Thứ Năm, 26 tháng 6, 2025

Nâng tầm Tranh đá Thất Sơn

 - Tranh đá Hoàng Nam của Tổ hợp tác Tranh đá Hoàng Nam (thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú) vừa được tham gia đánh giá, phân hạng Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2025 và được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bước phát triển này góp phần nâng tầm giá trị, đưa sản phẩm tranh đá Thất Sơn vươn xa.


Tranh đá Hoàng Nam là dòng tranh sử dụng nguyên liệu từ đá granite ở vùng Bảy Núi An Giang. Người chế tác ra loại hình tranh độc đáo này là ông Nguyễn Hoàng Nam (sinh năm 1967, ngụ thị trấn Cái Dầu). Bức tranh đá đầu tiên làm từ đá granite Bảy Núi được ông Nam cho ra đời năm 2006. Tiếp nối những năm sau là các tác phẩm tranh chữ, phong cảnh, chân dung… làm từ đá với 2 gam màu đen - trắng cũng lần lượt được ông hoàn thành.

Kể về quá trình làm tranh đá, ông Nam chia sẻ: “Tôi luôn băn khoăn vì sao đá của quê mình chỉ được dùng trong xây dựng hoặc làm cối đá, chứ chưa được sử dụng để tạo nên tác phẩm nghệ thuật. Cho đến khi nhìn thấy tranh đá quý Lục Yên, tôi nảy ra ý định dùng chất liệu đá An Giang để làm tranh”. Khi định hình được ý tưởng, ông Nam bắt đầu tìm hiểu phương pháp làm tranh đá nhưng không tìm thấy tài liệu nào hướng dẫn, vậy là ông quyết định tự làm theo cách riêng. Tận dụng thời gian rảnh trong những ngày nghỉ hè, ông Nam đến rất nhiều nơi có núi ở Tri Tôn, Tịnh Biên, Châu Đốc… tìm nguyên liệu làm tranh.


Vẽ một bức tranh đã rất kỳ công, làm tranh từ nguyên liệu đá lại kỳ công hơn gấp bội. Ông Nam cho biết: “Vì màu sắc đá granite ở An Giang không lấp lánh như đá quý, nên tôi quyết định chọn gam màu trắng - đen làm chủ đạo cho tranh của mình, tuy nhiên để tìm được đá thuần màu đen hoặc trắng không hề dễ. Tôi đến nhiều nơi góp nhặt từng viên đá có màu phù hợp, rồi tự hình dung ra công việc phải làm và chế các dụng cụ phục vụ cho những công đoạn làm tranh. Sau khi tìm được những hòn đá có màu ưng ý mang về, tôi đập nhỏ đá cho vào cối, dùng chày giã nhuyễn, dùng rây sàng phân loại hạt, dùng nước tẩy sạch hạt đá, đem phơi khô...”.

Vì đá granite An Giang không có lợi thế về màu sắc, trong quá trình tìm đá, giã nhuyễn và phân loại kích cỡ hạt đá, ông Nam cố gắng tách thành các màu sắc khác nhau để áp dụng cho nhiều đề tài. Bức tranh đá bắt đầu bằng cách xếp những hạt đá thành những đường nét sáng - tối trên nền bức vẽ do chính ông Nam phác họa. Những hạt đá lớn được dùng làm nền, những hạt nhỏ dùng vào điểm chi tiết của bức tranh, còn hạt mịn màu xám dùng để kết nối chuyển tiếp giữa 2 mảng sáng - tối. Tuy nhiên, dù tỉ mẩn bố trí những hạt đá li ti thành hình một bức tranh hoàn chỉnh vẫn chưa thể gọi là thành công, nếu công đoạn đổ keo cuối cùng để cố định đá bị thất bại. Ông Nam chia sẻ: “Cho keo kết dính lớp đá là công đoạn rất quan trọng, tôi cũng thất bại vài lần mới chọn được loại keo phù hợp và rút được kinh nghiệm khi đổ keo. Nếu đổ keo không khéo sẽ khiến lớp đá mịn bị cuốn lại làm lệch đường nét của tranh, nhất là ảnh hưởng những điểm chi tiết tạo nên độ sống động của bức tranh”.


Để hoàn thành một bức tranh đá cần thời gian khá lâu, có độ khó cao, đòi hỏi tỉ mỉ từng chút, nên rất ít tác giả khai thác loại hình làm tranh bằng chất liệu đá. Bén duyên với loại hình tranh đá này, ông Nam đã dốc nhiều tâm sức để nghiên cứu và cho ra những tác phẩm đẹp, dù chỉ mang 2 gam màu đen - trắng nhưng rất hài hòa, dung dị và chân thực… Tuy nhiên, những năm gần đây do sức khỏe không đảm bảo, lại thêm quy trình chế tác tranh đá vô cùng vất vả, nên tranh làm ra hạn chế số lượng. “Việc được chứng nhận OCOP 3 sao mở ra cơ hội để sản phẩm tranh đá phát triển. Tôi hy vọng mỗi bức tranh đá là sản phẩm văn hóa, mang vẻ đẹp của vùng Thất Sơn đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, chúng tôi có thêm động lực phát triển sản phẩm bền vững hơn”, ông Nam bày tỏ.

Bằng cách “khai sinh” ra sản phẩm tranh làm từ đá granite, ông Nam đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa của quê hương An Giang, tạo nên sản phẩm nghệ thuật đặc trưng Bảy Núi.


MỸ LINH 

http://baoangiang.com.vn/nang-tam-tranh-da-that-son-a423186.html?gidzl=PlB9KJ9NB35iwCfLD4aaDsZWm5mhI78sV-370758830awizKBqqlCN6zorH-I2Gt8B_0L6PjaTTJEbSlDG&fbclid=IwY2xjawLKKm1leHRuA2FlbQIxMABicmlkETFzRUZNUnhSaE40a1oxZGhMAR54a0BVpcb7LbnADCmCyOVPOu6jS0gnenI5riLWrItPWvlBFe7vZ9lyTN5beg_aem_NegjZisI8y728H1zBAAmrQ


Thứ Tư, 2 tháng 10, 2024

SINH NHẬT


Tôi đón tui mình

Không có nến

Không hoa

Ngày mm cười ma mai tóc trng

Tôi vi tôi

Ngược xuôi phiêu lãng

Trăm năm ơi

Còn my nhng rong chơi

01/10.



Thứ Năm, 15 tháng 8, 2024

Vũng Tàu

Anh lại về bên biển

Với em

Chiều hàng dương trong veo

Gió hát

Sóng khẽ chạm

Đất trời ngọt dịu

Bước chân thu trên đỉnh yên bình

2/8/2024





Thứ Tư, 3 tháng 7, 2024

NHẠT MÙA

Núi Cấm mùa này trời thật thấp
Nghe tiếng đá xé mây
Lãng đãng những tầng không
Con ve gọi đàn bày biện phách, sên
Hát lời kinh
Ngày lên độ lượng

Tôi nhặt nhạnh nỗi đời
Cặm cụi xếp hư hao
Tháng sáu miên man
Mưa dài huyễn hoặc
Hồng quân ngọt từng lối núi
Đêm lá rơi
Nghe nhạt tiếng mùa

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

MIỄN CHO RỒI CÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI

Đây là một câu giảng được trích từ Sấm giảng Thi văn giáo lý quyển tư Giác Mê Tâm Kệ mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại Hòa Hảo (846 câu). Câu giảng này cha tôi nhờ người kẻ chữ in hoa trang trọng đặt trước trang thờ Phật.

Cha tôi là một tín đồ PGHH từ năm 1940, một năm sau ngày Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng mối đạo. Ông nói mình vinh dự được gặp Đức Thầy 3 lần. Đó là dịp ông cùng các tín đồ khác nghe Thầy thuyết pháp trong những lần Đức Thầy đi khuyến nông.

Nội tôi là một thầy nghề võ (võ sư) có nhiều học trò trong vùng. Cha tôi là con út thứ mười ba. Nội bắt cha tôi học võ từ rất sớm, nên đến năm ông hai mươi tuổi nội đã không còn gì để dạy thêm nữa. Đó là năm 1947, cũng là năm ông nội mất. Còn bà nội thì đã mất trước hai năm.

Mồ côi cha mẹ, cha tôi gửi miếng vườn ở giồng Ông Tỏ, Chợ Mới cho mấy anh chị coi dùm, rồi một thân đi khắp nơi dạy võ kiếm sống. Cũng trải qua nhiều chìm nổi rồi cha tôi dừng chân lại ở cái thị trấn bên bờ sông Hậu này. Ở đây ông tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương của chính phủ VNCH. Rồi cha tôi gặp mẹ tôi, cô con gái thứ bảy của ông từ đình xã. Ngoại tôi là gia đình cơ sở cách mạng ở núi Tượng - Ba Chúc, do bị lộ nên ông dắt cả gia nhà ra Châu Phú sinh sống.

Cuối năm 1975, cha tôi đi học tập cải tạo về được chừng một tháng thì mẹ tôi bệnh mất đột ngột, khi đó thằng em út chỉ vừa tròn năm. Gà trống nuôi con. Còn chút vốn liếng cuối cùng ông mua lúa của nông dân rồi đi xay gạo bán lại kiếm lời. Chưa được bao lâu thì gặp vụ đánh tư sản, chính quyền địa phương đưa người tới nhà tôi xúc đi toàn bộ lúa gạo. Vợ mất, chút vốn liếng cuối cùng cũng bị tịch thu tất cả. Ông lấy chiếc xe hon da 67, đóng cái thùng kéo vào rồi cho người ta thuê chở khách, kiếm chút tiền cha con sinh sống qua ngày. Ông đi học một lớp Y học dân tộc, rồi về mở một phòng thuốc nam miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong vùng. Ngày ngày xem mạch, hốt thuốc, bỏ qua những hơn thua, dắt tay anh em tôi đi qua những thăng trầm đời sống. Nhà không có đàn bà, cha như người thầy, người mẹ. Ngoài những lúc lo việc gia đình, thời gian còn lại ông dành cho nhà thuốc, lấy việc khám chữa bệnh làm niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Ông thực hành nghiêm túc tôn chỉ hành đạo mà Đức Thầy đã dạy. Mỗi tháng ăn chay 4 ngày (chay kỳ, vào các ngày 14,15 và 29,30), cúng lạy hai thời và tuân thủ tám điều răn cấm. Ông dạy con cháu ăn hiền, ở lành, biết thương yêu và giúp đỡ mọi người, tôn trọng tổ tiên cha mẹ, biết ơn đất nước đồng bào. Ông không nhắc đến giải thoát mà chỉ một lòng cầu học Phật tu Nhân, sống nhân ái tôn trọng lẫn nhau, giữ “đạo chồng vợ thuận hòa đến thác”. Ông nói tu không chỉ là sửa đổi mà còn là trau dồi, giữ gìn nhân cách, bồi đắp đạo đức sống của mỗi cá nhân. Ông dạy anh em tôi: hãy lương thiện cho dù các con có làm nghề gì để sống Những ngày cuối đời ông sống với cái tâm rỗng rang, an bình cùng con cháu.

Cha tôi ra đi thanh thản năm ông tám mươi sáu tuổi. Ngày ông mất, có một nhóm các vị sư ni, sư thầy hơn hai mươi người đến hộ niệm. Đây là nhóm các sư, ni ở mấy chùa trên thành phố Châu Đốc chuyên đi hộ niệm vãng sanh cho những gia đình phật tử có người mất. Tất cả đều là thiện nguyện. Cha tôi không phải là Phật tử nhưng ông là một lương y hốt thuốc nam miễn phí cho người nghèo nên quý thầy, quý cô có cảm tình, đến đám tang với mong muốn trợ duyên cho cha tôi được vãng sanh về Tây phương cực lạc. Quý sư, ni đồng thanh niệm Nam mô A Di Đà Phật suốt sáu tiếng đồng hồ. Cuối buổi hộ niệm, một vị sư thầy đến sờ vào trán, vào bụng, vào chân của cha tôi rồi báo với anh em tôi: Ông ấy không được vãng sanh về cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà mà sẽ tái sanh vào lại cõi người.

Nếu điều ấy là sự thật, có lẽ với cha tôi đã là một sự viên mãn. Ông đã từng trân trọng kiếp người, ông đã sống giữ gìn cái đạo làm người, nên nếu lại được làm một con người thì đó cũng là một đền đáp. Con người không thể tự muốn là được sinh ra. Chúng ta không biết mình từ đâu rồi lại về đâu, những điều ấy với người trần là một sự “bất khả tư nghì”. Vậy nên, hãy trân trọng cái mình có thể bàn, có thể nghĩ, có nghĩa là trân trọng cuộc sống, trân trọng cơ hội làm một con người.

Tôi vẫn làm một ông giáo làng và vẫn giữ nguyên câu giảng của Đức Thầy đặt trước trang Phật như khi cha tôi còn sống. Có thể cái nguyên tắc làm người của tôi có điều này, điều nọ không hoàn toàn giống với những tiêu chuẩn mà sinh thời ông vẫn đeo đuổi. Nhưng thưa cha, dài rộng thấp cao gì thì con cũng chỉ cầu cái đạo làm người.

Tôi dường như thấy ông mỉm cười hiền từ và bao dung.  - Vậy đi con!

Mưa hè 03/06/2024


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2024

LÀ TÔI

Tôi có nỗi buồn

Và có những niềm vui

Tôi yêu ngày lên

Long lanh sương sớm

Tôi cũng yêu em

Và ước mơ chân thật

Ừ đó là tôi

Tôi không vô ngã em ơi!

Bắt đầu những ngày hè 2024


Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2024

CHỌN


Tôi chọn
Ly cà phê
Buổi sáng nhẹ nhàng
Tôi chọn nở nụ cười
Bao dung ngày mới
Tôi có thể chọn ôm đàn
Hát lời kinh hoan lạc
Chỉ là
Không chọn được
Những nỗi đời