Thứ Tư, 19 tháng 8, 2020

NGUYỄN HOÀNG NAM – NGƯỜI NGHỆ SĨ VỚI TÂM HỒN THI VỊ - Kim Thoa

Khi tôi gặp chú Nguyễn Hoàng Nam, cô Võ Diệu Thanh giới thiệu với tôi chú là giáo viên dạy nhạc và là nhạc sĩ. Lần đầu tiên tôi được trực tiếp nghe một người vừa đàn vừa hát hay như vậy, giữa bốn bề ồn ã nhưng giọng hát của chú cứ âm vang, trong trẻo vút bay. Tôi say sưa ngồi nghe mà chẳng muốn rời đi chút nào. Ngoài đàn hát ra, tôi còn được nghe các cô chú bàn luận văn chương và âm nhạc. Thật may mắn khi một người vô danh như tôi lại được ngồi cùng các văn nghệ sĩ và nghe mọi người chia sẻ những câu chuyện. Lúc ấy tôi không hề biết chú Hoàng Nam còn là thi sĩ và nghệ nhân.
Đến tận khi tôi cầm tập thơ "Nhà không có đàn bà" của chú trên tay và đọc, tôi vẫn bị bất ngờ với tên tác giả Phan Võ Hoàng Nam, vì tôi không nghĩ cùng là một người mình từng gặp. Hình như tôi đã đọc một mạch hết cả tập thơ và nhận ra bài nào tôi cũng thầm khen là chú viết hay. Ngôn ngữ thơ giàu hình ảnh và đậm chất trữ tình, lúc mộc mạc đơn sơ như làng quê Việt Nam nơi có người mẹ tảo tần vì chồng con, lúc lại sâu sắc và đầy tính triết lý của một người từng trải bao sóng gió cuộc đời. Thế giới Phan Võ Hoàng Nam vẽ lên bằng những câu thơ thật sự rất đẹp, đẹp như chính tâm hồn nghệ sĩ của tác giả vậy. Tôi rất muốn kể với mọi người rằng thế giới ấy đẹp ra sao, nhưng tôi cũng nhận ra ngôn từ của mình không thể nào bao quát được hết vẻ đẹp kia. Nên tôi chỉ có thể giới thiệu cùng mọi người một góc của thế giới ấy mà thôi.
Trong tập thơ "Nhà không có đàn bà" có một bài khiến tôi thích thú ngay khi đọc. Bài thơ ấy là "Ngày mai", vì ở trang đầu tiên của cuốn sách, hai câu thơ cuối trong bài được dùng làm lời giới thiệu. Tôi hiểu, có lẽ đây là hai câu tác giả thấy tâm đắc nhất trong cả tập thơ. Nó giống như lời đề tặng dành cho người tri kỷ, nó gây ấn tượng bởi một tình yêu vượt ra ngoài quy luật sinh tử.
Hai câu thơ ấy tôi xin được nhắc đến ở phần cuối. Còn bây giờ hãy cùng tôi bước vào thế giới của "Ngày mai".

"Có thể...
Ngày mai...
Những cánh hoa héo úa
Nhựa sống cạn khô
Khúc giao mùa rơi vào tĩnh lặng
Ừ dẫu thế!
Hương lan chiều nay vẫn ngát
Vườn nhà em vừa nhú một chồi non"

Buổi chiều nơi khu vườn tĩnh lặng, nhành lan toả ngát hương thơm. Có một người đang ngắm hoa và nhìn thấy trước tương lai hiển nhiên rằng hoa sẽ tàn, cây sẽ héo mà chẳng đợi được đến buổi giao mùa. Người ấy không hề buồn dù hiểu quy luật của tự nhiên là như thế, bởi vì "vườn nhà em vừa nhú một chồi non", sự sống này mất đi, sự sống khác đã đâm chồi nảy lộc. Nhành lan vẫn cố toả hương dẫu biết có thể là lần cuối, vì nhành lan muốn sống trọn vẹn đời mình.

"Có thể ngày mai...
Tình yêu chỉ là trò cợt nhả
Chẳng có buổi bình minh
Và lũ chim không còn đi truyền lời sấm
À thế...!
Cạn chung ta say cùng đất
Chén rượu chiều nay vẫn ấm tình người"

Và người ngồi trong khu vườn chiều lại tiếp tục suy tư về tương lai. Một tương lai tối tăm không có ánh mặt trời soi chiếu, còn tình yêu chỉ như một trò đùa. Tương lai ấy sầu muộn đến mức loài chim cũng không còn muốn gieo thêm nỗi buồn bằng lời sấm của mình. Nhưng chuyện của ngày mai đó còn chưa xảy đến, người đàn ông vẫn ngồi cạn chung với đất, một tri kỷ hữu hình mà lại vô hình. Để rồi cảm thấy chén rượu trên tay "vẫn ấm tình người".

"Có thể ngày mai những nỗi đau còn đó
Đừng đánh rơi, dù chỉ chút niềm tin
Ngày dẫu buồn tênh
Bình minh vẫn nguyên ước vọng
Ta có hôm nay để yêu những cuộc đời

Có thể ngày mai... chỉ là cơn mơ
Vụn vỡ tiếng cười
Vụn vỡ những mảnh đời
Cuối trời thinh lặng
Dẫu mai anh và em chỉ là hạt bụi
Ta lại rong chơi giữa cõi vĩnh hằng"

Đắm chìm trong những suy tư miên man, cuối cùng người ấy cũng hiểu ra rằng ngày mai tất sẽ đến, những niềm đau không tan biến, nỗi buồn vẫn cứ hiện diện. Nhưng người sẽ không đánh mất niềm tin, người vẫn ước nguyện một bình mình tươi sáng và biết ơn vì còn "có hôm nay để yêu những cuộc đời". Biết đâu được ngày mai chỉ là một giấc mơ và tất cả đều trở nên vụn vỡ nơi "cuối trời thinh lặng".
Tôi là một người trẻ, chưa trải qua những điều người trong thơ đã nếm trải, chưa hiểu hết những điều người trong thơ đã chiêm nghiệm. Tôi chỉ nhìn thấy trước mắt mình là một người đang ngồi với nỗi sầu muộn bên buổi chiều tĩnh lặng. Thế nhưng trong nỗi sầu muộn ấy lại tràn đầy niềm tin ở một tương lai tốt đẹp và tình yêu bất tận dù cái chết cũng không thể chia lìa. Tôi vẫn thường nghe câu "sinh ra từ cát bụi thì trở về cát bụi", người hiểu rõ điều này và đón nhận nó rất bình thản: dẫu mai sau có là hạt bụi ở cõi vĩnh hằng thì anh và em vẫn tiếp tục rong chơi cho đến ngày được sinh ra lần nữa. Vâng, đó là hai câu thơ tôi thích nhất, cũng là hai câu mở đầu của tập thơ.
Nếu để ý kỹ sẽ nhận ra trong "Ngày mai" tác giả cố tình lặp lại cụm từ "có thể ngày mai" ở mỗi khổ thơ nhưng cách trình bày lại khác nhau. Tôi không hiểu dụng ý của chú, nhưng tôi cảm thấy sự ngập ngừng trong lời nói thể hiện qua dấu ba chấm (...). Càng về cuối thì sự ngập ngừng giảm dần và lời nói tự tin hơn hẳn. Giống như lời nói lúc tỉnh táo lại không thể thoát ra một cách tự nhiên và chân thành bằng lúc người ta đang say vậy.
Tôi không biết những cảm nhận của mình có đúng với ý của tác giả hay không. Tôi chỉ muốn để mọi người cũng hình dung ra được một phần nào thế giới đẹp đẽ bằng ngôn từ mà Phan Võ Hoàng Nam đã xây nên trong tập thơ "Nhà không có đàn bà". Qua tác phẩm này, tôi cảm nhận được một tâm hồn đầy thi vị, một con người đầy tính nghệ sĩ mà tôi may mắn có lần gặp gỡ.




Kim Thoa

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Hoài niệm





Đã bao lần Mimosa nở muộn
Dấu hài em còn in chốn sương mờ?
Có mấy mười năm đàn ta ray rức
Phố vẫn hoa
Tình còn có đậm đà. 
Hè 2020