Thứ Ba, 30 tháng 9, 2008

Vẫn chưa có lương tháng 9 !

Tính đến ngày 30/9/2008, trên địa bàn huyện Châu phú ( An Giang ) có đến trên ba mươi trường THCS và TH, cùng với một số cơ quan ban ngành cấp huyện vẫn chưa được nhận lương của tháng 9/2008. Theo thông báo của kho bạc nhà nước huyện là địa phương không còn ngân sách để chi lương, trong khi đó phía uỷ ban nhân dân huyện vẫn chưa có một giải thích nào về vấn đề này. Giáo viên là những ngưòi chủ yếu sống bằng đồng lương. việc chậm nhận lương thật sự gây không ít khó khăn trong đời sống, ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình đồng thời phần nào ảnh hưởng đến hoạt đọng giảng dạy. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có biện pháp giải quyết nânh chóng lương tháng 9 cho các đơn vị trường học, cơ quan, tạo nên sự an tâm trong hoạt đông, công tác của cán bộ công chức và giáo viên trên địa bàn.

Thứ Năm, 25 tháng 9, 2008

Cần có một tấm lòng

Những năm gần đây, cuộc sống xã hội ngày một phát triển, mức sống về vật chất củng như tinh thần được nâng lên rỏ rệt. Những tiện nghi trong sinh hoạt đã có mặt trong hầu hết các gia đình từ thành thị đến nông thôn. Đã qua rồi cái thời ăn no măc ấm, giờ đây người ta đã có thể nghĩ đến việc ăn ngon mặc đẹp. Tuy chưa thể nói thịnh vượng nhưng rỏ ràng đời sống của người dân được nâng lên rỏ rệt về mọi mặt. Đây là điều mà mỗi người Việt Nam đều mừng vui và mong mõi. Tuy nhiên, trong sự vui mừng ấy, ta không khỏi cảm thấy băn khoăn , ray rức khi quan sát một số điều đang diển ra trong đời sống kinh tế xã hội của chúng ta. Khi mà cuộc sống vật chất trở nên đầy đủ hơn, dường như các vấn đề về mặt tinh thần có vẽ ít được chú ý. Người ta sống thờ ơ, ít quan tâm tới những vấn đề xã hội nếu như điều ấy không dính dáng đến quyền lợi cá nhân của họ. Bị cuốn theo những nhu cầu vật chất củng như những áp lực của cuộc sống, người ta dường như không có thời gian để quan tâm đến người khác. Đã có biết bao bi kịch gia đình xảy ra chỉ vì những người cùng sống dưới một mái ấm lại chẳng hề quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Đã có những bậc cha mẹ chỉ vì theo đuổi những mục đích khác nhau trong đời, thờ ơ với con cái, để rồi một ngày nào đó phải nhận những hậu quả không mong muốn. Bao nhiêu người già phải sống khổ cực chỉ vì sự quên lãng một cách vô tâm của những đứa con. Vì lối sống thực dụng kiểu phương tây, vì quyền lợi vật chất và các nhu cầu hưởng thụ... hay vì cái gì..tôi thật sự không biết, nhưng rỏ ràng sự vô tâm đang là một vấn nạn nhức nhối trong cuộc sống xã hội hiện tại. Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, ta luôn bắt gặp đây đó những lọc lừa, dối trá, bắt gặp sự dửng dưng đến lạnh lùng của người đời trước những nghịch lý xã hội. Tâm lý cha chung không ai khóc dường như có ở mọi nơi, ai lại dại gì ôm rơm nặng bụng. Có những điều chỉ cần những người xung quanh quan tâm, can thiệp là đã có thể ngăn chặn được những bi kịch, hay những tình huống đau lòng xảy ra. Đã không còn những Lục Vân Tiên với tinh thần giữa đường gặp chuyện bất bằng ra tay. Rách việc ! chỉ tổ chuốc lấy những phiền nhiễu. Chúng ta trách những sinh viên bẻ trụi cả cây đào là xử sự thiếu văn hoá, nhưng lúc ấy nhóm những sinh viên ấy chỉ là một thiểu số của cả đám đông ngày hội. Giá như có những người đứng ra ngăn cản và giải thích, có thể những sinh viên ấy hiểu ra và đã không có cảnh khó coi đến thế. Nhưng tất cả đều dửng dưng, vô tâm nhìn sự việc xảy ra. Trong vidéo clip nữ sinh Cao Bằng đánh nhau, ta bắt gặp hình ảnh một nhóm thiếu niên tụ tập giữa ngã ba đường, đánh nhau đến lột áo ra. Hình ảnh ấy đập vào mắt tất cả mọi người đi trên đường, nhưng họ chỉ ngoái cổ nhìn vì tò mò, rồi chẳng bận tâm đi thẳng. Bọn nhóc con trai thì đứng xung quanh hí hửng thưởng thức màn đánh nhau như ciné. Một sự vô tâm đến lạnh lùng. Bọn nhóc chỉ đáng con cháu thôi mà, dừng lại xem chuyện gì và giải tán chúng nó, một người lớn không làm được, hai ba người lớn chẳng lẻ không giải quyết vấn đề tốt đẹp hơn sao. Không có ai quan tâm đến, chỉ là những ánh mắt bàng quan, dửng dưng. Trách nhiệm và nghĩa vụ với cộng đồng, với xã hội dường như không còn là của mỗi người nữa, Cái đó của ai đó mà. Người ta thờ ơ với các sự việc không dính dáng đến mình mà không hề cảm thấy ray rứt. Người Việt Nam có truyền thống gắn bó, đùm bọc, yêu thương nhau nhất là trong lúc "hữu sự". Bao nhiêu lần chống quân ngoại xâm, nhân dân ta đã thể hiện một tinh thần tương thân ái, chia sẽ đùm bọc nhau vì một mục đích chung cho cả cộng đồng. Đã có biết bao nhiêu con người vì không thể thờ ơ với số phận của cả dân tộc, chấp nhận hy sinh bản thân hoặc người thân của mình. Tôi đã rơi nước mắt khi đọc một bài viết của báo Tuổi Trẻ nói về một người mẹ đã chấp nhận tự ty giết chết đứa con vừa lên ba của mình để cứu sinh mạng của những người khác. Mẹ đã không vô tâm tí nào trong cái hành động giết con của mình ấy. Nhưng giờ đây mẹ vẫn nghèo, vẫn vất vã...có phải chăng vì sự vô tâm của người đời. Những người đã được mẹ giữ lại mạng sống bằng chính việc đánh đổi mạng của con mình ngày ấy có nghĩ suy gì không. Ở trong gian khó, người Việt chúng ta đã yêu thương gắn bó, góp những nỗi đau riêng thành nỗi đau chung, tạo nên một sức mạnh đoàn kết không gì lay chuyển được. Truyền thống ấy đã được ông cha ta xây dựng và giữ gìn từ thời mở nước. Nhưng ở trong thời bình, khi mà cuộc sống vật chất tinh thần đều một ngày một nâng lên thì người ta lại vội vàng quên đi cái giá trị tốt đẹp đã hình thành tâm hồn Việt bao đời nay. Người ta thờ ơ, lãnh đạm với mọi thứ gọi là chung. Cái "Tâm" của một thời đã làm nên sức mạnh Việt Nam giờ đây ở đâu rồi. Dường như chúng ta chưa thực hiện tốt với điều mà Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã dạy " Đoàn kết,đoàn kết đại đoàn kết, Thành công, thành công đại thành công ".Không phải Người đã mong mỏi xây dựng một Việt Nam phát triển thịnh vượng trong sự đoàn kết gắn bó của cả dân tộc đó sao.
Sự vô tâm không chỉ đối với những vấn đề xã hội bình thường, mà nó xuất hiện ở cả những nơi lẽ ra nó không thể có. Tượng Đài Chiến thắng Điện Biên Phủ, một công trình thể hiện niềm tự hào dân tộc. Để có được một sự tôn vinh như thế, máu của bao nhiêu người đã đổ xuống, không một ai không có tấm lòng,tất cả dành cho tổ quốc thân yêu, dành cho những đồng bào ruột thịt. Để xứng đáng với tiền nhân, lẽ ra phải toàn tâm toàn ý kể cả với một sự thành kính nhất định. Nhưng người ta vẫn vô tâm, bất chấp chất lượng công trình có thế nào, bất chấp hậu quả tác động của nó về nhiều mặt đối với cuộc sống xã hội, thực hiện như một sự trả nợ, bớt được chừng nào hay chừng ấy, để rồi xã hội lại phải gánh vác việc khắc phục hậu quả của sự vô tâm ấy. Liệu vong linh những người đã khuất có ngậm ngùi không khi mà cả niềm tự hào củng bị sự vô tâm làm vẫn đục. Cầu chui Văn Thánh,một công trình quốc kế dân sinh, thúc đẩy sự phát triển của đất nước, phục vụ lợi ích thiết thực của người dân TP.HCM. Trong mục tiêu xây dựng xã hội ngày một phát triển, đưa Việt Nam vươn lên ngang tầm với các nước trong khu vực. Những người có trách nhiệm cần có một tấm lòng đối với công việc, đó củng là nghĩa vụ đối với tổ quốc của mỗi công dân cho dù họ có ở cương vị gì. Thế nhưng sự vô tâm vẫn không buông tha, người ta vẫn thực hiện công việc dường như không một chút trách nhiệm, kể cả việc có thể sẽ ảnh hưởng đến tài sản tính mạng của nhân dân. Bao nhiêu tỉ đồng lại phải chi ra để khắc phục hậu quả của nó. Rồi còn nhiều, nhiều nữa, qua báo chí ta biết có bao nhiêu công trình, bao nhiêu vấn đề lớn lao của đất nước được thực hiện với một tinh thần trách nhiệm hời hợt tạo nên những hậu quả kinh tế, xã hội mà sau đó phải khắc phục, phải sửa chửa tốn kém bao nhiêu tài vật. Nếu không phải là vô tâm thì ta có thể dùng từ gì để nói về điều ấy. Dường như sự vô tâm đã là căn bệnh của xã hội. Những giá trị tinh thần đã hun đúc tâm hồn người Việt mờ dần trong cơn lốc kinh tế thị trường. Người ta đã không còn ứng xử theo kiểu bầu ơi thương lấy bí cùng..sẽ chia, quan tâm đến cộng đồng, quan tâm đến cuộc sống phát triển của dân tộc. Ngay cả đến thiên nhiên củng không tránh khỏi sự vô tâm của con người. Hàng ngàn hecta rừng bị chặt phá bởi bọn được gọi là Lâm tặc, những cánh đồng lúa trĩu nặng phù sa bổng chốc biến thành những sân gôn, những khu vui chơi để người nông dân phải ngậm ngùi vì chẳng được cuốc cày. Sự vô tâm như một căn bệnh trầm kha mà xã hội phải vương mang. Nó phá vở đi những nền tảng đạo đức mà ông cha ta đã dầy công gây dựng. Đâu rồi hình ảnh những người Việt hiền hòa, biết quan tâm, biết sẽ chia và gắn kết nhau trong cuộc sống. Xã hội sẽ như thế nào nếu mỗi thành viên của nó đều thờ ơ, quay lưng lại với nhau. Rỏ ràng hậu quả từ sự vô tâm trong thời gian qua đối với kinh tế, xã hội là điều mà qua báo chí mỗi chúng ta có lẽ đều có thể hình dung mức độ tác động của nó đối với sự phát triển của nước. Chúng ta đã đoàn kết chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giặc dốt, giặc đói, giờ đây chúng ta củng nên xem sự vô tâm như một thứ giặc và chúng ta củng sẽ chiến đấu với nó không khoan nhượng. Tuy nhiên cuộc chiến đấu với sự vô tâm xem ra không hề giản đơn chút nào. Nó không giống như những kẻ thù đến từ phương trời xa, hay một thứ hiện hữu có hình dáng, có thể cân đong đo đếm. Nó như một thứ vi khuẩn tìm ẩn, len lỏi vào trong đời sống cộng đồng ngay từ trong chính bản thân những thành viên của nó. Vì vậy, cuộc chiến đấu này đòi hỏi phải được thực hiện ngay chính trong lòng mỗi người chúng ta. Hãy đánh thức những yêu thương đang ngủ quên đâu đó trong lòng mỗi chúng ta. Hãy mở lòng ra với cuộc sống, quan tâm chia sẻ với cộng đồng và đặc biệt ứng xử bằng một cái tâm có trách nhiệm đối với xã hội. Đó là một thứ nghĩa vụ cần có của mỗi người đối với Tổ quốc. Đất nước ta đang trên con đườn phát triển đi lên, phấn đấu ngang tầm với các nước trong khu vực. Mục tiêu ấy đâu phải sức của vài người hay vài tổ chức có thể làm được, mà nó đòi hỏi sự đồng thuận nhất trí của cả xã hội, đòi hỏi một sự đoàn kết gắn bó, mọi người cùng nhìn về một hướng, vì tương lai chung của cả dân tộc. Chống lại căn bệnh vô tâm tuy có khó khăn, song không phải chúng ta không làm được. Mỗi người cần soi rọi lại chính mình, đấu tranh với thói ích kỹ, vô tâm trong mỗi cá nhân. Hãy quan tâm sẻ chia với mọi người, chung sức chung lòng vì mục tiêu chung là sự tiến bộ xã hội và điều đặc biệt là mỗi người hãy đem cái tâm của mình ra phụng sự đất nước, sống có trách nhiệm với tổ quốc, với nhân dân. " Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền..." Trong đợt vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ Tịch Hồ Chí Minh, thiết nghĩ mỗi chúng ta cần học ở Bác một tinh thần trách nhiệm cao cả đối với tổ quốc, đối với những vấn đề chung của dân tộc, học ở bác một tình yêu thương bao la vô bờ bến đối với tổ quốc, đối với nhân dân, học ở Bác sự quan tâm sẽ chia đến từng số phận con người, và điều lớn lao hơn cả là học ở Bác cái Tâm trong sáng đối với cuộc đời. Chỉ cần chúng ta có quyết tâm, tin rằng đát nước Việt Nam sẽ phát triển thịnh vượng trong sự đoàn kết gắn của cả dân tộc.

Thứ Hai, 15 tháng 9, 2008

Tôi đi dự trung thu.

Thật sự thì tôi chỉ là khách bất đắc dĩ của buổi phát quà vui trung thu cho trẻ em nghèo của ấp Vĩnh Bình ( xã Vĩnh Thạnh Trung,Châu phú, An Giang ). Một đứa học trò của tôi nhận lời đệm đàn phục vụ văn nghệ cho buổi sinh hoạt, rủ thầy đi dự trung thu. Củng hay hay, tham gia cùng các em đón trung thu, cùng hoà vào niềm vui của các em cho tâm hồn mình thư thái củng tốt. Vả lại tôi củng thích khi biết được có những sự quan tâm cho trẻ em nghèo vùng nông thôn. Năm nay, có vẽ các em thiếu nhi miền tây không được ông trời ưu ái, tết trung thu lại ngay bảo nên mưa suốt. Hôm nay, rằm tháng tám, buổi sáng đước một ít nắng, nhưng đến khoảng 14 giờ thì trời bắt đầu mưa trở lại. Buổi phát quà vui trung thu cho thiếu nhi nghèo của ấp Vĩnh Bình được tổ chức trong nhà lồng chợ Kinh 7 vừa xây xong, khang trang sạch sẽ, nên cho dù ngoài trời mưa nhưng vẫn có chổ cho các em sinh hoạt vui chơi. Từ xa đã nghe tiếng nhạc phát ra vang dội, hôm nay ấp chơi ngon, thuê hẳn cả một bộ âm thanh cùng với người đệm đàn cổ lẩn nhạc. Mới chưa được 6 giờ và mặc dù trời vẫn còn mưa nhỏ, nhưng đã có trên trăm em thiếu nhiêu trong khu vực có mặt ở nơi tổ chức. Ở ngay cứa nhà lồng chợ, đập vào mắt mọi người là một chiếc ngôi sao được làm bằng đền nê-ông có vẽ khá hoành tráng. Nhưng khi tôi bước vào trong tôi chẳng hề thấy một biểu ngữ, một băng rôn hoặc bục lễ hay thứ gì đại loại đẻ có thể xác nhận dây là một cuộc lễ. Ở ngay giữa khoảng trống của nhà lồng chợ, anh chàng chỉnh âm thanh chễm chệ với bao nhiêu dụng cụ lỉnh kỉnh, hai anh nhạc công cổ và nhạc cũng dọn chổ cho mình cạnh bên ấy. Ở sát phần tường của quày bán vãi là bốn chiếc bán theo kiểu bàn tiệc ( loại bàn tròn của các dịch vụ đám tiệc ở miền tây), ở đó đã có khoảng mười mấy vị chức sắc của ấp ngồi đó. Ngoài trời vẫn còn mưa nên hầu hết tát cả các em nhỏ có mặt đều tập trung vào trong nhà lồng chợ. Tiếng nhạc disco từ dàn loa công suất cao, hoà với tiếng hò hét chạy giỡn hết sức phấn khích của lủ nhóc. Không khí vô cùng ồn ào, náo nhiệt. Trong nhà lòng có đến trên trăm em thiếu nhi, nhưng tôi chỉ thấy có khoảng hơn chục cái lồng đèn, loại xài bóng đèn điện bán sẵn ở chợ. Không hề có một chút không khí đón trung thu nào. Hơn bảy giờ, một vị tiến đến chổ để âm thanh cầm micro rồi e ..hem.. thông báo luôn mà chẳng cần ổn định gì cả. " Hôm nay là ngày tết trung thu... phát quà..cho các em nghèo, em nào có tên thì nhanh chóng bước lên nhận quà". Một phụ nữ trung niên có lẽ người của hội phụ nữ ấp bước tới với hai túi ny lon đựng những phần quà được gói kín lại thành những gói vuông cỡ một hộp bánh bích-quy mười lăm ngàn.Cả trăm em thiếu nhi ùa tới bu kín cái bàn để quà, không khí ồn ào như một bầy ong vở tổ. Nguyễn văn A cha B mẹ C...có chưa ..nhanh vào...Trần thi D chaT mẹ S...có chưa...chưa à...để qua một bên...trương thị...nhanh chóng đi..." cứ thế những cái tên được xướng lên, những gói quà (không biết bên trong đựng gì nữa) trao ra vội vã. Số lượng thiếu nhi nghèo nhận quà trung thu đã được các ban ngành đoàn thể ấp xem xét và lập danh sách trước, hôm nay mưa quá có rất nhiều em không thể đến dự được. Số quà dành cho các em ban tổ chức để lại. Có lẽ trên trăm em nhỏ có mặt tại nhà lồng chợ kinh 7 đêm nay, chỉ chừng khoảng hai ba chục em nhận được những gói quà nho nhỏ ấy. Sau khi phát quà hết danh sách, thấy các em thiếu nhi vẫn bu quanh động nghẹt, vị chức sắc nãy giờ cầm micro xướng danh các em giải thích : " đây là buổi phát quà cho các em thiếu nhi nghèo đã có danh sách, vì vậy các em khác thông cảm, bây giờ đã xong mời các em đi... chúng tôi củng chan thành cảm ơn các mạnh thường quân đã hảo tâm đóng góp để thành công buổi lễ hôm nay". Đám con nít thấy chẳng còn có gì kéo nhau vào trong góc xa của nhà lồng hò hét đùa giỡn tự do. Còn đang ngơ ngác chưa kịp hiểu điều gì đã tháy bốn bàn tiệc được dọn ra, một anh chang trẻ mặc áo dân quân hì hục chiếc rượu từ cái can hai chục lít đầy nhóc ra chai, rồi trịnh trọng đặt lên mỗi bàn mỗi chai. Các vị chức sắc trong ấp, các vị khách mời trong đó có cả một nhóm hát tài tử của địa phương nhanh chóng chiếm lĩnh các bàn tiệc, buổi sinh hoạt vui trung thu của các em thiếu nhi, tự dưng biến thành một buổi liên hoan ca cổ tài tử thật hoành tráng. Không có một chiếc đèn trung thu nào được thắp lên, không có một lời về trăng về cuội, củng chẳng có một bài hát thiếu nhi nào về tết trung thu được vang lên. Ban tổ chức đã không hề có một sự tổ chức nào cả. Không chương trình, không lễ lạc sinh hoạt gì cả,ngay đến một tiết mục văn nghệ thiếu nhi củng không có, báo hại thằng học trò chả rớ được vào cây đàn organ. Đến khoảng tám giờ tối, một cô gái còn trẻ chạy chiếc attila vào thẳng chổ các bàn tiệc đang hồi náo nhiệt, cô trao cho anh chàng đọc danh sách lúc náy một túi nylon to. Anh ta nhanh chóng mượn chiếc micro của một cô đang hát dệt chặng đường xuân, rồi nhanh chóng xướng to : các em ơi lại đây đi, có rau câu đây. Lủ con nít nãy giờ đang hò hét reo vui trong kia, lập tức chạy ùa ra bu kín quanh cái bàn đựng cái túi ny lon có chứa những hủ rau câu còn lạnh. Có lẽ đây là quà của hội phụ nữ ấp hoặc của một vị mạnh thường quân nào đó. Lần này không có danh sách nên không khí thật sự lộn xộn quanh chổ phát rau câu. Đứa nào củng cố lách, cố chen vào cho kỳ được, nhao nhao vang dậy cả khu nhà lồng. Vậy rồi củng xong, chỉ có mấy chục hủ rau câu thôi mà, có lâu lắc chi đâu. đứ a có mặt mày hớn hở reo mừng, còn đứa không có đành tiu nghỉu lui ra tiếc nuối, nhưng rồi cả bon củng nhanh chóng hò reo kéo vào góc trong nhà lồng chợ chơi tiếp những trò của bọn chúng. Cuộc vui lại được tiếp tục, cái micro được một anh du kích giành lấy nổi hứng hát nhạc...hởi người yêu em như ngàn ánh sao...hoà theo cái giong thuốc rê sai nhịp lạc tông kia, bốn năm anh bước ra nhảy nhót tưng bừng phụ hoạ. Nhưng có lẽ chủ yếu là dân đồng ruộng, làm một xị đế rồi ca vài câu vọng cổ dễ hơn hát nhạc, nên chỉ vài bài nhạc không ra đầu ra đũa, thì chiếc micro lại được chuyển về cho nhóm ca cổ. Đến hơn chín giờ đêm, mệt mỏi quá tôi đành chia tay với chú em học trò về trước. Chia tay hắn cười với tôi không sao em ngồi không nhưng củng lấy đủ tiền. Tôi chạy xe ra đường trong lúc trời vẫn còn mưa lất phất, con đường nhỏ vắng hoe, trời mưa suốt đi đâu vui chơi trong đêm nay ? Mới hơn chín giờ mà làng xóm quê đã yên tĩnh vô cùng, tôi đi về mà trong lòng không biết vui hay buồn, sau lưng tôi trong yên ắng của xóm quê, giọng của cô đào trong nhóm ca cổ tài tử địa phương đang cất tiếng lên vọng cổ ngọt sớt một trích đoạn trong vở Người tình trên chiến trận.
Tôi không biết những người tổ chức đêm vui trung thu có hiểu trung thu là gì không ? Những mạnh thường quân đóng góp cho đên vui với mong muốn mang lại chút niềm vui cho thiếu nhi nghèo vùng nông thôn sẽ phát biểu gì đây. Tiền bốn bàn tiệc ấy phải chăng củng là của mạnh thường quân đóng góp ? nhưng cho dù tiền của ai đi nữa thì người lớn chúng ta ai lại làm vậy, chú ơi mỗi năm các cháu chỉ có một đêm thôi mà !

Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Người nghèo...bao giờ hết nghèo !

Mấy hôm nay bảo ở đâu đó ngoài biển Đông làm trời cứ mưa suốt. Cả ngày không thấy nắng, bầu trời chỉ toàn mây xám xịt một màu. Trời như thế này thì khổ cho những người lao động nghèo rồi. Buôn bán ế ẩm, bao nhiêu công việc phải ngưng lại thì ai mà thuê người làm. Ở cái thời buổi " gạo châu củi quế" này,cuộc sống của những người lao động thật sự quá bấp bênh. Tiền công lao động của một ngày sau khi chi cho cái ăn xong củng chẳng còn lại bao nhiêu, rồi còn những nhu cầu khác nữa. Vậy là chẳng còn gì để dành lại cho những ngày không có việc làm. Trời mưa liên tục ba bốn ngày thế này, chắc chắn sẽ có nhiều gia đình lao động nghèo lại phải chịu cảnh "giật gấu vá vai", mượn tạm chổ này , "quơ" vội chổ kia, chủ yếu chỉ để trang trải cái ăn. Chiều nay, vợ chồng đứa cháu trong xóm sang mượn ít tiền đong gạo. Hai vợ chồng trẻ, mới có đứa con đầu lòng vào lớp 1, gia đình cha mẹ đều nghèo chẳng giúp gì được. Không có nghề nghiệp, trình độ văn hoá lại thấp, hai vợ chồng làm cu li trộn hồ cho công trình xây bệnh viện của huyện củng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Mấy hôm nay công trình ngưng lại do mưa, vợ chồng đành ngồi bó gối nhìn mưa suy nghĩ xem mượn tiền ở đâu để trang trãi cho những ngày ngồi không này. Còn vợ chồng chị Tư nhà bên thì bốn ngày nay ăn bún thay cơm. Nồi bún cá nuôi cả nhà mấy hôm nay ế vì mưa dầm, báo hại cả nhà phải bất đắc dĩ phải làm khách cho chính mình. Xóm tôi có hai lớp nhà. Lớp ở phía trước là những gia đình sống bằng nghề buôn bán hoặc là cán bộ công chức nên cuộc sống tương đói ổn định. Còn ở phía sau, mấy chục nóc gia đều là những gia đình lao động nghèo, cuộc sống của họ luôn phụ thuộc vào nhu cầu thuê mướn lao động ở địa phương. Họ làm việc chăm chỉ, nhưng thu nhập củng chỉ đủ sống bấp bênh qua ngày. Có quá nhiều thứ nằm ngoài khả năng thu nhập của họ. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, trong khi đó tiền công của người lao động thì chẳng tăng lên được bao nhiêu. Ngày qua ngày, họ luôn phải đối mặt với sự thiếu hụt. Qua được hôm nay lại phải lo cho ngày mai, cuộc sống có lúc nào thảnh thơi, an tâm cho chuyện " cơm áo gạo tiền". Bình thường chỉ phải lo đói lo no, nhưng những khi đau yếu bệnh hoạn thì quả cuộc sống thật sự là một gánh nặng. Vợ chú Bằng ở phía sau , nhà đông con lại nghèo, tối ngày làm thuê hết chổ này đến chổ kia, những khi bệnh không dám nghĩ, uống thuốc nam qua quít rồi mang con bệnh đi cùng đến chổ làm, hàng ngày ăn uống tiện tặn để lo cho con. Rồi một ngày xấu trời, cái cơ thể ấy không còn chịu đựng nổi trước phong ba cuộc đời, thiếm bị đột quỵ do suy dinh dưỡng và làm việc quá sức. Bây giờ người đàn bà mới trên 40 tuổi ấy chỉ như một cọng lau trước gió, nắng không ưa mưa không chịu : thiếm bị lao phổi nặng, hậu quả của những ngày ăn uống thiếu thốn lại phải lao động vất vả. Trong cuộc sống hiện tại, có bao nhiêu xóm nghèo với những mãnh đời như thế ? bao nhiêu số phận đã phải chấp nhận với những nghiệt ngã của cuộc sống chỉ vì họ nghèo. Việt nam đang đi vào hội nhập, kinh tế ngày một phát triển, cuộc sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng, song hành với sự phát triển ấy cái hố ngăn cách giàu nghèo củng ngày một nới rộng ra. Trong cái cơ chế kinh tế thị trường, đã xuất hiên không ít những triệu phú, những tỷ phú, thành đạt, sống một đời sống vật chất đầy đủ, thoải mái. Nhưng bên cạnh đó một bộ phận dân nghèo không nhỏ phải thường xuyên đối mặt với những biến động về giá cả, vốn là sự tất yếu của thị trường. Với họ chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền thôi, củng đã phải tất tả ngược xuôi rồi. Tiền công lao động thì không tăng bao nhiêu, trong khi đó giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên vùn vụt, tự dưng giá trị ngày công lao động bị hạ xuống. Người lao động nghèo sẽ được chia phần bao nhiêu trong chiếc bánh kem sữa đầy vẽ hào nhoáng được gọi là lợi nhuận. Với thời giá như hiện tại, thì đồng lương mà họ nhận chỉ đủ tái sản xuất lại sức lao động. Ở miền tây, hầu như lao động trẻ ở nông thôn đều đổ về các khu công nghiệp ở Bình Dương, Long An, TP.Hồ Chí Minh, hoặc phu việc nhà, phụ quán ăn trong nội ô TP.HCM. Họ là những lao động nghèo, không có đất sản xuất hoặc có đất nhưng nằm trong khu vực quy quạch giải toả. Có một thực tế là hầu như các khu lao động nghèo ở các thị xã, thị trấn trong phạm vi cả nước đều có những quy hoạch nhằm chỉnh trang độ thị, phất triển nông thôn. Có những nơi làm tốt công tác đền bù giải toả và tái định cư, tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng lại củng có quá nhiều nơi thực hiện một cách qua quít vội vả, đưa dân vào trong các "cụm tuyến dân cư" trong khi hạ tầng cơ sở vẫn chưa hoàn chỉnh. Đường xá lầy lội, thiếu nước , thiếu điện, việc làm lại không có, loay hoay là đã ăn hết cả số tiền đền bù giải toả. Họ vốn đã nghèo, bây giờ còn nghèo hơn nữa. Ở nông thôn có được bao nhiêu việc làm, họ đành phải chấp nhận với cuộc sống xa nhà, đổ xô về các khu chế xuất, khu công nghiệp với hy vọng kiếm được một ít vốn sau năm ba năm làm việc. Nhưng với tình hình vật giá luôn biến động như hiện tại, đồng lương trung bình từ 1 triệu rưởi đến 2 triệu rưởi trên tháng, họ sẽ dành lại được bao nhiêu sau khi đã chi trả cho các khoản ăn, trọ và những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Những lao động ở lại nông thôn thì công việc làm không ổn đinh, nó tuỳ thuộc vào từng thời điểm, người lao động luôn phải đối mặt với vấn đề "hết việc", nên cuộc sống của họ vốn đã không ổn định lại càng bấp bên hơn. Ông bà ta có câu " tận nhân lực mới tri thiên mạng", đâu phải ai trong số những người nghèo đều là người lười biếng ngại lao động. Tất cả mọi người đều mong muốn mình và gia đình có một cuộc sống tốt hơn, họ đã cố gắng hết sức mình rồi, đã " tận nhân lực " rồi, nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Có lẽ giờ đây họ chỉ còn chờ "Thiên mạng" xem có phép màu nào cho những lúc bức bách vì những đòi hỏi hàng ngày.
Có thể nói người lao động nghèo hiên nay luôn gặp phải những khó khăn vật chất trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho dù họ có việc làm ổn định hay không ổn định. Chính việc tăng giá của các mặt hàng đã làm cho giá trị ngày công lao động của họ trở nên rẻ mạt. Giải pháp nào cho người nghèo, đây là một bài toán lớn mà câu trả lời không phải giản đơn và không phải một vài cá nhân có thể làm được. Tuy nhiên nếu như các nhà quản lý có thể bình ổn được giá cả các mặt hàng thiết yếu và có những chính sách hợp lý trong việc định hướng tiền công lao động, sẽ giãm được phần nào gánh nặng chi tiêu của người lao động. Làm sao, sau khi chi cho cái ăn rồi, họ vẫn còn lại chút ít dành cho các nhu cầu khác, nâng cao mức sống lên so với hiện tại. Đối với các khu quy hoạch, điều cần thiết là cái tâm của những người làm công tác tái định cư , cần đặt lợi ít thiết thực của người dân lên đầu, nhất là vấn đề tạo công việc làm. Thông thường khi đến một nơi ở mới, phải mất một, hai năm mới có thể ổn định cuộc sống, nếu như có được sự hổ trợ, giúp đở tư bên ngoài, người lao động sẽ rút ngắn thời gian chờ việc, giãm bớt những khó khăn trong đời sống.
Người nghèo...bao giờ hết nghèo ? có lẽ đây là một câu hỏi khó tìm ra lời giải đáp trong một sớm một chiều. Nhưng với những chính sách hợp lý trong việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường, củng như các chính sách về lao động tiền lương, chắc chắn người lao động sẽ được hưởng lợi, đời sống của họ sẽ phần nào được cải thiện. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự đồng bộ khi thực hiện các giải pháp, có như thế mới phát huy được tác dụng trong việc giải quyết bài toán cho người nghèo. Những năm gần đây chúng ta đã chi rất nhiều tiền cho cho công tác xoá đói giãm nghèo, và củng có nhiều báo cáo ở nơi này nơi kia đã giãm được tỷ lệ hộ nghèo. Thế nhưng nghèo giàu đâu phải chỉ là những con số, mà nó liên quan đến từng số phận của những con người, vì vậy hãy thực hiện công tác này bằng cái tâm, điều mà ông bà ta từng dạy:
Nhiểu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Thứ Hai, 8 tháng 9, 2008

Huyện Châu Phú triển khai các lớp Dịch vụ công cấp THCS

Nhằm thực hiện chủ trưong xã hội hoá giáo dục, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các trường THCS . Trong năm học 2008-2009, phòng Giáo dục huyện Châu phú đã tổ chức triển khai thí điểm các lớp " Dịch vụ công" ở ba trường THCS trong địa bàn : THCS Cái Dầu ( 4 Lớp ), THCS Bình Mỹ ( 1 lớp ), THCS Mỹ Đức ( 2 lớp ). Đây là một hình thức liên kế xã hội hoá giáo dục, kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc nâng cao chất lượng môi trường giáo dục ở cơ sở, bên cạnh nó cũng giúp cho các trường có thể phần nào giải quyết khó khăn về vốn trong đầu tư c. Học ở các lớp " Dịch vụ công", học sinh phải đóng một khoản học phí cao gấp nhiều lần các lớp công lập bình thường. Nhưng bù lại các em sẽ được học tập với một sự đầu tư cơ sở vật chất tối ưu ( phòng máy lạnh có trang bị hệ thống máy phóng kết nối với máy vi tính để phục vụ giảng dạy bằng bài giảng điện tử). Đặc biệt, học ở các lớp này học sinh sẽ được nhà trường theo dõi thường xuyên và thông báo với gia đình về các mặt rèn luyện của học sinh, từ đó nhà trường sẽ tổ chức bồi dưỡng cho những học sinh khá giỏi và phụ đạo cho những học sinh yếu, vì vậy các em khôngphải đi học thêm bất cứ môn học nào. Các lớp "dịch vụ công" ra đời củng đã nhân được sự quan tâm và ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh học sinh, nó đáp ứng được nhu cầu chọn dịch vụ tối ưu khi à cuộc sống ngày càng được nâng cao. Hiện tại Phòng Giáo dục huyện Châu phú vá các trường có triển khai lớp "dịch vụ công" đang hoàn chỉnh các quy chế hoạt động củng như đầu tư trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy. Bằng với sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường trong giáo dục học sinh, tin rằng các lớp "dịch vụ công" sẽ phát huy được tác dụng đáp ứng những đòi hỏi trong tình hình giáo dục hiện tại