Thứ Năm, 24 tháng 10, 2019

Đọc tập thơ “Nhà không có đàn bà” - Trần Quang Khanh

http://www.bongtram.com/2019/10/oc-tap-tho-nha-khong-co-ba-cua-phan-vo.html
Ngày xưa, một thuở hoang sơ, tương truyền Trái Đất này chỉ có một gã đàn ông lủi thủi một mình! Thế là ông ta đã cầu xin vợ chồng Thượng Đế xem xét coi có cách nào xua tan cảnh huống ấy. Một chút phân vân, Ông Bà Trời bèn quyết định cấy từ khung sườn cột của người đàn ông ấy và quẳng tới một vùng trời xa thẳm. Đức Ngọc Hoàng phán truyền cho gã một cuộc hành trình đi tìm nửa mảnh thân còn lại. Đó chính là truyền thuyết về tình yêu của cõi hạ giới. Có điều suốt cả một đời là hai người ấy chẳng ai tìm gặp được ai!
Có chuyến đi dài hơn đất trời và không thể đến nơi… (Lê Cát Trọng Lý)
... Cho dù đôi lứa đã chung sống với nhau hết cả một kiếp người.
Tất nhiên, vẫn có tổ ấm hạnh phúc êm đềm (khi đã ráp nối được nửa mảnh thân còn lại của mình)
Một thoáng của hồi ức ấy đã đưa tôi đến với tập thơ “Nhà không có đàn bà” của tác giả Phan Võ Hoàng Nam – một nhân vật tài hoa trong làng văn nghệ của An Giang tỉnh nhà.
Một tập thơ có nét riêng lạ lẫm. Chẳng có lời tựa mà chỉ có nhan đề rất mộc mạc nhưng lại tạo được sự ngỡ ngàng và ấn tượng đậm. Ru hồn độc giả bởi những khám phá sâu lắng, mới mẻ của hơn 40 tác phẩm trong quyển sổ thơ này. Từ cảm hứng sáng tác tới các phương thức tạo tác các bức tranh thơ đa sắc màu.
Kiểu dạng (motif) sáng tác của nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam chịu ảnh hưởng của luồng gió Tây phương, với những vần thơ tự do.
Điều trước tiên trong khi tôi đọc được nguồn tư tưởng chủ đạo của tác giả là âm hưởng buồn man mác, sắc màu triết lý nhân sinh được gửi vào nhịp điệu và ngữ điệu thơ. Khi ngắt quãng, lúc liền mạch theo cảm xúc.

Đừng nuối tiếc, ngày qua như tiếng thở
Không với sắc, sắc không là thế.
                                                  (Viết cho những con trai)

Tội nghiệt vương mang, nhân nào cho quả
Phút chào đời đã tức tưởi niềm riêng
                        ... Được mất hơn thua
                       Phù phiếm trò đời
                                                 (Nhân thế)
Trong “Tháng Sáu” có chất nếm trải, đậm đặc triết lý Thiền:

Chơi vơi những niềm riêng
Day dứt kiếp phù sinh
Phận lá
Gió vô tình không níu giữ
Lặng lẽ những linh hồn cười khóc lẻ loi.
  Tác giả đã Đi tìm… tôi. Phải chăng đây là cuộc mở đầu cho chuyến kiếm tìm nửa mảnh thân còn lại của mình: “Tôi đi tìm tôi – giữa phố đời vạn nẻo”.
Tôi đi tìm tôi
Thuở mong manh hạt bụi
Thuở tôi và em chỉ là chút hư vô
Tôi đi tìm nơi đánh dấu lúc quay về
Để được biết còn bao ngày rong ruổi
Và sau hết là niềm hy vọng dù rất đỗi mong manh:
Hun hút trời xa, ai quen ai lạ
Hỏi bao giờ tìm được ra tôi!

Dòng thơ tự sự có dáng dấp độc thoại nội tâm. Tự nhìn lại bản thân mình… để nghiệm ra “kẻ thù” đáng ngại nhất là chính mình. Từ đó định hướng, điều chỉnh chừng mực – nếp ngăn của não bộ.
Có đôi lúc nhân vật trữ tình lang thang, ngao du khắp nơi chỉ một thân – một mình mà thôi:
Tôi đi qua những cánh đồng
Tôi đi qua những dòng sông
…..
Một kiếp lênh đênh
Giữa đường trần muôn lối
                                         (Đi tìm… tôi)
Đi tìm ...tôi”- Phải chăng là tìm bạn đồng tâm, tìm người tri giao, tri kỷ. Đọc hết cả mọi ngóc ngách trong tâm hồn mình, thấu hiểu mình.
“Đọc” Phan Võ Hoàng Nam, tôi cảm nhận được tiếng sét ái tình đã đánh trúng tim óc nhân vật trữ tình. Cho nên chủ thể của từng thi phẩm luôn cảm thấy hết sức khổ sở cả đời. Cánh chim lạc xoải cánh trong nỗi nhớ cô liêu. Có những câu thơ vô vọng khi bày tỏ lời thì thầm, tâm sự. Có ai đọc được nỗi đau đớn của một kiếp người khi tác giả đón ngày “Sinh nhật” của mình:
Ta đón tuổi mình
Không có nến…
Hát lời kinh khổ
Ly cà phê đọng những tháng ngày
Ai nhớ chăng ai? Chỉ còn lại mình ta trong quạnh quẽ. “Một mình mình biết, một mình mình hay”. Phải chăng có một thời gian dài không ai chia sẻ vui buồn? Để rồi tìm đến:
Buổi cơm chiều hiu quạnh
Chén rượu buồn đắng chát bờ môi
Ba mươi mùa thu qua cửa
Trôi xuôi
Không có những nụ hôn
Đêm thở dài cùng với bong

Nhà không có đàn bà
Những gã đàn ông say quắt quay

Chất men nồng làm thành chất xúc tác thơ: “Chiều nay ta say cùng mưa” hoặc “Nỗi lòng rách rưới cơn say” (Nghe mưa)
Cụm từ sử dụng thật mới lạ và sáng tạo. “Say quắt quay” thay vì “say bí tỉ”, “say lúy túy”. “Say quắt quay” ở đây gợi hình ảnh men say đỉnh điểm đến độ quá “quắt”, đã huốt từ lâu rồi thậm chí còn “quay” như cuống cuồng. Đậm chất phiêu linh, lãng đãng, bộ não đã mất thăng bằng. Hay nói khác hơn người thơ ấy đã không còn cảm giác của một sự quân bình!
Bữa cơm của tổ ấm đã thiếu hơi ấm nồng vì có “ba gã đàn ông”, thiếu hẳn vị trí trọng yếu của một người đóng hai vai. Trong khi nhân vật trữ tình lại tự vấn lương tâm dẫn đến sự hiện thân của nhân vật “vô tình”, trong sự quay quắt ngoảnh tìm qua song cửa “ba mươi mùa thu” trôi xuôi.
Sau ba mươi mùa thu trôi qua chẳng một thoáng bình lặng, êm đềm. Một “Tháng tư” bẵng đi, sau mấy chục năm hết sức đau khổ, chất chứa. Nay vẫn chơi vơi… Để rồi… thâu tóm từng dòng hồi ức đong đầy trong từng ngăn kệ thơ. Trong mỗi khổ thơ biến thể, phá cách khi năm dòng, khi sáu dòng thậm chí đến cả chín dòng.

       Tháng tư
       Nắng vàng bông hoa dại…
       ...Tháng tư
       Hai bốn phím thời gian
       ...Đàn lạc cung
       Buồn!
       Bao khúc nhạc dở dang, ngày xa khuất
…Tháng tư xôn xao ký ức
Vầng trăng úa màu
Bàn tay ai còn đợi vòng tay!
                               (Tháng tư)
Mỗi khổ thơ lắng đọng một kỷ niệm đẹp nhưng đượm buồn. Điểm nhấn trọng âm ở đây được diễn tả qua thi pháp thời gian: “Bao nhiêu lần tháng tư”. Đây là phương thức điệp cấu trúc cú pháp với dụng ý làm nổi bật hồi ức: “Tháng tư… Tháng tư…”. Tháng kỷ niệm của tình cảm lứa đôi – phải chăng là dấu ấn không thể nào quên luôn khắc sâu trong tâm trí tác giả? Một sự chung tình.
Nổi bật trong các vần thơ tự thán, đậm đà những lời chất vấn dưới dạng câu hỏi tu từ:
Biết đâu là chốn bình yên?
...Bao lâu hết đoạn đường trần?
                               (Nhân thế 2)

Tác giả khắc họa hình tượng người mẹ liên tưởng từ truyện cổ dân gian. “Tấm Cám”, “Ăn khế trả vàng” được hồi tưởng qua lời kể người mẹ:

Mẹ dắt con qua miền cổ tích
...Ngựa về dinh, hoàng hậu Tấm đẹp duyên
                     
Chúng ta hãy cùng nghe lời mong ước “ngô nghê”, đáng yêu của nhà thơ:

        Mẹ xa rồi
Xa khung trời cổ tích
Cô tiên đâu còn để xoa dịu nỗi đau
Con đi giữa đời tìm chim phượng hoàng đòi khế
                                                                   (Cổ tích của mẹ)
Phần lớn các bài thơ của Phan Võ Hoàng Nam đều được vận dụng phối hợp các phương thức biểu cảm, tự sự và lập luận xoay quanh cái trục: nhân - quả. “Đàn ông nông nổi giếng khơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”. Cho nên, tập thơ có hai mảnh thân: Một là, sự yếu đuối không lối thoát đến độ cùng cực; Hai là, một sự bừng tỏa hồi tỉnh trong nhận thức mới, tìm được cái ta bản ngã sau những khoảnh khắc đong đầy tiếc nuối có trong đó chút ít sự ân hận để tìm lại... “Tôi” đi đến cảm thức “giật mình, mình lại thương mình xót xa” (Tố Như)
Đọc thơ của thi sĩ Hoàng Nam, luôn bàng bạc niềm xa vắng trên từng trang thơ. Đó là niềm thương nhớ khi xa vắng người đàn bà (người mẹ của tác giả và người mẹ của các con). Như vậy, nhân vật trữ tình đã có hai “người mẹ” (Nhưng không rơi vào cảnh huống: Hai người đàn bà giành một người đàn ông!)
Trong bài “Quê tôi”, hình tượng người mẹ, người cha công lao cao vời được ghi khắc:
Con cá quẫy đuôi
Mẹ tảo tần khuya sớm
Cánh cò chơi vơi, cha ngụp lặn một đời
Chiều quê tôi
Bóng núi chập chùng
Tiếng chuông chùa ngân nga
Xóm nhỏ yên bình khói quyện mây...

Tứ thơ thật tinh tế, cảm xúc và gợi hình ảnh thật điển hình và sinh động. Cách dùng từ láy giữ chức năng gợi tả và biểu cảm thật đắt.
Thêm một định nghĩa về cuộc tìm hạnh phúc. Cuộc tìm là cả một chặng đường dài. Tìm lại – hoài cổ trong tâm trạng – tìm để soi xét chính mình. Hạnh phúc tìm ở đâu? Phải chăng bên trong những gì chưa hạnh phúc? Do ta chưa cảm nhận được?
Thế nên, có đôi lúc người ta lại hụt hẫng, chới với khi sống trong cõi ảo giác. Bài thơ “Một ngày…” là minh chứng rõ nét nhất: Một ngày về lại miền hoang tưởng, ta lại bắt gặp ta, bé bỏng, dại khờ và lẻ loi như một vì sao xa lạc lõng cuối trời. Nơi hoang tưởng, cả giấc mơ cũng chừng như hiện hữu… nhưng khẽ chạm vào tất cả đều tan biến…
Phong cách thơ và lối diễn đạt mới, sau thời khắc bươn bả tìm một ngã rẽ mới. Đến với những kiểu dạng như thế, các thi nhân đều nhận thức được sắc thái riêng của lối thơ văn xuôi. Gợi nhắc Rabindranath Tagore – nhà thơ Ấn Độ nổi tiếng toàn cầu với cốt chất ngữ điệu, giàu tính nhạc. Bài thơ “Một ngày” được nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam sáng tác thật sáng tạo. Tác phẩm có 6 khổ thơ, mỗi khổ thơ lại có dáng dấp riêng.
Những tưởng tác giả còn u uất, ảm đạm và bế tắc khi nhìn lại những gì đã qua... Khi đến bài thơ kết “Một ngày …”, thâu tóm chủ đề tư tưởng của cả tập thơ trong ánh nhìn xa xăm, ôm ấp kỳ vọng trong niềm lạc quan, như chất lửa của tác giả Phan Võ Hoàng Nam:
Một ngày tìm lại chính ta, tìm lại những yêu thương được cất giữ nơi sâu thẳm của trái tim.
Tình yêu vẫn còn đó, vẫn âm ỉ như ngọn núi lửa giữa lòng đại dương. Tình yêu em nơi chốn bình yên, ta trú thân khi đời giông bão…
…Một ngày… chợt nhận ra bao nỗi đời riêng, những được mấy hơn thua chỉ là trò phù phiếm. Rũ tay ở cuối đường có gì đâu là còn lại…
Bài thơ như một lá thư tâm tình, phân bày cõi lòng. Bởi tác giả đã hóa thân một con người mới, buông xả nhận thức lệch và đưa tay vẫy chào dĩ vãng, bi ai, hỉ nộ…
Điều thu hút, lôi cuốn có sức lay động độc giả không chỉ ở ngôn từ chắt lọc mà còn ở ngữ nghĩa đan xen nhau, trì kéo nhau, trong bố cục mạch lạc của thơ Phan Võ Hoàng Nam.
Tác giả đã tạo mảnh đất màu mỡ cho các sáng tác nhờ vào tứ thơ. Tứ thơ chủ đạo của thi sĩ Hoàng Nam đi từ cách diễn tả cảm xúc thật mạnh mẽ trong bút pháp tả thực và cách điệp cấu trúc cú pháp, câu hỏi tu từ. Bên cạnh đó, cũng cần kể đến sự chọn lựa hình ảnh đặc trưng, sử dụng từ láy giàu chất tạo hình. Thêm vào đó là tiết tấu, nhịp điệu trong từng câu thơ, dòng thơ… có hồn, xao động.
Chìa khóa thơ không bị trật chìa mới mở được cánh cửa đi vào thế giới thơ. Tìm đúng tứ thơ chính là tìm đúng chìa khóa gốc của ổ khóa. Khi có sự phát khởi sáng tạo, độc đáo, khác vời, lạ lẫm thì mới cuốn hút được những bạn thơ khác.
“Khơi nguồn chưa ai khơi” (Nam Cao)... Hay nhà ngôn ngữ bậc thầy – danh sĩ An Chi đã từng nói về ý nghĩa của câu đối chỉnh nhất:
“Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu
Thi khiếm đồng tâm bán cú đa”
(Rượu gặp tri kỷ ngàn ly là ít
Thơ vắng bạn thơ nửa chữ cũng rườm).

     Khép đóng quyển sách thơ nho nhỏ trong tay, tôi như nghe đâu đây một thoáng “ứng xử lệch”. Có một điều gì đó chơi vơi, ngoài tầm với của nhà thơ. Thiết nghĩ – gốc rễ của điều này cũng xoay quanh cái hữu hạn và vô ngã của một kiếp người. Người xưa thường nhận định vạn sự tùy duyên. Vòng xoay của vũ trụ, mọi người cần phải chấp nhận. Có những chuyện đâu phải cứ “muốn là được” đâu? Dòng đời vốn một thời khổ nhọc. Rồi cũng có lúc vui sướng. Nhà thơ Phan Võ Hoàng Nam đã từ bóng tối ra đến ánh sáng của nhận thức.

                                                                               

Tháng 10/2019
Trần Quang Khanh

Không có nhận xét nào: