Ngày thứ tư
4 giờ 30 sáng, cả đoàn đã có mặt ở sảnh khách sạn để tiếp tục hành trình đến Tam Đảo. Hôm nay khoảng cách còn lại không nhiều, nên hành trình của chúng tôi cũng thư thả hơn. Chạy loanh quanh mãi trong thành phố, chúng tôi mới tìm được một chổ ăn sáng với món bún chả khá lạ miệng. Khác với miền nam, từ miền trung trở ra tìm một quán ăn, quán cà phê quả là khó. Hai ngày nay thật là thèm một ly cà phê đá miền nam vô cùng, cái “đen đá” ngoài này với vài viên đá bỏ vào ly cà phê đen thật khó uống vô cùng.
Rời thành phố Thanh Hóa, xe chúng tôi đi giữa những làng mạc ẩn khuất trong những hàng cây xa xa, những cánh đồng xanh màu xanh của lúa. Kể từ khi qua khỏi Nghệ An tôi mới lại thấy màu xanh của cây lúa trên những cánh đồng. Đang vào vụ cấy nên có rất nhiều người ra đồng làm việc, chủ yếu là phụ nữ. Họ cấy những mảnh ruộng chỉ to như một căn nhà ở miền nam. Đồng ruộng trãi dài hai bên con đường, còn làng mạc ở xa kia trong những hàng cây. Họa sỹ Hùng quê ở Thanh Hóa cho biết mỗi hộ được khoán một ít đất, nhưng phải chia ra làm nhiều mãnh ở những khu vực khác nhau, có mảnh tốt, có mãnh xấu nhằm để công bằng cho tất cả mọi người !
Hơn 8 giờ chúng tôi ghé lại thành Nhà Hồ trên địa phận tỉnh Thanh Hóa .Nơi đây, Hồ Qúy Ly đã xây dựng một thành trì làm kinh đô của nước Đại Ngu. Tất cả giờ chỉ còn nguyên vẹn một cổng thành và những di chỉ vừa khai quật. Khi học lịch sử trong trường phổ thông, người ta đã xem Ông như một tên phản thần, và với một sự ngu trung, người Việt đã đẩy triều đại của Ông vào chổ diệt vong¸dẫn đến mất nước vào tay của quân Minh. Cái đạo trung quân mà Khổng Tử đã truyền bá, trong trường hợp này chính thực đã phục vụ cho cái mộng bá quyền của bao triều đại Trung Quốc. Đứng trên cổng thành nhìn xung quanh cánh đồng xanh màu của lúa, tôi thật sự nuối tiếc cho những gì mà ông đã cố gắng. Ông đã rất tâm huyết với đất nước này nhưng bù lại người ta lại xem ông như một kẻ bất trung, bất nghĩa. Chỉ với thời gian ngắn ngủi, nhưng ông làm được bao nhiêu việc. Lần đầu tiên Việt Nam in tiền giấy sử dụng trong giao dịch. Ông đã cố gắng xây dựng một triều đại không bị lệ thuộc bởi phương Bắc, khẳng định bản sắc riêng của dân tộc. Chỉ riêng việc xây dựng một nền âm nhạc cung đình thoát khỏi ảnh hưởng của âm nhạc Trung Hoa cũng đủ để một người làm âm nhạc như tôi trân trọng kính phục. Nhưng tiếc thay, người ta không hiểu ông. Chính những người mà ông mong muốn mang lại sự độc lập, sự no ấm lại đẩy triều đại của ông vào chổ diệt vong.
Rời thành Nhà Hồ, đoàn chúng tôi tiếp tục tới suối cá Thần ở làng Ngọc, vượt qua rừng quốc gia cúc phương, ghé thăm chùa Trăm Gian ở ngoại thành Hà Nội. Xe chúng tôi đi trên con đường mà hai bên là núi rừng trùng điệp bao quanh. Khung cảnh đẹp và nên thơ lướt qua cửa sổ xe. Cả đoàn ai cũng lấy máy chụp ảnh, vội vã ghi lại những cảnh đẹp dọc đường qua khung cửa kính xe. Chắc chắn những bức ảnh sẽ không chất lượng lắm. Nhưng hề gì, trong đoàn chúng tôi không có nghệ sỹ nhiếp ảnh, chủ yếu là làm kỷ niệm mà.
Đoàn văn nghệ sỹ An Giang chúng tôi cũng đến chân núi Tam Đảo lúc hơn 16 giờ chiều, sau bốn ngày vượt hơn hai ngàn km. Xa xa trên đỉnh núi, thị trấn Tam Đảo ẩn hiện thấp thoáng trong mây. Cả đoàn như không còn sự mệt nhọc của bốn ngày vượt đường từ An Giang đến đây.Con đường đèo lên núi thật ngoằn nghèo, nhưng cũng thật nên thơ. Anh tài xế xe chăm chú quan sát đường, đánh những vòng cua ôm sát vách núi, điện thoại di động reo vang, nhưng anh chàng cũng chẳng dám nghe.
Cuối cùng thì chúng tôi cũng có mặt tại nhà sáng tác Tam Đảo lúc hơn 6 giờ. Thị trấn đầy mây ! Nhưng trước tiên là lấy phòng, tắm rửa rồi đi ăn cái đã. Còn rất nhiều thời gian để tôi tìm hiểu Tam Đảo.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét