Chủ Nhật, 4 tháng 12, 2011

Chút ưu tư với Đạo Đức học sinh


Học sinh trường THCS Cái Dầu-Châu Phú-An Giang
     Tháng mười một ồn ào với ngày nhà giáo Việt Nam rồi cũng qua. Những người thầy mỗi năm lại được xã hội tôn vinh về những đóng góp cho công cuộc giáo dục và đào tạo của nước nhà. Dĩ nhiên đó là vinh dự cho những người làm thầy khi được xã hội trân trọng công việc của mình. Nhưng có lẽ sự đền đáp tốt nhất mà các thầy cô giáo mong mỏi chính là sự hoàn thiện về năng lực và nhân cách của học trò mình, các em  vào đời thực hiện tốt những nhiệm vụ mà xã hội giao phó, là những công dân có đạo đức, được xã hội trân trọng và là rường cột của nước nhà, chứ không phải là những món quà hay phong bì nặng nhẹ. Có như thế người thầy mới thấy mình làm tròn sứ mệnh mà cả dân tộc, cả xã hội giao phó. Thế nhưng với thực trạng về đạo đức học sinh đang diễn ra trong khắp các trường phổ thông trên phạm vi cả nước, có lẽ không một người thầy nào có thể an lòng nói rằng mình đã hoàn thành phần việc "trồng người".  
     
       Tin tức về bạo lực học đường và các vụ việc về đạo đức học sinh được các tờ báo mạng đăng tải hàng ngày. Nó không còn là chuyện cá biệt của một trường, một địa phương, mà nó diễn ra trên phạm vi cả nước và thật sự có thể xem như một sự khủng hoảng đạo đức học sinh trong nhà trường phổ thông. Trong hội thảo“Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh bằng phương pháp kỷ luật tích cực” do Bộ GD&ĐT tổ chức tại TPHCM tháng 5-2011, TS Nguyễn Đình Đức, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên của Bộ GD-ĐT nhận xét: Đạo đức của học sinh sinh viên thời nay đang có nhiều biểu hiện xuống cấp, nhiều hiện tượng phá vỡ cả những chuẩn mực đạo đức truyền thống. Không chỉ ở các bậc  Tiểu học, THCS, THPT, mà ngay cả ở bậc học mầm non một số học sinh đã có biểu hiện chửi thề nói tục. Việc học sinh hành xử với nhau bằng bạo lực ngày càng gia tăng. Tình trạng học sinh đánh nhau, học sinh nữ đánh hội đồng, quay phim và cho lan truyền trên internet ngày càng phức tạp. Nghiêm trọng hơn đã xảy ra những vụ học sinh tấn công thầy cô giáo, phá vở cái đạo lý "Tôn sư trọng đạo" đã trở thành truyền thống của dân tộc ta. 
         Không chỉ là ứng xử với nhau bằng bạo lực, mà những biểu hiện về sự xuống cấp đạo đức, lối sống của học sinh ngày càng diễn biến phức tạp.Thiếu tôn trọng thầy cô, coi thường kỷ luật của nhà trường; thích thể hiện bản thân một cách thái quá; yêu đương quá sớm, không lành mạnh, xa rời chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt Nam; gian lận trong học tập và thi cử...  là những biểu hiện đáng lo ngại trong HS phổ thông. Không chào hỏi người lớn, nói dối, xé bài vở mỗi khi bị điểm thấp, mạo chữ ký cha mẹ để xin nghỉ học đi chơi là chuyện thường ngày ở huyện đối với tất cả các bậc học phổ thông.Việc quay cop bài hầu như thường xuyên diễn ra kể cả với nhưng em có danh hiệu "học sinh giỏi". Điều các em cần là điểm số của bài kiểm tra, còn việc có nó như thế nào không quan trọng ( điều này cũng giống với việc có quá nhiều người lớn có tấm bằng mà không cần phải học). Từ năm 2005 đến nay, tình trạng học sinh phạm pháp có dấu hiệu ngày càng phức tạp cả về tính chất lẫn mức độ nghiệm trọng của các vụ án. Thử nghĩ mà xem, những con người mang trong mình mầm mống bạo lực hay không có chút nền tảng đạo đức khi vào đời lại nắm giữ những cương vị quan trọng của xã hội, chắc chắn chúng ta biết cuộc sống sẽ đi đến đâu.
        Đã có rất nhiều bài viết chỉ ra các nguyên nhân dẩn đến việc xuống cấp đạo đức của học sinh. Có ý kiến cho rằng do gia đình thiếu sự quan tâm, chưa kết hợp với nhà trường trong giáo dục đạo đúc của các em. Nhưng trong thực tế, không phải trường hợp học sinh vi phạm đạo đức nào cũng ở trong hoàn cảnh gia đình không quan tâm. Trong mười mấy năm làm thầy giáo, tôi đã tiếp xúc và nghe rất nhiều những lời thở than của các vị phụ huynh không may có những "nghịch tử". Đâu phải họ không quan tâm cho tương lai con cái mình, nhiều vị cũng là thầy cô giáo, cán bộ, viên chức, ý thức rất rỏ việc giáo dục đạo đức con mình. Một nguyên nhân cũng được đặt ra là kinh tế xã hội phát triển ngày càng cao và sự bùng nổ thông tin, dẫn đến việc một bộ phận gia đình khá giả chìu chuộng con mình, tạo nên sự đua đòi trong các em. Điện thoại di động, Internet, phim ảnh, của các Website đen đã tác động không nhỏ đến nhận thức, lối sống và cách hành xử của HS, làm hư hỏng học sinh bởi bản tính tò mò, hiếu động của tuổi mới lớn. Tuy nhiên việc vi phạm dạo đức của học sinh không chỉ diễn ra ở địa bàn thành phố, đô thị hay chỉ rơi vào trường hợp các em gia đình có điều kiện kinh tế. Các trường vùng sâu, xa, học sinh nghèo chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với Internet vẫn đang phải đối mặt với vấn nạn vi phạm đạo đức của học sinh.
       Nhân cách là một thứ giá trị được xây dựng và hình thành trong toàn bộ thời gian con người tồn tại trong xã hội, nó đặc trưng cho mỗi con người, thể hiện những phẩm chất bên trong con người nhưng lại mang tính xã hội sâu sắc. Hình thành nhân cách, đạo đức một con người đâu chỉ giáo dục trong nhà trường phổ thông là đủ. Nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hộ ít nhiều đều bị chi phối bởi cách mà xã hộ đó đang hành xử với nhau. Không phải Mạnh mẫu đã ba lần chuyển nhà để Mạnh Tử được ở trong môi trường xã hội tốt nhất cho việc học tập, tu dưỡng. Mạnh Tử cũng là người đưa ra thuyết tính thiện của con người rằng  nhân chi sơ bản tính thiện. Nếu được sống trong một môi trường nghiêm minh về pháp luật, chuẩn mực về đạo đức, mọi người hành xử với nhau một cách có tình có lý, chắc chắc đó sẽ là một môi trường giáo dục lý tưởng trong việc hình thành nhân cách đạo được của học sinh,
        Những bài học mà các thầy cô giáo đang cố sức rao giảng để giáo dục đạo đức của học trò mình trên lớp dường như ngược lại với các hoạt động đang diễn ra trong cuộc sống xã hội. Trong khi các giáo viên dạy nhạc cố gân cổ lên để rao giảng về thẩm mỹ âm nhạc, chắt chiu từng giờ dạy dân ca để các em biết yêu quý những giá trị tinh thần mà ông cha ta đã dày công vun đắp. Thì hàng ngày, mấy chục nhà đài liên tục phát những bài hát được gọi là nhạc trẻ với một thứ thẩm mỹ vay mượn, hổ lốn. Báo chí thì thì nhau săm soi kỷ lưỡng đời sống của các "Sao" như một sự tôn vinh. Chúng ta có nhói tim không khi nghe một học sinh lớp 6 hát nghêu ngao " vì em đam mê thú vui thân xác, nên em đánh mất mối tình của tôi.." ("Đừng để tôi biết em dối gian" - Lâm Hùng). Luật giao thông được đưa vào nhà trường để dạy cho các em, những công dân tương lai, sống và làm việc đúng luật pháp. Thế nhưng khi ra đường các em luôn phải chứng kiến những hành vi vi phạm an toàn giao thông của người lớn mà đôi khi còn có cả cảnh sát giao thông. Nhà trường thường xuyên giáo dục các em về tính trung thực, phải biết vươn lên bằng chính đôi chân của mình. Nhưng trong thực tế các em lại chứng kiến có quá nhiều người lớn không trung thực nhưng vẫn "thành đạt". Tệ sử dụng bằng giả hay mua bằng,  gian dối trong báo cáo thành tích, sự thiếu nghiêm minh của pháp luật tác động lên các em hàng ngày trách sao các em không thiếu niềm tin với những điều học được trong nhà trường. Những thứ mà các em đang học trong nhà trường dường như là một mờ lý thuyết không áp dụng được cho cuộc sống. 
        Trong  một cuộc họp chuyên môn đầu năm học 2011-2012 ở một phòng GD-ĐT cấp huyện của tỉnh An Giang, một giáo viên dạy toán lâu năm đã đề nghị nên chấp nhận với thực tế, học thật, đánh giá thật, có thể trong một vài năm huyện sẽ thua các đơn vị huyện thị khác, nhưng bù lại chúng ta biết chính xác thực trạng của học sinh mà có hướng nâng chất thật sự. Vị trưởng phòng GD-ĐT huyện trầm ngâm phát biểu " Thế thì chúng ta sẽ thua các huyện thị nhiều lắm". Vậy ra thành tích học tập của các em được xem như là một thứ đảm bảo cho vị tri chiếc ghế của người lớn sao ? Ngay cả trong nhà trường các em cũng đã chứng kiến bao nhiêu là điều thiếu trung thực. Chỉ với các chỉ tiêu về chất lượng bộ môn, chống lưu ban bỏ học, phổ cập giáo dục...cũng đã làm cho những thầy cô của chúng phải chấp nhận với việc ai cũng làm như vậy.
         Lâu nay khái niệm xã hội hóa giáo dục dường như được các trường hiểu và áp dụng như một sự vận động PHHS đóng góp các khoản chi phí, tháo gở cho nhà trường những khó khăn về mặt tài chính, hoặc việc các cá nhân bỏ tiền ra để xây dựng trường sở. Tuy nhiên, không nên hiểu xã hội hóa giáo dục một cách đơn giản dưới góc độ huy động nguồn vốn đầu tư mà phải mở rộng ra nhiều góc độ, phạm vi khác nhau, nhất là việc cả cộng đồng cùng chung tay xây dựng cho các em một nền tảng đạo đức. Xã hội hóa giáo dục chính là tạo điều kiện để toàn xã hội tham gia vào giáo dục, sao cho  đáp ứng tốt nhất nhu cầu của mọi thành viên trong xã hội, sao cho ai cũng được đến trường, ai cũng có trách nhiệm với việc giáo dục năng lực, đạo đức của học sinh tùy thuộc vào điều kiện , tính chất công việc của từng cá nhân, từng tổ chức. Làm sao gọi là xã hội hóa giáo dục khi còn quá nhiều người dửng dưng đến vô tâm khi thấy học sinh đánh nhau, làm ngơ khi thấy các em trốn học đi chơi. 
        Nhân cách, đạo đức con người hình thành không phải một sớm một chiều và nó được tác động bởi rất nhiều yếu tố xã hội. Một môi trường xã hội lành mạnh, sẽ có những tác động rất lớn trong việc giáo dục đạo đức lối sống của những thành viên trong xã hội. Chúng ta làm sao để những bài học giáo dục đạo đức trong nhà trường luôn là hiện thực cuộc sống. Những chuẩn mực ứng xử xã hội mà các em được thầy cô dạy dỗ phải được cộng đồng trân trọng và áp dụng triệt để trong cuộc sống. Như thế sẽ hình thành trong các em ý thức chấp hành những quy tắc mà xã hội đang theo đuổi trong quá trình sống, học tập và rèn luyện.
       Một nguyên nhân không kém phần quan trọng đó chính là chương trình giảng dạy đạo đức ở các cấp học phổ thông. Chương trình đạo đức được thực hiện xuyên suốt, từ bậc Mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc Tiểu học là môn Đạo đức, bậc Trung học là môn Giáo dục công dân. Thế nhưng các giáo viên dạy tiểu học cho rằng chương trình nặng tính lý thuyết, thiếu kỷ năng sống, lại không tạo được dấu ấn để tác động hình thành nhân cách học sinh. Những bài học ý nghĩa, gần gũi với đời sống không được chú trọng mà thay bằng những bài học quá trừu tượng. Còn chương trình GDCD bậc THPT, chỉ có 11 tiết dạy các vấn đề về đạo đức trên tổng số 105 tiết. Dạy đạo đức cho học sinh đâu chỉ có môn học Đạo Đức mà nó phải được tích hợp ở những bộ môn xã hội như Lịch sử, Văn học...Tôi rất thích những bài tập làm văn, những bài học thuộc lòng được học lúc nhỏ trong sách giáo khoa trước năm 1975 (ở miền Nam) với nội dung chứa đựng tình cảm yêu quê hương, đất nước, truyền thống dân tộc và giữ gìn cốt cách người Việt Nam. Còn nội dung những bài học trong sách Đạo Đức thì rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Phương pháp giáo dục đạo đức theo kiểu giáo điều không còn phù hợp nữa, cần phải đưa học sinh vào  xử lý các tình huống thực tế. Giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm thiểu những vấn đề cao xa, lớn lao, thay vào đó cần kiên trì bồi đắp lòng nhân ái, tính trung thực, lòng tự trọng, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, trọng đạo lý, sống có kỷ luật. Chương trình sách giáo khoa giáo dục công dân bậc phổ thông cần phải có những thay đổi từ nội dung đến phương pháp truyền đạt. Những giá trị đạo đức, ứng xử trong đạo lý của người Việt Nam cần phải được chuyển tải trong những tình huống cụ thể, gần gũi để học sinh dễ tiếp cận, dễ nhớ. Cần dạy cho HS những giá trị đạo đức cơ bản của con người thay cho quá nhiều kiến thức triết học, hàn lâm, thiếu vắng việc hình thành những thói quen đạo đức và kỹ năng sống phù hợp với những chuẩn mực xã hội.

Học sinh trường THCS Cái Dầu-Châu Phú-An Giang
       Giáo dục là quốc sách hàng đầu, thì việc giáo dục đạo đức học sinh chính là trang đầu của quốc sách ấy. Vai trò của Giáo dục thật sự quan trọng và có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của một dân tộc. Giáo dục là trụ cột của một quốc gia để tạo dựng, giữ gìn và phát triển các giá trị xã hội. "Nền giáo dục có tốt thì mới góp phần tạo dựng, bảo vệ được một hệ giá trị nhân bản, phù hợp với đặc trưng tốt đẹp của dân tộc và vì vậy đủ sức mạnh làm nền tảng cho xã hội phát triển, hưng thịnh; ngược lại, với nền giáo dục kém và hệ quả đi kèm với nó, hệ giá trị yếu thì dân tộc đó khó có sức bật đi lên" (GS.TS. Nguyễn Vân Nam). Giáo dục đạo đức học sinh đâu phải chỉ là nhiệm vụ của môn học Đạo Đức trong nhà trường, hay chỉ là của ngành Giáo Dục. Đã đến lúc cả xã hội cần nhìn nhận vấn đề đạo đức học sinh trong nhà trường hiện nay với một tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc. Cần phải đổi mới hoàn toàn cách thức mà lâu nay chúng ta đã dùng để giáo dục đạo đức học sinh. Bản thân giáo dục đã mang tính xã hội hóa, nhà nước cần tạo điều kiện để toàn dân tham gia vào công tác giáo dục học sinh. Điều quan trọng là cần có một môi trường xã hội lành mạnh, mọi người sống tuân thủ pháp luật và tôn trọng những giá trị đạo đức xã hội. Một môi trường xã hội tốt sẽ tác động vào nhận thức của học sinh và các em cũng phải tuân thủ những nguyên tắc ứng xử đã được học trong nhà trường mà cả xã hội đang áp dụng. Mong rằng không quá trễ cho tương lai những mầm non đất nước.

  

Không có nhận xét nào: