Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2009

Tạp bút ngày chủ nhật


Hôm nay đi lĩnh lương về, ngồi nhìn cái phiếu lương mà lòng buồn rười rượi. Không biết đến bao giờ những ngưòi sống bằng lương như giáo viên chúng tôi mới có thể trang trãi cho các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống bằng chính đồng lương mà mình lĩnh ra. Vật giá thị trường biến động, những nhu cầu xã hội ngày một nâng cao, nhưng đồng lương cứ vẫn thế, vẫn thiếu trước hụt sau, giật đầu này vá đầu kia. Bạn tôi làm giáo viên dạy được ba mươi năm rồi, chỉ có một đứa con học đại học mà bao nhiêu năm nay anh không mua nổi một cái xe trung quốc để đi dạy, còn bà xã anh thì tối ngày ở ngoài chợ với sạp rau. Tôi không biết các nhà hoạch định chính sách tiền lương có thử chỉ sống bằng tiền lương đúng nghĩa như chúng tôi không, chứ kỳ thực có ai đâu trong chúng ta không hiểu tiền lương như thế là chết đói. Lương và phụ cấp của tôi nhận mỗi tháng là hai triệu bốn trăm ngàn, như vậy hàng trăm thứ từ mắm muối, gạo cá, đèn, dầu, điện, nước,tiền trường,tang ma,cưới hỏi,..., kể cả cái dao lam cạo râu cũng chỉ gói gọn trong tám chục ngàn đồng cho một ngày. Chỉ sống thôi đã chưa đủ nói gì đến việc mua sắm. Làm gì có thể để dành tiền với khoảng lương như thế, muốn mua sắm hay trang trãi những khoảng tiền lớn một chút, đành phải đến ngân hàng vay tín chấp, rồi trả góp bằng cách trừ dần hàng tháng vào lương. Còn nếu không dúng kỳ vay thì đành hốt hụi rồi hàng tháng cũng lại trừ hụi chết vào lương. Vậy đấy, mà có tháng nào được lĩnh trọn số tiền lương của mình chứ.Ngoài các khoản trừ cố định : Đảng phí, công đoàn phí, đoàn phí,bảo hiểm xã hội,quỹ thất nghiệp ( cái quỹ này lĩnh lương tháng 11 chúng tôi bị truy thu từ tháng 1-2009,mà không hề được triển khai hay giải thích), thì chúng tôi luôn bị "vận động " trừ các khoản như : quỹ vì người nghèo, quỹ đền ơn đáp nghĩa, mua vé số vì trẻ em nghèo, mua vé hát cũng vì người nghèo, cứu trợ lũ lụt..... Nhưng điều đáng buồn nhất là tất cả các khoản bị trừ ấy chúng tôi chưa bao giờ được thông báo, hỏi ý kiến. Lĩnh bao nhiêu, trừ bao nhiêu thủ quỹ làm phiếu ghi rỏ khi lĩnh lương, không có chuyện khiếu nại. Dĩ nhiên chuyện nhường cơm sẽ áo là đạo lý ngàn đời của người Việt Nam, những thầy cô giáo như chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu. Thế nhưng đã gọi là vận động thì cũng phải nói rỏ mục đích, yêu cầu để người được vận động hiểu rỏ,từ đó đóng góp. Còn đằng này, luôn luôn trừ xong rồi mới thông báo .Tiền lương cá nhân chính là công sức , mồ hôi của người lao động. Người lao động có quyền sở hửu tuyệt đối đối với số tiền được xem là lương hàng tháng của mình. Hành xử như thế phải chăng là một sự thiếu tôn trọng với cuộc sống và nhân phẩm của người lao động ( những thầy cô giáo chúng tôi). Trong tháng chỉ cần một cuộc vận động ở mức một trăm ngàn, có nghĩa là mất đi hơn một ngày sống. Tự dưng, người lao động phải chạy vạy, giật gấu vá vai để lấp vào cái khoản thiếu hụt do tự nguyện đóng góp ấy. Điều đáng để suy gẫm ở đây chính là cách ấy đã tước mất đi cái quyền được tự định đoạt tài sản, của cải của cá nhân đã được ghi rành rành trong hiến pháp và pháp luật. Tôi không biết có ai thấy rằng như thế là vi phạm pháp luật, xâm phạm tự do cá nhân hay không mà mọi sự vẫn diễn ra dài dài.
Theo quan điểm của Mac, ở góc độ người lao động, tiền lương phải là nguồn thu nhập chính, là nguồn tái sản xuất sức lao động và đủ để kích thích người lao động trong quá trình làm việc. Do đó họ phải được trả đúng trả đủ với sức lao động bỏ ra. Khi người lao động đã an tâm về cuộc sống sinh hoạt, họ mới có thời gian và tâm huyết cho công việc mà mình đãm nhận. Đồng lương chật vật, bấp bênh như thế, thử hỏi thầy cô giáo sao có thể toàn tâm toàn ý cho trường cho lớp. Tôi không cho rằng đồng lương thấp làm suy giãm chất lượng giáo dục. Nhưng kỳ thực, đồng lương như thế không thể kích thích được sức sáng tạo trong lao động giảng dạy, tạo nên tâm lý làm trả nợ, chưa kể đến những hệ luỵ đáng buồn từ đó. Tuần trước trong cuộc họp chi bộ của nhà trường, tôi đã chứng kiến một sự việc hết sức nhức nhối. Những điều đáng buồn của việc dạy thêm học thêm nghe nhiều rồi, trên báo, đài, internet đầy ra đấy, nhưng bây giờ chúng tôi ngồi đây để nghe một lá đơn trình bày các mâu thuẩn của học sinh với cô giáo dạy môn vật lý. Lá đơn khá dài trình bày chi tiết và kết luận cuối cùng là các em đề nghị đổi cô giáo bằng thầy đã dạy các em năm trước và cũng là giáo viên dạy thêm của các em. Nghe đọc xong lá đơn cả chi bộ nhà trưòng hầu như không ai phát biểu được điều gì. Đau đớn thật sự cho hoạt động giáo dục. Ở đây tôi không đi sâu vào chi tiết để phân tích xem ai đúng ai sai, tôi chỉ muốn nói đó có phải chăng chính là hệ quả của cái cung cách quản lý giáo dục và chế độ tiền lương hiện hành của chúng ta. Đồng lương như thế thử hỏi làm sao không tranh thủ kiếm thêm để mà sống, để mà lại đến lớp. Có thể dạy thêm được thì dạy thêm, không dạy thêm được thì phải ra ngoài tranh thủ kiếm việc thêm. Nếu đồng lương đãm bảo cuộc sống, nếu như chúng ta có một hoạt động dạy học - kiểm tra hợp lý, thì giáo viên đâu cần phải mệt mõi và mang tiếng về việc dạy thêm, và học trò cũng đâu cần tất bật ngược xuôi học thêm bù đầu bù cổ. Và như thế đồng nghiệp của tôi, học trò của tôi đâu phải rơi vào một bi kịch đau lòng đến vậy. Lâu nay khi nói về chất lượng giáo dục thì thầy cô giáo luôn là đối tượng hứng chịu nhiều búa rìu dư luận nhất. Thì cũng phải thôi, giáo viên chính là lực lượng then chốt trong hoạt động dạy học, không đổ cho giáo viên, thì ai vô đây chịu nữa chứ. Nhưng kỳ thực, phải ràng buộc với bao nhiêu thứ thủ tục quản lý, bao nhiêu quy định, có cái tưởng chừng hết sức vô lý, phản giáo dục đã biến người giáo viên trở nên thụ động. Chỉ riêng việc xem sách giáo khoa là pháp lệnh đã giết chết đi sự sáng tạo với vai trò cá nhân, biến người giáo viên trở nên một thứ phát ngôn viên cho những gì đã được đinh sẳn. Lúc Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, với những phát biểu hết sức tâm huyết của ông, giáo viên chúng tôi thật sự vui mừng hy vọng về một sự đổi mới của giáo dục nước nhà. Nhưng rồi có lẽ Ông quá bận rộn với công việc của chính phủ nên mọi việc vẫn chưa thấy tiến triển. Năm học 2008-2009, thực hiện" hai không" theo chỉ thị của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, Phòng Giáo Dục huyện tôi xoá bỏ việc áp đặt chỉ tiêu giảng dạy cho giáo viên, nhưng lại chỉ đạo mỗi giáo viên tự đăng ký chỉ tiêu cho mình căn cứ vào chất lượng cuối năm của năm học trước, đặc biệt phải phấn đấu theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Ở mỗi kỳ kiểm tra, nếu chất lượng các bài kiểm tra không đạt với chỉ tiêu, giáo viên phải cho làm bài kiểm tra lại . Ai cũng biết là ở mỗi một độ tuổi các em phát triển sinh lý khác nhau, chịu sự tác động tâm lý khác nhau, nên việc đòi hỏi tạo một cái khuôn "năm sau cao hơn năm trước" là không thể thực hiện được. Cũng em học sinh ấy ở lớp sáu,lớp bảy rất ngoan hiền,học lực luôn tiên tiến. Nhưng có ai đảm bảo khi vào lớp tám với những tác động xã hội phức tạp hiện nay, em vẫn tiếp tục giữ vững và nâng cao thành tích học tập của mình. Việc đặt chỉ tiêu như thế thật sự gây khó khăn cho người giáo viên và dù muốn dù không họ cũng phải bám vào chỉ tiêu để nhằm giữ thành tích cuối năm. Để đảm bảo được chỉ tiêu ấy, giáo viên chỉ cần nhẹ tay một chút khi ra đề kiểm tra, nếu chưa đạt thì lại hạ đề tiếp tục, hoặc đơn giản hơn là chỉ cần cộng thêm điểm cho học sinh, mà cái cách này tôi chắc sẽ được thực thi nhiều nhất. Tôi không biết chủ trương này đến từ đâu, Sở , Bộ hay chỉ là của Phòng Giáo Dục. Nếu từ Bộ thì rỏ ràng chỉ tiêu vẫn được duy trì dù rằng ta đã nói không. Còn nếu đó là chủ trương riêng của địa phương thì quả thật mạnh ai muốn làm gì làm rồi. .
Thủ tướng Phan Văn Khải có lần phát biểu rằng tiền lương của chúng ta chỉ đủ để nuôi người lao động 10 – 15 ngày, đúng là vậy, mà như thế có nghĩa là, tiền lương của chúng ta không hoàn toàn đúng nghĩa tiền lương ...... K.Marx định nghĩa tiền lương là giá trị hay giá cả của sức lao động, nhưng biểu hiện ra bên ngoài như là giá cả của lao động.(TS. Đinh Sơn Hùng - Bàn về tiền lương -Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM). Như vậy cái giá của giá trị sức lao động mà những người sống bằng lương hiện nay xem ra quá thấp. Cũng sống đấy, nhưng xem ra 10 - 15 ngày còn lại là sống thoi thóp. Làm sao đòi hỏi một nền giáo dục thăng hoa khi mà lực lượng lao động chính của nó là các thầy cô giáo chỉ nhận được đồng lương đủ sống cầm chừng. Đứa em cùng trường tôi dạy được hai mươi năm rồi, Lương và phụ cấp là ba triệu rưởi mỗi tháng ( dĩ nhiên là chưa trừ các khoản ), như vậy lương một năm là bốn mươi hai triệu. Đúng bằng con số lẻ ( 942 triệu đồng) trong tổng lương một năm của ông Thứ trưởng kiêm Tổng giám đốc SCIC. Úi chà, giá trị sức lao động của giáo viên nói riêng và của cán bộ công nhân viên hưởng lương nhà nước chỉ có ngần ấy thôi, thế mà giá trị sức lao động của ông thứ trưởng lại đến ngần này. Bốn mươi hai trên chín trăm bốn mươi hai. Có lẽ ông ấy có được một sức cống hiến ghê gớm nên giá trị sức lao động cao hơn hai chục lần so với những giáo viên, công nhân viên chức cũng ngày ngày hì hục hết sức lao động của mình. Dĩ nhiên câu hỏi này không dễ gì mà một giáo viên như tôi có thể hiểu được.
Đãi ngộ là thế, ràng buộc là thế, nhưng trách nhiệm lại quá lớn trên đôi vai người giáo viên. Trong đạo lý của nghười Việt nam, người thầy luôn phải là một chuẩn mực đạo đức một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trước đây tôi công tác ở nghành văn hoá, hôm nào gặp bạn bè lỡ quá chén, vung tay múa chân cùng cũng chẳng có ai để ý. Giờ làm thầy giáo mọi thứ đều luôn phải chừng mực, luôn phải kiểm soát các ứng xử của mình trong cuộc sống. Có những chuyện người khác làm không ai nói gì, nhưng chỉ cần thầy cô giáo mó vào là lập tức lại vang lên điệp khúc : Thầy cô giáo mà vậy đó hả ? Nhưng rỏ ràng là thầy cô giáo cũng phải sống chứ, nếu đồng lương đãm bảo cuộc sống, thì người lao động sẽ an tâm làm việc và giãm được những tác động không đáng có ảnh hương hoạt động nghề nghiệp của họ. Đối với Giáo viên hiện nay đâu chỉ có việc đồng lương thấp ảnh hưởng đến cuộc sống, tạo nên những áp lực đối với giảng dạy. Từ việc quản lý rườm rà, nhiều quy định, đến những sự tác động của xã hội, của phụ huynh và của cả học sinh cũng làm cuộc sống của người giáo viên càng thêm phức tạp. Mấy năm gần đây đọc báo thấy nhiều vụ việc học sinh vô lễ, hành hung giáo viên nhan nhản ra đó, thấy mà buồn. Tôn sư trọng đạo, cái đạo lý ấy đã giờ có còn phù hợp với một xã hội phát triển hay không. Trò không trọng thầy, xem thường những cố gắng của thầy cô giáo, không ý thức được chính những điều học được trong nhà trường là hành trang trong cuộc sống . Có bậc trí giả nào mà không đi qua ngưỡng cửa trường học, những cống hiến của cá nhân trong xã hội ai nói không có công lao của các thầy cô giáo. Những lỗi lầm của học sinh thì do các em trẻ người non dạ. Còn với thầy cô, sao chúng ta không vị tha, không thấu hiểu. Với những áp lực cuộc sống như thế, làm sao đảm bảo rằng mình có thể được bình tỉnh và kiểm soát tất cả những hành vi, ứng xử của mình trong mọi tình huống. Hôm qua, sau buổi coi thi môn vật lý, T một giáo viên trẻ dạy cùng trường rủ tôi đi uống cà phê. Trưa nay mặt hắn buồn rười rượi. Hắn bảo lúc thu bài, do không kềm chế được nên đã tát tai một đứa học trò. -Em biết mình nóng quá, nhưng lúc ấy em không dằn được, cả hai môn thi em gác cùng phòng, thằng bé cứ liên tục quay ngang dọc hỏi bài, em nhắc nhở nó lại tỏ thái độ trịch thượng và rất vô lễ. Thầy biết không khi em tát tai nó, nó đã chỉ vào mặt mà nói tôi sẽ đi thưa ông. Em chẳng sợ điều gì, cuối cùng thì nghỉ dạy, em chỉ buồn, có quá nhiều thứ để buồn. Tôi không biết phải nói gì, thì có quá nhiều thứ để buồn mà. Đúng sai ta chưa bàn, nhưng rỏ ràng không một giáo viên nào mong muốn những vấn đề như thế xãy ra với mình. Nói không sợ gì, nhưng tôi biết em cũng đang rất ưư tư vì chuỵện này. Thầy Phạm Được ở Đà Nẳng, chỉ dùng thước đánh nhẹ hai cái vào tay một học sinh nữ, vậy mà Thầy và cả Hiệu trưởng phải mất đến hai lần trò chuyện , hay nói một cách trần trụi hơn là thương lượng, xin lỗi. Làm Thầy bây giờ buồn đến thế sao ? Mấy hôm nay báo chí và các trang mạng đưa tin về việc Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM chuẩn y nghị quyết buộc thôi việc đối với Thầy giáo Võ Hải Bình, giáo viên môn toán Trường THPT Lê Quý Đôn, quận 3 TP, Hồ Chí Minh. Ở trong trường tôi ( mà có lẽ các trường khác cũng vậy thôi) giáo viên cũng bàn tán xôn xao. Người đồng tình, người phản đối, nhưng tâm lý chung là ngao ngán . Những sự việc tương tự như thế bao giờ cũng có thể xãy ra ở trong bất cứ một nền giáo dục nào, có cần phải rầm rộ dư luận xã hội, báo chí thế không. Cái cách ứng xử với người Thầy thế này có bất công lắm không. Những năm tháng nhọc nhằn bám trường bám lớp bổng chốc chẳng được ai nhớ đến khi ta phạm phải một sai lầm. Một người Thầy đã hai mươi lăm năm gắn bó với trường lớp, bao nhiêu lớp học sinh đã từ giờ toán của Thầy mà bước vào đời. Cái đóng góp cho xã hội ấy đâu thể không được được ghi nhận gì cả. Cái quyết định ấy có nghiệt ngã lắm không ? chỉ một lỗi đó mà người thầy phải mất đi cái quyền được giảng dạy của mình sau hai mươi lăm năm mòn tay với phấn trắng.. Chẳng lẻ làm giáo viên nguy cơ mất việc cao như vậy sao ? Tôi không hiểu những đồng nghiệp của tôi trong hội đồng sư phạm Trường Lê Quý Đôn, nghĩ gì khi giơ tay biểu quyết cho thầy Bình thôi việc. Hơn ai hết, họ là người thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn mà thầy cô giáo phải hứng chịu. Hôm nay biểu quyết cho đồng nghiệp thôi việc, ngày mai ai bỏ phiếu cho ta ! Có lẽ phụ huynh của em học sinh trong vụ việc sẽ rất hả hê vì " công lý đã được thực thi ", nhưng rồi liệu có ray rức không khi mà niềm vui ấy được sinh ra từ nỗi đau của một người Thầy. Thầy Bình có lỗi, nhưng một lỗi ứng xử giao tiếp sư phạm như thế có đủ để kết thúc sự nghiệp của một giáo viên. Còn những người tạo nên những cái lỗi có thể làm trì trệ cả một nền giáo dục, kềm hãm sự phát triển của một cộng đồng.. thì không thấy ai đụng chạm gì đến họ. Chỉ riêng việc chỉ đạo tự đặt chỉ tiêu và bám sát chỉ tiêu theo hướng năm sau cao hơn năm trước, đã đẩy giáo viên, học sinh vào cái thế bắt buộc phải chạy theo chỉ tiêu đó. Nó có phản giáo dục không ? tôi nghĩ nó không chỉ là một lỗi lầm mà hơn thế nữa, nó còn là một tội ác. Nhưng than ôi, đâu có ai đặt mặt chỉ tên bao giờ. Nhưng chỉ cần một vụ việc tương tự như việc Thầy Bình, qua báo chí lập tức trở thành thời sự nóng hổi.
Thế đấy, làm thầy khó quá. Mà không làm thầy thì anh làm gì ? một đứa em đã nói với tôi như thế, mà như thế thật. Đã đi theo con đường này rồi, dù biết rằng cuộc sống khó khăn, dù biết rằng phải chấp nhận với bao nhiêu ràng buộc, nhưng nó vốn là cái nghiệp của những con người chọn phấn trắng bảng đen, đâu thể quay lưng lại với cái tâm huyết của mình. Chỉ mong được tạo mọi cơ chế để phát huy hết khả năng của từng cá nhân, chỉ mong các em học sinh, các bậc phụ huynh hãy nhìn lại những gì mà các thầy cô giáo đã mang lại cho con em mình, chỉ mong xã hội thấu hiểu và cảm thông với những tác động mà thầy cô giáo phải gánh chịu. Chao ôi con đường đi truyền bá kiến thức sao mà lắm chông gai !
PVHN.


Không có nhận xét nào: