Thứ Sáu, 24 tháng 4, 2009

Cái bóng


Được nhà thơ Thanh My giới thiệu, sáng hôm qua mình may mắn gặp được kỷ lục gia việt nam về cắt hình bóng, đó là anh Phú Thảo - quê Long An. Mình cũng muốn gặp để trao đổi học hỏi thêm về thư pháp. Nhưng trong cái không khí của hội chợ thương mại ( anh Phú Thảo có một gian hàng thư pháp và cắt hình bóng của hội chợ ) cũng không trao đổi được gì, đành để một dịp khác vậy. Lấy điện thoại di động nhờ đứa học trò chụp một tấm ảnh lưu niệm.



Để kỹ niệm buổi sơ ngộ, kỷ lục gia đã cắt tặng mình một ảnh bóng làm kỹ niệm. Ba tuần lễ bị té vẫn còn phải mang đai, râu ria không cạo tua tủa, cả cái bóng của mình nhìn cũng thấy ghê luôn.


Thứ Tư, 22 tháng 4, 2009

Đi tìm cái đẹp cho thư pháp chữ Việt - Bài 1: Thư pháp chữ Việt và điều cần có



Những năm gần đây, phong trào viết thư pháp chữ Việt ngày càng phát triển rằm rộ khắp nơi trong cả nước.Ngày càng có nhiều người đến với bộ môn này. Cũng giản đơn thôi mà, chỉ cần một cây bút lông, một hộp mực pha sẵn (loại này có bán ở tất cả các chợ), một vài tờ giấy là có thể phiêu du vào thế giới con chữ lung linh, huyền bí. Chính cái sự giản đơn, ít tốn kém này mà bộ môn thư pháp chữ Việt nhanh chóng thu hút đông đảo số lượng người quan tâm và tham gia. Ai cũng có thể viết thư pháp được, miễn chịu khó rèn luyện là được . Trăm hoa đua nở, ở khắp các địa phương trong nước thư pháp chữ Việt phát triển rằm rộ, tạo thành một phong trào sôi nổi. Có thể nói đây là một tín hiệu đáng mừng về đời sống xã hội và cho sự phát triển của nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Tuy nhiên, điều chúng ta đáng quan tâm là phong trào thư pháp chữ Việt phát triển ở khắp nơi chủ yếu chỉ là tự phát mà không có một định hướng, hay một chuẩn mực nhất định. Mối nơi mỗi vẽ. Ai cũng có thể là nhà thư pháp, chẳng có một sự thẩm định, hay một thước đo nào. Chính cái tự phát ấy phần nào ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển của bộ môn thư pháp đang còn rất non trẻ. Phát triển tự phát cũng dễ hiểu thôi, Thư pháp tiếng việt chỉ mới xuất hiện trong ba chục năm trở lại đây, chưa hề có một chuẩn mực nào, một hệ thống lý luận nào thậm chí đến giờ nó vẫn chưa được xem chính danh là một bộ môn nghệ thuật.Với những người tự học thì tình hình càng khó khăn thêm. Lấy cái gì để mà tự thẫm định , so sánh, đối chiếu, còn cầm đi hỏi ư ? người không rành thì gật gù tán thưởng ( cũng chả biết họ tán thưởng cái gì), còn người có am hiểu thì lại né tránh trả lời hoặc trả lời một cách chung chung vô thưởng vô phạt. Cũng khó trách, nếu người được góp ý cầu tiến biết tiếp thu thì không nói, nhưng nếu họ phản ứng và cho rằng căn cứ vào đâu để có những ý kiến như thế thì người góp ý cũng khó mà trả lời vì hiện nay thư pháp chữ Việt đâu đã có một nền tảng lý luận để có thể minh chứng cho những ý kiến của mình.Thực ra thư pháp tiếng Việt hiện chỉ mới xuất hiện như một trào lưu, một thú chơi tao nhã. Nó chưa đủ thời gian để có đủ độ dày, độ sâu như những bộ môn nghệ thuật khác như nhiếp ảnh, hội họa….Dạo qua tất cả các sách viết về thư pháp tiếng Việt hiện nay, hầu như chủ yếu là hướng dẫn căn bản luyện thư pháp, giới thiệu tác phẩm, còn phần giới thiệu về sự phát triển của thư pháp thì chủ yếu là thư pháp chữ Hán, thư pháp Thiền Nhật Bản. Nói như thế để chúng ta thấy rằng về lý luận Thư pháp tiếng Việt hầu như chưa có gì cả. Chuẩn mực nào dành cho một bức thư pháp đẹp, đạt chất lượng nghệ thuật , sự phát triển của thư pháp tiếng Việt dựa trên một nền tảng lý luận nào…. dường như hiện tại thư pháp tiếng Việt chưa có câu trả lời. Chính vì vậy mà thư pháp Việt hiện tại phát triển tự phát củng là điều dễ hiểu. Thì cứ thế mà xông vào, biết dựa vào đâu để làm chuẩn bây giờ. Có người lo rằng chính việc phát triển tự phát như thế có nguy cơ thoái trào dẫn thư pháp tiếng Việt vào ngõ cụt . Tôi thì không quá bi quan như vậy. Từ một thú chơi, một sở thích của một số người trở thành một bộ môn nghệ thuật chính danh, có lý luận, có phê bình hẳn hoi không thể là một sớm một chiều. Nghệ thuật đích thực luôn được thử thách với đời sống và với thời gian. Chính trong sự phát triển của cả một cánh rừng, chúng ta sẽ tìm được những cây gổ quý có thể làm nền tảng để xây dựng nên những lâu đài.

Mặc dù thư pháp chữ Việt căn bản là kế thừa cách viết chữ hán bằng bút lông của thư pháp Trung Quốc, nhưng rỏ ràng sự phát triển của hai nền chữ viết hoàn toàn khác nhau nên vị trí của thư pháp tiếng việt không thể giống với thư pháp chữ hán trong dòng chảy của lịch sử mỗi dân tộc. Bên cạnh một bên là chữ vuông tượng hình, một bên là chữ la-tinh tượng thanh, cách viết cũng sẽ khác nhau, hoàn cảnh ra đời khác nhau, mục tiêu hướng đến cũng không giống nhau, vì vậy, không thể lấy chuẩn mực của một bức thư pháp chữ hán mà thẫm định hay đánh giá cho một bức thư pháp chữ Việt. Cái mà thư pháp Việt đang thiếu đó chính là một hệ thống lý luận làm nền tảng, một chuẩn mực nhất định và một định hướng cho tương lai .Khi chúng ta có một nền tảng lý luận , một hướng đi rỏ ràng chúng ta mới có thể có cái để dựa vào mà phê bình, mà uốn nắn, mà gợi ý , mà định hướng cho sự phát triển của nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Điều quan trọng hiện nay theo thiển ý của tôi, đó là một nổ lực nhằm làm chính danh bộ môn nghệ thuật thư pháp chữ Việt. Dĩ nhiên điều này không đơn giản và củng không thể là một sớm một chiều. Cuộc sống chính là một trãi nghiệm và đó cũng chính là môi trường phản biện tốt nhất giúp cho các bộ môn nghệ thuật điều chỉnh uốn nắn mình để tự hoàn thiện, tồn tại và phát triển trong dòng chảy của nó. Thư pháp chữ Việt cũng không thể là một ngoại lệ. Chỉ mới xuất hiện vài chục năm và chủ yếu là tự phát, chúng ta làm sao đòi hỏi vị trí của bộ môn thư pháp chữ Việt có thể cao hơn hiện tại được. Muốn có được một hệ thống lý luận đủ để đưa thư pháp Việt trở thành một bộ môn nghệ thuật, điều nầy thuộc về trách nhiệm của các nhà thư pháp Việt, những người yêu thích bộ môn này, có tham gia thực hành, nghiên cứu. Chính trong thực tiễn của quá trình rèn luyện, sáng tạo, mỗi người sẽ rút ra được những trãi nghiệm thực tế, từ đó đúc kết thành những lý luận phục vụ cho xây dựng một hệ thống lý luận cho bộ môn. Trong những năm qua, đã có rất nhiều nhà thư pháp chữ Việt có những nỗ lực đóng góp nhằm xây dựng một nền tảng lý luận cho thư pháp Việt.Chúng ta thật sự trân trọng những đóng góp của họ. Nhưng công bằng mà nói, đó cũng chỉ là một sự tự phát, chỉ là những cố gắng đơn lẽ chưa đủ để tạo thành một hệ thống bao quát toàn bộ nội dung của thư pháp Việt.

Đây là một vấn đề lớn lao, không phải sức của một hai người có thể làm được. Xây dựng một hệ thống lý luận cho thư pháp Việt là một trong những mối quan tâm và mong mỏi của hầu như tất cả những ai yêu mến thư pháp chữ Việt. Nhưng nếu cứ phát triển tự phát như thế này thì vấn đề vẫn mãi sẽ không giải quyết được. Hiện nay trên mạng cũng đã có nhiều diễn đàn trao đổi về lý luận thư pháp, nhưng số lượng bài viết có chất lượng không nhiều, các diễn đàn do một nhóm các nhà thư pháp ở những địa phương khác nhau lập nên, chủ yếu là giới thiệu, quảng bá, vì vậy chưa tập họp được được tâm huyết trí tuệ của cộng đồng thư pháp Việt. Nên chăng có một sự liên kết giữa tất cả các nhà thư pháp chữ Việt trong phạm vi cả nước. Dĩ nhiên để mọi người cùng nhìn về một hướng cũng không không đơn giản, nó đòi hỏi cái Tâm của mỗi người dành cho một mục đích chung .Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có thể tổ chức liên lạc, trao đổi, đàm đạo, đóng góp , tranh luận về học thuật thông qua một diễn đàn mạng thống nhất với tiêu chí vì một nền lý luận cho thư pháp Việt. Ở đó mỗi người sẽ bày tỏ quan điểm của mình, trình bày những nhận định, những kết quả đạt được trong quá trình thực hành, nghiên cứu về các vấn đề liên quan đến học thuật thư pháp. Khi điều kiện chín muồi chúng ta tổ chức một hội thảo với quy mô lớn, rộng rãi để đúc kết những thành tựu trong quá trình trao đổi, tranh luận trên diễn đàn. Từ đó tạo thành một hệ thống lý luận nền tảng ban đầu cho thư pháp. Sau khi đa có được cái sườn chính thì việc bổ sung hoàn thiện chỉ còn lại là vấn đề thời gian.

Đông tay thì vỗ nên kêu, đó là đạo lý mà ông bà ta đã đúc kết từ bao đời nay. Với sức lực, tâm huyết, và trí tuệ của nhiều người chắc chắc điều này không khó lắm. Điều quan trọng là có tập họp được hết sức lực của cả cộng đồng những người viết thư pháp, điều này đòi hỏi cái tài của các nhà tổ chức và cái tâm của những người tham gia. Khi mọi người cùng nhìn về một phía với một tấm lòng rộng mở, có cùng một mối quan tâm vì tương lai thư pháp Việt, thì mục tiêu xây dựng một nền tảng lý luận cho bộ môn sẽ không phải là điều xa vời.

Là một người yêu mến thư pháp chữ Việt và cũng tập tễnh tự học, tôi xin mạn phép nêu một số suy nghĩ của bản thân mình với lòng mong muốn vì tương lai thư pháp Việt. Rất mong các bậc tiền bối, các vị đàn anh lượng thứ và chỉ giáo.

Thứ Tư, 15 tháng 4, 2009

Mùa thu cũ

Chờ đợi gì những mùa thu cũ
Lá rơi đầy lạc dấu người xưa
Mây lang thang đâu trở lại lần nào
Kể từ độ em qua cầu áo mới.

Bao nhiêu lần thu đi thu lại
Bao nhiêu lâu ta nhặt lá vàng

Tìm gì trong sương khói mịt mờ
Mùa thu cũ mênh mang trong gió

Góc vườn xưa, ta ngày hai buổi
Ngắm thời gian trôi về phía cuối trời
Ngày hôm qua chỉ như là cơn mộng

Tỉnh giấc ra ta hoá bướm cuối vườn


Mùa thu xưa trong xác lá vàng
Trôi lãng đãng bên trời mộng ảo

Ngày đi qua vô tình cơn gió
Cuốn mùa thu về chốn mù khơi


Mùa thu xưa có đọng lại trong em
Bài thơ cũ còn tím trời kỹ niệm
Tóc ngã màu, vương thềm năm tháng
Mùa thu mang chi những tội tình..
Trắng đôi tay giữa chốn nhân gian

Ta say giấc mơ chiều thu tới
Gió heo may ngập trời xác lá

Thu nay sao vẫn thấy nhạt nhoà

Ta đợi cơn mưa ngày thu tím
Ta đợi em khi nắng thu tàn
Ở trên con đường về bên kia ấy
Hoa trắng ngập tràn như lối thu xưa

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2009

Phúc hay hoạ sao lường trước được

Cuộc sống luôn luôn là những bất ngờ mà bản thân chúng ta không lường trước được. Hoạ hay phúc, cuộc đời cho chúng ta chọn sao.Đêm hôm đi show ở Nhà Bàn chạy về, trời mưa tầm tả, mặt đường loang loáng nước. Về gần đến núi Sam, trời tối, mưa, không nhìn rỏ ổ gà, phụp một cái mình bị sụp ổ gà, chiếc xe đổ kềnh ra giữa đường, còn mình thì té qua một bên, cả người không trầy sướt gì, nhưng xương hang cua phải bị gãy. Nữa đêm, trời mưa lại không phải té nặng gì lắm nên chẳng một ai hay. Nhà mình lại còn khá xa, điện thoại gia đình lên tới cũng phải mất cả tiếng. Cũng may khoảng 20 phút sau một bạn đồng nghiệp về sau ( lẽ ra anh ta ngủ lại nhưng tự dưng muốn về) chạy đến. Anh ấy đem xe tôi gọi cửa một nhà dân để gửi rồi đưa mình ra bệnh viện Châu Đốc. Cả đêm hôm không nằm được, thức trắng trong bệnh viện . Sáng nay họ thêm chích thuốc giảm đau, đay chỗ xương bị gãy lại rồi cho về bảo ngày mai trở lại tái khám và làm hồ sơ. Mình cũng chưa được xem hình chụp chỗ xương gãy, mọi người khuyên mình nên đi qua Phú Tân để điều trị đông y. Có lẽ sáng mai khi lên tái khám hiểu rỏ vết gãy mới quyết định xử lý ra sao.
Vậy là chắc phải nằm ở nhá cả tháng rồi. Chiều nay đã đỡ đau hơn, tay trái còn gõ phím được, buồn quá viết mấy dòng để giải toả vậy mà. Mình là người luôn hoạt động, lại phải nằm im thế này thì quả cũng buồn thật, nhưng làm sao hơn bây giờ. Thôi thì cứ như nghĩ ngơi, có thời gian nhìn lại mình và chiêm nghiệm cuộc đời.

Thứ Tư, 1 tháng 4, 2009

Nghiên Bạch Mã

Ai viết thư pháp cũng muốn có được trong tay những món " Văn phòng tứ bửu " đẹp, độc đáo và dĩ nhiên là khả năng sử dụng cũng vừa ý cho người viết. Hôm rồi nhìn thấy cái Nghiên cổ " Tức Mặc " trên mạng mà thèm nhỏ dãi. Nhưng hàng dân dã như mình thì có mà nằm mơ cũng không biết được chấm bút vào trong đó không nữa. Thôi thì mình tự làm cho mình vậy. Mới vừa hoàn thành cái nghiên mực, post lên cho các bác thưởng lãm




Cũng mất cả tuần đục dẽo, mài dũa. Không được tinh tế lắm, nhưng"tay nghề" điêu khắc của mình hiện nay chỉ dám làm đến vậy. Mình đặt tên cho cái nghiên là " Bạch mã " (có con ngựa mà) để cho nó oai.