Thứ Năm, 4 tháng 3, 2010

Hội thi Giáo viên giỏi Tỉnh An Giang


Chủ tọa đoàn của buổi lễ khai mạc

Sáng ngày 03-3-2010, tại nhà thi đấu đa năng của trường THPT chuyên Thoại Ngọc Hầu, đã diễn ra lễ khai mạc Hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh năm học 2009-2010, do sở Giáo Dục và Đào Tạo An Giang tổ chức. Đến dự lễ khai mạc có bà Phan Ngọc Trinh-Phó Giám đốc sở GD&ĐT An Giang, ông Diệp Thành Long - Trưởng phòng Giáo dục trung hoc-trưởng ban tổ chức cuộc thi, cùng với hơn 300 giám khảo và thí sinh trong đợt thi này. (mình cũng được mời làm giám khảo nữa đó)
Hội thi giáo viên giỏi là một hoạt động thường niên của ngành giáo dục An Giang . Đây là một sự cố gắng của nhằm nâng cao chất lượng của giáo viên, hướng đến mục tiêu xây dựng một đội ngủ giáo viên có đủ tâm lẫn tài, đáp ứng cho những yêu cầu trong tình hình cả nước xây dựng một nền giáo dục ngang tầm với khu vực.
Khác với mọi năm, năm nay ngoài phần thi thực hành giảng dạy, mỗi thí sinh dự thi còn phải làm bài thi phần lý thuyết. Được biết năm học này Bộ GD&ĐT cũng sẽ tổ chức hội thi Viên phấn vàng, nên trong thể lệ dự thi có thêm phần thi lý thuyết.


116 vị giám khảo của hội thi


Và 217 thí sinh dự thi đợt này


Tặng hoa cho đại diện các tổ chấm thi


Tặng cờ cho đại diện các Phòng Giáo Dục và các trường THPT

Hội thi giáo viên giỏi là một hoạt động chuyên môn rất thiết thực và bổ ích cho giáo viên cũng như cho ngành Giáo Dục. Năm nay có 217 giáo viên dự thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, có nghĩa là trong hai năm qua ngành giáo dục an giang có 217 giáo viên giỏi cấp huyện (và giỏi cấp tỉnh của những của những năm trước nữa chứ). Nếu số giáo viên giỏi ấy phát huy hết được khả năng của mình, có lẽ ngành giáo dục An Giang đã khởi sắc từ lâu rồi. Để được tham gia hội thi giáo viên giỏi cấp tỉnh, mỗi giáo viên phải trãi qua quá trình 2 năm giỏi cấp trường, 2 năm giỏi cấp huyện, có nghĩa là đến năm thứ năm mới được làm thí sinh thi giáo viên giỏi cấp tỉnh. Trong 4 năm ấy, những giáo viên tham gia thi GV giỏi phải cố gắng thật nhiều trong chuyên môn. Phải có sáng kiến kinh nghiệm, phải đạt những danh hiệu thi đua theo quy định...và cũng phải biết giữ mình. So với một giáo viên không dự thi, thì người muốn làm giáo viên giỏi phải đầu tư nhiều hơn từ thời gian, công sức, chất xám...nghĩa là cực hơn nhiều. Thế nhưng việc đãi ngộ lại làm nản lòng những người đạt danh hiệu. Ở cấp huyện, đạt giáo viên giỏi được thưởng 300 và giấy khen, còn cấp tỉnh thì 500 và bằng khen. Tiền thì chỉ đủ đãi bạn bè nhậu cốc ổi, giấy khen thì để đầu giường mà gậm nhấm niềm vui. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, liệu có đủ kích thích giáo viên phát huy hết công suất để được tiếng là giáo viên giỏi. Còn quyền lợi thì khác chi những giáo viên bình thường. Mác nói Vật chất quyết định ý thức. Ở trong bất cứ một hoạt động nào thì giữa cung và cầu phải đảm bảo một sự tương quan nhất định. Tại sao các công ty tư nhân lại thu hút được nhiều người giỏi về làm việc. Vấn đề là họ được đánh giá đúng với thực chất năng lực của họ thông qua các chính sách đãi ngộ. Với đồng lương hiện tại, có giáo viên nào mà không phải xoay xở thêm để trang trãi cho cuộc sống. Nếu sau 5 năm cố gắng giáo viên đạt danh hiệu GV giỏi cấp tỉnh, có được những đãi ngộ mà trước tiên là phải khác với giáo viên không có danh hiệu, thì người giáo viên giỏi mới cảm thấy được kích thích, cảm thấy mình được đối xử công bằng ( cho những cố gắng trong hoạt động giảng dạy). Như thế họ mới có thể cố gắng để xứng đáng với danh hiệu và cả những ràng buộc về quyền lợi. Chính việc đãi ngộ quá thấp như thế, thông thường các GV chỉ tập trung cố gắng cho các lần thi các cấp. Thời gian còn lại họ cũng chẳng phát huy được gì trong giảng dạy,. Mà mục tiêu của ngành là sự phát huy khả năng sau cuộc thi mà. Đa phần giáo viên đi dự thi với nghĩ suy thi thì phải thi vậy mà. Vì không thể không thi. Nó là một trong tiêu chí đánh giá, xét thi đua cuối năm.
Hôm dự khai mạc, giờ giải lao, tôi đem ý kiến này trình bày với một số anh em trong tổ chấm thi. Nghe xong một vị chức sắc của ngành GD Châu phú có mặt phán một câu chắc nịch Giáo viên là phải có tâm, đâu thể đòi hỏi vật chất, mà phải luôn phấn đấu vì sự nghiệp giáo dục. Tôi không dám phản biện chút nào ! Ngay cả cái nền kinh tế định hướng XHCN còn phải thị trường hóa, huống hồ là những vấn đề liên quan đến đời sống con người. Làm sao có thể còn cách nghĩ của một thời mặc quần xà lỏn bắn AK.
Bên cạnh vấn đề đãi ngộ, thì cơ sở vật chất cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến hoạt động giảng dạy của người GV. Dự thi thì chuẩn bị đầy đủ, từ những đồ dùng dạy học đến sự hổ trợ của công nghệ thông tin. Nhưng khi về trường giảng dạy thì những thứ ấy đâu phải trường nào cũng được như trường chuyên Thoại Ngọc Hầu. Vạy là đành trở lại với cách dạy chay truyền thống. Như vậy làm sao phát huy được tối đa khả năng của các giáo viên giỏi.
Vấn đề là phải đồng bộ, từ sự đãi ngộ đến những điều kiện hổ trợ giảng dạy. Đó chính là môi trường tốt nhất để những giáo viên giỏi cố gắng phát huy tối đa khả năng của mình, xứng đáng với những đãi ngộ mà mình được nhận. Có như thế Hội thi giáo viên giỏi mới đạt được những mục tiêu đạt ra.

Không có nhận xét nào: