Thứ Năm, 19 tháng 4, 2012

Thừa kế

Ảnh Internet

Đám tang ông Hai như một sự kiện của cái thị trấn hiền hòa bên dòng sông Hậu này. Người ta đến viếng đông nghịt. Kẻ ra người vào, từ sáng đến chiều không ngớt. Đủ loại xe, đổ từ trong ngỏ ra tận cuối phố. Có vài đoàn khách cùng cơ quan với con ông. Còn lại chủ yếu là bà con trong vùng đến viếng ông. Dân ở đây ai mà không kính trọng ông và chí ít cũng đã từng một lần được ông giúp đỡ. Ông luôn quan tâm đến mọi người xung quanh và rất sẵn lòng sẽ chia những khó khăn trong cuộc sống của họ. Ông xem mọi người như người thân, giờ đây ông ra đi vào cõi vĩnh hằng, làm sao không đến để thắp một nén nhang cầu nguyện cho vong linh ông được yên nghỉ nơi suối vàng.

Cha mẹ ông Hai là người đã gắn bó lâu đời ở vùng đất này. Ông là con trai độc nhất nên được thương yêu và chăm lo hết mực. Gia đình ông mấy đời làm nông, nên cha ông muốn cho ông ăn học để có thể thăng tiến trong xã hội. Ông trời không chiều lòng người. Học hành chưa đến đâu thì cha mẹ ông lâm bạo bệnh lần lượt qua đời. Buồn bã ông bán tất cả đất đai, gửi lại phần mộ cha mẹ, rồi theo anh em lái buôn thương hồ sang tận Campuchia, Lào buôn bán làm ăn. Đằng đẳng hai mươi năm trời, sau khi ky cóp được một mớ vốn liếng, ông trở về quê mua lại đất lập nghiệp.
Rồi ông gặp Bà Hai, cô gái lớn lỡ thì của một gia đình nền nếp nhưng đang hồi sa sút. Kể từ ấy, ông gắn bó với mảnh đất này. Ông lập trang trại, đầu tư tất cả vốn liếng vào đó. Kinh nghiệm gắn bó hàng ngày với đất cộng với mớ kiến thức cập nhật từ sách báo tài liệu, chẳng bao lâu trang trại của ông làm ăn ngày càng phát đạt. Ông trở thành một nông dân giỏi trong vùng, một nông gia tri điền xem đất đai như một phần máu thịt của mình. Ông thường nói đùa, đời ông một phần cho đất, một phần cho con. Cái phần cho đất ấy ông tính cả con người. Vậy mà bây giờ thì ông đã về với đất, yên nghỉ trong sự thanh thản với một phần máu thịt của mình.
Tư Sơn bước vào phòng ông Hai rồi khép cửa lại. Anh ngồi nhìn căn phòng giản dị mà biết bao nhiêu lần anh và cha mình ngồi nói chuyện. Từ sáng đến giờ anh có được lúc nào nghỉ ngơi đâu. Là con trai trưởng của ông Hai, nên anh phải đứng ra chào hỏi tiếp khách. Đông người đến viếng và thắp nhang cầu nguyện cho ông Hai thật. Phường bát âm tấu nhạc mỗi lần có người đến cúng mà có lúc nào ngừng nghỉ. Khói nhang mù mịt cả gian nhà. Người này quay lưng ra đã có người khác bước vào. Mấy đứa con anh từ sáng giờ phải quỳ suốt để lạy trả lễ cho khách. Gian nhà trước và cái khoảng sân rộng để phơi lúa khi đến mùa vụ chật cả người. Tiếng chào hỏi, tiếng trò chuyện râm ran mặc dù khách hết sức giữ sự tôn nghiêm để tỏ lòng kính trọng đối với người đã khuất. Chỉ cái khoản trà nước thôi, Tư Sơn đã phải huy động hết con cháu chạy tới lui như con thoi để phục vụ khách. Người ta đến vì ân tình. Những ân tình mà ông Hai đã dành cho đất, cho người với hơn nữa đời gắn bó.
Chuyện ông ra đi về bên kia thế giới cũng không quá bất ngờ với Tư Sơn và mọi người. Ông Hai đã qua tuổi chín mươi và cả năm qua chứng viêm khớp buộc ông nằm một chỗ. Ông đã đi hết cuộc đời mình, giờ đã đến lúc ông về đoàn tụ với tổ tiên ông bà. Tư Sơn biết cha mình không có gì phải nuối tiếc hay ray rức cho lần ra đi này. Hôm trước ngày mất, ông Hai đột nhiên rất tỉnh táo dặn dò con cháu đủ thứ. Ông bảo Tư Sơn chỉ nên làm đáng tang cho ông đơn giản thôi, nhưng bà con đến viếng đông quá, phải đáp lễ chứ sao. Hai ngày nữa mới được ngày an táng ông Hai, từ giờ đến đó cố gắng cho trọn vẹn để ông Hai được an lòng ra đi.
Tiếng nhị trong dàn bát âm vọng vào nghe buồn não ruột. Mùi khói nhang thơm len vào tận trong phòng. Tự dưng tư Sơn thấy trống vắng. Bao nhiêu năm nay, ông già là chỗ dựa tinh thần của anh. Mặc dù đã hiểu chuyện tử sinh, anh vẫn cảm thấy mất mát to lớn khi ông Hai không còn nữa. Căn phòng này sẽ không còn sáng đèn đêm đêm để anh rẽ qua mang cho cha ly trà nóng. Tư Sơn nhìn chiếc tủ gỗ ở góc phòng. Chiếc tủ không khóa, vậy mà bao nhiêu năm nay chưa một ai dám mở ra ngoại trừ ông Hai. Anh cũng muốn thử mở ra xem cha mình đựng thứ gì trong ấy. Nhưng anh cảm thấy mệt mỏi, không còn tâm trạng để xem. Anh chặc lưỡi “ lo đám tang ông già xong cái đã”.

Thằng Ngọc bóp đôi tay mỏi nhừ lại với nhau. Đã mấy hôm nay, anh em nó thay phiên nhau túc trực bên quan tài ông nội. Hôm nay đám tang ông Hai bước sang ngày thứ ba. Sáng mai mới được giờ hạ huyệt. Nó rất thương và kính trọng nội, làm được gì cho ông nó đã thấy vui rồi. Nó gần nội nhiều hơn gần ba nó. Mỗi khi nó ở nhà hai ông cháu luôn quấn quýt bên nhau. Nội hầu như giải đáp được mọi thắc mắc của nó. Nội thường dắt nó ra vườn chỉ dạy cho nó đủ thứ về cây cối, đất đai. Ông mong nó làm một kỹ sư nông nghiệp. Thỉnh thoảng có đi đâu ông lại cho nó đi theo. Thằng Ngọc thích nhất là những khi đi đến các trang trại, nhà vườn. Nó thấy nội nó vô cùng uyên bác khi hướng dẫn, tư vấn kỹ thuật cho nông dân. Với kinh nghiệm mấy chục năm gắn bó với đất, ông còn giỏi hơn cả mấy chú kỹ sư nông nghiệp trên huyện.Thằng Ngọc rất ngưỡng mộ nội. Nó cũng rất thích ngành nông nghiệp. Năm nay nó đã cuối cấp rồi. Nó đã cố gắng nhiều cho việc học tập và nó tin rằng nó sẽ không phụ lòng nội nó.
Một cơn gió thổi vào phất phơ các tấm “ lị ” của khách viếng treo đầy gian nhà. Ánh nến lập lòe chấp chới dưới ánh điện. Đêm đã khuya lắm rồi. Mọi người đều đã tranh thủ tìm chỗ ngả lưng. Mấy chú trong phường bát âm dẹp trống đàn sang một bên, chen chúc nhau ngủ ngon lành trên bộ ván đối diện. Ngọc đốt ba cây nhang cắm lên bàn thờ trước quan tài nội. Gần sáng trời bắt đầu trở lạnh. Nó thọc hai tay vào túi quần dài, bất giác nó đụng chiếc chìa khóa mà nội nó giao cho nó hôm trước ngày nội mất.
Chiều hôm ấy Nội khỏe, tỉnh táo hơn mọi hôm. Nó vừa cho nội uống sữa vừa kể đủ thứ chuyện. Nội chăm chú lắng nghe và nhìn nó với ánh mắt ấm áp trìu mến. Uống xong ly sữa, nội bảo nó đi mời tất cả cô bác anh em vào đây nội có chuyện muốn nói. Hai hôm nội trở bệnh, các cô chú đều đưa cả nhà đến đây nên chỉ năm phút sau mọi người đã có mặt. Đợi mọi người yên vị, ông Hai bảo thằng Ngọc đỡ ông ngồi lên. Chậm chạp ông nhìn một lượt những khuôn mặt thân yêu của đời mình. Ông cảm thấy ấm áp vì tất cả con cháu đều có mặt đông đủ. Ông biết mình khó qua khỏi lần này. Sức khỏe của ông giờ như ngọn đèn cạn dầu chỉ còn một khoảnh khắc leo lét cuối cùng. Ông không cảm thấy lo sợ hay nuối tiếc điều gì. Ông đã đủ quá một đời, đã đến lúc ông đi đoàn tụ bà Hai ở bên kia con suối vàng. Ông mệt nhọc lên tiếng:
-Hôm nay Ba rất vui vì các con có mặt đông đủ. Có lẽ đã đến lúc ba về cùng tổ tiên ông bà rồi. Ba đã…
Nhiều tiếng nói nhao nhao:
-Ba đừng nói vậy, ba còn khỏe mà..
-Nội không sao đâu
Mỗi người một câu, không khí ồn ào hẳn lên. Có ai đó khóc thút thít. Ra hiệu cho mọi người yên lặng ông Hai nói tiếp:
-Ba rất hiểu sức khỏe của mình. Chuyện sinh tử nào ai tránh được, các con đừng bi lụy thế. Ba rất an lòng vì các con đều đã trưởng thành và đời sống ổn định. Ba rất mong các con đùm bọc thương yêu, lo lắng cho nhau. Đã đến lúc các con đi trong đời mà không cần có ba nữa…
Ông hai dừng lại thở mệt nhọc. Mặc dù đã hiểu chuyện sống chết đời người, nhưng làm sao không buồn lúc tử biệt sinh ly thế này. Đám đàn bà òa lên khóc nức nở. Cánh đàn ông cũng bắt đầu sụt sịt. Còn nổi buồn nào lớn hơn là sự mất mát người đã sinh thành dưỡng dục mình. Năm Thạnh, người ít nói nhất trong số mấy anh em quay xuống gắt:
-Khóc lóc gì thế, trật tự nghe ông già nói chuyện.
Chờ mọi người lắng xuống, ông Hai chậm rãi nói tiếp:
-Trước lúc ba ra đi, ba muốn gửi lại cho tất cả các con cháu của mình một món quà. Ai cũng có phần. Đây là thứ mà ba đã tích cóp cả một đời mình. Ba hy vọng cuộc sống của các con sẽ tốt hơn, có ý nghĩa hơn khi nhận món quà của ba.
Lúc này đã không còn tiếng khóc nữa. Mọi người nhìn nhau. Ái chà ông cụ cũng ghê thật, tích cóp tài sản mà chẳng ai biết. Tư Sơn cũng thấy ngạc nhiên. Bao năm chung sống, anh không nghĩ cha mình có của cải cất riêng. Mọi thứ trong gia đình ông đã giao cho anh mấy chục năm nay rồi.
Ông hai ra hiệu cho thằng Ngọc tới gần, ông bảo nó thò tay vào túi áo phía trong ly ra một chiếc chìa khóa. Ông nhìn xung quanh rồi tiếp:
-Đây là chìa khóa mở hộp gỗ đựng món quà trong chiếc tủ gỗ ở phòng ba. Ba giao cho thằng Ngọc giữ. Sau khi ba đi rồi, mọi chuyện hậu sự xong xuôi, các con mở hộp ra, xem như là quà thừa kế của ba.
Thằng Ngọc òa lên, nó ôm lấy nội:
-Con không cần gì đâu, con chỉ cần nội sống với chúng con.
Cả nhà bắt đầu lại khóc. Ông Hai khó nhọc xoa đầu Ngọc:
-Khờ quá, nội đâu thể lột vỏ sống đời với các con được. Thôi con và mấy đứa ra ngoài, nội có vài chuyện nó với các cô chú.
Nó cùng mấy đứa anh em ra sau vườn chơi mà lòng nặng trĩu. Mấy hôm nay lo chuyện đám tang ông Hai nó cũng quên chiếc chìa khóa. Đêm hôm, thằng Chiến và con An, con cô hai, rủ nó tranh thủ lúc vắng người, vào phòng nội mhộp xem ông đ lại th gì. Nó dứt khoát không chịu. Trước sau gì cũng biết thôi, bây giờ nó chỉ muốn dành tất cả cảm xúc cho nội. Ngọc đốt lại mấy cây nến trên nắp chiếc quan tài bị gió thổi tắt. Nó nhìn những nét thân quen của ông nó trên di ảnh. Trong lòng nó ông nội không bao giờ mất cho dù sáng mai người ta có đưa ông nội vào lòng đất. Ngoài vườn, con gà trống cồ cất tiếng gáy một hồi dài báo hiệu bắt đầu ngày mới.

Sau buổi cơm chiều cả gia đình tề tựu đông đủ trước bàn thờ của ông Hai đang còn nghi ngút khói nhang. Khách khứa đã ra về, chỉ còn lại người trong nhà. Nét mặt người nào cũng trang nghiêm thành kính, nhưng cũng không dấu nỗi sự háo hức muốn biết món đồ thừa kế của ông Hai. Thì chỉ vì chuyện ấy thôi, chứ nếu không thì vợ chồng hai Minh và vợ chồng sáu Nhỏ đã dắt lũ con về từ trưa sau lúc hạ huyệt cho ông Hai rồi. Từ hôm ông Hai trở bệnh, tất cả con cháu ông luôn tề tựu đông đủ. Bốn năm hôm nay công việc đều ngưng lại tập trung cho đám tang của ông. Bây giờ ông đã yên nghỉ. Mọi chuyện hậu sự đã hoàn tất, ai cũng nôn nóng về nhà xem công việc thế nào. Người ra đi thì cũng đã ra đi, người ở lại cũng phải tiếp tục sống. Nhưng chuyện thừa kế rõ ràng là hấp dẫn. Không chỉ là lợi ích mà cũng vì còn tò mò nữa. Ông hai sống rất công bằng với con cái. Năm đứa con, đứa nào lập gia đình dù trai hay gái, ông cũng chia đất, dìu dắt con cái chí thú làm ăn, nên mọi người đều có của ăn của để, cuộc sống ổn định. Trong đời mình, ông đã tạo dựng một sản nghiệp không nhỏ. Thứ mà ông gọi là tích cóp cả đời lại còn ai cũng được chia phần, chắc chắn phải có giá trị lắm. Mấy hôm nay, dù bận rộn lo đám tang ông Hai, nhưng cánh đàn bà cũng râm ran bàn tán. Hai Minh, với tư cách là chị cả chắc chắn là vàng bạc chứ không thể là thứ khác. Cả đám đàn bà bàn tới lui rốt cuộc cũng nghĩ như thế. Đất cát thì ông Hai đã chia đều cho các con rồi. Chỉ còn phần đất hương hỏa thì phải giao cho tư Sơn để lo thờ cúng, đâu còn để mà chia thêm nữa.
Tư Sơn thắp ba nén nhang cắm lên bàn thờ ông Hai rồi quỳ xuống lầm thầm khấn vái. Mọi người cũng quỳ xuống vái lạy bàn thờ ông Hai. Xong xuôi, tư Sơn quay sang thằng Ngọc:
-Con với mấy đứa vào phòng nội lấy cái hộp gỗ mang ra đây.
Chỉ đợi có thế, thằng Chiến và con An liền dọt theo sau lưng thằng Ngọc vào phòng ông Hai. Mọi người hồi hộp chờ đợi.
Một chốc thằng Ngọc đã từ phòng ông Hai trở ra, trên tay nó là cái hộp gỗ hình chữ nhật dài chừng ba tấc. Thằng Ngọc đặt cái hộp lên bộ ván ngựa mà ba nó đang ngồi cùng với mấy cô chú. Nó đưa cho ba nó chiếc chìa khóa để mở hộp rồi lui xuống ngồi phía dưới cùng mấy đứa nhỏ. Mọi người chăm chú nhìn vào nơi mà thằng Ngọc vừa đặt chiếc hộp xuống. Đó là một chiếc hộp gỗ hình chữ nhật đen bóng được chạm trổ tinh xảo. Phía trên nắp hộp có một ổ khóa nhỏ. Tư Sơn cẩn thận tra chiếc chìa khóa vào ổ. Mọi người như muốn nín thở. Thằng Minh cùng bọn nhóc không nén nổi hồi hộp, rướn người nhìn ba nó đang run run mở khóa. Mọi người im phăng phắc.Tiếng bật ra của cái ổ khóa nghe rõ mồn một. Tư Sơn giở chiếc nắp hộp lên. Phía trong chiếc hộp là một cái gói bên ngoài bọc vải đỏ cẩn thận. Đám đàn bà nhìn trân trân vào cái hộp. Hai Minh không nén nổi tò mò giục:
-Cậu Tư mở nhanh ra coi cái gì nào.
 Không trả lời, Tư Sơn từ từ nâng cái gói lên. Anh thận trọng mở lớp vải đỏ bọc ngoài ra. Bên trong là một quyển sách khá dầy, đóng bìa đen cẩn thận. Không khí lập tức vở òa ra, nhiều tiếng nhao nhao lên:
-Cái gì vây…?
-Quyển sách thôi à?
Hai Minh ngó vô hộp nóng nảy giục: - Mày coi còn gì nữa không Tư?
Chẳng còn gì ngoài cái hộp trống không. Đàm đàn bà con gái xôn xao bàn tán, Vậy mà ông già cũng làm ra vẻ quan trọng lắm. Mấy hôm nay cứ thấp thỏm chờ xem được hưởng thêm một chút của cải, cuối cùng chỉ là một quyển sách.
Tư Sơn giở trang đầu của quyển sách, anh nhận ra ngay nét chữ của ông Hai với ba chữ in hoa trang trọng “Đạo làm người”. Bọn nhóc bu lại xung quanh Tư Sơn nhìn chăm chú vào những trang sách anh lật kế tiếp. Cả quyển sách được chép tay nắn nót cẩn thận, đó là những đạo lý sống mà ông Hai đã thu thập trong sách vở hoặc chiêm nghiệm trong suốt đời mình. Tư Sơn chợt dâng lên trong lòng một thứ tình cảm bồi hồi khó tả. Anh thấy kính trọng và thương cha mình vô cùng. Ông đã tạo dựng cho anh em Tư Sơn một cuộc sống ổn định, no đủ, vậy mà trước khi nhắm mắt lìa trần, ông vẫn không quên nhắc nhở con cháu cái đạo làm người. Tư Sơn chợt nhớ lại rất nhiều lần nữa đêm chợt thức giấc, anh bắt gặp phòng ông Hai vẫn sáng đèn. Rón rén nhìn qua khe cửa, anh thấy có lúc ông đọc, có lúc ông ghi, cũng có lúc ông trầm ngâm suy tưởng. Quyển sách anh đang cầm trên tay, chính là cái mà cha anh đã tích cóp mấy chục năm dưới ánh đèn khuya và cũng là sự chiêm nghiệm của cả đời ông với bao nổi thăng trầm. Anh thầm cảm ơn ông trời đã cho anh được làm con của ông Hai.

Ồn ào bàn tán một lúc rồi cũng giải tán. Mọi người đã đi ngủ cả rồi, chỉ còn thằng Ngọc ngồi yên lặng trước bàn thờ ông nội. Bây giờ nó mới thực sự thấy buồn và nhớ nội nó da diết. Nó để mặc cho những giọt nước mắt rơi lặng lẽ. Nó mất nội thật rồi. Nội nó đã đi vào cõi vĩnh hằng trước khi có thể nhìn thấy thằng cháu vào đại học và trở thành một kỹ sư nông nghiệp. Nó vuốt ve quyển Đạo làm người của nội nó. Nó hiểu đây là tâm huyết một đời của ông nó, ông ước muốn tất cả cháu con đều sống trọn đạo làm người. Ngày mai nó sẽ đi photo cho các cô chú mỗi người một bản, còn bản gốc nó sẽ để lại vào hộp gỗ và trang trọng đặt trên bàn thờ nội. Nó thầm hứa sẽ sống làm người tốt để nội nó vui ở nơi suối vàng. Ngước nhìn lên bàn thờ, nó thấy nụ cười của ông nội lãng đãng trong làn khói nhang thơm.

Tháng giêng nhâm thìn
_____________________
Truyện đăng báo
VĂN NGHỆ TRẺ SỐ 16 – 2012
 ra ngày 15 – 4- 2012

Không có nhận xét nào: