Thứ Sáu, 16 tháng 9, 2011

Năm tháng của tôi (trích)


Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnôm-Pênh
 



   Với tôi chiến tranh đã thật sự chấm dứt từ một ngày nắng tháng 3/1989, khi mà đoàn xe tiền trạm của Sư đoàn 339 đi qua cửa khẩu Tịnh Biên về Việt Nam chuẩn bị căn cứ cho toàn sư đoàn rút quân về nước sau 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất nước Campuchia. Thế nhưng ký ức về những tháng ngày ấy vẫn luôn mới nguyên dù đã hơn hai mươi năm. Tôi không biết cái gọi là hội chứng Việt Nam mà những người lính Mỹ mắc phải khi tham chiến ở Việt Nam nó như thế nào, còn với riêng tôi những tháng ngày làm người lính tình nguyệnCampuchia đã để lại những ký ức khó phai nhòa. Chiến tranh, cho dù ở dưới bất kỳ danh nghĩa nào cũng tàn bạo như nhau, cũng để lại những vết thương không chỉ trên da thịt mà nó còn làm rạn nứt những tâm hồn, để lại những nỗi đau mà cả một đời người không gì có thể hàn gắn lại được. Tôi chưa bao giờ tự hào với hình ảnh mình là một chiến binh, chỉ vì đơn giản tôi không thích chiến tranh. Tại sao phải bắn giết nhau ? Chắc chắn trong mỗi chúng ta cũng đã có câu trả lời cho những cuộc chiến tranh tự cổ chí kim.
Lịch sử chỉ đơn giản ghi 50 vạn quân Tào bị tiêu diệt trên sông Xích Bích cùng những tên tuổi lẫy lừng...bày ra chiến tranh. Còn những tên lính tép riu bán mạng vì bao thứ ràng buộc thì ai nhắc tới. Năm mươi vạn sinh linh, bao nhiêu là số phận! Con mất cha, vợ mất chồng, nhà cửa điêu tàn, ruộng vườn tang hoang...Hai cuộc chiến tranh để đất nước được thống nhất, người Việt Nam đã đánh đổi một cái giá quá đau thương cho nền độc lập. Có lẽ tôi sẽ không bao giờ có thể chặt đầu kẻ thù rồi lấy sọ treo tòng teng và xem đó như một niềm tự hào giống những chiến binh da đỏ. Trong quá trình tiến hóa của loài người, chiến tranh luôn song hành như một phương tiện để con người thực hiện những ý đồ của riêng hay của chung. Nhưng riêng chung gì thì không là chém giết, không là tước đoạt đi sinh mạng của con người. Trong cuộc sống hàng ngày, giết chết một người là mang trọng tội, còn ở trong chiến tranh, càng giết nhiều người lại càng được ngợi khen, được tôn vinh bằng những huân, huy chương. Những người lính ở hai phía chiến hào nào có thù hiềm gì nhau. Cho dù ở bên nào, hậu quả của chiến tranh vẫn là những mất mát thương đau không gì có thể hàn gắn lại được. Tôi không biết có nên nói rằng mình may mắn đã là một người lính tình nguyện, mang theo sứ mệnh cao cả đi làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Kampuchia. Tôi chưa bao giờ cảm thấy tự hào từ khi bước ra khỏi cuộc chiến.
Mặc dù tham chiến với một vai trò khiêm tốn, và khoảng thời gian khi mà cuộc chiến đã gần hồi mãn cuộc. Nhưng những gì mà tôi nếm trãi cũng đủ để tôi nhận ra sự tàn nhẫn đến cùng cực của chiến tranh. Hai mươi năm rồi, nhưng làm sao quên được những chiếc sọ người lăn ra khi những chiếc quách xếp hàng cao quá bị gió thổi đổ xuống. Những chai bi ghi tên họ quê quán người chết lăn ra lẫn lộn trong đống xương sọ đủ loại. Hình ảnh thiếu úy Hải với đôi chân bị mìn hộp gỗ xé nát đến trên đầu gối, thằng Võ chết lãng nhach vì đi đánh cá ngay ngày 27-7…. Còn nhiều, rất nhiều những đớn đau. Những thứ ấy thỉnh thoảng khi cơn sốt rét đến, hay khi trái gió trở trời, nó lại ùa vào trong giấc mơ không đầu không đuôi, chập chờn, ma quái. Mỗi lần tin thế giới báo ở đâu đó có chiến tranh, tôi lại thấy xót xa cho số phận những người lính buộc phải tham chiến, và những người dân vô tội. Loài người có dân tộc nào mà không có những ước mơ thanh bình, ước mơ cho một cuộc sống không có giết chóc, đạn bom. Nhưng có lẽ ước mơ ấy vẫn chưa thể trở thành hiện thực khi mà còn quá nhiều những mâu thuẫn, những bất đồng trong mối quan hệ loài người. Ở trong thế kỷ 21 này, người ta vẫn tiếp tục nã súng, nổ bom vào các số phận. Nổi đau mà chiến tranh mang lại cho con người cách nhau 2000 năm có gì khác nhau.
Ký ức của những năm tháng trên đất Campuchia đã bao giờ phai nhạt. Nó như một thứ ký sinh trùng, ẩn sâu vào trong những góc xa của tâm hồn, âm thầm gậm nhấm vết thương hơn hai mươi năm vẫn chưa liền sẹo. Những đồng đội cũ năm nào, giờ kẻ còn người mất, đã một lần nào được hạnh ngộ trong một buổi chính thức tôn vinh cho những người lính tình nguyện. Có lẽ khi ghi lại những ký ức của năm tháng ấy, nó cũng là một cách để quên đi những ám ảnh đau buồn, mà cũng là một lời tưởng niệm đến những người đã không thể về được Việt Nam.
Hơn hai mươi năm rồi, chiến tranh Biên giới Tây nam-1979 vẫn chưa được công bố chính thức trên các phương tiện truyền thông chính thống. Nó chưa hề được vinh danh như chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày 30-4-1975, mặc dù nó được chính danh với một mục đích tốt đẹp, Làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia và ngăn chặn tội ác diệt chủng. Đã có bao nhiêu người lính tình nguyện hy sinh tuổi xuân để rồi âm thầm nằm lại trên một cánh rừng xa lạ, trên một vùng đất không có tiếng ầu ơ. Bao nhiêu người trở về với vết chân tròn trên cát, trở về với tấm thân bị hành hạ bởi các trận sốt rét rừng dai dẳng. Những bà mẹ Việt Nam đã hai lần đau đáu chờ con, và lần thứ ba cũng đau đáu chờ con để rồi lẳng lặng thắp một nén hương cho người đi mãi mãi.
……Vậy là ngày 39-4-1975 không hề xảy ra một cuộc chiến nào ở quê tôi. Hòa bình rồi ư ! Không còn đại bác ru đêm, không còn quanh đây đã có xác người. Chiến tranh chỉ là những bài học lịch sử về hào khí của cha ông chống giặc ngoại xăm bảo vệ đất nước. Chiến tranh thơ mộng làm sao qua những vần thơ của Phạm Tiến Duật, của Chế Lan Viên. Chiến tranh cũng thật nhẹ nhàng và trữ tình như những giai điệu của Hoàng Hiệp, của Phan Huỳnh Điểu...Tôi lớn lên với những bản anh hùng ca về hai cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta. Những cuốn sách nho nhỏ trong thư viện của trường về Đoàn, về Đội, về lý tưởng cách mạng của thanh niên, về những tấm gương như Lê Văn Tám (mà bây giờ ta mới biết là một nhân vật không có thật), về Nguyễn Văn Trỗi, cũng đã khơi dậy trong lòng bọn nhóc chúng tôi ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ. Cũng vào Đoàn, Đội, cũng giương cờ, giơ cao khẩu hiệu và nguyện hết sức trẻ để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chuyện Cha tôi đi học tập cải tạo, hay chuyện người ta kiểm kê tịch biên lúa trong bồ nhà tôi chỉ là chuyện của lịch sử, chẳng ảnh hưởng gì đến nhiệt huyết tuổi xuân đang cuồn cuộn dâng lên .Mà lúc ấy tôi đâu đã có ý thức về chính trị xã hội để có thể hiểu biết những gì diển ra xung quanh mình. Chuyện trường chuyện lớp, chuyện bắt cá bắt cua, chuyện vui chơi đa choán hết cả thời gian rồi.
Chứng tích tội ác của bọn Pôn-Pôt tại xã Ba Chúc
Chứng tích tội ác của bọn diệt chủng Pôn-Pôt tại xã Ba Chúc
Mùa lũ năm 1978, nước lớn hơn tất cả những mùa lũ mà tôi được biết. Nước ở khắp mọi nơi, nước ngập hầu như toàn bộ căn nhà của tôi. Ở trong nhà cũng phải bắt cầu để đi lại. Mọi sinh hoạt hàng ngày chỉ gói gọn trên chiếc giường ngủ. Người lớn rầu thúi ruột, còn bọn nhóc chúng tôi thì khoái vô cùng. Trường ngập rồi, bây giờ tha hồ câu cá ... ngay trong nhà của mình. Nước lên nhanh quá, cây lúa nước bao đời nay quen với tập tính lớn lên theo con nước, giờ không kịp theo cơn lũ, chìm sâu giữa cánh đồng mênh mông trắng xóa. Người miền tây lâu nay luôn no đủ, giờ đã biết đến cái đói. Cá tôm thì đầy ra đấy, nhưng gạo đắt như châu, lại không được mua bán tự do nên đã thắt ngặt càng thắt ngặt. Người ta phải ghé thêm khoai lang, khoai mì, lúa mì vào nồi cơm mới đủ cho cả nhà. Các loại hàng rau quả lại càng đắt, nước trắng xóa đồng chổ đâu mà trồng rau, ngay cả rau muống mọc dầy khắp cũng chịu không nổi những đợt sóng của cánh đồng trắng xóa trời mây. Không biết có phải cái khó ló cái…khôn không mà bỗng đâu đẻ ra mấy cái sáng kiến kiểu như trồng khoai lang bồ để tận dụng những khoảng sân nho nhỏ mà trước kia để cho lũ nhóc nô đùa. Những nông dân tiếc của, và cũng vì cái đói, liều mạng chống xuồng ra đồng cố vớt vát những bông lúa còn sót lại. Đã có những vụ tử vong xảy ra vì sóng to gió lớn. Tất cả đều tơi tả giữa cánh đồng bát ngát mà giờ đây như một cái biển giữa vùng châu thổ.
Đang phải đối phó với sự khốn khó của đời sống sau cải tạo công thương nghiệp và lũ lụt. Dân miền Tây lại thêm một nỗi lo lắng: chiến tranh ! Cái gã Pôn-Pốt đã trở mặt với người anh em từng chung một chiến hào. Những quả đạn pháo đã rơi vào tận thị xã Châu Đốc. Gần nhà tôi xuất hiện nhiều gia đình tản cư từ các huyện biên giới giáp ranh với Campuchia. Những người bà con bên Ngoại tôi, cũng từ Ba Chúc, Núi Dài mang cả gia đình ra tá túc ở nhà Ngoại tôi. Cái không khí lo âu, nhốn nháo bao trùm đời sống người dân quê tôi. Lũ trẻ con kháo nhau về chuyện bọn Khơ-me đỏ cáp-cà-bal-à-duôl (chặt đầu thằng việt nam) để trả mối thù từ thời ông cha ta mở đất. Người ta gom góp, gói cột những tài sản còn lại, để sẵn sàng di tản khi cần thiết. Tuy nhiên cũng có số người vẫn sinh hoạt bình thường với sự đói no. Họ bảo Quân đội NDVN bách chiến bách thắng, đế quốc Mỹ còn phải cuốn cờ, xá gì mấy thằng Khmer đỏ. Nhà tôi chẳng có cái gì quý giá để mà chuẩn bị. Chẳng lẽ chạy giặc mà khênh theo cái tủ quần áo trống trơn hay cả trăm chén, tô, dĩa của mẹ tôi để lại. Lần này thì đã không còn mẹ để làm an lòng anh em chúng tôi nữa rồi. Bà đã về núi (theo cách nói của cha tôi) từ tháng 9 âl năm 1975, và cũng ngay vào lúc đỉnh điểm của mùa nước nổi. Cha tôi đi sớm về trưa, bươn chải kiếm tiền nuôi anh em tôi. Thằng em trai mới hơn ba tuổi suy dinh dưỡng, cái đầu to như một con khỉ. Hàng ngày, tin tức chiến sự từ phía biên giới Campuchia, được mấy chú chạy xe honda ôm, những gia đình còn người thân ở lại để coi sóc mùa màng hoặc canh giữ tài sản, vườn tược cặp nhật thường xuyên. Chiến tranh đã ở ngay kia chỉ cách hơn 20 cây số về phía thị xã Châu Đốc. Chỉ bằng một tằm bắn của pháo 105 ly ! Tôi sống trong tâm trạng lo âu, hoang mang. Người lớn đang làm cái gì vậy? Tôi tự tưởng tượng ra những cảnh chạy loạn với súng, pháo nổ ùng-oàng như những bộ phim tài liệu tôi được xem đội chiếu bóng của huyện chiếu cho dân xem ở chổ tây lang của chùa Châu Long Thới Tự, mà nay nhà nước trưng dụng làm rạp chiếu bóng. Khi bọn khơ-me đỏ tràn xuống đây, cái vùng đất thanh bình được con sông Cửu long hàng năm bồi đắp phù sa, vùng đất lâu nay lúa say bông trĩu hạt, vườn xanh trái đầy cành, sẽ trở nên đồng không, nhà trống tàn hoang (Làng tôi-Văn Cao). Đang thiếu thốn như thế này nếu chạy giặc lấy cái gì mà ăn.
Tin chiến sự từ biên giới Campuchia dồn dập bay về : Trong vòng 2 tuần từ ngày 18 đến ngày 30 thang 4 năm 1978 , đã có 3.157 dân thường Ba Chúc vùng quanh núi Tượng và núi Dài đã bị quân Khmer đỏ thảm sát (trong tổng số 16 ngàn dân xã Ba Chúc). Phần lớn nạn nhân bị sát hại vào ngày 18 tháng 4, khi một toán quân Khmer xâm nhập dồn hết dân làng vào các ngôi chùa và trường học rồi thảm sát. Những người sống sót trốn được vào núi Tượng, tuy nhiên họ bị phát hiện ra vài ngày sau. Phần lớn nạn nhân bị bắn, chém, chặt đầu. Nhiều phụ nữ bị hãm hiếp, bị đóng cọc vào chỗ kín, trẻ em thì bị đâm lê trước khi giết chết. Nỗi lo chiến tranh và lòng căm thù tội ác của bọn diệt chủng gây nên với đồng bào mình sục sôi không khí quê tôi. Ở đâu tôi cũng thấy mọi người bàn tán về sự kiện Ba Chúc, ai cũng bày tỏ nỗi căm thù, ai cũng muốn ăn tươi nuốt sống quân dã man. Khắp các cơ quan, trường học, người ta tổ chức mít tinh phản đối tội ác của bọn diệt chủng. Bọn nhóc chúng tôi cũng hô khẩu hiệu đã đảo Pôn-Pốt đến khan cổ. Quả là một liều thuốc kích thích thần kỳ và cần có cho một xã hội đang mệt mỏi với nền kinh tế tả tơi, đang phải chống chọi với thiên tai, với đời sống khó khăn. Chỉ có lòng căm thù xuất phát từ nỗi đau đối với đồng bào ruột thịt của mình mới có thể giúp mọi người tạm gác những khó khăn hiện tại mà chung lòng vì một mục đích cao cả hơn là bảo vệ tổ quốc, mà trong đó có sự bình yên của gia đình họ. Trong một cuộc chiến tranh, phía bên tham chiến nào cũng muốn có được chính nghĩa. Khi có lẽ phải tất nhiên sẽ tranh thủ được cả sự ủng hộ cả trong lẫn ngoài. Không phải Bush viện vào lý do hủy bỏ vũ khí hạt nhân mà xua quân tiêu diệt S. Hussein sao. Ngay cả tên diệt chủng Pôn-pốt cũng phất lá cờ vì dân vì nước
Những điều này tôi chỉ có thể chiêm nghiệm khi đã lớn lên đi, đọc, nhìn đủ thứ. Còn hồi đó tôi cũng có chung một thắc mắc như nhiều người là, một quân đội đã trãi qua hai cuộc chiến tranh lừng danh khắp thế giới, lại không thể bảo vệ được hàng ngàn người dân vô tội. Họ đã bị giết tập thể một cách dã man. Những người bà con bên ngoại tôi đều tản cư xuống Châu Phú nên may mắn không có ai chịu chung số phận của những người bị thảm sát. Qua câu chuyện của các bác xe ôm, của mấy ông già trong quán cà phê, tôi chỉ được biết Sư đoàn 4 thuộc Quân khu 9 chịu trách nhiệm bảo vệ tuyến biên giới trong đó có xã Ba Chúc. Còn vì sao lại để xảy ra sự kiện ấy mãi đến bây giờ nó vẫn là dấu hỏi trong tôi, mà có lẽ cũng trong lòng nhiều người. Câu trả lời xin dành cho lịch sử. Còn lúc này mọi người đang bị cuốn vào cái không khí chiến tranh, bị cuốn vào những lo toan về nghĩa vụ quân sự. Sôi sục thì sôi sục, nhưng chuyện sợ chết đâu phải của riêng ai, nhất là những người có cái để mà hưởng thụ. Cái không khí thi hành nghĩa vụ quân sự cũng không khác chi với chuyện bắt quân dịch trước đây. Có ai muốn đẩy con mình ra chiến trận đâu. Người có tiền có thế thì nhẹ nhàng lo trước để con mình không có tên trong danh sách trúng tuyển. Cũng có lắm kẻ lẩn tránh trách nhiệm của mình, nên những cảnh vây bắt, bố ráp vẫn diễn ra như thời bọn nhóc chúng tôi đi xem thiếu úy Thuyền, trung sĩ Độ bao nhà bắt quân dịch. (Chẳng bằng bây giờ, hội trại tòng quân với bao nhiêu sinh hoạt thoải mái như đi cắm trại. Thời bình mà, ai cũng biết con mình đâu có phải ra trước hòn tên mũi đạn). Ở thời đại nào, chiến tranh vẫn là chuyện chẳng đặng dừng với đông đảo quần chúng nhân dân. Chính nghĩa hay phi nghĩa, thì những người lính ở hai đầu chiến tuyến và dân chúng trong vùng có chiến tranh, vẫn phải chấp nhận đớn đau phi lý và những hệ quả lâu dài của nó.
tuổi niên thiếu với những gì học được trong nhà trường, tôi chờ đợi một không khí hừng hực của những trai làng, những cánh tay thích chữ "quyết thắng", nhũng lá đơn tình nguyện và những buổi chuyện trò rôm rả biểu hiện ý chí diệt thù như những bài học lịch sử chống giặc ngoại xâm của ông cha ta trong sách lịch sử. Có lẽ tình hình kinh tế xã hội trong nước ảnh hưởng một phần nào đến tinh thần của người dân, nhưng ở góc độ nào đó, cái tinh thần đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xăm của người Việt đã không còn được như cha ông. Chỉ mới ba năm, nào là học tập cải tạo, đánh tư sản, quản lý thị trường...người miền Tây bổng dưng bị xáo trộn quá nhiều trong cuộc sống. Những tháng năm ấy, để mua được một hộp sữa cho thằng em, tôi đã phải xếp hàng nữa ngày trời. Mọi thói quen sinh hoạt thoải mái trước kia giờ bị gò bó bởi cái mô hình bao cấp cho mọi mặt của đời sống. Tiến lên XHCN, mọi người sẽ được làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu. Được sống trong một thế giới như thế thì quả là mơ ước thần tiên rồi. Nhu cầu của con người là vô tận và những kẻ lười biếng vốn dĩ rất tham lam. Họ luôn giành về mình nhiều hơn người khác vì họ không làm ra vật chất, của cải bằng người khác. Một điều chúng ta không thể không công nhận là thế giới phát triển nhờ vào những cá nhân kiệt xuất trong mọi lĩnh vực, chứ không phải những đám đông cuồng nhiệt vẫy cờ. Bằng tài năng, trí tuệ và tình yêu cuộc sống, họ đã mang lại cho thế giới những đổi thay, những thành tựu lớn lao, để con người ngày càng có cuộc sống tốt hơn. Không có họ, những cá nhân ấy, thế giới có ngày hôm nay sao? Nhưng với tuổi của tôi lúc ấy thì những thắc mắc ấy ở lại không lâu, nhường chổ cho những hiếu động tuổi trẻ. Ở trong nhà trường người ta đang ra sức xây dựng con người mới XHCN với những hoạt động Đoàn, Đội thu hút thanh thiếu niên. Ngoài những buổi học, sinh hoạt Đội, học sinh cấp hai chúng tôi hàng tuần còn có một ngày lao động XHCN, mà chủ yếu lúc này là đào kinh để chuẩn bị cho việc canh tác lúa hai vụ. Cây lúa nước bị mùa lũ năm 1978 đánh tan tác đã không còn hợp trên đồng nước miền Tây? Những buổi đi đào kinh phải ở lại cả ngày trong đồng, cực nhọc nhưng ở cái tuổi ăn chưa no ấy, chúng tôi lại thấy vui và pha một chút tự hào mình vì mọi người, mọi người vì mình như câu khẩu hiệu đỏ chói cắm trên bờ kinh.
Cuối cùng thì cái không khí lo âu, ngột ngạt lẫn hừng hực cũng vỡ òa ra khi từ biên giới Campuchia tin bộ đội Việt Nam đã phản công và đuổi bọn Khmer ra khỏi biên giới. Rỏ ràng đúng như nhận định của nhiều người về thực lực của hai bên. Bộ đội Việt nam không khó khăn gì trong việc đẩy lùi các đơn vị quân Khmer đỏ xâm lấn biên giới. Tới đầu tháng 12 năm 1978, quân đội Việt Nam được hỗ trợ bởi một số tiểu đoàn Khmer thân Việt Nam đã kiểm soát một vùng đệm dọc biên giới trong lãnh thổ Campuchia, từ Mimot đến Snuol ở các tỉnh Kampong Cham và Kratié. Ở phía Bắc, quân Việt Nam cũng kiểm soát một vùng rộng thuộc lãnh thổ Campuchia dọc theo đường 19. Ngày 23 tháng 12 năm 1978, sau khi được tăng viện, với 80.000 quân, quân đội Việt Nam đã tiến hành phản công trên toàn bộ mặt trận, đẩy lùi quân Khmer Đỏ. Sư đoàn 2 cùng trung đoàn chủ lực tỉnh Tây Ninh mở cuộc tấn công nhằm đánh bật các Trung đoàn 23 thuộc Sư đoàn 304 và Trung đoàn 13 thuộc Sư đoàn 221 của Campuchia ra khỏi các vị trí dọc theo tỉnh lộ 13 sát biên giới. Tuy nhiên chiến cuộc chưa chấm dứt, quân đội Việt Nam quyết định mở cuộc tấn công phòng ngừa vào Campuchia.Cuối tháng 1 năm 1979 cuộc phản công kết thúc thắng lợi. Đến ngày 17 tháng 1 thị xã cuối cùng là Ko Kong rơi vào tay quân đội Việt Nam và chính quyền mới của Campuchia. Cho tới cuối tháng 3, quân đội Việt Nam coi như chiếm được hết những thành phố và tỉnh lỵ quan trọng của Campuchia và tiến sát tới biên giới Thái Lan. Tuy nhiên tàn quân Pol Pot vẫn tiếp tục chống cự và quấy nhiễu, gây ra nhiều thương vong cho quân đội Việt Nam đồn trú tại Campuchia. Quân Việt Nam tiến quá nhanh chóng, nên quân Khmer Đỏ chỉ bị tan rã chứ chưa bị tiêu diệt hẳn. Nhiều đơn vị đã tập trung lại thành những đơn vị nhỏ, tiếp tục đánh du kích và quấy phá. Các đơn vị quân Việt Nam bắt đầu phân nhiệm để hành quân bình định. Nhiều sư đoàn thiện chiến đã bị hao hụt nặng được rút về nước. Những sư đoàn tân lập được gửi qua tăng cường hay thay thế. Tới cuối tháng 1 năm 1979, quân Việt Nam đã có tới 8.000 thương vong. Về phía quân Khmer Đỏ dù bị thiệt hại nặng vẫn còn khoảng 30.000 quân có còn khả năng quấy phá, phục kích, gây mất ổn định khiến Việt Nam phải duy trì một lực lượng quân sự lớn tại Campuchia. Đến cuối tháng4-1979 , xem như cơ bản đã chấm dứt cái họa diệt chủng trên đất nước chùa tháp, nhưng chính quyền mới vẫn chưa thể kiểm soát hết tình hình. Hậu quả của nạn diệt chủng quá nặng nề và tình hình bất ổn, đặt chính phủ Cộng hòa Nhân Dân Campuchia một tình thế quả là khó khăn. Campuchia bị mất, Thái Lan trở nên một địa bàn chiến lược quan trọng để Trung Quốc có thể giúp đỡ cho Khmer Đỏ tiếp tục cuộc chiến. Ông bạn lớn phương bắc đâu đành lòng bỏ rơi chú em Pôn-pôt. Hàng hóa, vũ khí, khí tài của quân Khmer đỏ hầu như được Trung quốc trang bị tất cả. Các căn cứ của quân Khmer đỏ đặt trên đất Thái rồi từ đó được vận chuyển bí mật vượt biên giới đưa vào trong nội địa cung cấp cho cái gọi là kháng chiến quân. Campuchia núi rừng trùng điệp, Khmer đỏ lại vốn đã bao nhiêu năm sát cánh với người bạn Việt Nam, đã quá hiểu việc dựa vào núi rừng lập căn cứ, làm bàn đạp , tổ chức kháng chiến lâu dài. Quân đội Nhân dân cách mạng Campuchia của Hun-xen mới được thành lập, chưa thể đãm đương bất cứ một chiến dịch quân sự nào. Vậy là quân tình nguyện Việt Nam ở vào tình thế đi thì cũng dở ở không xong. Làm sao người Việt Nam rút quân về nước được khi người bạn Hun-xen chưa thể đứng vững. Tưởng đâu chỉ một trận đánh tan kình ngạc. Ai dè đâu giờ đây quân Tình nguyện Việt Nam phải ở mắc kẹt ở lại để bảo vệ lập tự do cho nhân dân...Campuchia . Một cuộc chiến tưởng có thể kết thúc nhanh chóng lại kéo dài đến 10 năm. Nó kéo theo biết bao nhiêu là hệ lụy mà trước tiên là với chính những người lính tình nguyện và gia đình của họ. Nỗi đau trong chiến tranh có thể giống nhau, nhưng những mất mát thì hoàn toàn khác nhau. Tôi không biết các nhà sử học sẽ viết gì về ý nghĩa cuôc chiến này, nhưng sự thật thì nó đã cuốn theo bao số phận con người mà trong đó có tôi, như một chiếc lá phó mặc cho sự may rủi. Dù chỉ tham gia khi đã hồi mãn cuộc, nhưng với tôi cũng đủ quá những tàn nhẫn của chiến tranh. Sẽ không có một bù đắp nào có thể với những hậu quả mà chiến tranh đã gây ra. Ở đâu có thể mang trở lại cho bà mẹ Việt Nam những đứa con đã vĩnh viễn nằm lại ở một góc rừng xa xôi trên đất nước Campuchia.
       Cuộc chiến tranh biên giới Tây nam đã qua đi cái không khí căng thẳng khi bước chân của những người lính VN ngày càng sâu vào lãnh thổ Campuchia. Nhưng tình hình kinh tế xã hội những tháng đầu năm 1979 thật sự không dễ chịu chút nào với dân miền Tây. Hậu quả của trận lụt và tệ ngăn sông cấm chợ đã gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực ngay trên chính mảnh đất một thời làm chơi ăn thiệt này. Xóm tôi ở hầu như các gia đình đều phải chạy gạo, bữa nào xong bữa ấy. Cái lu gạo của người miền Tây vốn luôn đầy ắp giờ trống không. Cũng còn may là hồi ấy miền Tây còn nhiều cá tôm. Chuyện đi học của lũ nhóc chúng tôi ngày ấy cũng gian nan vô cùng. Trong cái khổ chung của xã hội, những gia đình nghèo có thể cho con em đến trường là một sự cố gắng vô cùng. Đã học lớp 8 lớp 9 nhưng chúng tôi vẫn phải xách bình mực đến lớp và viết bằng ngòi viết chấm lá tre. Một nhóm ba bốn đứa mới mượn được của thư viện trường một bộ sách giáo khoa dùng chung. Trường lớp đơn sơ, dụng cụ học tập thiếu thốn nhưng bọn trẻ chúng tôi vẫn hăm hở đến lớp. Khó khăn chỉ là tạm trong thời kỳ quá độ, miễn sao mọi người đồng lòng xây dựng đất nước Việt Nam sẽ có ngày mai tươi sáng.....

Không có nhận xét nào: