Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Góc quê xuân và mẹ

Ngày muộn.
Nắng vương trên lá cỏ.
Cánh én chao.
Hàng cau...Gió lao xao.
Chiều cuối năm nồi bánh chưng đỏ lửa.
Xuân năm nay vắng tiếng mẹ cười.

Bao mùa xuân
Mẹ dệt yêu thương.
Dệt những ước mơ.
Đôi tay gầy guộc,
chái bếp quen ngày mưa tháng nắng.
Khói chiều quê lãng đãng hồn quê.


Những dấu chân xưa...
Con chập chửng bước theo.
Gốc rạ, bờ tre. Con đường làng.
Nắng !
Mẹ cho con đôi chân. Ngày tháng.
Dấu chân chim. Mẹ hằn cả vào tim.

Bao mùa xuân kẻ ở người đi.
Chiều ba mươi mẹ vẫn canh nồi bánh
Bao mối lạt...
Nổi lòng của mẹ.
Tấm lòng quê chan chứa tình quê.

Luống hoa hiên nhà,
tết này không nụ.
Chiều cuối năm ai quét lá sân vườn.
Tiếng chổi tre.
Lời à ơi sâu thẳm.
Góc quê ơi ! thương lắm mẹ vai gầy.

Những con đường tuổi thơ. Đi qua
Ngang dọc chốn quê.
Lưng trâu dong ruổi.
Vắt cơm muối vừng ủ nóng tàu lá chuối.
Có vị mồ hôi và nước mắt mẹ tôi.

Lá trầu vàng.
Trái cau xanh héo úa.
Lễ tổ tiên cánh phượng bay xa.
Dòng sông trôi, con đò tách bến.
Con ngẩn ngơ .
Bờ lau trắng chiều xuân.

Mùa xuân này con lại về đây.
Góc sân vườn. Mẫu đơn bát ngát.
Nồi bánh chưng.
Lửa hồng...
Bóng mẹ.
Vẫn mênh mang một góc chiều quê.

những ngày cuối năm

Thứ Sáu, 10 tháng 12, 2010

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc: Triển lãm tranh đá Thất Sơn

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc: Triển lãm tranh đá Thất Sơn

Cập nhật ngày: 08/12/2010 07:03:24

Hội Văn học- Nghệ thuật thị xã Châu đốc vừa khai mạc triển lãm tranh đá Thất Sơn của tác giả Nguyễn Hoàng Nam - cộng tác viên Phân hội Mỹ thuật, giáo viên Trường THCS huyện Châu phú.

Từ nguồn nguyên liệu là đá granit của vùng đất Thất Sơn - An Giang, tác giả Nguyễn Hoàng Nam đã sáng tạo ra loại tranh đá cho màu sắc nguyên thủy, có độ bền cao và là dòng tranh thứ 2 sau dòng tranh đá quý (saphia) của huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Để làm được tác phẩm, tác giả phác thảo tranh, chọn nguyên liệu, màu đá phù hợp sau đó rải bột đá lên nền tranh. 44 tác phẩm được tác giả giới thiệu lần này mang đến cho người xem những nội dung gồm: Phong cảnh thiên nhiên, lễ hội và sinh hoạt của con người vùng đất Thất Sơn, chân dung, mieu tả…

TẤN THÀNH (Phòng VH&TT TXCĐ

Nguồn: Báo An Giang Online (http://www.baoangiang.com.vn/newsdetails.aspx?id=271&newsid=27570)


Chủ Nhật, 5 tháng 12, 2010

Khai mạc triển lãm Tranh đá Bảy Núi lần 2


Vào lúc 8 giờ 30 sáng ngày 05/12/2010, tại Nhà triển lãm Châu Đốc đã diển ra lễ khai mạc triển lãm tranh đá bảy Núi. đến dụ có nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-chủ tịch hội liên hiệp VHNT An Giang,cùng với các ban ngành thị xã Chau đốc, anh em văn nghệ sỹ của thị xã và bạn bè thân hữu.Trong đợt triển lãm này,mình giới thiệu 44 bức tranh đá Bảy Núi và chính thức ra mắt dòng tranh đá Bảy Núi. Triển lãm diển ra trong không khí khá ấm cúng, chân tình. Hôm nay post mấy tấm ảnh chia sẽ cùng bằng hữu. (đây là ảnh của Thanh Quang chụp cho mình trong loạt ảnh triển lãm)


Đọc bài phát biểu giới thiệu tranh đá



Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài-Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT An Giang - Nhà văn Đổ Phủ-Chủ tịch Hội văn nghệ thị xã Châu Đốc cắt băng khai mạc triển lãm

Từ trái sang : Nhà giáo Mai Việt Phú, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Nhà văn Tường Vân. Hoạ sĩ Đoàn Khải

Chụp ảnh với Trịnh Bửu Hoài

Nhạc sỹ Huỳnh Thưởng-Chủ tịch Hội Văn nghệ Châu Phú tặng hoa

Nhà văn Đoàn Văn Đạt phút ngắm tranh

Trả lời phỏng vấn của đài Truyền hình An Giang

Nhà thơ Trịnh Bửu hoài trả lời phỏng vấn

Một ly rượu cùng bạn bè thân hữu





xem tranh

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2010

Câu thơ cho đời

trong cuộc đời của mỗi người làm thơ, có được vài câu thơ tâm đắc, được mọi người thuộc và nhớ đã là hạnh phúc lắm rồi. Còn nếu nó được lưu truyền, cắm rể vào trong dòng chảy của nền văn hoá đất nước, trở thành một thứ tài sản tinh thần chung của mọi người, thì đó quả là sự viên mãn quý báu mà cuộc sống dành cho nhà thơ. Muốn có được điều đó, thiết nghĩ ngoài cái tài sử dụng con chữ, nhà thơ cũng cần phải có cái tâm. Yêu thương cuộc sống, biết đồng cảm, biết lắng nghe, và quan trọng nhất là hoà nhịp vào sự rung động của cuộc sống, để từ đó có những câu thơ thổn thức cho đời.

Làm sao không nhớ đến Hàn Mặc Tử khi đọc hai câu thơ Ngày mai trong đám xuân xanh ấy, có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi, hay khi đọc Cứ ngỡ xuống trần chơi một chốc, nào hay ở mãi đến hôm nay, thì chắc ăn hình ảnh của lão thi sĩ cuồng Bùi Giáng sẽ hiện ra ngay trong đầu ta...Trong đời sống văn học Việt Nam, có biết bao thi sĩ đã khẳng định tên tuổi của mình bằng những câu thơ xuất thần, đậm tính nhân văn. Về An Giang, khi đọc hai câu thơ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt, nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà, có ai trong chúng ta không nhớ đến nhà thơ Phạm Hữu Quang. Một nhà thơ đất Bắc đọc xong hai câu thơ của Phạm Hữu Quang đã thốt lên rằng, chỉ với hai câu thơ ấy cũng đáng mặt nhà thơ.

Đối với nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chúng tôi đã chuyền tay nhau những bài thơ tình của anh, chép vào lưu bút ...cho bạn gái. Những câu thơ như:

Tên của tôi người đi xin đừng nhắc

cứ xem tình như máu chảy ra sông,.....

hay

Thiên đường ta là chiều thơ sớm nhạc

Nhạc chưa tàn mà buồn vướng trên mi...

hoặc

Một ngày ví với thiên thu

Một đời ví với phù du thật buồn….

Có thể nói anh có nhiều câu thơ hay, đọng lại trong lòng người đọc và chắc chắn một điều là nó gắn liền với tên tuổi của anh. Nhưng có lẽ với hai câu thơ Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, Quê nhà một góc nhớ mênh mông, thì anh thật sự đã làm tròn sứ mệnh của người làm thơ. Chỉ cần gõ vào google từ khoá Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, có vô số trang Wed, trang Bloge xuất hiện hai câu thơ ấy. Khi thì là câu tiêu đề, khi là câu đại diện thay cho hình ảnh. Nhiều nhất có lẽ là các bạn trẻ sử dụng làm chữ ký để trao đổi trên các diễn đàn. Có lẽ tầng suất xuất hiện của hai câu thơ ấy trên mạng cao hơn tất cả những câu thơ tiếng Việt đã dược đưa lên không gian ảo. Trong cuộc sống thường nhật ta cũng bắt gặp hai câu thơ ấy xuất hiện mỗi khi đến dịp lễ tết. Cầm trên tay hộp quà có in hai câu thơ ấy, có người xa quê nào mà không khỏi chạnh lòng, không khỏi những hoài niệm. Trong chuyến ghé thăm Bản Đôn, tôi lại bắt gặp một bức tranh gò đồng hai câu thơ ấy. Tôi hỏi người bán tranh có biết thơ của ai không. Ông trả lời với vẻ thật hiểu biết - thơ dân gian ấy mà !

Hai câu thơ của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài không hề mang tính triết lý cao siêu hay ẩn chứa những tư tưởng lớn có tính minh triết cho đời sống. Chỉ là hai câu thơ bảy chữ, tạo thành một cặp đối chỉnh chu với đề tài tình yêu quê hương đất nước. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra những câu thơ gần như thế về đề tài quê hương đất nước thật hay của các tác giả khác. Tuy nhiên khi đọc lên, ta luôn thấy nó gắn với một tên tuổi, nó vẫn là một thứ riêng tư của một ai đó, mặc dù nó cũng khiến bao người thổn thức, bao người rung động. Còn với hai câu thơ đã nêu của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, người ta không đọc nó lên để thưởng thức, để tâm đắc, mà nó vang lên như một tiếng lòng, như một niềm khắc khoải được kết lại thành vần trong mỗi người. Hai câu thơ giản đơn lại có sức sống bền vững, bắt rễ vào trong vốn văn hoá của dân tộc, làm giàu thêm tình cảm của con người Việt Nam.

Có được thành công như thế, điều đầu tiên chính là sự mộc mạc dễ hiểu, dễ nhớ. Không có một từ ngữ nào ẩn dụ, đánh đố dù với người đọc bình dân. Nhưng yếu tố quan trọng nhất ở đây chính là nội dung của hai câu thơ đã chạm đến một góc thiêng liêng nhất của mỗi người Việt Nam : Quê Hương. Dù đi đâu ở đâu, thì đối với người Việt, quê hương vẫn là nơi thân thương nhất, gắn bó máu thịt từ cái thuở "chôn nhau cắt rốn". Hai câu thơ như một sự giãi bày cho tình cảm với quê hương,với đất nước ẩn chứa trong tâm hồn của mỗi người Việt. Ai trong chúng ta không muốn tìm lại những gì thân thương nhất, gần gủi nhất mỗi khi tâm hồn lắng lại, sau những bon chen, sóng gió cuộc đời. Trong những ngày lễ tết cổ truyền, nỗi nhớ về một nơi mang nhiều kỷ niệm gắn liền với một thời tuổi thơ lại càng da diết hơn, càng khắc khoải hơn. Phải ở trong hoàn cảnh mịt mùng viễn xứ ngày cuối năm, mới thắm thía được cái "nhỏ hẹp" của "đất khách" cho dù có trời cao, đất rộng, thênh thang trăm lối. Cái nhỏ hẹp ở đây chính là sự ngột ngạt, chật chội trong cảm giác bị vây hãm bởi sự đối phó với hoàn cảnh sống, trong một khung cảnh không hề chứa dựng những hoài niệm để có thể xoa dịu những nỗi niềm. Chỉ một góc quê nhà, nhưng ở đó mọi vật, mọi nơi đều có tên riêng của nó, đều gắn liền với một thời êm đềm nhất, hạnh phúc nhất. Còn chốn bình yên nào có thể hơn được cái góc quê có dòng sông nhỏ với chiếc cầu nối liền hai xóm, hay cái xóm nhỏ hiền hoà có bến đò ngang với luỹ tre làng quanh năm xanh biếc...Cuộc sống hối hả bon chen, cuốn mọi người vào nhịp điệu của nó. Một nơi chốn để có thể xoa dịu những nỗi đau, để cân bằng tâm hồn mỗi khi cuộc đời nổi cơn sóng gió chính là nỗi khát khao cháy bỏng của tất cả mọi người. Hai câu thơ không chỉ như một lời khắc khoải vang lên từ trong đáy lòng của mỗi người, mà nó còn là niềm chung của tất cả mọi người mỗi khi ký ức ùa về ngồn ngộn những niềm riêng.

Nhà thơ đã cụ thể hoá cái nơi để ta nhớ , đưa ta về một góc trời riêng tư mà chỉ mỗi người với những trãi nghiệm bản thân mới thấy cái "mênh mông" của chốn cũ, nơi mà gặp nhau hàn huyên chuyện đời, nói hoài chẳng hết. Nỗi nhớ quê hương được nhà thơ cô đọng lại trong một không gian vừa đủ chứa đựng những hoài niệm riêng tư cho mỗi người. Chỉ một góc quê nơi có cây cà na rụng đầy trái chín mỗi độ con nước ngấp nghé hiên nhà, chỉ một góc thôi chiếc cầu chiều nào mẹ cũng ngồi giặt áo...Tình yêu quê hương, đất nước không thể là thứ tình cảm chung chung, không có những liên hệ “máu thịt” với cuộc sống của mỗi cá nhân. Tình yêu quê hương chỉ thật sự mãnh liêt khi nó được gắn liền với những hồi ức, những kỷ niệm in đậm trong ký ức về một nơi chốn thân quen, chứa đựng những tình cảm chân thành.

Ai chảng thấy cái nỗi “nhớ mênh mông” kia khi phải bôn ba nơi “đất khách muôn trùng”, khi phải rời xa cái góc quê nhà để mưu cầu hạnh phúc. Hai câu thơ đã nói dùm cái điều luôn hiện hữu trong lòng, nên khi đọc lên, cái tình cảm lâu nay cất giấu bỗng chốc bùng lên đánh thức những k niệm ngủ yên đâu đó trong cõi lòng. Ta chỉ còn tự tình với những nỗi niềm của chính mình. Mọi liên hệ với hai câu thơ đều nằm trong những hoài niệm và tất nhiên sự liên hệ đến tác giả cũng khó mà xuất hiện khi tình cảm đang xao động và được hướng về một góc riêng. Câu thơ thật dể nhớ, dể thuộc. Người ta truyền cho nhau như một câu ca dao mà ông cha đã đúc kết từ tình cảm bao đời đối với quê hương, đất nước. Hai câu thơ giờ đây đã trở thành tài sản của mọi người, hoà vào trong tâm linh của con người Việt, góp phần giữ cái ngọn lữa tình yêu quê hương đất nước luôn âm ỉ cháy trong một nơi thiêng liêng nhất. Đâu có ai có thể xem tâm sự ấy chỉ là của riêng mình khi mà ai cũng có "một góc quê nhà" để thương, để nhớ. Hai câu thơ mộc mạc, giản dị nhưng lại lột tả được tâm tình ẩn chứa bao đời nay trong tâm thức của những con người luôn yêu thương và sẳn sàng hy sinh để bảo vệ đất quê. Phải là một sự rung động chân thực trước cuộc sống từ một trái tim chân thành và một tình yêu quê hương sâu đậm mới có thể có những từ ngữ giản đơn nhưng chứa đựng những tình cảm, những giá trị nhân văn, làm đẹp thêm tâm hồn Việt.

Có lẽ nhà thơ Trịnh Bửu Hoài chẳng nhận được xu nào từ những chủ cơ sở bánh kẹo, cơ sở thủ công mỹ nghệ hay cả những anh chàng viết thư pháp khi họ sử dụng thơ của anh. Đơn giản là họ cũng chỉ nghĩ rằng mình đang sử dụng thơ dân gian ! Nhưng cái anh nhận được ở đây thì không có tiền nào có thể mua được, hay thứ của cải nào đánh đổi được. Đó là hạnh phúc của những người làm nghệ thuật khi đứa con tinh thần của mình, được cuộc sống tiếp nhận rồi nuôi dưỡng để từ đó nó bắt rễ vào trong vốn văn hoá của dân tộc, ghi dấu trong đời sống tinh thần của bao người. Như con tằm rứt ruột nhả tơ, nhưng những sợi tơ giờ đây không còn là tơ tằm mà trở đã thành tơ lòng lóng lánh v đẹp tâm hồn. Với hai câu thơ ấy, anh đã hoàn thành sứ mệnh của người làm thơ, mang cái chân thiện mỹ đóng góp vào nền văn hoá dân tộc. Có thể khi đọc hai câu thơ, chẳng còn ai nhớ đến tên Trịnh Bửu Hoài, nhưng điều này thì có ý nghĩa gì cơ chứ. Vấn đề là hai câu thơ vẫn sẽ sống mãi trong lòng mọi người, vẫn sẽ hoà vào trong tâm tư tình cảm của bao người vì có ai trong đời mà không môt lần cảm nhận Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp. Quê nhà một góc nhớ mênh mông.

Thứ Tư, 1 tháng 12, 2010

Triển lãm tranh đá Bảy Núi - lần 2 năm 2010


Vậy là sau gần hai năm-tháng 2-2009, kể từ ngày giã đá làm bức tự hoạ đầu tiên. Hai năm cật lưc lao động, tập trung thời gian, tiền bạc để thực hiện mục tiêu hình thành và phát triển tranh đá Bảy Núi, thành một dòng tranh trang trí đặc thù của An Giang. Ngày chủ nhât, 05/12/2010, mình sẽ khai mạc triển lãm tranh, chính thức giới thiệu và ra mắt tranh đá Bảy Núi, tại nhà triển lãm thị xã Châu Đốc. (Khai mạc lúc 8 giớ sáng, đơn vị tổ chức là hội Văn học nghệ thuật Châu Đốc). Trước mắt xem như mình đã đi được một chặng đường, nhưng chỉ là chặng khởi động. Để đưa tranh đá Bảy Núi vào đời sống, phát triển thành một dòng tranh có tiếng nói riêng, tạo được chổ đứng trong lòng người thưởng ngoạn xem ra không giản đơn chút nào. Con đường phía trước thật sự nhiều thử thách đối với một người không nhiều tài và lưc như mình. Sự khởi đầu nào cũng thật khó khăn, không biết liệu đồng lương ông giáo của mình có đeo nổi điều mình ấp ủ hay không. TQuang bảo thuận theo tự nhiên. Mình cũng nghĩ thì cứ dzậy đi, tận nhân lưc mới tri thiên mạng.
Rất mong quý bạn bè thân hữu gần xa ủng hộ cho triển lãm và tranh đá Bảy Núi

Tờ rơi cho triển lãm tại Châu Đốc
(in hai mặt)


Cố lên
Khổ 42 cm x 62 cm


Hoa
Khổ 30 cm x 40 cm



Thiếu nữ
Khổ 30 cm x 40 cm

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2010

Tôn sư trọng đạo

Đây là bức chân dung do các em sinh viên lớp ngữ văn đại học Cần Thơ đặt mình làm để tặng cô giáo nhân dịp 20/11. Không biết cô ấy có vừa ý với nụ cười trong tranh không, nhưng tôi chắc cô ấy rất hạnh phúc với món quà đầy ý nghĩa này. (Mình không biết tên cô ấy nên đặt tên tranh là " nụ cười thiếu phụ cho dzui"). Bức tranh không phải là một thứ quý giá được tính bằng vật chất. Mà nó chính là tấm lòng và sự tri ân của những học trò với người thầy mà các em kính trọng. Tôi cũng có nhiều học trò, đứa thành danh, đứa thành đạt. Có đứa nhớ thầy chân tình dù chỉ là một tin nhắn trong những ngày lễ tết, cũng có đứa mãi mê tìm lấy lợi danh, không có thời gian dù chỉ một lời thăm hỏi. Cái tình nghĩa thầy trò mà "Nụ cười thiếu phụ" nhận được từ những học sinh của mình thật đáng trân trọng biết bao. Cảm ơn các em vẫn còn "Tôn sư trọng đạo".

Nụ cười thiếu phụ
khổ 42cm x 62 cm

Sứ trắng 2
khổ 30 cm x 40 cm

Ngơ ngác
khổ 30 cm x 30 cm


Sáng nay vào trường được thông báo nhận tiền thưởng nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11. Cùng đồng nghiệp xúm lại ký nhận tiền mà không biết nên vui hay buồn. Bao nhiêu năm rồi ...vần bảy chuc ngan (vẫn bảy chục ngàn). Tay nào quyết định việc phát 70.000,00 đồng tiền thưởng cho giáo viên khi đến kỳ hiến chương nhà giáo thật sự đáng khen và nêu gương cho mọi người học tập. Giá cả thị trường biến đổi vùn vụt với tốc độ của bão cấp tám chín, vẫn không thể tác động gì tới giả. Số tiền có ý nghĩa như là sự tri ân của xã hội đối với những người có nhiệm vụ trồng người vẫn được giả giữ nguyên suốt mấy năm nay. Phải kiên định lắm mới làm được như vậy, chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo. Quan trọng là cái tấm lòng chứ tiền bạc là cái chó gì cơ chứ.
Ký nhận có bảy chục bạc mà râm ran bao nhiêu là chuyện. Thầy dạy tin học thì đâm ra nghi ngờ, chả nhẻ họ sử dụng công nghệ thông tin để phát tiền. Phần mềm quy định ngày giờ, số tiền, đối tượng...đến hẹn chỉ cần inter một phát. Vấn đề là ba bốn năm nay không được cập nhật, nâng cấp nên không theo kịp cái giá đang trượt như pa-tanh trên đường phố. Cô giáo dục công dân thì bảo đó là vô cảm, là sự thờ ơ với đời sống của người khác, là không tôn ông sư, trọng cái đạo. Thầy dạy sử thì cho rằng sao lại quan liêu đến thế, đành rằng của cho không bằng cách cho, nhưng cũng phải có sự quan tâm đến đời sống của giáo viên chứ. Tôi thì nghĩ khác. Hôm nay cũng được một chầu cà phê hơi bị hoành tráng với mấy chú em giáo viên trẻ trong trường.
Nhân dịp hiến chương nhá giáo Việt Nam 20-11, xin gửi tặng quý thầy cô, đồng nghiệp gần xa bài thơ mình mới siêu tầm.
Hôm nay nhà giáo hiến chương
Em xin biểu hiện tình thương với thầy.
Nhà em có hủ tương đầy,
Em xin đem biếu mỗi người mỗi chai
Riêng thầy chủ nhiệm được hai,
ăn xong thầy bán ve chai cũng bộn tiền.

khặc,khặc,khặc........

Thứ Năm, 16 tháng 9, 2010

Cô đơn

Đã bao lần ta đi giữa mưa. 

Giữa trời đầy gió. 

Mang theo nỗi cô đơn 

Đôi tay buồn 

Trơn ướt giọt mưa trôi xuôi theo kẽ 

Ta với ta ở giữa gió mưa. 

 

Đã bao lần ta qua phố xa 

Những miền đất lạ 

Rao bán nỗi cô đơn 

Mòn mõi đợi 

Lặng ngắt phố phường, người xuôi hờ hững 

Ai chẳng mang riêng nỗi cô đơn. 

 

Cô đơn là trạng thái tinh thần mà trong cuộc sống ai cũng sẽ gặp, sẽ trải qua.
Ta gặp sự cô đơn của Nguyễn Hoàng Nam :" Đã bao lần ta đi dưới mưa/ Giữa trời đầy gió/ Mang theo nỗi cô đơn" Người tâm trạng bình thường , đi giữa mưa gió, đã thấy khó chịu, sốt ruột, bứt dứt, nhưng ở đây người đi trong mưa gió mang theo nỗi cô đơn thì cô quạnh lắm! Đìu hưu lắm! ." Đôi tay buồn/ Trơn ướt giọt mưa rơi trôi xuôi theo kẽ." Ý thơ này của tác giả rất sâu sắc và độc đáo.Nỗi cô đơn thường hiện hữu trong cõi lòng, trong tim côi,nhưng ở đây nỗi cô đơn còn được tràn lên " Đôi tay buồn". Đôi tay này bình thường hứng khởi lướt trên phím đàn và đã từng choàng đôi vai mảnh dẻ, vòng ôm ngang tấm eo thon mềm mại của người con gái ta yêu. Giờ đây đôi tay ấy lạc lõng " ...Buồn / trơn ướt giọt mưa trôi xuôi theo kẽ" và chỉ có "Ta với ta ở giữa gió mưa" đơn côi hưu hắt. Thường khi thấy buồn, thấy cô đơn, ta xách ba lô làm chuyến du ngoạn đến những miền đất lạ xa xôi, để đổi không khí, đổi gió cho tâm hồn phơi phới trở lại. Nhưng với Nguyễn Hoàng Nam thì "Đã bao lần ta qua phố xa/Những miền đất lạ" lại là để "Rao bán nỗi cô đơn". Người ta chỉ rao bán những thứ gọi là hàng hoá sờ nắm được, ước định được bằng đôi mắt. Nhưng anh lại "Rao bán nỗi cô đơn" bởi nỗi cô đơn đã được đẩy lên đến cực đỉnh không thể chịu đựng được nữa. Một câu thơ rất đắt, rất tuyệt tác. Nhưng hỡi ôi rao bán rồi " Mòn mỏi đợi/ Lặng ngắt phố phường người xuôi hờ hững".Đúng thế! Khi con người đã cô đơn thì ở chốn đô hội phồn hoa náo nhiệt, mình vẫn thấy hoang lạnh trống vắng, bởi trong dòng người đông vui tấp nập kia có ai là người của lòng mình đâu ,vẫn chỉ có "Ta với ta" độc ẩm với nỗi cô đơn của chính mình mà thôi.
Câu kết bài thơ "Ai chẳng mang riêng nỗi cô đơn" làm ta nhẹ cả lòng , vì tác giả trở về với suy nghĩ thường nhật: Còn sống trên cõi dương gian này ai rồi cũng mang nỗi cô đơn. Chỉ khi về với cõi vĩnh hằng điều ấy mới thôi tồn tại.
Bài thơ rất hay ,mang tâm trạng buồn nhưng không bi lụy được khẳng định ở câu kết "Ai chẳng mang riêng nỗi cô đơn". Đọc xong bài thơ, lòng nhẹ nhõm bởi suy tư: Ồ ai rồi cũng có lúc thấy cô đơn, dù cuộc sống có thành đạt viên mãn, đấy là điều tất yếu trong cuộc sống. Chỉ có những người không có tâm hồn mới không bao giờ biết cô đơn. Và cô đơn cũng chính là chất xúc tác cho các tác phẩm tuyệt vời bay lên

 

Mai trắng khổ 30 cm x 30 cm Huệ Tây 2 khổ 30 cm x 40 cm

Thứ Hai, 13 tháng 9, 2010

Tranh đá Bảy Núi

Gần tháng nay mãi tập trung lo chuyện làm tranh, chẳng có thời gian để cặp nhật cho bloge. Hôm rồi sau chuyến đi xuyên Việt về, mình được Hiệp hội làng nghề Việt Nam mời tham gia Festival gốm sứ ở Bình Dương diển ra từ 2/9 đến 8/9/2010. Vậy là tập trung chuẩn bị để đi Bình Dương, nhưng cuối cùng chi phí cao quá, mình kham không nổi. Vậy là đành bỏ lở một dịp quảng bá, lại mất 3 triệu đồng tiền đóng gian hàng trước nữa chứ. Cũng đành chứ biết làm sao hơn. Không có nhiều đồng vốn, nên tất cả đều phải từ bước một. Mục tiêu của mình vẫn là một cơ sở làm tranh trang trí mang đặc thù riêng của Bảy Núi, và Châu Đốc sẽ là điểm đầu tiên giới thiệu tranh trang trí Bảy Núi. Mình đang phấn đấu để xuất hiện trong dịp tết nguyên đán sắp tới, nhưng có lẽ cũng phụ thuộc vào nhiều thứ nhất là tài chính.
Xin giới thiệu với các bạn một số mẫu tranh trang trí khổ nhỏ (trừ bức Đàn bà 6 và Cố lên) mình chuẩn bị cho cơ sở. Rất mong được sự ủng hộ và góp ý của bằng hữu xa gần.

Đàn Bà 6
khổ 50 cm x 70 cm

Cố lên
khổ 42 cm x 62cm

Trịnh Công sơn
khổ 30 cm x 70 cm

Bùi Giáng
khổ 30 cm x 70cm

Tâm
khổ 30 cm x70 cm

Đạo đời một cội
khổ 30 cm x 70 cm

Sống
khổ 30 cm x 70 cm

Tôn sư trọng đạo
khổ 30 cm x 70 cm

Đi sớm
khổ 30 cm x 40 cm

Về tổ
khổ 30 cm x 40 cm

Đại bàng
khổ 30 cm x 30 cm


Thuyền trăng 1
khổ 30 cm x 40 cm

Thuyền trăng 2
khổ 30 cm x 40 cm

Bến chiều
khổ 30 cm x 40 cm

Hoa cúc
khổ 30 cm x 30 cm

Huệ Tây
khổ 30 cm x 30 cm

Sứ trắng
khổ 30 cm x 30 cm

Phong lan
khổ 30 cm x 30 cm

Sen trắng 1
khổ 30 cm x 40 cm

Hoa Súng
khổ 30 cm x 40 cm.

Sen trắng 2
khổ 30 cm x 40 cm

Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP VÀ TRANH ĐÁ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN

Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết của Quang Nguyễn ghi nhận về triển lãm thư pháp và tranh đá của mình, đăng trên trang wed của liên chi hội văn học nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7121)

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP VÀ TRANH ĐÁ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN - Quang Nguyễn
15.08.2010 14:36

Xem hình
Phan Võ Hoàng Nam (bên trái) tại triển lãm mỹ thuật Châu Phú 2010
Điều ghi nhận đầu tiên, mừng cho Phân hội Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) huyện Châu Phú trước giờ vốn “hiếm” hội viên, nay có thêm một hội viên tâm huyết với nghệ thuật tạo hình qua phong cách sáng tác rất riêng tư. Sáng tác tranh bằng đá Bảy Núi trên hai gam màu chủ đạo trắng và đen.

Ngoài tranh đá, nghệ thuật viết thư pháp cũng là thú đam mê đã gợi cho anh cảm hứng sáng tạo nên những câu chữ thư pháp với một bút nét cũng rất riêng tư... Có thể xem đây là tín hiệu dự báo một khả năng sáng tạo nghệ thuật rất đáng trân trọng và đáng mừng cho phong trào văn nghệ Châu Phú tương lai.

Người hội viên ấy là Nguyễn Hoàng Nam – giáo viên âm nhạc Trường trung học cơ sở Cái Dầu - Châu Phú- An Giang. Hội viên Hội VHNT huyện Châu Phú, hội viên Phân hội Văn học, Phân hội Âm nhạc - Hội VHNT tỉnh An Giang. Hoạt động nghệ thuật ký bút danh: Phan Võ Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Nam,Võ Hoàng. Anh là tác giả của ba mươi bốn bức tranh đá cùng ba mươi ba bức thư pháp, trưng bày tại đợt triển lãm mỹ thuật chào mừng 35 năm ngày thống nhất đất nước - 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội VHNT huyện Châu Phú tổ chức tại Nhà hàng Hoa Miền Quê - thị trấn Cái Dầu vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2010 vừa qua. Triển lãm góp một phần nhỏ vào đời sống sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Châu Phú thêm hương, thêm vị. Hương vị ấy , nói như danh họa Amedeo Modigliani “ là chất men say thăng hoa nghệ thuật nhằm giữ cái đẹp vĩnh cửu với thời gian” .


Đàn bà 5

Hôm khai mạc triển lãm Thư pháp và Tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam, đông đảo bạn bè, thầy cô giáo, anh chị em văn nghệ ở Châu Phú, Châu Đốc, Long Xuyên, Phú Tân , thậm chí xa xôi từ Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Lê Thủy - thành viên nhóm họa sĩ An Bình -Quận 5 cũng tận tình đến chia sẻ niềm vui và chúc mừng tác giả Phan Võ Hoàng Nam lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân khá “ấn tượng”.

Lễ khai mạc diễn ra ấm cúng, chân tình đậm chất văn nghệ. Triển lãm hân hạnh đón tiếp nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang, nhà văn Mai Bửu Minh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang, họa sĩ Quang Vinh -Phân hội Mỹ thuật - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang. Ngoài ra còn có đại diện báo Tuổi Trẻ cùng đại biểu các ban ngành huyện đến tham dự bằng tình cảm và tấm lòng dành cho tác giả Hoàng Nam. Trong không khí này, tôi lại nhớ đến buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của họa sĩ Quốc Mỹ cũng tại thị trấn Cái Dầu cách nay bảy, tám năm. Năm 2002 triển lãm tranh tràm của “Lão họa sĩ ” Quốc Mỹ là triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Châu Phú. Năm nay 2010 triển lãm tranh đá của Hoàng Nam là lần triển lãm mỹ thuật thứ hai của giới nghệ sĩ tạo hình địa phương sau 35 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của họa sĩ Quốc Mỹ năm ấy không có nhiều người dự vì chiều hôm khai mạc trời lại đổ mưa nên phòng triển lãm của ông vốn bố trí ở nơi vắng người qua lại, lúc ấy càng ít có khách tham quan. Họa sĩ Quốc Mỹ cũng như Hoàng Nam bây giờ lúc nào cũng ấp ủ được giới thiệu những tác phẩm “tâm huyết” của mình tới công chúng .Và dù gặp không ít khó khăn (ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Hội VHNT trong công tác tổ chức, còn thì mọi nhu cầu khác đáp ứng cho triển lãm, họa sĩ “tự thân vận động”) cuối cùng ông cũng có được một phòng triển lãm tranh cho riêng mình trong cuộc đời làm nghệ thuật ở Châu Phú. Triển lãm mỹ thuật năm ấy, tôi nhớ mãi lời tâm sự của họa sĩ tranh tràm Quốc Mỹ khi ông đang lặng lẽ nhìn những bức tranh máu thịt của ông trước giờ khai mạc. Ông hóm hỉnh: “Triển lãm nhỏ như cái lỗ mũi (cười)... nhưng dù lớn nhỏ thế nào cũng là triển lãm của mình. Vậy mà tôi thích...”. Có lẽ chính từ niềm yêu thích da diết cái đẹp, cái thiện, cái chân ấy mà những tác phẩm tranh tràm: "Trường Sơn vẫy gọi" - Giải nhì cuộc thi tranh nghệ thuật An Giang. "Phố cũ Cái Dầu" -giải nhì kỷ niệm 115 ngày sinh Bác Tôn. "Xẻ núi làm đường", "Áo dài" , "Chiếc giày" ... của họa sĩ Quốc Mỹ chẳng những đi vào lòng người, còn ít nhiều đóng góp vào hoạt động sáng tác mỹ thuật ở An Giang nói riêng, vùng sông nước Cửu Long nói chung. Bây giờ khi ông đã về cõi vĩnh hằng, mỹ thuật Châu Phú mất đi một tài năng ! Sau ông , Châu Phú có một Phan Võ Hoàng Nam , một Hà Thanh ( thể loại tranh tràm - học trò họa sĩ Quốc Mỹ ), một Mai Hoàng Bảo Trân (Học sinh Trường Trung học Trần Văn Thành - Châu Phú – tự ghép vỏ tràm thành bức tranh “Con mèo” đăng trên Văn nghệ Châu Phú - năm 2003 ) tiếp tục tôn vinh cái đẹp cuộc sống bằng nghệ thuật tạo hình, nghĩ cũng là điều đáng trân trọng.

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang phát biểu chúc mừng hôm khai mạc triển lãm mỹ thuật Châu Phú lần II năm 2010 , không chỉ ghi nhận những đóng góp nhiệt tình của Phan Võ Hoàng Nam đối với phong trào văn nghệ Châu Phú như tham gia nhiều bộ môn : Âm nhạc (giảng dạy, sáng tác, biểu diễn), văn học (viết bài, làm thơ) . Anh còn trân trọng ý chí, tấm lòng dành cho nghệ thuật trong đó: nghệ thuật thư pháp và tranh đá là nét nổi bật của Phan Võ Hoàng Nam. Tác giả thơ tình - Trịnh Bửu Hoài - có vẻ rất “chịu” các bức thư pháp trưng bày tại triển lãm. Những bức thư pháp ấy theo anh có bút pháp rất riêng tư, rất... thư pháp.

Nghe nói, thư pháp là thú chơi tao nhã của người Trung Quốc, là nghệ thuật viết chữ bằng các dụng cụ văn phòng tứ bảo gồm: bút, nghiên, giấy, mực. “Học tập thư pháp khả dĩ tu thân...” (học tập thư pháp có thể tu thân dưỡng tính, uốn nắn tình cảm) còn là quan niệm lâu đời của người Trung Hoa. Với quan niệm này, người Trung Quốc xem thư pháp cũng là Đạo . Nói đến thư pháp là nói đến khổ luyện. Thư gia Trương Chi đời Đông Hán mỗi ngày luyện viết thư pháp xong thì rửa bút ở ao, lâu ngày nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc). Thuật ngữ “Lâm Trì “ bắt nguồn từ đó. Giới nghệ thuật Trung Quốc tổng kết , các đại thư gia thường phải mất vài chục năm “Lâm Trì” mới thành danh. Lịch sử phát triển thư pháp đồng thời với lịch sử phát triển chữ Hán. Vương Hi Chi (đời Tấn) đã bỏ ra 15 năm luyện chữ, bắt đầu từ chữ vĩnh (mãi mãi). Chữ Vĩnh bao quát tám nét cơ bản của chữ Hán gọi là vĩnh tự bát pháp là nền tảng của nghệ thuật viết thư pháp. Vĩnh tự bát pháp chính thức được nghiên cứu có qui củ từ nhà sư Thích Trí Vĩnh (đời Tuỳ ). Vị cháu bảy đời này của Vương Hi Chi là một tấm gương khổ luyện thư pháp “vô tiền khoáng hậu”. Ông tu ở chùa Vĩnh Hân , huyện Ngô Hưng. Ông lên lầu chùa rồi giam mình trên đó suốt 40 năm để khổ luyện thư pháp. Luyện đến mức bút mòn vất thành gò đống. Vương Hiến Chi , thuở nhỏ luyện chữ thư pháp đã gánh nước đổ đầy 18 chum để làm nước mài mực,nhờ thế mà thành danh. Hai thư gia Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi được thiên hạ xưng tụng là Thảo thánh nhị Vương . Chữ “Thảo” của họ trở thành khuôn mẫu thư pháp từ đời Tấn đến nay. Trong “nghề chơi” thư pháp,các thư gia thường mỗi người “chuyên trị” một thư thể được gọi là thư gia hoặc họa gia, nhưng hiếm có người vừa là thư gia vừa là họa gia thành công nhất định. Ở nước ta, thế hệ nhà Nho tiền bối có rất nhiều vị viết thư pháp nổi tiếng như Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Long Cát vv, nhưng cũng chỉ sở trường một thư thể. Mới thấy, thư pháp là một môn nghệ thuật đòi hỏi công phu khổ luyện,tâm tĩnh như thiền mới có thể gởi hồn, phóng bút biến câu chữ thành tác phẩm thư pháp nghệ thuật đủ sức thuyết phục. Thưởng thức thư pháp của Phan Võ Hoàng Nam, với thế bút sắc mảnh mà câu chữ vẫn toát lên cái mạnh mẽ và phóng khoáng , có người liên tưởng đến nhà thư họa, danh họa đời Đường - Trung Hoa - Hàn Cán. Ông đã sáng tạo ra thể chữ “ Sấu kim thể ” mảnh mai có sức lay động không kém gì những bức tranh vẽ ngựa nổi tiếng của ông , bức “Mục mã đồ ” bức “ Ngựa trắng ban đêm ” được người Trung Quốc ca tụng. Bởi ,ông là một trong những danh họa từng được Vua Đường Huyền Tông - Lý Long Cơ (712-756) “ thuê” vào cung chỉ để vẽ thư pháp và vẽ tranh chuyên một đề tài : NGỰA. Hiện hai bức tranh ngựa nổi tiếng trên được lưu giữ tại bảo tàng New York ( Hoa Kỳ).

Ghi nhận tiếp theo, mừng cho Phan Võ Hoàng Nam lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật – dù triển lãm tổ chức ở địa phương, phạm vi nông thôn cấp huyện - vẫn thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong đó, cảm động nhất là được lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến đóng góp trực tiếp, chân tình xuất phát từ tấm lòng dành cho nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh. Họa sĩ Quang Vinh - Phân hội Mỹ thuật - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang ngồi bên tôi sau buổi khai mạc đã nhận xét về triển lãm của Hoàng Nam, Anh thủng thẳng nói : “ Trong nghệ thuật, không miệt mài sáng tạo thì sẽ không có tác phẩm. Lao động nghệ thuật là lao động kiên trì, cần mẫn. Cùng với năng khiếu, sự kiên trì cần mẫn thể hiện qua các tác phẩm tranh, thư pháp của Hoàng Nam thật đáng quí, đáng trân trọng khuyến khích ”. Nhà văn Võ Diệu Thanh, tác giả tập truyện ngắn “Lời thề đá” của Văn nghệ An Giang với nụ cười luôn tươi trên môi, sau một vòng “ngắm ngắm, nghía nghía” các tác phẩm của Phan Võ Hòang Nam “phán” ngay một nhận xét: “Ông Nam “ổng” làm tranh thật lạ mà cũng thật ‘tốc độ”. Không học hội họa chính qui. Với năng khiếu và lòng đam mê , trong vòng một năm “làm” ra hơn 60 bức vừa tranh vừa thư pháp, thì thiệt ... “ bái phục ”. Võ Diệu Thanh ngoài viết văn chị còn là một nhà giáo dạy môn mỹ thuật trong ngành giáo dục Phú Tân. Tiếp lời Võ Diệu Thanh, nhà giáo , nhà thơ Thảo Vy cũng không kém ngạc nhiên về những bức thư pháp và tranh đá của đồng nghiệp Hoàng Nam . Trước giờ khai mạc, tôi thấy chị đứng ngắm bức “Áo dài ” ...rất lâu, rồi tới bức “ Trăng ” cũng “hơi lâu” không biết nhà thơ Thảo Vy “bắt gặp” điều gì đó ở hai bức tranh này ? Với nhà sưu khảo Nguyễn Hữu Hiệp - khi nói chuyện về tranh đá của PhanVõ Hoàng Nam - anh góp ý : “ Sao không làm phác họa trên nền đá thay vì trên nền cactông ? Thậm chí khuôn tranh cũng bằng đá luôn , tất cả đều bằng đá. Vậy nó mới bền lâu với thời gian...” . Còn soạn giả cải lương Diệp Hoài Lâm thì chân tình gởi tác giả Hoàng Nam mảnh giấy đề nghị cần “đặt tên” lại cho một số bức tranh...vv. Nhà giáo Trần Ngọc Hùng – cựu giáo viên dạy Văn hơn 40 năm ở Châu Phú, cũng là người thầy kính yêu của Phan Võ Hoàng Nam, của tôi, của những học trò thế hệ sau 1975 được thầy dạy dỗ và thẩm thấu cho cái hay, cái đẹp của cuộc đời qua văn chương, nghệ thuật. Hôm đến dự triển lãm đi cùng nhà giáo Đặng Như Nguyện, ông nói với tôi: “ Thầy chưa hiểu Hoàng Nam thổi hồn vào đá hay trong đá vốn đã tự có hồn nay được Hoàng Nam cảm nhận, rồi sáng tạo thành tranh không nữa ? Nhưng thầy rất “chịu” Hoàng Nam ở tâm hồn , ở niềm đam mê nghệ thuật...” . Thầy cũng chính là người mang các quyển sách về nghệ thuật thư pháp cho Nam tham khảo trong những ngày đầu tiên Nam đến với đam mê này. Họa sĩ Lê Thủy - thành viên Nhóm họa sĩ An Bình -Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên ngành thiết kế thời trang khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Quốc tế Hồng Bàng mê vẽ tranh sơn dầu, có phòng tranh riêng tại Quận 5. Có tranh tham gia triển lãm gây quỹ từ thiện EXHIBITION FOR CHARITY FUND , có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng cảm với niềm đam mê sáng tạo của Phan Võ Hoàng Nam đã nhiệt tình đến dự buổi khai mạc dù phải vượt đoạn đường hàng trăm cây số. Lê Thủy tự sự :

“ Tranh của anh Nam đơn giản nhưng có chiều sâu, nhất là đối với tranh chân dung và tranh Nude. Anh đã diễn tả được nội tâm nhân vật. Điều đáng quí là anh đã dám sử dụng một chất liệu hoàn toàn mới để làm tranh và đi theo hướng riêng của mình. Thủy tin rằng anh Nam sẽ gặt hái được thành công ”.

Trong một lần tình cờ xem chương trình truyền hình HTV9 tôi có dịp thưởng thức các bức tranh sơn dầu: “Vòng xoáy cuộc đời ” , ”Số phận” , “ Thời đã xa ” của họa sĩ Lê Thủy cùng một số tác phẩm sơn dầu của nhóm họa sĩ An Bình : Dương Lan Hương, Đặng Ngọc Hà, Hoàng Hồng Vân, Thái Ngọc Nhi do Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu... Họ không phải là những họa sĩ nổi tiếng nhưng lòng đam mê nghệ thuật và với mục đích làm nghệ thuật phục vụ từ thiện, tranh của họ được mời tham gia triển lãm ở đất nước “ Cờ hoa”. Bây giờ tôi mới có dịp tiếp xúc và nghe nhận xét của cây cọ Lê Thủy về tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam.

Ghi nhận thứ ba là sau triển lãm, các báo Cần Thơ, Tuổi Trẻ lần lượt có bài giới thiệu về sáng tác tranh đá - thư pháp của Phan Võ Hoàng Nam. Phóng viên Minh Tâm báo Tuổi Trẻ trong bài “ Đá cuội cũng thành tranh” đăng cuối tháng 6 năm 2010 viết : “ 45 tuổi, chưa từng qua trường lớp hội họa, nhưng thầy giáo dạy nhạc Phan Võ Hoàng Nam (ấp Vĩnh Thành thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có riêng một triển lãm tranh khá độc đáo, với chất liệu sáng tác là... đá cuội. Từ đôi bàn tay khéo léo của ông, đá cuội đã trở thành hình ảnh làng mạc, thôn xóm, dãy Thất Sơn hùng vĩ cao chót vót giữa mây trời vùng biên viễn, hay cảnh rừng tràm Trà Sư rộn ràng tiếng chim lúc buổi sớm, hoặc những chiếc xuồng ba lá dập dềnh sông nước Cửu Long, những thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba hái những chùm bông điên điển...”

Cùng với tranh phong cảnh thì tranh chân dung và tranh khỏa thân nghệ thuật là hai thể loại PhanVõ Hoàng Nam ấp ủ ,say mê thể hiện. Trong đó, khỏa thân là đề tài anh tâm đắc, đeo mang. Anh dự định sắp tới sẽ hoàn thành một bộ tranh gồm ba mươi bức “Nuy” chủ yếu diễn đạt thế giới nội tâm cùng thân phận “ đàn bà ” dưới góc nhìn của nghệ thuật khỏa thân. Bằng việc sử dụng bột đá làm chất liệu sáng tác rồi kết dính chúng thành từng mảng, từng khối màu với sắc độ đậm nhạt khác nhau và trung thành với gam màu đen trắng , sau đó xử lý độ sáng tối, xa gần, nhằm thể hiện “ ra” các hiệu ứng hình ảnh mong muốn để thành một bức tranh hoàn chỉnh. Có thể nói là một quá trình lao động sáng tạo, miệt mài, kiên nhẫn âm ỉ từ niềm say mê và yêu cái đẹp của PhanVõ Hoàng Nam.

Và... có lẽ thẩm định về cái đẹp cái hồn trong hội họa, trong tạo hình nói chung, tranh đá nói riêng trước nhất xin dành cho người thưởng thức, kế tiếp là giới cầm cọ giới tạo hình . Thêm nữa, thì đó là công việc của những nhà phê bình chuyên nghiệp. Bàn về vấn đề này, tại Hội thảo về Mỹ thuật Việt Nam Đương Đại và Hiện Đại tổ chức ở Viện bảo tàng Mỹ thuật Singapore năm 2008 họa sĩ Trịnh Cung khẳng định : “ Ngôn ngữ hội hoạ trong giá vẽ không là ngôn ngữ của đám đông, và nghệ sĩ tạo hình rất khác với nhà văn. Nhà văn có ảnh hưởng nhiều đến đám đông và thường vác lên mình nhiệm vụ phê phán, đấu tranh và cải tạo xã hội; còn hoạ sĩ, với cái ngôn ngữ câm lặng của hội hoạ thì không thể nói tràng giang đại hải một cách trực tiếp và cụ thể như nhà văn được. Vì thế, hoạ sĩ là những kẻ lang thang trong những khu rừng cảm xúc ”. Nhìn chung, mỗi thời đại, riêng đối với mỹ thuật, các tiêu chuẩn của cái đẹp trước hết được định ra bởi những nhà sáng tạo. Các hoạ sĩ cổ điển thời tiền phục hưng cho đến các hoạ sĩ thời tân cổ điển thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 đã thiết lập và giữ vững các tiêu chuẩn của cái đẹp dựa vào sự cân đối, hài hoà, nhịp nhàng và chặt chẽ về bố cục, màu sắc, đường nét, ánh sáng bằng một bút pháp tinh tế và nắn nót. Đầu thế kỷ 20, các nhà tiên phong thời hiện đại đã phủ lên những tiêu chuẩn ấy một “tấm vải liệm” bằng những khái niệm hoàn toàn mới về cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật. Lại thấy, cái đẹp luôn luôn có những tiêu chuẩn khác nhau của nó, tuỳ vào từng thời đại mà nó được tạo ra. Cái đẹp là một khái niệm mở và biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật.Những sự phá vỡ phép cân đối, luật viễn cận, không gian hai chiều và tính hoà hợp của màu, xuất phát từ trường phái Ấn tượng đến Trừu tượng thật sự là một “cuộc cách mạng” làm thay đổi lớn lao các tiêu chuẩn của cái đẹp trong tác phẩm mỹ thuật, đang là cách nhìn mới của giới tạo hình hiện nay.

Ghi nhận cuối cùng để kết thúc bài viết này, xin được trích nhận xét của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, về tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam đăng trên báo Tuổi Trẻ tháng 6-2010 : “Anh Nam là người đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long dùng đá cuội làm chất liệu sáng tác. Tranh của anh khiến người ta hồi tưởng về ký ức vùng quê An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Từ đây An Giang có thêm một loại sản phẩm nghệ thuật độc đáo góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa quê hương”.

Q.N (An Giang)