Thứ Tư, 16 tháng 12, 2009

Vĩnh biệt hoạ sỹ tranh tràm Quốc Mỹ

Hoạ sỹ Quốc Mỹ
(1935-2009)

Hôm qua, ngày 15/12/2009, Hoạ sỹ tranh tràm Quốc Mỹ đã từ giã cuộc đời sau một thời gian nằm bệnh, hưởng dương bảy mươi lăm (âm lịch) tuổi đời.
Cuộc đời quả thật phù du.Tôi còn nhớ buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của ông ở chợ thị trấn Cái Dầu, do Hội văn học nghệ thuật Châu phú tổ chức năm 2002. Hôm ấy ông rất tươi tỉnh, mặc dù vẫn thân hình gày gò, bộ râu loà loà với mái tóc búi củ tỏi nhưng tinh thần ông rất sảng khoái. Tôi biết ông vui. Triển lãm nhỏ như cái lổ mũi - ông nói khiêm tốn, nhưng ông lại rất thích vì đây là triển lãm đầu tiên của ông tại ngay chính thị trấn ông đang sống. Khi phòng triển lãm chỉ còn lại tôi với ông ông còn cho tôi biết về dự định đi Mỹ của ông. Vậy mà giờ đây ông đã ra đi vào cỏi vĩnh hằng dù vẫn chưa thực hiện được mong muốn ấy. Có sinh thì ắt có tử, nó là cái quy luật mà mỗi chúng ta đều phải chấp nhận. Có thể ông vẫn chưa thực hiện hết những ước mơ trong đời của mình, nhưng ông đã làm thật trọn vẹn cái phần việc của mình trong cuộc sống.


Tác phẫm Xẽ núi làm đường

Hoạ sỹ Quốc Mỹ tên thật là Trần Kim Sanh, sinh năm 1935 tại Châu Phú - An Giang. Ông hiện diện giữa đời thường với một hình ảnh khá độc đáo. So với tôi, Ông thuộc lớp trưởng bối, nhưng ông không đồng ý khi tôi gọi bằng chú. Ông cười lộ hàm răng sún mất mấy cái - để cho qua còn yêu đời chút chứ em. Hồi còn học cấp 3, tôi rất hâm mộ hình ảnh một ông lão gầy còm, râu phất phơ dưới cái mũi khoằm, đầu tóc để dài chỉ cột lại bằng một sợi dây thun, và đặc biệt là khuôn mặt lúc nào cũng đăm chiêu, cũng xa xôi. Đầu thập niên 90 khi phục viên về địa phương tôi trở lại công tác ở Trung tâm Văn hoá huyện. Đồng lương nhân viên thật chật vật với một vợ và hai đứa con mới sinh đôi, nên ngoài thời gian ở cơ quan, tôi còn chạy xe honda kéo thùng chở khách tuyến Cái Dầu - Kinh Đào để lo cho đời sống. Bến rước khách lại ở ngay trước cửa nhà ông, nên mỗi khi đem xe xuống đón khách, tôi đều vào nơi ông làm tranh để nhìn ông hì hục với đống vỏ tràm. Ông sống rất giản dị, không chú ý đến hình dáng bên ngoài, tôi nói đùa ông chỉ đẹp trai hơn Bùi Giáng một tí,ông cười. Trong gian phòng nhỏ nằm cặp Quốc lộ 91 của ông bề bộn nào là vỏ tràm, keo hồ, một cái ghế xếp cũ kỹ, vài bức tranh tràm dang dở . Có hôm ông không làm, pha một bình trà rồi ngồi trò chuyện. Tôi là một người thích tìm hiểu, cái gì cũng muốn biết, nên hỏi nhiều cũng thấy ngại.Nhưng ông trả lời tất cả những điều tôi muốn biết và nói ông thích cái cách mà tôi hỏi. Ông say sưa nói về cái chất liệu vỏ tràm, nói về cách chọn màu,cách cắt ghép các mãnh, cách lên phác thảo của một bức tranh tràm....những lúc ấy ông như chìm vào trong cái thế giới của những màu sắc, của những mãng tối mãng sáng. Kỳ thực trong tôi khi ấy, ông chính là một nghệ sỹ đích thực dành trọn tình yêu của mình cho nghệ thuật.
Ông bắt đầu đến với tranh tràm khi được 35 tuổi. Ban đầu ông được mời trang trí cho các điểm đại lễ 18 tháng 5 của đạo PGHH ở địa phương. "Lấy hai mảnh vỏ tràm lớn để hai bên làm bờ đất, khoảng giữa dùng mảnh tràm mỏng làm cầu, dùng cành khô làm cây vịn, có cụ già ngồi câu cá, trên điểm vài tảng mây trôi coi như xong một bức… trình làng, vài ba hôm nó khô thì bỏ." ông nói về những ngày đầu làm tranh tràm của mình là thế. Kể từ những năm tháng ấy cho đến khi qua đời, ông đã miệt mài, đeo đuổi chất liệu vỏ tràm và đã có những thành công nhất định.


Tác phẫm Áo dài

Tranh tràm của Ông tập trung vào các chủ đề chính: ngư tiều, canh mục, bát tiên… nhưng để có sự kết hợp hài hòa giữa các mảnh vỏ tràm trắng, nâu, vàng, tím, đen thì còn đòi hỏi ở óc sáng tạo, bàn tay tinh tế tỉ mỉ, nhẹ nhàng mới có những tác phẩm mang tính nghệ thuật cao. Do chất liệu đơn thuần là vỏ tràm nên khi thành hình, bức tranh toát lên một sức sống mãnh liệt, dễ gây xúc cảm cho người xem. Năm 1982 tại hội hoa xuân Vĩnh Long, tác phẩm: Bác cùng chúng cháu hành quân và Chân dung Bác Hồ được Cty du lịch Cửu Long mua, sau đó bức tranh được tặng lại cho đoàn thông tấn Liên Xô. Năm 2002, tác phẩm: Trường Sơn vẫy gọi đạt giải nhì cuộc thi tranh nghệ thuật An Giang. Năm 2003, tác phẩm: Phố cũ Cái Dầu đạt giải nhì nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Bác Tôn. Nhiều tranh tràm của tác giả được trưng bày tại nhà lưu niệm Bác Tôn và bảo tàng Tôn Đức Thắng tại Tp.HCM. Đã có 5 bức “Chân dung Bác Hồ” được nhiều huyện trong tỉnh An Giang mua. Trước đây, Việt kiều về nước cũng mua 5 bức, giá mỗi bức 100USD. Hoạ sỹ Quốc Mỹ cũng được Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương trao Huy chương 20 năm vì Văn học nghệ thuật.
Sáng nay tôi mới được tin ông mất, lại phải đi gác thi học kỳ. Buổi chiều tôi chạy xuống nhà ông, đám ma đã kết thúc rồi. Người ta đã đưa ông về nơi an nghĩ cuối cùng vào buổi trưa. Vậy là tôi đã không đưa ông đến nơi ông sẽ gửi lại thân xác trần gian. Có lẽ ông không trách tôi. Điều quan trọng là tôi sẽ mãi nhớ về ông, một nghệ sỹ thầm lặng mang cái đẹp đến cho cuộc đời. Ông đã đến rồi đi, thật nhẹ nhàng thanh thản. Ông đã tham gia cuộc chơi với tất cả tình yêu thương cuộc sống. Có lẽ ông cũng không cần ai nhớ ai quên, nhưng cái mà ông để lại, mặc dù không lớn lao lắm, nhưng nó nói cho chúng ta biết rằng ông đã sống trong cuộc đời với tất cả trái tim của một con người. Ở một cỏi vĩnh hằng nào đó, có lẽ ông sẽ lại vào một cuộc chơi mới đầy màu sắc lung linh.

Thực hiện chân dung chủ tịch Hồ Chí minh.

Không có nhận xét nào: