Thứ Năm, 22 tháng 7, 2010

Hành trình xuyên việt 5 (tiếp theo)




Phần 3
Chập chùng dốc núi


Trong dinh thự Vua Mèo Hoàng A Tưởng



Chợ phiên Bắc Hà
Những người phụ nữ mua sắm những vật dụng cần thiết

Cánh đàn ông thì mua thuốc lào, rượu

Sau đó thì ăn uống vui vẽ

Hiệu ảnh ở Bắc có rất đong người dân tộc đến chụp ảnh


Đứng bán hàng trong mưa lâm thâm


Trước tượng đài và mộ của Nghĩa Sỹ nguyễn Thái Học

Đường lên Đền Hùng


Phía trước khu đền Hạ


Cây Thiên Tuế 700 tuổi trước đền Hạ

Rời chợ Pha Long, chúng tôi tiếp tục hành trình đi về phía thị trấn Si Ma Cai. Con đường càng lúc càng lắm dốc đèo. Bây giờ mới thật sự là núi cao vực sâu. Chiếc xe mười sáu chỗ xem ra quá bé nhỏ với thiên nhiên nơi đây. Một bên vách núi dựng đứng, còn bên kia phía dưới thung lũng, những đám ruộng bậc thang đã không còn nữa, mà thay vào đó là vực thẳm với khe sâu, suối nhỏ, núi đá chập chùng. Lên xe sau bữa cơm, rượu và với sự mệt mỏi hai ngày đường, lúc đầu mọi người cũng lim dim ngủ, nhưng chỉ được một chốc đã tỉnh hẳn. Làm sao ngủ được với con đường chập chùng, quanh co này. Phong cảnh thật sự ấn tượng với dân đồng bằng sông nước như chúng tôi. Núi nối tiếp núi, chập chùng mây trắng, địa hình nhấp nhô phức tạp nên con đường đèo cũng phải ôm theo địa hình mà ngoằn ngoèo khúc khuỷu. Biên quan thật hùng vĩ. Những khe, lạch đều đổ về con suối, và chính nơi đây những con suối họp lại thành sông, bắt đầu cho một cuộc phiêu lưu qua bao xứ sở, để rồi đích đến cuối cùng là là hoà vào đại dương mênh mông. Theo tay nhà thơ Pờ Sảo Mìn, tôi nhìn xuống phía dưới thung lũng, Sông Chảy uốn lượn ngoằn ngoèo, lúc ẩn lúc hiện theo các khe núi. Nhìn từ trên cao, dòng sông như một con rắn đang di chuyển giữa màu xanh và chập chùng ghềnh đá.
Con đường ở phía trước càng lúc càng quanh co uốn lượn. Anh tài xế cho xe chậm chậm bám lấy mặt đường thận trọng ôm sát vách núi. Thỉnh thoảng trên đường chúng tôi bắt gặp một vài căn nhà cất ven đường, còn lại thì chỉ là rừng núi mênh mông. Ở một khúc quanh, hai chú bé đang chơi lắm lem đất cát, chợt đứng dậy vẫy tay chào khi xe chúng tôi đi qua. So với trẻ em miền xuôi, trẻ em ở đây chịu nhiều thiệt thòi. Chẳng có gì để chơi ! Nhưng như thế cũng hoá hay, bọn chúng sẽ sống thanh thản hơn khi càng ít biết trò đời. Chiếc xe vẫn chậm chạp bám theo con đường dốc quanh co. Tôi thầm nghĩ dại, ở độ cao này giữa chốn núi rừng, nếu chiếc xe có sự cố không tiếp tục đi được, cả đoàn người thế này giải quyết sao đây. Thật ra anh Hoài cũng chưa dám đặt phòng ở Bắc Hà cho đoàn. Chỉ hơn bảy chục km thôi, ở dưới đồng bằng vù hơn một tiếng là xong. Còn với địa hình này, khó mà nói trước điều gì. Biết đâu phải nghỉ lại ở đâu đó trên lưng chừng vách núi. Điều chúng tôi cảm thấy an tâm là sự có mặt của nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Ông là người địa phương, nên chuyện ứng cứu cũng sẽ dễ dàng hơn.
Xe qua khỏi cầu sông Mã, chúng tôi thật sự mới thấy con đường thật lắm gian truân. Đoạn đường từ đây đến Si Ma Cai có khoảng mười km chưa được trải nhựa, mặt đường lồi lõm đá với bao là ổ gà ổ voi. Chiếc xe lắc lư từng chút một, thận trọng leo đèo. Con đường gồ ghề làm mọi người trên xe lắc lư, nghiên ngã theo nhịp của xe. Tôi chợt nhớ đến đèo Đá ở rừng Cravanh những ngày làm nghĩa vụ quốc tế trên đất Kampuchia. Đèo Đá không dài lắm, nhưng đó là con đường chiến lược do công binh mở để vận chuyển hậu cần vào rừng. Không rộng lại cao, nên đường vượt qua đèo thật gấp khúc hiểm trở. Mặt đường thì hởi ôi rồi. Đường quân sự mà, phá đá, bạt núi để xe có thể vận chuyển hàng hoá cho mặt trận. So với đèo Đá ngày ấy thì đường đèo hôm nay chẳng ăn thua gì. Những chiếc xe quân sự như Gaz 66 có hai cầu, và Zin 131 với ba cầu và có khả năng tự tời khi có sự cố, vậy mà khi lên đèo đã phải gầm rú leo từng bậc, từng bậc. Đứng phía dưới nhìn lên chiếc xe giống như một con bọ hung bị say rượu đang chếnh choáng leo lên sườn núi. Vậy mà cũng gần hai lăm năm rồi. Hồi ấy tuổi trẻ hừng hực, ngồi trên xe qua đèo xá gì đồi dốc. Còn bây giờ nhìn con đèo mỗi lúc một khó khăn hơn cũng thấy ngán trong lòng. Một chuyến đi thực tế đầy cảm giác. Đường quá xấu nên chiếc xe tiến lên một cách chậm chạm. Có những đoạn anh bạn nhà văn trẻ Trương Chí Hùng phải nhảy xuống đi phía trước dẫn đường. Đở một điều là trên xe không ai bị say xe hay nôn ói, kể cả nhà văn nữ trẻ Đào Uyên đang mang bầu hai tháng. Có lẽ trong hành trình xuyên việt lần này, ấn tượng để lại trong tôi sâu sắc nhất chính là chuyến đi Tây Bắc này. Thiên nhiên, con người như hoà vào nhau, tạo nên một nét riêng tư của chốn núi rừng. Tôi bắt gặp ở đây những con người trọng nghĩa hơn tài, cũng hào sảng, cũng mộc mạc mà cũng chân tình như dân miền Tây nam bộ. Có đi mới biết đường dài hay ngắn. Chuyến đi này tôi đã thu thập được rất nhiều thứ. Đọc nhiều rồi, bây giờ mới tận mặt, chạm tay làm sao quên được những cảm giác ấy chứ.
Mãi đến hơn ba giờ chiều chúng tôi mới tới được thị trấn Si Ma Cai. Đó là một thị trấn nhỏ nằm trên con đường vành đai biên giới của huyện Mường Khương. Xung quanh thị trấn là núi rừng chập chùng. Thị trấn Si Ma Cai đang trong thời kỳ phát triển. Tôi thấy có rất nhiều nhà mới cất đang dở dang. Các con đường xung quanh thị trấn cũng đang được thi công. Đường từ đây tới Bắc Hà khoảng ba lăm km và đã trải nhựa, nhưng để tránh gặp sự cố, chúng tôi chỉ ghé lại Si Ma Cai uống ly nước rồi lại tiếp tục đi Bắc Hà.
Con đường đến Bắc Hà có vẽ thuận lợi hơn do mặt đường êm mặc dù cũng lắm dốc lắm đèo. Khoảng năm giờ chiều chúng tôi đến thị trấn Bắc Hà. Thị trấn khá bằng phẳng và rộng rải. Phố xá thoáng đãng và không ồn ào náo nhiệt như Sa Pa. Chợ phiên Bắc Hà họp vào ngày chủ nhật hàng tuần vốn nổi tiếng từ lâu, nên hàng tuần cũng có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan. Tuy nhiên trong buổi chiều ngày thứ bảy này, không khí sinh hoạt của thị trấn cũng khá bình lặng. Từ chỗ nghỉ, chúng tôi phải đi bộ qua mấy con phố để đến được quán ăn của một bà chủ trung niên vừa goá chồng. Bửa cơm chiều lại tiếp tục chai rượu ngô còn dở lúc trưa với nhà thơ Pờ Sảo Mìn. Chiều nay ông vui và nói chuyện rất nhiều. Bửa cơm chiều thật sự rôm rả hơn khi bà chủ nhà hàng ngồi xuống uống cùng nhà thơ Trịnh Bửu Hoài ly rượu đặc sản.
Chúng tôi chia tay với nhà thơ Pờ Sảo Mìn khi trời cũng vừa nhá nhem tối. Ông bảo lâu lâu mới tới Bắc Hà, cũng phải đi thăm hỏi anh em, chúc đoàn chúng tôi vui vẽ và thu hoạch tốt. Buổi tối ở Bắc Hà yên tỉnh quá. Tôi và anh chàng hoạ sỹ trẻ Quốc Nam ngồi uống cà phê một ở quán ngay ngã ba đường nhưng lại được một không gian vô cùng yên tỉnh. Suốt buổi chúng tôi ngồi cũng chỉ có vài người qua lại. Buổi tối thật yên bình trên thị trấn vùng cao này.
Buổi sáng trước khi ra chợ Phiên, đoàn chúng tôi ghé thăm dinh thự của vua Mèo Hoàng A Tưởng, một dinh thự rộng lớn và kiên cố được xây dựng từ đầu thế kỷ 20. Dinh thự đã được trùng tu, sửa chữa, đẹp và sang trọng. Dinh thự đẹp thật. Nhưng tôi lại thấy nó cứ làm sao ấy, nó mới quá so với tuổi gần một trăm của nó. Công tác trùng tu các di tích báo chí đã nói nhiều, làm mới như thế này thì thà đừng làm còn hơn. Dinh thự được xây dựng theo kiến trúc cổ Châu Âu do một kiến trúc Sư người pháp thiết kế, và cũng đã được các thầy địa lý Tàu xem xét phong thuỷ rất . Đứng ở chỗ nào cũng có gió mát lồng lộng. Hoàng A Tưởng là con trai của Hoàng Yên Chao, nguyên là Châu Uý Bắc Hà của chính quyền Pháp. Người hướng dẫn viên cho biết Khi Hoàng A Tưởng lên thay cha mình, ông ta đã vơ vét của cải để phục vụ cuộc sống riêng và xây dinh thự cho hai bà vợ. Năm 1953 bộ đội đã phải mất cả tuần lễ và cuối cùng phải dùng đến súng Bazoka mới tấn công vào trong được. Tuy nhiên Hoàng A Tưởng cùng gia đình đã theo đường hầm trốn lên núi.Ở đó máy bay của người Pháp đã đưa gia đình ông sang Paris, rồi sau đó đưa về an trí ở Lâm Đồng cho đến lúc ông mất. Một dinh thự hoành tráng thế này mà xuất hiện giữa núi rừng Tây Bắc cách đây gần 100 năm, quả là vào thời ấy nó như một chốn cung đình. Tôi thử hình dung cảnh rộn rịp người ra kẻ vào, hình dung cảnh những cô gái Thái múa xoè cho vợ chồng quan tri châu và quan khách thưởng ngoạn uống rượu. Tất cả giờ chỉ còn lại một căn nhà câm lặng được sơn phết màu mè. Được mất gì ở chốn nhân gian, rồi cũng chỉ là tử sanh, là cát bụi. Ở một gian phía trái của tầng trệt, tôi bắt gặp một bảo tàng dân tộc nho nhỏ với những manicanh châu Âu mũi cao chân dài lại mặc đồ dân tộc. Bảo tồn thế này thì hết biết phải phát biểu gì rồi.
Khoảng 9 giờ sáng thì chợ Phiên Bắc Hà bắt đầu đông người đi họp chợ. Người dân tộc đến chợ từng tốp từng tốp từ các ngã đường. Con phố trước đường vào khu vực chợ đông nghịch người là người với đủ màu sắc. Có quá nhiều du khách ngoại quốc đến tham quan chợ Bắc Hà trong ngày họp chợ Phiên . Một đoạn đường dài hầu hết là các gian hàng bán đồ lưu niệm cho du khách. Khu chợ chính nằm ở phía trong trên một bãi đất cao. Đây mới là khu chợ chính của người dân tộc. Cũng vẫn những gian hàng đồ tiêu dùng, hoặc các đặc sản của rừng từ cây thuốc đến giò lan...Trong khi phụ nữ đi mua sắm hoặc bán hàng của mình, thì cánh đàn ông tập trung lại mấy hàng bán thuốc lào rít khói mù mịt. Rượu cũng là thứ mà cánh đàn ông quan tâm, ngoài việc uống say bí tỉ tại chợ phiên rồi, họ còn mua về trữ trong những ngày không đi chợ. So với chợ Pha Long thì chợ Phiên Bắc Hà thật sự hơn hẳn về quy mô,về lượng người họp chợ và cũng không náo nhiệt bằng.Thế nhưng tôi thích Chợ Pha Long hơn. Cũng trang phục rực rỡ cũng vẫn những hoạt động mua bán, nhậu nhẹt. Nhưng ở Bắc Hà, chợ Phiên đã bị du lịch hoá, nó không còn được cái đặc thù riêng biệt của một phiên chợ truyền thống. Ở Pha Long, chợ họp giữa núi rừng, người ta sinh hoạt, trao đổi trong cái không gian quen thuộc và không hề bị dòm ngó bởi những ánh mắt hiếu kỳ của khách du lịch. Ở đây chỉ riêng hoạt động mua bán đồ kỷ niệm cho du khách cũng đã làm mất đi cái tự nhiên của một phiên chợ vùng cao. Những bộ trang phục dân tộc nhiều màu sắc xuất hiện ở phố có gì đó làm chúng tôi thấy có gì đó hơi khập khiễng. Ở Pha Long những bộ trang phục ấy xuất hiện giữa núi rừng như một sự điểm xuyết cho khung cảnh, cho không gian bao la rộng lớn của đại ngàn. Còn ở đây, giữa những phố xá, giữa những bức tường chật hẹp, những bộ trang phục ấy, dường như không ăn khớp với nhau.
Chúng tôi xem chợ đến cuối buổi trưa, vẫn chưa thấy anh chàng nào say lăn quay ra cả. Hôm nay phải về Tam Đảo, nên chúng tôi từ giã chợ Phiên Bắc Hà khi buổi họp chợ đến hồi đông đảo nhất. Cũng nuối tiếc không ở được ở lại đến khi tan chợ. Chúng tôi ghé lại một nhà hàng gần chợ để thưởng thức món Thắng Cố nấu bằng lòng ngựa. Có lẽ do chúng tôi ăn sáng trể nên món thắng cố mà nhà hàng nấu rất ngon cũng bị bỏ lại rất nhiều trên bàn ăn khi chúng tôi rời đi.
Trên đường về, chúng tôi khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học, một chí sĩ yêu nước nổi tiếng với câu nói " không thành danh cũng thành nhân". Ông và các bạn của mình được yên nghỉ trong công viên Yên Hoà,tỉnh Yên Bái. Ông đã hiên ngang ra pháp trường với nụ cười trên môi và những lời thơ sang sảng. Giờ đây họ nằm kia,nhìn thu yên giấc.Chắc họ không băn khoăn về những phiền toái của cuộc sống hôm nay. Trước khi về đến Tam Đảo, chúng tôi cũng ghé qua thăm đền Hùng khi đến địa phận tỉnh Phú Thọ. Đã hơn năm giờ chiều nên chúng tôi chỉ leo lên đền Hạ tham quan, chụp ảnh một tí rồi về thẳng trại sáng tác Tam Đảo.
Ngày mai, trại sẽ tổng kết và sáng mốt chúng tôi sẽ lại xuôi về phương Nam. Phía trước hành trình vẫn còn nhiều điều mới lạ vì trên đường về chúng tôi sẽ vào Nam bằng đường Hồ Chí Minh để ghé thăm các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng với tôi ấn tượng để lại sâu đậm nhất trong chuyến đi lần này có lẽ là những ngày Tây Bắc. Một vùng đất biên quan tổ quốc hoàn toàn khác biệt địa hình miền Tây Nam bộ, nhưng tôi lại bắt gặp cái phóng khoáng, cái hào sảng và chân tình của những con người chốn đại ngàn xanh thẳm. Mai về An Giang, vùng đồng bằng kênh rạch với tiếng mái chèo khua nước ven sông. Chắc sẽ nhớ nhiều những ngày Tây Bắc. Nhớ đồi núi chập chùng mây trắng, nhớ chén rượu ngô của những người bạn mới quen. Tôi thầm hẹn với Tây bắc một ngày trở lại, ngồi uống rượu ngô nghe séo mèo trầm ấm giữa núi rừng.

Không có nhận xét nào: