Thứ Năm, 8 tháng 7, 2010

Hành trình xuyên Việt 4


(Đi tực tế sáng tác lần này mình đăng ký đến 3ca khúc, nên thời gian phải tập trung cho phần nhạc. mình chỉ có thể giới thiệu sơ lược, còn lại chủ yếu các bạn xem ảnh).

Tam Đảo – Hoàng Liên Sơn.

Sau hai ngày nghỉ ngơi, khai mạc trại sáng tác tại Tam Đảo, Đoàn Văn nghệ sỹ An Giang lại tiếp tục chuyến hành trình xuyên Việt lên các tỉnh phía Bắc. Đây là lần đầu tiên tôi được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của quê hương đất nước mình ở cả hai miền Nam Bắc. Có điều gì đó bồi hồi thật khó tả. Nữa đời rồi chỉ có thể nhìn quê hương đất nước qua những bức ảnh, giờ đây những khung cảnh ấy hiện ra ngay trước mắt đẹp như một bài thơ. Chúng tôi khởi hành lúc 5g sáng khi sương mù còn giăng kín đỉnh Tam Đảo. Chỉ riêng nhà thơ Trịnh Bửu Hoài đã rất nhiều lần đến phía Bắc còn lại hầu như với cả đoàn đây là chuyến đi đầu tiên nên ai cũng thấy háo hức.

Khi mặt trời lên cũng là lúc hai bên đường khung cảnh hùng vĩ của núi rừng phương Bắc hiện lên như một bức tranh thủy mặc đầy sức sống. Dân đồng bằng, giờ đây đi giữa núi rừng thật khó hình dung những cảm giác đang diển ra trong lòng. Núi liên tiếp núi, chập chùng nối nhau chạy dài theo suốt tuyến đường xe qua. Xa xa thấp thoáng trong những hàng cây sát chân núi, những nếp nhà của người Kinh, người dân tộc thấp thoáng khi ẩn, khi hiện tạo nên những chấm phá riêng cho một vùng đất gắn liền với lịch sử chống phương Bắc của Việt Nam. Nếu chỉ xem qua ảnh, thật sự khó tưởng tượng ra hết những gì đang hiện ra trước mất chúng tôi. Những địa danh chỉ được biết qua lịch sử, giờ đây lần lượt đi qua trong hành trình của Đoàn. Tôi hình dung những đoàn quân hiếu chiến rầm rập tiến qua biên giới hòng xóa bỏ một Việt Nam, hòng biến đất nước thân yêu nầy thành một tỉnh của những kẻ xâm lăng. Mấy trăm năm trước nơi đây đã từng vang lên lời thề “Sát Thát”, quyết bảo vệ từng tất đất biên cương. Dường như đâu đây, Anh linh của những chiến binh vẫn còn đó, nhắn nhủ cùng cháu con quyết tâm giữ lấy mảnh đất thân yêu nơi tuyến đầu tổ quốc này. Tôi thật tự hào và ghi ơn những bậc tiền nhân đã không tiếc máu xương, để chúng tôi có dịp chiêm ngưỡng và tự hào về quê hương đất nước mình.

Mãi hơn 9 giờ chúng tôi mới dừng lại một quán ăn ven đường để ăn sáng. Điều tôi rất ngạc nhiên là ở đây vẫn còn phải đến quầy mua vé cho các suất ăn, kể cả cà phê như thời bao cấp. Hỏi ra mới biết đây là một quán ăn của người Trung Quốc sang việt nam làm ăn. Cũng thật thú vị, nó làm tôi nhớ đến việc xếp hàng lấy tem phiếu mua sửa cho thằng em hơn 30 năm trước ở miền Nam.

Sau hôm nay, chúng tôi sẽ nghĩ ngơi ở Tam Đảo dành thời gian cho sáng tác. Cuối tuần đoàn sẽ đi tham quan Sapa và các vùng phụ cận phía biên giới Tây Bắc trong 3 ngày rồi bế mạc trại xuôi về Nam. Bốn ngày đường về sẽ đi dọc tuyến Tây Nguyên để tham quan các địa điểm mà khi đi ra không ghé được. Chuyến đi vẫn còn nhiều thú vị đang ở phía trước.





Uống nước Sấu trên phố Hà Nội

Ở phía trước chợ Đồng Xuân - Hà Nội

Bảo tàng Hồ Chí Minh


Khoảng 11g trưa chúng tôi đến Hữu Nghị Quan. Đây rồi, nơi địa đầu tổ quốc. chỉ một bước chân thôi đã là đất Trung Quốc. Cả đoàn háo hức xuống xe đi chụp ảnh ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ này. Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài dặn đi dặn lại đừng bước chân qua đất Trung Quốc có thể có nhiêu rắc rối không đáng có. Ở Lạng Sơn có hai cửa khẩu, một để trao đổi hàng hóa và một để dành cho việc xuất nhập cảnh qua biên giới. Trời nắng nóng, nhưng không ai thấy mệt. Điều tôi chưa vừa ý là ở hai cửa khẩu, phía bên Trung Quốc họ xây dựng thật hoành tráng, có lẽ để biểu thị sức mạnh của mình. Còn bên phía cửa khẩu của Việt Nam, các công trình xây dựng còn đơn điệu và chưa xứng tầm với một của khẩu quốc tế, mà lại là cửa khẩu với Trung Quốc nữa chứ.

Theo kế hoạch chúng tôi sẽ về Hội Văn Học Nghệ Thuật Lạng Sơn để giao lưu và dùng cơm trưa. Nhưng giờ chót có một thay đổi, bửa cơm trưa và buổi giao lưu sẽ được diển ra ở độ cao 1600m trên đỉnh Mẫu Sơn sát biên giới với tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Chiếc Mercesdes lại tiếp tục leo đèo đưa cả đoàn trực chỉ lên đỉnh núi. Con đường đèo quanh co khúc khuỷu uốn lượn trên những sườn núi chập chùng mây giăng. Một bên là vực sâu, một bên là vách đá với những khúc cua gấp tay áo làm cho anh chàng tài xế tập trung đến rịn mồ hôi. Xe càng lên cao khung cảnh càng hùng vĩ và nên thơ, có cả ruộng bậc thang. Anh Hoài bảo phía Sa Pa ruộng bậc thang mới nhiều và đẹp, nhưng ai cũng tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm. Thỉnh thoảng những chú bé dân tộc bổng xuất hiện bên đường, nhìn theo xe chúng tôi mút tầm mắt. Gần 1 giờ trưa chúng tôi mới đến nơi. Sở Văn Hóa TT và DL Lạng sơn đang chuẩn bị cho lễ hội xứ Lạng năm 2010 nên hôm nay sẳn dịp Bộ Văn Hóa đến kiểm tra, họ mời đoàn An Giang đến thăm và giao lưu với ban tổ chức lễ hội.

Bửa cơm diển ra thật ấm cúng trong một nhà hàng tận tít mù trên đỉnh núi Mẫu Sơn.Tất cả đều là đặc sản của Mẫu Sơn. Rượu cất bằng nước suối Mẫu Sơn theo cách của người Nùng đã ủ được 3 năm. Lợn Mán quay, lợn nấu măng rừng chấm nước chanh rừng mà chỉ ở mẫu sơn mới có. Có cả món thắng cố đã từng nghe nói. Lâu rồi tôi rất ít uống rượu, nhưng ở trong khung cảnh này, làm sao có thể từ chối lòng hiếu khách của những bạn văn chốn lưng trời. Ở độ cao hơn 1600 mét trên đỉnh núi, tôi thật bất ngờ khi thấy một quần thể kiến trúc thật hoành tráng do người Pháp để lại.

Sau bửa cơm tôi đi loanh quanh lên các khu nhà nghỉ trên núi. Nếu để tránh cái ồn ào, xô bồ của cuộc sống thường nhật, đây quả là chốn thiên đường với không khí trong lành và khung cảnh nên thơ. Đứng ở trên cao phóng tầm mắt xung quanh, ở đâu cũng thấy núi non trùng điệp. Những con đường quanh co khúc khuỷu uốn lượn trên những triền núi, trong cái màu xanh ngút ngàn của cây rừng. Thi thoảng một vài sợi khói lãng đãng từ trong một thôn bản ẩn khuất, nhẹ nhàng bay lên, hòa vào những áng mây. Biên giới Quảng Tây-Trung Quốc chỉ cách một làn tên bay. Thú vị hơn khi bước lên đỉnh, tôi bất chợt gặp một phiên chợ nho nhỏ của người dân tộc bày bán những đặc sản núi rừng. Đào Mẫu Sơn vào dịp chín rộ (ở miền Nam không có loại đào này) – anh chàng phục vụ nhà hàng nói chúng tôi may mắn khi đến ngay lúc đào chín. Những người phụ nữ Dao trong trang phục sặc sở ngồi ở chợ phiên vẫn tranh thủ thêu áo quần. Một sự thay đổi nhỏ trong kế hoạch nhưng lại là một bất ngờ thú vị.

Rời Mẫu Sơn, chúng tôi lại tiếp tục hành trình đến thăm chùa Tam Thanh, một ngôi chùa đã nổi tiếng trong ca dao

Đồng đăng có phố kỳ lừa

Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh

Thật đáng tiếc, Nàng Tô Thị giờ đây đã không còn nữa, thay vào đó là một tượng ciment mà chúng tôi tìm mãi cũng không nhận ra được. Đành chấp nhận là đã đến thăm nàng Tô Thị.


Hồ Hoàn Kiếm

Tượng Lý Thái Tổ

Chùa Một Cột ( Diên Hựu tự)

Bảo tàng Hồ Chí minh

Tam Đảo Hà Nội

Theo kế hoạch, đoàn Văn nghệ sỹ An Giang sẽ thăm Hà Nội trong một ngày. Hà Nội vào thời điểm này nóng như thiêu, nhiệt độ trung bình 38-39 độ C, nên chúng tôi chỉ ghé thăm được vài nơi. Lăng Bác thì không thể thiếu rồi. Ngoài ra chúng còn ghé Bảo Tàng Hồ Chí Minh, chùa Một Cột, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm và cuối cùng là chợ Đồng Xuân. Tội nghiệp anh chàng lái xe, do xem bản chỉ dẫn không rỏ nên bị phạt tốc độ hết cả triệu đồng. Vậy là đã biết mùi hoa sữa và uống nước Sấu ngay trên phố Hà Nội.


Hồ Tây




Trước Lăng Bác Hồ

Đường lên Hữu Nghị quan




Phía sau lưng là biên giới Trung Quốc


Trên đỉnh Mẫu Sơn


Phiên chợ nhỏ trên Mẫu Sơn

Nhà nghỉ trên đỉnh Mẫu sơn

Từ trên đỉnh Mẫu Sơn nhìn xuống


Ở phía trên đỉnh ấy là Nàng Tô Thị, nhưng giờ đã

Ải Chi Lăng

Chùa Tam Thanh


Cột mốc 116 tại Hữu Nghị Quan

Không có nhận xét nào: