hai. Có lẽ ông ấy có được một sức cống hiến ghê gớm nên giá trị sức lao động cao hơn hai chục lần so với những giáo viên, công nhân viên chức cũng ngày ngày hì hục hết sức lao động của mình. Dĩ nhiên câu hỏi này không dễ gì mà một giáo viên như tôi có thể hiểu được.
Đãi ngộ là thế, ràng buộc là thế, nhưng trách nhiệm lại quá lớn trên đôi vai người giáo viên. Trong đạo lý của nghười Việt nam, người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trước đây tôi công tác ở nghành văn hoá, hôm nào gặp bạn bè lỡ quá chén, vung tay múa chân cùng cũng chẳng có ai để ý. Giờ làm thầy giáo mọi thứ đều luôn phải chừng mực, luôn phải kiểm soát các ứng xử của mình trong cuộc sống. Có những chuyện người khác làm không ai nói gì, nhưng chỉ cần thầy cô giáo mó vào là lập tức lại vang lên điệp khúc : Thầy cô giáo mà vậy đó hả ? Nhưng rỏ ràng là thầy cô giáo cũng phải sống chứ, nếu đồng lương đãm bảo cuộc sống, thì người lao động sẽ an tâm làm việc và giãm được những tác động không đáng có ảnh hương hoạt động nghề nghiệp của họ. Đối với Giáo viên hiện nay đâu chỉ có việc đồng lương thấp ảnh hưởng đến cuộc sống, tạo nên những áp lực đối với giảng dạy. Từ việc quản lý rườm rà, nhiều quy định, đến những sự tác động của xã hội, của phụ huynh và của cả học sinh cũng làm cuộc sống của người giáo viên càng thêm phức tạp. Mấy năm gần đây đọc báo thấy nhiều vụ việc học sinh vô lễ, hành hung giáo viên nhan nhản ra đó, thấy mà buồn. Tôn sư trọng đạo, cái đạo lý ấy đã giờ có còn phù hợp với một xã hội phát triển hay không. Trò không trọng thầy, xem thường những cố gắng của thầy cô giáo, không ý thức được chính những điều học được trong nhà trường là hành trang trong cuộc sống . Có bậc trí giả nào mà không đi qua ngưỡng cửa trường học, những cống hiến của cá nhân trong xã hội ai nói không có công lao của các thầy cô giáo. Những lỗi lầm của học sinh thì do các em trẻ người non dạ. Còn với thầy cô, sao chúng ta không vị tha, không thấu hiểu. Với những áp lực cuộc sống như thế, làm sao đảm bảo rằng mình có thể được bình tỉnh và kiểm soát tất cả những hành vi, ứng xử của mình trong mọi tình huống. Hôm qua, sau buổi coi thi môn vật lý, T một giáo viên trẻ dạy cùng trường rủ tôi đi uống cà phê. Trưa nay mặt hắn buồn rười rượi. Hắn bảo lúc thu bài, do không kềm chế được nên đã tát tai một đứa học trò. -Em biết mình nóng quá, nhưng lúc ấy em không dằn được, cả hai môn thi em gác cùng phòng, thằng bé cứ liên tục quay ngang dọc hỏi bài, em nhắc nhở nó lại tỏ thái độ trịch thượng và rất vô lễ. Thầy biết không khi em tát tai nó, nó đã chỉ vào mặt mà nói tôi sẽ đi thưa ông. Em chẳng sợ điều gì, cuối cùng thì nghỉ dạy, em chỉ buồn, có quá nhiều thứ để buồn. Tôi không biết phải nói gì, thì có quá nhiều thứ để buồn mà. Đúng sai ta chưa bàn, nhưng rỏ ràng không một giáo viên nào mong muốn những vấn đề như thế xãy ra với mình. Nói không sợ gì, nhưng tôi biết em cũng đang rất ưư tư vì chuỵện này. Thầy Phạm Được ở Đà Nẳng, chỉ dùng thước đánh nhẹ hai cái vào tay một học sinh nữ, vậy mà Thầy và cả Hiệu trưởng phải mất đến hai lần trò chuyện , hay nói một cách trần trụi hơn là thương lượng, xin lỗi. Làm Thầy bây giờ buồn đến thế sao ? Mấy hôm nay báo chí và các trang mạng đưa tin về việc Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM chuẩn y nghị quyết buộc thôi việc đối với Thầy giáo Võ Hải Bình, giáo viên môn toán Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 TP, Hồ Chí Minh. Ở trong trường tôi ( mà có lẽ các trường khác cũng vậy thôi) giáo viên cũng bàn tán xôn xao. Người đồng tình, người phản đối, nhưng tâm lý chung là ngao ngán . Những sự việc tương tự như thế bao giờ cũng có thể xãy ra ở trong bất cứ một nền giáo dục nào, có cần phải rầm rộ dư luận xã hội, báo chí thế không. Cái cách ứng xử với người Thầy thế này có bất công lắm không. Những năm tháng nhọc nhằn bám trường bám lớp bổng chốc chẳng được ai nhớ đến khi ta phạm phải một sai lầm. Một người Thầy đã hai mươi lăm năm gắn bó với trường lớp, bao nhiêu lớp học sinh đã từ giờ toán của Thầy mà bước vào đời. Cái đóng góp cho xã hội ấy đâu thể không được được ghi nhận gì cả. Cái quyết định ấy có nghiệt ngã lắm không ? chỉ một lỗi đó mà người thầy phải mất đi cái quyền được giảng dạy của mình sau hai mươi lăm năm mòn tay với phấn trắng.. Chẳng lẻ làm giáo viên nguy cơ mất việc cao như vậy sao ? Tôi không hiểu những đồng nghiệp của tôi trong hội đồng sư phạm Trường Lê Quý Đôn, nghĩ gì khi giơ tay biểu quyết cho thầy Bình thôi việc. Hơn ai hết, họ là người thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn mà thầy cô giáo phải hứng chịu. Hôm nay biểu quyết cho đồng nghiệp thôi việc, ngày mai ai bỏ phiếu cho ta ! Có lẽ phụ huynh của em học sinh trong vụ việc sẽ rất hả hê vì " công lý đã được thực thi ", nhưng rồi liệu có ray rức không khi mà niềm vui ấy được sinh ra từ nỗi đau của một người Thầy. Thầy Bình có lỗi, nhưng một lỗi ứng xử giao tiếp sư phạm như thế có đủ để kết thúc sự nghiệp của một giáo viên. Còn những người tạo nên những cái lỗi có thể làm trì trệ cả một nền giáo dục, kềm hãm sự phát triển của một cộng đồng.. thì không thấy ai đụng chạm gì đến họ. Chỉ riêng việc chỉ đạo tự đặt chỉ tiêu và bám sát chỉ tiêu theo hướng năm sau cao hơn năm trước, đã đẩy giáo viên, học sinh vào cái thế bắt buộc phải chạy theo chỉ tiêu đó. Nó có phản giáo dục không ? tôi nghĩ nó không chỉ là một lỗi lầm mà hơn thế nữa, nó còn là một tội ác. Nhưng than ôi, đâu có ai đặt mặt chỉ tên bao giờ. Nhưng chỉ cần một vụ việc tương tự như việc Thầy Bình, qua báo chí lập tức trở thành thời sự nóng hổi.
Thế đấy, làm thầy khó quá. Mà không làm thầy thì anh làm gì ? một đứa em đã nói với tôi như thế, mà như thế thật. Đã đi theo con đường này rồi, dù biết rằng cuộc sống khó khăn, dù biết rằng phải chấp nhận với bao nhiêu ràng buộc, nhưng nó vốn là cái nghiệp của những con người chọn phấn trắng bảng đen, đâu thể quay lưng lại với cái tâm huyết của mình. Chỉ mong được tạo mọi cơ chế để phát huy hết khả năng của từng cá nhân, chỉ mong các em học sinh, các bậc phụ huynh hãy nhìn lại những gì mà các thầy cô giáo đã mang lại cho con em mình, chỉ mong xã hội thấu hiểu và cảm thông với những tác động mà thầy cô giáo phải gánh chịu. Chao ôi con đường đi truyền bá kiến thức sao mà lắm chông gai !
PVHN.


Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Vĩnh biệt hoạ sỹ tranh tràm Quốc Mỹ

Hoạ sỹ Quốc Mỹ
(1935-2009)

Hôm qua, ngày 15/12/2009, Hoạ sỹ tranh tràm Quốc Mỹ đã từ giã cuộc đời sau một thời gian nằm bệnh, hưởng dương bảy mươi lăm (âm lịch) tuổi đời.
Cuộc đời quả thật phù du.Tôi còn nhớ buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của ông ở chợ thị trấn Cái Dầu, do Hội văn học nghệ thuật Châu phú tổ chức năm 2002. Hôm ấy ông rất tươi tỉnh, mặc dù vẫn thân hình gày gò, bộ râu loà loà với mái tóc búi củ tỏi nhưng tinh thần ông rất sảng khoái. Tôi biết ông vui. Triển lãm nhỏ như cái lổ mũi - ông nói khiêm tốn, nhưng ông lại rất thích vì đây là triển lãm đầu tiên của ông tại ngay chính thị trấn ông đang sống. Khi phòng triển lãm chỉ còn lại tôi với ông ông còn cho tôi biết về dự định đi Mỹ của ông. Vậy mà giờ đây ông đã ra đi vào cỏi vĩnh hằng dù vẫn chưa thực hiện được mong muốn ấy. Có sinh thì ắt có tử, nó là cái quy luật mà mỗi chúng ta đều phải chấp nhận. Có thể ông vẫn chưa thực hiện hết những ước mơ trong đời của mình, nhưng ông đã làm thật trọn vẹn cái phần việc của mình trong cuộc sống.


Tác phẫm Xẽ núi làm đường

Hoạ sỹ Quốc Mỹ tên thật là Trần Kim Sanh, sinh năm 1935 tại Châu Phú - An Giang. Ông hiện diện giữa đời thường với một hình ảnh khá độc đáo. So với tôi, Ông thuộc lớp trưởng bối, nhưng ông không đồng ý khi tôi gọi bằng chú. Ông cười lộ hàm răng sún mất mấy cái - để cho qua còn yêu đời chút chứ em. Hồi còn học cấp 3, tôi rất hâm mộ hình ảnh một ông lão gầy còm, râu phất phơ dưới cái mũi khoằm, đầu tóc để dài chỉ cột lại bằng một sợi dây thun, và đặc biệt là khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu, cũng xa xôi. Đầu thập niên 90 khi phục viên về địa phương tôi trở lại công tác ở Trung tâm Văn hoá huyện. Đồng lương nhân viên thật chật vật với một vợ và hai đứa con mới sinh đôi, nên ngoài thời gian ở cơ quan, tôi còn chạy xe honda kéo thùng chở khách tuyến Cái Dầu - Kinh Đào để lo cho đời sống. Bến rước khách lại ở ngay trước cửa nhà ông, nên mỗi khi đem xe xuống đón khách, tôi đều vào nơi ông làm tranh để nhìn ông hì hục với đống vỏ tràm. Ông sống rất giản dị, không chú ý đến hình dáng bên ngoài, tôi nói đùa ông chỉ đẹp trai hơn Bùi Giáng một tí,ông cười. Trong gian phòng nhỏ nằm cặp Quốc lộ 91 của ông bề bộn nào là vỏ tràm, keo hồ, một cái ghế xếp cũ kỹ, vài bức tranh tràm dang dở . Có hôm ông không làm, pha một bình trà rồi ngồi trò chuyện. Tôi là một người thích tìm hiểu, cái gì cũng muốn biết, nên hỏi nhiều cũng thấy ngại.Nhưng ông trả lời tất cả những điều tôi muốn biết và nói ông thích cái cách mà tôi hỏi. Ông say sưa nói về cái chất liệu vỏ tràm, nói về cách chọn màu,cách cắt ghép các mãnh, cách lên phác thảo của một bức tranh tràm....những lúc ấy ông như chìm vào trong cái thế giới của những màu sắc, của những mãng tối mãng sáng. Kỳ thực trong tôi khi ấy, ông chính là một nghệ sỹ đích thực dành trọn tình yêu của mình cho nghệ thuật.
Ông bắt đầu đến với tranh tràm khi được 35 tuổi. Ban đầu ông được mời trang trí cho các điểm đại lễ 18 tháng 5 của đạo PGHH ở địa phương. "Lấy hai mảnh vỏ tràm lớn để hai bên làm bờ đất, khoảng giữa dùng mảnh tràm mỏng làm cầu, dùng cành khô làm cây vịn, có cụ già ngồi câu cá, trên điểm vài tảng mây trôi coi như xong một bức… trình làng, vài ba hôm nó khô thì bỏ." ông nói về những ngày đầu làm tranh tràm của mình là thế. Kể từ những năm tháng ấy cho đến khi qua đời, ông đã miệt mài, đeo đuổi chất liệu vỏ tràm và đã có những thành công nhất định.


Tác phẫm Áo dài

Tranh tràm của Ông tập trung vào các chủ đề chính: ngư tiều, canh mục, bát tiên… nhưng để có sự kết hợp hài hòa giữa các mảnh vỏ tràm trắng, nâu, vàng, tím, đen thì còn đòi hỏi ở óc sáng tạo, bàn tay tinh tế tỉ mỉ, nhẹ nhàng mới có những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Do chất liệu đơn thuần là vỏ tràm nên khi thành hình, bức tranh toát lên một sức sống mãnh liệt, dễ gây xúc cảm cho người xem. Năm 1982 tại hội hoa xuân Vĩnh Long, tác phẩm: Bác cùng chúng cháu hành quân và Chân dung Bác Hồ được Cty du lịch Cửu Long mua, sau đó bức tranh được tặng lại cho đoàn thông tấn Liên Xô. Năm 2002, tác phẩm: Trường Sơn vẫy gọi đạt giải nhì cuộc thi tranh nghệ thuật An Giang. Năm 2003, tác phẩm: Phố cũ Cái Dầu đạt giải nhì nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Tôn. Nhiều tranh tràm của tác giả được trưng bày tại nhà lưu niệm Bác Tôn và bảo tàng Tôn Đức Thắng tại Tp.HCM. Đã có 5 bức “Chân dung Bác Hồ” được nhiều huyện trong tỉnh An Giang mua. Trước đây, Việt kiều về nước cũng mua 5 bức, giá mỗi bức 100USD. Hoạ sỹ Quốc Mỹ cũng được Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương trao Huy chương 20 năm vì Văn học nghệ thuật.
Sáng nay tôi mới được tin ông mất, lại phải đi gác thi học kỳ. Buổi chiều tôi chạy xuống nhà ông, đám ma đã kết thúc rồi. Người ta đã đưa ông về nơi an nghĩ cuối cùng vào buổi trưa. Vậy là tôi đã không đưa ông đến nơi ông sẽ gửi lại thân xác trần gian. Có lẽ ông không trách tôi. Điều quan trọng là tôi sẽ mãi nhớ về ông, một nghệ sỹ thầm lặng mang cái đẹp đến cho cuộc đời. Ông đã đến rồi đi, thật nhẹ nhàng thanh thản. Ông đã tham gia cuộc chơi với tất cả tình yêu thương cuộc sống. Có lẽ ông cũng không cần ai nhớ ai quên, nhưng cái mà ông để lại, mặc dù không lớn lao lắm, nhưng nó nói cho chúng ta biết rằng ông đã sống trong cuộc đời với tất cả trái tim của một con người. Ở một cỏi vĩnh hằng nào đó, có lẽ ông sẽ lại vào một cuộc chơi mới đầy màu sắc lung linh.

Thực hiện chân dung chủ tịch Hồ Chí minh.

Thứ Hai, 14 tháng 12, 2009

Đổi bút hiệu

Cùng bạn bè thân hữu kính mến !
Thật ra lâu nay tôi cũng không có ý định có một bút danh hay bút hiệu gì cho mình. Viết cũng chẳng qua là ghi lại những nghĩ suy của mình đối với cuộc sống, nên từ trước đến giờ, viết được gì thì cứ ghi tên họ thật của mình là nguyễn hoàng nam. Khổ nổi Nguyễn Hoàng Nam cũng là tên của một nghệ sĩ nhiếp ảnh rất thành công của An Giang ta. Hôm rồi anh Nguyễn Hoàng Nam đoạt giải nhiếp ảnh đồng bằng sông cửu long, bạn bè cứ gọi điện thoại tới hỏi, bảo là ngon dzử đa, chơi luôn cả nhiếp ảnh nữa hả ? nghe xong phải đính chính liên hồi.
Ở chung trong tỉnh, lại sinh hoạt chung Hội, có tham gia tạp chí Thất Sơn, lại cùng một tên họ ,vậy thì có vẽ nhiêu khê rồi. Chắc chắn rồi cũng có lúc lại phải " thanh minh thanh nga " tiếp tục. Thôi thì một người ít tên tuổi như tôi, chắc ăn cái sự đổi tên cũng chẳng có gì là ghê gớm. Để mọi việc dễ dàng phân biệt, kể từ đây cáo bạch với bạn bè thân hữu, Tôi - Nguyễn Hoàng Nam, khi ký dưới các bài viết, thơ... sẽ sử dụng bút hiệu là Phan Võ Hoàng Nam. Rất mong bạn bè hiểu cho cái sự đổi tên hiệu như đã trình bày chỉ là để khỏi nhầm lẩn, chú hoàn toàn chẳng dám có ý trở thành cái chi.
Kính bạch.





Thứ Năm, 1 tháng 10, 2009

Viết cho những con trai.


Ta viết cho con,
những đứa con trai.
Tuổi hai mươi thênh thang trăm lối.
Những thằng nhóc xù xì như trái mít.
Mà ước mơ vươn tới trăng sao.

Ta viết cho con,
những trăn trở đêm dài.
Lời yêu thương từ hai mươi năm trước.
Khóc chào đời con ơi thấu nỗi
Chốn nhân gian, nước mắt ướt nụ cười.

Ta viết cho con,
tuổi hai mươi.
Cái tuổi tìm chị Hằng qua bóng nước.
Nước qua cầu đôi dòng xuôi ngược
Rồi ngược xuôi một chuyến đò ngang.

Ta viết cho con,
khi quá nữa đường trần.
Bước hành hương đôi lần chân toé máu.
Lo cho con ngày mưa trơn lối
Ngại đường xa con lắm thác ghềnh.

Thì bước đi con,
nắng ở cuối con đường.
Đêm có mưa, rồi mai ngày lại mới.
Mầm rồi xanh , nụ hôn xanh ước vọng.
Nắng trinh nguyên như tự thuở hồng hoang.

Ngồi hát cùng con,
khi bảo tố trùng khơi.
Đừng nuối tiếc, ngày qua như tiếng thở.
Không với sắc, sắc không là thế.
Trắng bờ lau, bóng nắng qua thềm.

Ta uống cùng con,
chén rượu đầu đời.
Nếm men cay, nếm bao ảo mộng,
Say đi nhé, mai rồi tỉnh giấc.
Bước thong dong bắt gặp được mình.

Hôm nay là Sinh nhật của mình. Lẽ ra mình đã quên nếu không có mấy tin nhắn chúc mừng của con gái và vh. Đến trưa mở mail mới thấy chúc mừng của mấy Forum trên mạng. Thôi thì tự thưởng mình một ly caphê zậy. Đúng là đã nữa đường trần, giật mình nhìn lại mới hay hai thằng nhóc giờ đã sắp đôi mươi, cái tuổi của chúng ta vào hồi trên hai mươi năm trước. Đôi khi tôi tự hỏi , bọn nhóc thời nay nghĩ gì ? chịu , thật khó mà đem cái tiếp nhận ở thập niên 7-8 mươi ra mà xét đoán chúng nó . Chỉ có điều tất cả chúng ta đều mong mỏi cho con cái chúng ta những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống, không bước lên những chiếc gai mà cha chúng đã lỡ giẫm phải ngày hôm qua.
Bài thơ này mình viết cũng từ cảm xúc khi đọc bài thơ "Con gái" của Thanh Quang viết tặng cho con gái.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Cũng chỉ là vui

Tôi đi về phía biển.
Sóng ồn ào từng cơn oặn thắt.
Biển mênh mông vơi đầy bao bận,
mang niềm đau lắng xuống đáy sâu.

Tôi đi về phía núi.
Đá lặng yên, dấu riêng bao nỗi
Núi chơ vơ giữa trời và đất,
bao nhiêu lâu nhìn những đổi thay.

Tôi đi giữa nhân gian.
Khóc với cười bao trò dâu bể
Đời nổi trôi gập ghềnh mấy lượt
Vẫn lanh quanh mấy nẽo đường trần.

Tôi đi giữa đời người,
thả hai tay thong dong giữa chợ.
Ngày hôm qua tan trong thinh lặng,
Tôi loay hoay tìm mãi ngày mai.

Tìm ngày mai trong những đổi thay.
Như một chuyến rong chơi cuối phố.
Đến rồi đi ở trong lặng lẽ.
Một cuộc chơi, cũng chỉ là vui.


Thứ Tư, 17 tháng 6, 2009

Về đâu cuối nẻo đường

 
  cuối đường dong ruổi
về đâu, đi về đâu !
Cành hoa đời khô héo,
Phù du ơi ! về đâu ?

Con đường nào
chân qua,
Dấu thời gian còn đọng ?
Dòng sông nào đã qua,
Trôi
về biển bao la !

Ngày qua bao phiền muộn
Tháng đến những lo toan
Gánh đời oằn vai nặng
Thoáng chốc chỉ là mơ.

Ngàn năm hay một khắc
Ngày tháng hững hờ trôi
Chưa khô chung hội ngộ
Đã cạn chén ly bôi.

Ở cuối đường phiêu lãng
Còn ai lạ ai quen
Đời nông sâu bao
nỗi
Tan như giấc mơ dài

Vậy là xong giấc điệp
Bướm rủ xác than tàn
Trăm năm về một phút
Tĩnh lặng chốn hư vô.

Loanh quanh đời xuôi ngược
Lặn ngụp chốn vô thường
Mãi mê tìm với bóng
Hỏi nguồn cội nơi đâu.

Về đâu nơi cuối n
o
Gửi thân xác hao gầy
Nợ đời, người chưa dứt
Sao tắt lửa yêu đương.

Rượu đầy vơi bao bận
Tàn hết những cuộc vui
Quắc quay sầu nhân thế
Ai còn say với ai .

Ở cuối đường dong ruổi
Người có đợi chờ người
Đừng qua cầu sinh tử
Để còn hẹn kiếp sau.


Kính tặng Cha


Hơn một tháng rồi ông già nằm viện, chiến đấu với thần chết, nắm giữ từng ngày cuộc sống. Anh em chúng tôi ngoài việc cầu cứu các bác sỹ và chăm sóc an ủi ông, chúng tôi còn làm được gì nữa. Tám mươi hai tuổi rồi, đã đứng trước ngưỡng của sự sống và cái chết, còn ngày nào, năm nào là mừng ngày ấy năm ấy. Đời sống của con người chỉ là hữu hạn so với cái vô hạn của bao la đất trời. Đi rồi về là quy luật có ai đâu mà cưởng lại được. Thế nhưng chuyện sinh ly tử biệt sao tránh khỏi đau lòng. Mỗi người đều đi hết đường của mình, có kẻ xênh xang võng lộng, người lên ngựa xuống voi, cũng có người phải lê từng bước, nhưng rồi cuối cùng cũng tới trạm dừng chân cuối cùng. Làm sao thay đổi được gì.
Chỉ cầu trời cho ông kéo dài thêm những năm tuổi thọ để sống vui vầy cùng con cháu, hưởng những niềm vui trần thế.

Thứ Sáu, 12 tháng 6, 2009

Khai mạc Trại sáng tác Ca khúc An giang

Sáng nay, tại hội trường Sở Văn hoá thông tin và du lịch An giang đã khai mạc Trại sáng tác ca khúc viết về dân tộc khơ-me tỉnh An giang, do Sở VHTTvà DL kết hợp với Hội liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh An giang phối hợp tổ chức. Đến dự có các ông Ngô Quang Láng-Phó giám đốc sở VHTT&DL, ông Nguyễn Thanh Liêm-trưởng ban dân tộc tỉnh uỷ An giang, nhà thơTrịnh Bửu Hoài-chủ tịch hội liên hiệp văn học nghệ thuật An giang.
Trại gồm 15 trại viên là những nhạc sỹ, nhưng cây bút trong tỉnh. Trại sẽ làm việc tập trung trong hai ngày (12-13/6/2009), ở ngày đầu các trại viên sẽ được nhạc sỹ Sơn Ngọc Hoàn- phó hiệu trưởng trường Trung cấp văn hoá Sóc Trăng hướng dẫn về điệu thức và những đặc trưng trong sáng tác âm nhạc khơ-me. Ngày thứ hai, trại sẽ chia thành hai đoàn để đi thực tế ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi có nhiều đòng bào khơ-me sinh sống. Các trại viên sẽ nộp bài sau một tháng để ban cố vấn trại thẩm định, chỉnh sửa và tổ chức dàn dựng.
Đây là trại sáng tác về người dân tộc khơ-me đầu tiên của tỉnh An Giang. Mục tiêu của trại chính là việc tìm kiếm các tác phẩm mới viết về ngưòi khơ-me trong tỉnh nhằm chuẩn bị cho lễ hội văn hoá dân tộc khơ-me đồng bằng sông cửu long mà tỉnh An Giang sẽ đăng cai tổ chức vào năm 2010.
Các trại viên phải ký một hợp đồng sáng tác với Sở VHTT&DL : mỗi trại viên nộp một bài và sẽ được nhận 500ngàn đồng nhuận bút khi nộp bài.
Tôi cũng ký một hợp đồng và rất lo không biết mình có viết nổi một bài hay không nữa ?

Thứ Ba, 5 tháng 5, 2009

Đi tìm cái đẹp cho thư pháp chữ Việt Bài 2 Người viết thư pháp cần có những gì ?

Cái bóng (là ảnh chụp chứ không phải tranh cắt bóng)
Photo : Mai Cường (mình đưa lên photoshop làm lại phần nền)


Hôm rồi có một người bạn hỏi – Tôi muốn tập viết thư pháp, tôi cần phải có những gì. Tôi cười và bảo người bạn – thì chỉ cần giấy, mực, bút lông là đã có thể tham gia tập viết thâu đêm suốt sáng rồi. Thì nhìn bên ngoài quả có thế thật. Tập viết chữ thì chỉ cần bấy nhiêu là đủ rồi, chủ yếu là bỏ thời gian để rèn luyện kỹ năng viết chữ sao cho điêu luyện, làm chủ được ngòi bút của mình. Điều này rất quan trọng trong sáng tác thư pháp. Đôi khi ta muốn thực hiện một đường bút thật ngọt ngào cho một bố cục đã định sẵn trong đầu, nhưng bàn tay lại không thực hiện đúng điều mình nghĩ suy do kỹ năng rèn luyện chưa đạt đến độ chuẩn. Vì vậy việc rèn luyện viết thư pháp không phải chỉ ngày một ngày hai, mà nó phải là một quá trình lâu dài và liên tục. Chẳng phải Vương Hy Chi đã chỉ vào hàng tá chum vại đựng nước để bảo với con trai của mình rằng không có con đường tắt nào đi đến thành công dành cho người viết thư pháp. Chỉ có sự rèn luyện kiên nhẫn với thời gian, mỗi ngày qua đi kỹ năng sẽ tăng dần. Khi đã làm chủ được ngọn bút, lúc ấy thì thỏa chí tung hoành trên giấy, cái "lực" đã tòng cái "tâm" rồi thì mới thể hiện được điều mình nghĩ suy, mình ấp ủ. Tuy nhiên, thư pháp không chỉ là rèn luyện kỹ năng viết chữ. Con chữ chỉ là phương tiện, là cái phần bên ngoài để nhà thư pháp chuyển tải những đạo lý ẩn chứa phía sau những đậm nhạt sáng tối, phía sau những nét xổ nét hoành lung linh trên mặt giấy.Thư pháp cũng giống như hội họa, âm nhạc, ..hoặc những bộ môn nghệ thuật khác, đó là việc rất cần thiết phải rèn luyện cho mình những kỹ năng thực hành điêu luyện để nhằm thỏa mãn cho những sáng tạo bản thân. Nhưng kỹ năng chỉ là công cụ, còn sáng tạo lại là công việc của tư duy. Muốn phát huy được năng lực sáng tạo nghệ thuật của tư duy, đòi hỏi cần có một nền tảng kiến thức chung về nhiều mặt. Vì vậy luyện thư pháp đâu chỉ là viết mà còn phải đọc nhiều, tìm hiểu nhiều mặt trong cuộc sống.

Hiện nay thư pháp tiếng Việt đang được rất nhiều người tập luyện, mà đông nhất lại là các bạn trẻ. Chỉ cần mua một quyển sách dạy viết thư pháp cộng với sự khổ luyện, tập viết một cách thật sự có kỹ năng thì tưởng chừng như tất cả mọi người đều có thể trở thành nhà thư pháp. Vì vậy có rất nhiều bạn đến với thư pháp chủ yếu chỉ là luyện con chữ, thể chữ, cốt làm sao cho thật đẹp, thật điêu luyện còn thì ít chú ý đến chiều sâu về văn hóa, về thẩm mỹ mà một người viết thư pháp cần có. Đành rằng thư pháp là viết chữ, nhưng việc rèn luyện bút pháp cũng chủ yếu để thể hiện cái tư duy, cái nghĩ suy và những sáng tạo của người viết. Con chữ chỉ là phương tiện để truyền tải những thông điệp mà người viết muốn gửi gắm. Sự thành công của một bức thư pháp đâu chỉ là do chữ đẹp, bay bướm , mà nó là sự hài hòa của cả một tổng thể từ bố cục đến nội dung, từ cái hình tướng bên ngoài đến chiều sâu nội tại. Muốn được như vậy, người viết phải có một nền tảng nhất định về thẩm mỹ, về văn hóa và cả vốn sống. Nếu chỉ chú trọng đến việc luyện chữ mà không chú ý đến những yếu tố thẩm mỹ khác, người viết rất khó tiến xa.

Ai cũng có thể viết thư pháp được,chữ viết bản thân xấu đẹp không quan trọng, miễn sao có cố tâm rèn luyện ắt sẽ thành công . Tôi đã đọc một câu có nội dung gần như thế trong một quyển sách hướng dẫn viết thư pháp. Dĩ nhiên tôi cũng không phản đối điều này, nhưng theo tôi, nếu chữ viết thường ngày của ta xấu quá,khi rèn luyện thư pháp ta sẽ gặp phải một số khó khăn và khó tiến xa. Viết thư pháp là viết chữ, Vì vậy con chữ cũng phải đạt được những yếu tố thẩm mỹ nhất định mới có thể dẫn dắt người xem đi sâu hơn vào nội tâm bức thư pháp. Chữ viết thường nhật không đẹp, khi luyện viết chữ, người viết phải coppy lại mẫu chữ của người khác, khó tạo ra sự riêng tư – một yếu tố rất quan trọng trong nghệ thuật. Chữ viết của mỗi cá nhân là đặc thù riêng biệt, khó giống nhau. Vì vậy, có một căn bản chữ viết đẹp, sau khi đã thuần thục kỹ năng, người viết sẽ dễ dàng phát triển chữ viết của mình thành một phong cách riêng, và thuận lợi cho việc sáng tạo cái mới trong thư pháp.

Thư pháp Việt ra đời chủ yếu đáp ứng nhu cầu về văn hóa tinh thần. Trong một xã hội phát triển với nhịp sống hối hả như hiện nay, viết và thưởng ngoạn thư pháp cũng là một cách thư giản chống lại những căng thẳng trong cuộc sống . Nó như một thú thưởng ngoạn tao nhã của những người hoài cổ, yêu mến nghệ thuật truyền thống. Dù chỉ mới xuất hiện nhưng nó đã được đông đảo mọi người chấp nhận và hưởng ứng, điều này thật sự thuận lợi cho sự phát triển của bộ môn thư pháp chữ Việt. Tuy nhiên việc phát triển một cách rầm rộ và tự phát của nó cũng làm một số người tỏ ý quan ngại, cho rằng thư pháp có thể làm ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt. Có ý kiến còn xem việc viết thư pháp làm bôi bẩn chữ Việt. Phát biểu như thế có vẽ vội vã và quy chụp một cách thiếu suy xét. Có hay không những bức thư pháp thì chữ Việt hay tiếng Việt cũng không ảnh hưởng gì đến sự phát triển hay sự trong sáng của tiếng Việt. Thư pháp chỉ là thú chơi, thuần là nghệ thuật, mượn con chữ để gửi gắm vào đó những nghĩ suy, những khát vọng mang lại cho cuộc sống cái đẹp. Mục đích cuối cùng của nó là thưởng ngoạn, hoặc hơn thế nữa là để chuyển tải những giá trị đạo đức nhân văn, những đạo lý của người xưa. Xét cho cùng vai trò của một bức thư pháp Việt giống như một bức tranh được viết bằng chữ, mà trên đó những con chữ được sắp xếp với các mãng đậm nhạt sáng tối khác nhau tạo thành một sự tương phản nhưng lại hài hòa trong một tổng thể hoàn chỉnh. Viết thư pháp chữ Việt đâu phải chỉ là một sự dàn trãi đều đặn các con chữ trên mặt giấy. Đôi khi để tìm một bố cục chặt chẻ, hợp lý cho nội dung văn học cần thể hiện,người viết thư pháp phải mất đến mấy ngày để chọn cho mình một bố cục ưng ý nhất rồi mới quyết định phóng bút. Có những câu đối, câu thơ có nội dung rất hay nhưng hình dáng con chữ không thuận lợi khi thể hiện, trong trường hợp này người viết phải thật sự đắn đo tính toán bố cục để có thể bù được vào khiếm khuyết ấy mà vẫn tạo nên được sự thành công của bức thư pháp. Muốn làm được như thế, người viết phải có một nền tảng căn bản cần có về hội họa, một chiều sâu thẩm mỹ nhất định. Sáng tạo là công việc của tư duy, nhưng nó phải được dựa trên những hiểu biết nhất định về nghệ thuật về xã hôi, có như thế tác phẩm mới đi đúng hướng và không trở nên lập dị. Cái đẹp theo quan điểm cá nhân của mỗi người hoàn toàn khác nhau, nhưng nếu không dựa trên nền tảng những chuẩn mực về cái đẹp của thời đại, của xã hội, chắc rằng tác phẩm sẽ trở nên lạc lõng, không hòa vào được với hơi thở của cuộc sống.

Nội dung các bức thư pháp chữ Việt hiện nay rất đa dạng, và phong phú. Các sáng tác thường sử dụng các câu danh ngôn, câu đối chứa đựng những giá trị đạo đức, những tư tưởng nhân văn, hoặc các câu thơ hay, sâu sắc của các tác giả nổi tiếng. Vì vậy để nội dung các bức thư pháp của mình phong phú, có chiều sâu, người viết cũng cần phải có một vốn đọc phong phú, một khả năng cảm nhận văn học nhất định. Khi chọn một câu thơ hay câu đối để thể hiện, người viết cần phải hiểu những giá trị tư tưởng chứa đựng trong nội dung câu chữ, để từ đó bằng ngòi bút của mình truyền tải đến người xem, tạo nên sự đồng cảm , gặp nhau giữa người xem và người viết Muốn hiểu thấu đáo những nội dung câu chữ mình viết, cần tìm hiểu nhiều thứ, từ văn học, lịch sử, nghệ thuật….chính cái nền tảng kiến thức kia sẽ giúp tư duy sáng tạo nên những cái mới, cái đẹp, phù hợp với nhịp sống phát triển xã hội. Bên cạnh, khi có được một vốn văn hóa, xã hội và kiến thức đủ chiều sâu, chiều rộng, người viết sẽ dễ dàng tìm được những những đề tài, những nội dung sâu sắc, có giá trị nhân văn cao. Tránh được việc lập lại của người khác hay quanh quẩn ở những đề tài quen thuộc

Như vậy viết thư pháp đâu chỉ là việc rèn luyện kỹ năng viết chữ bằng bút lông, một bức thư pháp đâu chỉ là con chữ mà nó là một tác phẩm với một sự tổng hoà rất nhiều yếu tố nghệ thuật như : hội hoạ, thi ca, âm nhạc, thiền học....Vì vậy đến với thư pháp, song song với việc rèn luyện kỹ năng chấp bút, thì đọc và tìm hiểu học hỏi cũng là một vấn đề không thể xem nhẹ. Sáng tạo nào cũng phải dựa trên những nền tảng nhất định, nó có thể đi trước thời đại nhưng nó vẫn phải luôn mang tính kế thừa chứ không thể là một thứ "từ đất nẻ chui ra", không giống trước cũng chẳng thể có sau. Kỹ năng và kiến thức phải xem trọng như nhau, sự tương đồng giữa hai mặt sẽ giúp người viết dễ dàng thực hiện những ý đồ nghệ thuật, nâng cao giá trị tác phẩm. Nghệ thuật phải là những rung động chân thực trước cuộc sống, ở một góc độ nào đó thư pháp Việt cũng đang tiếp nối truyền thống "văn dĩ tải đạo" của cha ông ta. Không chỉ là thưởng ngoạn, giải trí mà nó còn đem đến một giá trị tinh thần, tính nhân văn và những triết lý sống, hướng đến cái chân của thiện và mỹ. Do vậy, người viết cũng cần có cái tâm trong sáng, trong một nhân cách được rèn luyện, mở lòng ra với cuộc sống, với đất trời. Đó cũng chính là cái đạo của người luyện thư pháp vậy.

Trên đây là những nghĩ suy của bản thân trong mong muốn đóng góp vào sự phát triển của thư pháp Việt. Chắc rằng còn rất non nớt, rất mong được các bậc tiền bối, các bậc đàn anh lượng thứ và chỉ giáo


Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Cái bóng


Được nhà thơ Thanh My giới thiệu, sáng hôm qua mình may mắn gặp được kỷ lục gia việt nam về cắt hình bóng, đó là anh Phú Thảo - quê Long An. Mình cũng muốn gặp để trao đổi học hỏi thêm về thư pháp. Nhưng trong cái không khí của hội chợ thương mại ( anh Phú Thảo có một gian hàng thư pháp và cắt hình bóng của hội chợ ) cũng không trao đổi được gì, đành để một dịp khác vậy. Lấy điện thoại di động nhờ đứa học trò chụp một tấm ảnh lưu niệm.



Để kỹ niệm buổi sơ ngộ, kỷ lục gia đã cắt tặng mình một ảnh bóng làm kỹ niệm. Ba tuần lễ bị té vẫn còn phải mang đai, râu ria không cạo tua tủa, cả cái bóng của mình nhìn cũng thấy ghê luôn.


Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Đi tìm cái đẹp cho thư pháp chữ Việt - Bài 1: Thư pháp chữ Việt và điều cần có



Những năm gần đây, phong trào viết thư pháp chữ Việt ngày càng phát triển rằm rộ khắp nơi trong cả nước.Ngày càng có nhiều người đến với bộ môn này. Cũng giản đơn thôi mà, chỉ cần một cây bút lông, một hộp mực pha sẵn (loại này có bán ở tất cả các chợ), một vài tờ giấy là có thể phiêu du vào thế giới con chữ lung linh, huyền bí. Chính cái sự giản đơn, ít tốn kém này mà bộ môn thư pháp chữ Việt nhanh chóng thu hút đông đảo số lượng người quan tâm và tham gia. Ai cũng có thể viết thư pháp được, miễn chịu khó rèn luyện là được . Trăm hoa đua nở, ở khắp các địa phương trong nước thư pháp chữ Việt phát triển rằm rộ, tạo thành một phong trào sôi nổi. Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng về đời sống xã hội và cho sự phát triển của nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Tuy nhiên, điều chúng ta đáng quan tâm là phong trào thư pháp chữ Việt phát triển ở khắp nơi chủ yếu chỉ là tự phát mà không có một định hướng, hay một chuẩn mực nhất định. Mối nơi mỗi vẽ. Ai cũng có thể là nhà thư pháp, chẳng có một sự thẩm định, hay một thước đo nào. Chính cái tự phát ấy phần nào ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bộ môn thư pháp đang còn rất non trẻ. Phát triển tự phát cũng dễ hiểu thôi, Thư pháp tiếng việt chỉ mới xuất hiện trong ba chục năm trở lại đây, chưa hề có một chuẩn mực nào, một hệ thống lý luận nào thậm chí đến giờ nó vẫn chưa được xem chính danh là một bộ môn nghệ thuật.Với những người tự học thì tình hình càng khó khăn thêm. Lấy cái gì để mà tự thẫm định , so sánh, đối chiếu, còn cầm đi hỏi ư ? người không rành thì gật gù tán thưởng ( cũng chả biết họ tán thưởng cái gì), còn người có am hiểu thì lại né tránh trả lời hoặc trả lời một cách chung chung vô thưởng vô phạt. Cũng khó trách, nếu người được góp ý cầu tiến biết tiếp thu thì không nói, nhưng nếu họ phản ứng và cho rằng căn cứ vào đâu để có những ý kiến như thế thì người góp ý cũng khó mà trả lời vì hiện nay thư pháp chữ Việt đâu đã có một nền tảng lý luận để có thể minh chứng cho những ý kiến của mình.Thực ra thư pháp tiếng Việt hiện chỉ mới xuất hiện như một trào lưu, một thú chơi tao nhã. Nó chưa đủ thời gian để có đủ độ dày, độ sâu như những bộ môn nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, hội họa….Dạo qua tất cả các sách viết về thư pháp tiếng Việt hiện nay, hầu như chủ yếu là hướng dẫn căn bản luyện thư pháp, giới thiệu tác phẩm, còn phần giới thiệu về sự phát triển của thư pháp thì chủ yếu là thư pháp chữ Hán, thư pháp Thiền Nhật Bản. Nói như thế để chúng ta thấy rằng về lý luận Thư pháp tiếng Việt hầu như chưa có gì cả. Chuẩn mực nào dành cho một bức thư pháp đẹp, đạt chất lượng nghệ thuật , sự phát triển của thư pháp tiếng Việt dựa trên một nền tảng lý luận nào…. dường như hiện tại thư pháp tiếng Việt chưa có câu trả lời. Chính vì vậy mà thư pháp Việt hiện tại phát triển tự phát củng là điều dễ hiểu. Thì cứ thế mà xông vào, biết dựa vào đâu để làm chuẩn bây giờ. Có người lo rằng chính việc phát triển tự phát như thế có nguy cơ thoái trào dẫn thư pháp tiếng Việt vào ngõ cụt . Tôi thì không quá bi quan như vậy. Từ một thú chơi, một sở thích của một số người trở thành một bộ môn nghệ thuật chính danh, có lý luận, có phê bình hẳn hoi không thể là một sớm một chiều. Nghệ thuật đích thực luôn được thử thách với đời sống và với thời gian. Chính trong sự phát triển của cả một cánh rừng, chúng ta sẽ tìm được những cây gổ quý có thể làm nền tảng để xây dựng nên những lâu đài.

Mặc dù thư pháp chữ Việt căn bản là kế thừa cách viết chữ hán bằng bút lông của thư pháp Trung Quốc, nhưng rỏ ràng sự phát triển của hai nền chữ viết hoàn toàn khác nhau nên vị trí của thư pháp tiếng việt không thể giống với thư pháp chữ hán trong dòng chảy của lịch sử mỗi dân tộc. Bên cạnh một bên là chữ vuông tượng hình, một bên là chữ la-tinh tượng thanh, cách viết cũng sẽ khác nhau, hoàn cảnh ra đời khác nhau, mục tiêu hướng đến cũng không giống nhau, vì vậy, không thể lấy chuẩn mực của một bức thư pháp chữ hán mà thẫm định hay đánh giá cho một bức thư pháp chữ Việt. Cái mà thư pháp Việt đang thiếu đó chính là một hệ thống lý luận làm nền tảng, một chuẩn mực nhất định và một định hướng cho tương lai .Khi chúng ta có một nền tảng lý luận , một hướng đi rỏ ràng chúng ta mới có thể có cái để dựa vào mà phê bình, mà uốn nắn, mà gợi ý , mà định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Điều quan trọng hiện nay theo thiển ý của tôi, đó là một nổ lực nhằm làm chính danh bộ môn nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Dĩ nhiên điều này không đơn giản và củng không thể là một sớm một chiều. Cuộc sống chính là một trãi nghiệm và đó cũng chính là môi trường phản biện tốt nhất giúp cho các bộ môn nghệ thuật điều chỉnh uốn nắn mình để tự hoàn thiện, tồn tại và phát triển trong dòng chảy của nó. Thư pháp chữ Việt cũng không thể là một ngoại lệ. Chỉ mới xuất hiện vài chục năm và chủ yếu là tự phát, chúng ta làm sao đòi hỏi vị trí của bộ môn thư pháp chữ Việt có thể cao hơn hiện tại được. Muốn có được một hệ thống lý luận đủ để đưa thư pháp Việt trở thành một bộ môn nghệ thuật, điều nầy thuộc về trách nhiệm của các nhà thư pháp Việt, những người yêu thích bộ môn này, có tham gia thực hành, nghiên cứu. Chính trong thực tiễn của quá trình rèn luyện, sáng tạo, mỗi người sẽ rút ra được những trãi nghiệm thực tế, từ đó đúc kết thành những lý luận phục vụ cho xây dựng một hệ thống lý luận cho bộ môn. Trong những năm qua, đã có rất nhiều nhà thư pháp chữ Việt có những nỗ lực đóng góp nhằm xây dựng một nền tảng lý luận cho thư pháp Việt.Chúng ta thật sự trân trọng những đóng góp của họ. Nhưng công bằng mà nói, đó cũng chỉ là một sự tự phát, chỉ là những cố gắng đơn lẽ chưa đủ để tạo thành một hệ thống bao quát toàn bộ nội dung của thư pháp Việt.

Đây là một vấn đề lớn lao, không phải sức của một hai người có thể làm được. Xây dựng một hệ thống lý luận cho thư pháp Việt là một trong những mối quan tâm và mong mỏi của hầu như tất cả những ai yêu mến thư pháp chữ Việt. Nhưng nếu cứ phát triển tự phát như thế này thì vấn đề vẫn mãi sẽ không giải quyết được. Hiện nay trên mạng cũng đã có nhiều diễn đàn trao đổi về lý luận thư pháp, nhưng số lượng bài viết có chất lượng không nhiều, các diễn đàn do một nhóm các nhà thư pháp ở những địa phương khác nhau lập nên, chủ yếu là giới thiệu, quảng bá, vì vậy chưa tập họp được được tâm huyết trí tuệ của cộng đồng thư pháp Việt. Nên chăng có một sự liên kết giữa tất cả các nhà thư pháp chữ Việt trong phạm vi cả nước. Dĩ nhiên để mọi người cùng nhìn về một hướng cũng không không đơn giản, nó đòi hỏi cái Tâm của mỗi người dành cho một mục đích chung .Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể tổ chức liên lạc, trao đổi, đàm đạo, đóng góp , tranh luận về học thuật thông qua một diễn đàn mạng thống nhất với tiêu chí vì một nền lý luận cho thư pháp Việt. Ở đó mỗi người sẽ bày tỏ quan điểm của mình, trình bày những nhận định, những kết quả đạt được trong quá trình thực hành, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến học thuật thư pháp. Khi điều kiện chín muồi chúng ta tổ chức một hội thảo với quy mô lớn, rộng rãi để đúc kết những thành tựu trong quá trình trao đổi, tranh luận trên diễn đàn. Từ đó tạo thành một hệ thống lý luận nền tảng ban đầu cho thư pháp. Sau khi đa có được cái sườn chính thì việc bổ sung hoàn thiện chỉ còn lại là vấn đề thời gian.

Đông tay thì vỗ nên kêu, đó là đạo lý mà ông bà ta đã đúc kết từ bao đời nay. Với sức lực, tâm huyết, và trí tuệ của nhiều người chắc chắc điều này không khó lắm. Điều quan trọng là có tập họp được hết sức lực của cả cộng đồng những người viết thư pháp, điều này đòi hỏi cái tài của các nhà tổ chức và cái tâm của những người tham gia. Khi mọi người cùng nhìn về một phía với một tấm lòng rộng mở, có cùng một mối quan tâm vì tương lai thư pháp Việt, thì mục tiêu xây dựng một nền tảng lý luận cho bộ môn sẽ không phải là điều xa vời.

Là một người yêu mến thư pháp chữ Việt và cũng tập tễnh tự học, tôi xin mạn phép nêu một số suy nghĩ của bản thân mình với lòng mong muốn vì tương lai thư pháp Việt. Rất mong các bậc tiền bối, các vị đàn anh lượng thứ và chỉ giáo.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Mùa thu cũ

Chờ đợi gì những mùa thu cũ
Lá rơi đầy lạc dấu người xưa
Mây lang thang đâu trở lại lần nào
Kể từ độ em qua cầu áo mới.

Bao nhiêu lần thu đi thu lại
Bao nhiêu lâu ta nhặt lá vàng

Tìm gì trong sương khói mịt mờ
Mùa thu cũ mênh mang trong gió

Góc vườn xưa, ta ngày hai buổi
Ngắm thời gian trôi về phía cuối trời
Ngày hôm qua chỉ như là cơn mộng

Tỉnh giấc ra ta hoá bướm cuối vườn


Mùa thu xưa trong xác lá vàng
Trôi lãng đãng bên trời mộng ảo

Ngày đi qua vô tình cơn gió
Cuốn mùa thu về chốn mù khơi


Mùa thu xưa có đọng lại trong em
Bài thơ cũ còn tím trời kỹ niệm
Tóc ngã màu, vương thềm năm tháng
Mùa thu mang chi những tội tình..
Trắng đôi tay giữa chốn nhân gian

Ta say giấc mơ chiều thu tới
Gió heo may ngập trời xác lá

Thu nay sao vẫn thấy nhạt nhoà

Ta đợi cơn mưa ngày thu tím
Ta đợi em khi nắng thu tàn
Ở trên con đường về bên kia ấy
Hoa trắng ngập tràn như lối thu xưa

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Phúc hay hoạ sao lường trước được

Cuộc sống luôn luôn là những bất ngờ mà bản thân chúng ta không lường trước được. Hoạ hay phúc, cuộc đời cho chúng ta chọn sao.Đêm hôm đi show ở Nhà Bàn chạy về, trời mưa tầm tả, mặt đường loang loáng nước. Về gần đến núi Sam, trời tối, mưa, không nhìn rỏ ổ gà, phụp một cái mình bị sụp ổ gà, chiếc xe đổ kềnh ra giữa đường, còn mình thì té qua một bên, cả người không trầy sướt gì, nhưng xương hang cua phải bị gãy. Nữa đêm, trời mưa lại không phải té nặng gì lắm nên chẳng một ai hay. Nhà mình lại còn khá xa, điện thoại gia đình lên tới cũng phải mất cả tiếng. Cũng may khoảng 20 phút sau một bạn đồng nghiệp về sau ( lẽ ra anh ta ngủ lại nhưng tự dưng muốn về) chạy đến. Anh ấy đem xe tôi gọi cửa một nhà dân để gửi rồi đưa mình ra bệnh viện Châu Đốc. Cả đêm hôm không nằm được, thức trắng trong bệnh viện . Sáng nay họ thêm chích thuốc giảm đau, đay chỗ xương bị gãy lại rồi cho về bảo ngày mai trở lại tái khám và làm hồ sơ. Mình cũng chưa được xem hình chụp chỗ xương gãy, mọi người khuyên mình nên đi qua Phú Tân để điều trị đông y. Có lẽ sáng mai khi lên tái khám hiểu rỏ vết gãy mới quyết định xử lý ra sao.
Vậy là chắc phải nằm ở nhá cả tháng rồi. Chiều nay đã đỡ đau hơn, tay trái còn gõ phím được, buồn quá viết mấy dòng để giải toả vậy mà. Mình là người luôn hoạt động, lại phải nằm im thế này thì quả cũng buồn thật, nhưng làm sao hơn bây giờ. Thôi thì cứ như nghĩ ngơi, có thời gian nhìn lại mình và chiêm nghiệm cuộc đời.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Nghiên Bạch Mã

Ai viết thư pháp cũng muốn có được trong tay những món " Văn phòng tứ bửu " đẹp, độc đáo và dĩ nhiên là khả năng sử dụng cũng vừa ý cho người viết. Hôm rồi nhìn thấy cái Nghiên cổ " Tức Mặc " trên mạng mà thèm nhỏ dãi. Nhưng hàng dân dã như mình thì có mà nằm mơ cũng không biết được chấm bút vào trong đó không nữa. Thôi thì mình tự làm cho mình vậy. Mới vừa hoàn thành cái nghiên mực, post lên cho các bác thưởng lãm




Cũng mất cả tuần đục dẽo, mài dũa. Không được tinh tế lắm, nhưng"tay nghề" điêu khắc của mình hiện nay chỉ dám làm đến vậy. Mình đặt tên cho cái nghiên là " Bạch mã " (có con ngựa mà) để cho nó oai.

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2009

Chép ca khúc với phần mềm Encore 4.5-phần 3



Trong hai bài trước chúng ta đã tìm hiểu cách dàn trang và ký âm. Ở phương thức ký âm kết hợp giữa bàn phím máy tính và mouse, các bạn cũng có thể kết hợp giữa tay trái bàn phím máy tính và tay phải bàn phím Piano của chương trình Encore (Ảnh). Tay trái các bạn vẫn để trên bàn phím để gọi các công cụ, còn tay phải thay vì click chuột vào dòng nhạc, chúng ta click trực tiếp vào nốt ấy trên bàn phím piano (chú ý các bạn phải đặt dấu nhắc vào khuôn nhạc cần ký âm). Cách này thuận tiện cho các thao tác đối với các nốt thăng giáng, khi click vào nốt thăng giáng trên phím đàn piano chương trình sẽ tự động ghi dấu thăng giáng lên dòng nhạc, ta giảm bớt được một thao tác.

 
  Muốn gọi bàn phím Piano ra , ta vào menu Windows chọn Keyboad.
Bây giờ chúng ta tìm hiểu cách ghi dấu liên trong Encore. Thông thường khi khởi động Thanh ghi nốt sẽ xuất hiện ký hiệu ghi dấu liên ở cuối thanh ghi nốt với mặc định Choose tuplep bằng 3 : 2 (giá trị 3 nốt bằng 2).
Khi muốn ghi một liên ba, tay trái gõ chọn giá trị nốt, gõ tiếp phím T (Tuplip), tay phải ký âm vào dòng nhạc. Sau khi ghi nốt xong, các bạn chọn khối rồi nhấn Ctrl + B  hoặc click trực tiếp lên biểu tượng Beam group trên thanh Toolbar (Ảnh) để tách nhập nốt theo ý muốn. Nếu muốn thay đổi giá trị của dấu liên, các bạn click đúp vào nút lệnh 3:2 trên thanh ghi nốt để gọi hộp thoại Choose tuplep, gõ giá trị dấu liên ta muốn có vào hai cửa sổ hộp thoại, click OK. Khi ấy tên thanh ghi nốt sẽ xuất hiện thay vào chổ 3:2 là giá trị bạn chọn.

+Ghi dấu Nối và dấu Luyến:
Các bạn nên ký âm xong rồi chúng ta hẵng đặt dấu nối hoặc dấu luyến vào. Muốn nối kéo dài hai nốt nhạc lại với nhau, các bạn dùng công cụ mũi tên chọn khối hai nốt ấy rồi nhấn Ctrl+T hoặc click trực tiếp lên biểu tượng Tie notes trên thanh ký âm Tool, rồi đánh dấu 3 điểm từ nốt bắt đầu đến khi kết thúc. Trường hợp này ta xài cho các dấu légato rất thích hợp. Nếu dấu Luyến đặt không đúng vị trí hoặc chưa đẹp, các bạn dùng chuột click vào các điểm đầu dấu để chỉnh lại, nếu chỉnh khó, các bạn gõ Ctrl+H để chọn hộp thoại Show/hide và đánh dấu vào mục Control Point, click OK bạn sẽ thấy các nút ở hai đầu và giữa dấu luyến. Ta click vào các điểm ấy để điều chỉnh. Muốn các nút ấy không hiển thị, ta bỏ dấu kiểm ở mục Control Point.
+Dấu chấm sau nốt: để ghi dấu chấm, tay trái chọn giá trị hình nốt rồi gõ tiếp phím D chọn dấu chấm. muốn bỏ dấu chấm gõ phím D một lần nữa.


+Ghi dấu thăng và dấu Giáng: Khi muốn gõ một nốt thăng hoặc giáng, chúng ta ghi hình nốt ấy lên khuôn nhạc trước rồi gõ phím S (dấu Thăng) hoặc phím F (dấu Giáng) để chọn sau đó click trực tiếp lên nốt chúng ta muốn thăng hoặc giáng. Thông thường khi ghi một nốt thăng, những nốt cùng tên sau nó vẫn không bị thăng (khác với lý thuyết âm nhạc) và mang một dấu Bình, vì vậy các bạn phải click lên nốt ấy dấu bình mới bị mất đi và lúc này chương trình đã hiểu nốt đó cũng bị thăng.


+Ghi nốt hoa mỹ: Để ghi một nốt hoa mỹ (nốt láy ngắn có vạch cắt và nốt láy dài không có vạch cắt), chúng ta thực hiện theo các bước sau: (Ảnh )
Ví dụ ta viết nốt láy ngắn cho một nốt đen
.Bước 1: Ta viết một nốt đôi và một nốt đơn có dấu chấm, (chương trình sẽ mặc định hai nốt thành nhóm)

.Bước 2: Tô khối (chọn) nốt đôi (nốt sẽ là nốt hoa mỹ), rồi kích vào nút lệnh Macke grace trên thanh Toolbar. Hộp thoại Grace/Cue Note xuất hiện, ta đánh dấu kiểm vào mục Grace note, chọn mặc định là 25%. Click OK. (nốt hoa mỹ sẽ nhỏ lại bằng 1/4 nốt thường)
.Bước 3: Tiếp tục chọn khối nốt hoa mỹ, nhấn Ctrl+B để tách nhóm nốt.nhấn Ctrl+U để quay đuôi nốt lên và Ctrl+D để quay đuôi nốt xuống.
.Bước 4: Tô khối nốt chính (nốt móc đơn có chấm sau nốt) gõ phím 3 để thay giá trị nốt đen. Và sau cùng là đặt dấu luyến vào (Bình thường như các trường hợp mang dấu luyến khác). Khi đặt dấu luyến vào có thể chương trình sẽ không xếp vừa ý đâu, bạn sử dụng nút mũi tên để chỉnh sửa.
Đối với nhóm nốt hoa mỹ ta cũng thực hiên các bước như thế.

+Nhịp lấy đà:
Để ghi nhịp lấy đà cho bài nhạc, trước tiên bạn cần xác định loại nhịp của bài nhạc ta ghi và số phách của ô nhịp lấy đà. Khi biết được lấy đà bao nhiêu phách ta mới chọn chính xác cho ô nhịp này. Khi đã chọn loại nhịp cho bài nhạc xong, các bạn vào Menu Measure chọn Tim Measure.
Ở khung From Measure các bạn chọn 1 To1. Đánh dấu kiểm vào mục Other và nhập vào 1/4 (giá trị lấy đà bằng 1/4 ô nhịp 4/4, nếu là nhịp 2/4 ta nhập 1/2). Quan trọng nhất là các bạn đừng quên đánh dấu kiểm vào mục Pickup Bar (Ảnh). Click OK, rồi thong thả ký âm cho ô nhịp lấy đà.
-Khi muốn đánh số cho những ô nhịp, vào menu Measure chọn Measure Numbers. Trong hộp thoại Measure Number, các bạn đánh dấu kiểm vào mục Add Numbers. Chọn Every nếu ta muốn đánh số tất cả các ô nhịp và Each System nếu chỉ nmuốn đánh số ở đầu dòng nhạc (xem ảnh).


+Dấu Quay lại (hồi đoạn) :
-Khi muốn đặt dấu quay lại một đoạn nhạc, vào menu Measure chọn Barline types hoặc chọn trực tiếp trên thanh Toolbar, nhập chỉ số nhịp từ đến trong mục From Measure__to__. Xuống cửa sổ Left Tyle và Fright Tyle để chọn dấu cần thể hiện(Ảnh).

-Thông thường dấu quay lại đi cùng với khung thay đổi, sau khi chọn dấu quay lại xong, ta tiếp tục vào Measure chọn Ending. Trong hộp thoại Measure Ending đánh số ô nhịp cần đặt khung thay đổi, ở ô to các bạn giữ nguyên chỉ số nếu đoạn thay đổi khung 1 chỉ 1 ô nhip, còn nhiều hơn 1 ô nhịp thì gõ giá trị vào. Ở lần 1 thì chọn Frist , lần 2 chọn Second, lần 3 chọn Third, lần 4 chọn Fourth.....Mỗi lần thao tác cho một vị trí.
+Các loại vạch nhịp:
-Khi muốn sử dụng các dấu vạch nhịp đôi, vạch kết thúc..... các bạn cũng vào Measure gọi hộp thoại Barline Type ra để sử dụng. các thao tác cũng giống với khi chọn dấu quay lại.
-Khi ghi nốt nhạc sẽ có tình trạng ô nhịp có nhiều nốt và ô nhịp ít nốt. Do vậy việc điều chỉnh khoảng cách các ô nhịp là điều cần thiết. Muốn dời vạch nhịp, các bạn sử dụng phím mũi tên, click vào ngay trên đầu vạch nhịp, giữ chuột trái và kéo đến vị trí cần.

+ Nhập Phần lời cho ca khúc:
Sau khi ký âm xong phần nốt nhạc và các Ký hiệu âm nhạc (Các ký hiệu nằm trong các thanh ký âm, các bạn click trực tiếp lên biểu tượng rồi đặt lên khuôn nhạc.Các bạn tự tìm hiểu nhé), phần tiếp theo là ta nhập phần lời cho ca khúc.
+Nhập tiêu đề: Vào menu Score chọn Tex Elements, hộp thoại Tex Elements cho phép bạn ghi rất đầy đủ phần tiêu đề của bài nhạc với nhiều mục (Ảnh)
. Score title: Tựa bài nhạc gồm 3 dòng, cho phép ta chia tựa đề ra nếu dài hơn 1 dòng (Sau khi viết xong nếu muốn đôi phông chữ, nhấn vào nút Font rồi tùy chọn.
. Instructions: Có thể ghi tiết tấu bài nhạc (như Chachacha...) hoặc sắc thái của bài (như Nạt nộ...hay gì đó cũng được).
. Composer: Tên tác giả được Encore ưu ái đến 4 dòng, mặc sức mà ghi nhé.
. Các mục Header 1 & 2, Footer 1 & 2 là những tiêu đề ở bên phải và trái, đầu trang và cuối trang, các bạn tìm hiểu nhé ( Ảnh )

Để nhập lời vào ca khúc, Chương trình Encore cho phép ghi nốt qua nút L ( Lyrice ) trên thanh toolbar liên hệ với mục lệnh Voice,
Vào Window - Palette chọn thanh Graphic. Dùng mouse click vào nút có ô chử L (Lyric)


       Click vào thanh trình đơn Notes chọn Font. Một hộp thoại xuất hiện cho phép bạn chọn phông chữ, cỡ chữ như trong các trình soạn văn bản khác.

Click vào ngay nốt nhạc đầu tiên, con nháy sẽ hiện ra phía dưới nốt nhạc ấy, ta bắt đầu nhập phần lời vào.


        Trong trường hợp bài nhạc có 2 hoặc ba lời. Bạn click vào Voice để chọn ghi cho từng lời.
Sau khi ghi xong, bạn dòng nút mũi tên để điều chỉnh khoảng cách lời ca  giống như điều chỉnh khoảng cách nốt nhạc.


Thông thường khi tên bài hát, tên tác giả tôi dùng T (text), còn ghi lời ca tôi sử dụng L (lyrice)
Như vậy về cơ bản chúng ta đã tìm hiểu xong việc ghi một ca khúc trên phần mềm Encore 4.5.3. đây chỉ là những chia sẽ cơ bản và giản đơn để các bạn có thể ghi lại một ca khúc trên máy tính. Phần mềm Encore còn rất nhiều tính năng hay có thời gian các bạn nên tìm hiểu thêm. Chúc các bạn thành công.

Lại sắp mùa mưa nữa rồi

Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2009

Phận lá

Đây là tác phẩm thư pháp trên đá đầu tiên của mình đấy. Cũng chỉ mới thử nghiệm chưa thể gọi là đẹp được, các bạn xem đừng cười.

Bốn câu thơ của nhà thơ Lê Thanh My mà mình thích.



Mặt trước :
Cũng sinh như một kiếp người
Buồn vui chẳng biết khóc cười với ai
Mặt sau:
Nếu được chọn tôi đi về phía mộng
Cả đời tôi thức tỉnh đã nhiều rồi.

Thứ Hai, 16 tháng 3, 2009

Chép ca khúc với phần mềm Encore 4.5-phần 2

Sau khi đã tìm hiểu sơ qua về tổng quan của Encore khi hiển thị, công việc mà chúng ta phải làm kế tiếp đó là việc chọn loại trang ta muốn sử dụng (dàn trang). Thông thường khi khởi đông chương trình sẽ mặc định hiển thị dòng nhạc Piano, nên chúng ta phải chọn trang lại.
Để chọn giấy viết nhạc vào menu file chọn New... hoặc dùng chuột click vào biểu tượng New trên thanh toolbar (ảnh). Hộp thoại Choose Page Layout hiện ra cho phép ta chọn các chỉ số cho trang viết của mình. Thông thường chương trình hiển thị ở dòng nhạc Piano, để chọn trang ca khúc các bạn đánh dấu kiểm vào Single staves. đánh số 1 vào ô Staves per systems (trang cho ca khúc). System per page (số dòng nhạc cho một trang), Measures per system (số ô nhịp trên mỗi dòng)


Sau khi chon xong các bạn click OK.

Bây giờ chúng ta đã có một trang giấy kẻ nhạc , công việc tiếp theo của chúng ta là chọn Loại nhịp và Khoá nhạc cho bài nhạc của ta.
+ Chọn nhịp: Vào menu Measures chọn Time Signature, một hộp thoại sẽ hiện ra cho phép ta chọn loại nhip.
+ Chọn khoá nhạc: Vào menu Measures chọn Key Signature, một hộp thoại sẽ hiện ra cho phép ta chọn Khoá cho bài nhạc của mình.

Sau khi bạn Click OK, bạn đã có sẵn một trang để bắt đầu thực hiện ghi nhạc rồi


Trang giấy như trên hình gồm 10 dòng nhạc, mỗi dòng có 4 ô nhịp, nhịp 4/4, bộ khóa có một dấu thăng.

Các bạn nên định trước được số ô nhịp của ca khúc ta định viết để khi chọn dòng, chọn trang ta chọn đúng với bài nhạc, tránh trường hợp thiếu sẽ làm ta lúng túng, mất công xử lý. Dĩ nhiên là chúng ta có công cụ để làm việc này. Trong trường hợp thiếu ô nhịp, các bạn vào menu Measures chọn Add Measure, hộp thoại Add Measure hiện ra cho phép ta chèn thêm ô nhịp vào bài nhạc. Ta chỉ việc điền vào các thông số. Add__?_measure (nếu muốn thêm bao nhiêu ô thì gõ vào), phía sau hay trước ô nhịp thứ____(dĩ nhiên là trước sau cũng được). Cho một dòng (*Only on staff) hay cho tất cả các dòng (All staves) (xem ảnh) .

Còn nếu thừa ô nhịp thì chọn Delete Measure.
+ Ký Âm:
Chương trình Encore cho phép chúng ta có nhiều cách ký âm:
-Ký âm bằng đàn phím điện tử qua giao tiếp Midi
-Ký âm bằng bàn phím máy tính (Keyboad)
-Ký âm bằng Chuột (mouse)
-Ký âm bằng bàn phím piano của chương trình.
Có thời gian các bạn nên tìm hiểu thêm để có thể tùy biến trong ký âm. Trong phạm vi bài viết này mình sẽ hướng dẫn cách ký âm kết hợp giữa chuột (mouse) và bàn phím máy tính (Keyboad), chủ yếu đủ cho việc chép ca khúc.
Đầu tiên ta làm quen với ký âm và sử dụng các công cụ bằng mouse.
Chương trình Encore cấu tạo hiển thị các nút lệnh rất biểu trưng nên các bạn dể dàng nhận ra nút lệnh mình muốn thực hiện. Ký âm bằng mouse chủ yếu làm việc qua thanh ghi nốt. Khi muốn chọn hình nốt hoặc dấu lặng (các ký hiệu âm nhạc) ta click trực tiếp vào hình ấy trên thanh ghi nốt, sau đó đặt vào dòng nhạc ở vị trí mình muốn rồi click. Đối với các tác vụ chỉnh sửa, điều chỉnh bạn dùng hình mũi tên chọn vùng nốt cần chỉnh sửa rồi click trực tiếp lên biểu tượng trên thanh toolbar. Tóm lại chỉ ký âm bằng chuột thì chủ yếu là các bạn chọn rồi click.

Cách này có vẽ dễ dàng nhưng lại chậm quá. Con trỏ phải di chuyển liên tục khi ta ký âm những đoạn nhạc sử dụng nhiều loại hình nốt, ký hiệu âm nhạc khác nhau. Để công việc thuận lợi và nhanh chóng hơn ta sẽ kết hợp giữa việc ký âm bằng mouse với việc sử dụng bàn phím máy tính. Muốn vậy các bạn cần nhớ những phím tắt để gọi đúng công cụ ấy ra. Thông thường các chương trình chạy trong window đều sử dụng nguyên tắc dễ nhớ nhất khi gọi các lệnh là lấy ký tự đầu của của từ ấy. Ví dụ: Phím S (Shap) là dấu thăng (#) , Phím F (Flat) là dấu giáng (b) .Vì vậy các bạn cần tìm hiểu một số thuật ngữ dùng trong âm nhạc, nó sẽ giúp chúng ta dễ nhớ các phím tắt khi làm việc với bàn phím.
-Một số phím tắt cần dùng :
- phím số 1 = nốt tròn, lặng tròn
- phím số 2 = nốt trắng, lặng trắng
- phím số 3 = nốt đen, lặng đen...........(Tương tự chọn hình nốt còn lại bằng phím số 4, số 5, số 6, số 7).
- Phím R có tác dụng chuyển đổi giữa hình nốt và dấu lặng. Khi gõ phím R lần 1 chuyển đổi thành hình nốt, gõ thêm lần nữa sẽ chuyên thành dấu lặng cùng trường độ.
- Phím S = dấu thăng, Phím F = dấu giáng, Phím N = Dấu bình, phím T = dấu liên ba, tư, năm..
- Phím D = Dấu chấm sau nốt, Siift+D = dấu hai chấm sau nốt.
- Phím Shift+S = thăng kép, Shift+F = giáng kép, Shift+N = dấu ( ) chứa nốt hoặc dấu hoá phòng xa.Để kết hợp hai phương thức ký âm này, tay trái các bạn để lên bàn phím để gọi các công cụ cần sử dụng, còn tay phải sử dụng mouse chủ yếu để đặt các nốt lên dòng nhạc, như vậy chúng ta sẽ đơn giản hóa rất nhiều cho việc ký âm. Nên tránh di chuyển con trỏ nhiều, thể ảnh hưởng đến quá trình làm việc.
Bây giờ ta thí vụ nhé, để đánh nốt Do đen, tay trái phím R để chọn hình nốt, gõ tiếp phím số 3 để lấy giá trị nốt đen. Tay phải click váo vị trí nốt Do trên khuôn nhạc. Để đánh dấu lặng trắng, tay trái phím R để chuyển đổi hình nốt sang dấu lặng, tiếp phím số 2 để chọn giá trị, tay phải click vào khuôn nhạc. Đánh nốt Son đen có dấu chấm, tay trái phím số 3 chọn giá trị nốt đen, tiếp phím D để chọn dấu chấm, tay phải click vào vị trí nốt Son trên khuôn nhạc.
Vậy là quá cụ thể rồi nhé. Tuy nhiên phần quan trọng hơn cả là phần điều chỉnh, xử lý theo lý thuyết âm nhạc, Hẹn gặp lại các bạn trong phần 3 của loạt bài này.