Hai mươi bốn âm lịch nghỉ tết rồi, bạn rủ làm một
chuyến Tịnh Biên gửi quà cho bà con nghèo. Thì thư giản cuối năm vậy. Một giờ
trưa chúng tôi (HN, thầy Lê Quang Thái, giáo viên THCS Cái Dầu; thầy Huỳnh Văn
Phước, giáo viên THCS Vĩnh Thạnh Trung) xuất phát ở Châu Phú vậy mà gần 3 giờ
chiều mới đến An Hảo. Thầy Thái đề nghị đi tắt đường Vịnh Tre vào Tân Lập rồi
lên chợ Voi, thầy Phước nói: đi đường chính nó khỏe hơn. Vậy là thẳng lên Châu
Đốc rồi vào Nhà Bàng, Chi Lăng.
Ngoằn nghèo với những con đường nhỏ quanh co một
lúc lâu chúng tôi cũng đến được nhà của anh chị A Nan, người Khơ-me ở ấp An
Đông, xã An Hảo, huyện Tịnh Biên – An Giang. Căn nhà cấp bốn của anh chị nằm
trong xóm có đông đảo bà con khơ-me nghèo sinh sống. Thậy Phước có vẻ đã được
bà con quen thuộc, nên khi chúng tôi đến, mọi người chào đón rất thân tình. Chị
A Nan (Cái này là gọi theo thầy Phước chứ tôi không tiện hỏi) bảo với thầy Phước
bằng giọng lơ lớ: - Anh ấy trên núi đang về, hái su su với chuối mang về cho mấy
Thầy. - Ông xã của chỉ, anh ấy trồng rẫy trên núi Cấm. Thầy Phước cho tôi biết.
Nhà anh
chị A Nan như là một địa chỉ phân phối cho bà con trong những chuyến thầy Phước
mang quà vào đây. Hôm nay chỉ có gạo, mì nên mọi người không đến đông như mọi
hôm có quần áo cũ. Chị A Nan, phân chia mì vào các túi, phát cùng với gạo
cho bà con. Có người nhận được mì và gạo, cũng có người chỉ được nhận mì. Số
bánh mứt thầy Thái mua ở chợ Chi Lăng cũng được chị chia ra thành các túi nhỏ
phân phát cho lũ trẻ. Tôi hỏi có ăn tết Việt Nam không? Một người đàn ông trung
niên bảo: Không có chính thức, nhưng cũng hưởng ứng với người Việt. Cả xóm đa
phần là nhà cấp bốn sắp xếp không được trật tự lắm. Nhìn bên ngoài có vẻ như cả
xóm đều là dân lao động nghèo. Mấy đứa nhỏ nhận bánh kẹo, gật đầu “O Kuol”(*) rồi
chạy khoe tíu tít.
Ngồi một
chốc thì anh A Nan về, anh mang từ trên núi xuống một quày chuối xiêm và cả chục
ký su su non, một đặt sản của vùng Bảy Núi. - Của ít lòng nhiều, thầy Phước
không được từ chối tui. Anh A Nan vừa nói vừa lôi buồng chuối trong bao ra. Còn
bà xã anh thì lấy túi ny lon chia su su ra làm ba phần mà miệng cười tươi rói.
Thầy Phước bảo với tôi: - Cho đi tấm lòng rồi nhận lại một tầm lòng.
Rời nhà anh A Nan chúng tôi chạy về phía cuối ấp,
rồi băng đồng để đến nhà anh Nguyễn Văn Giáo, ngụ ấp An Đông, An Hảo, Tịnh
Biên. Căn nhà anh nằm chơ vơ trên bờ kinh 15 giữa cánh đồng mênh mông biển lúa.
Để ra đến nhà anh chúng tôi đã phải chạy trên con đường dọc bờ kinh vốn không
dành cho xe hai bánh.
Một gia đình hai vợ chồng và ba đứa con trong căn nhà
sàn bằng gỗ ván tạp đã cũ kỹ. Vợ anh Giáo, chị Võ Thị Kim Em (56 tuổi) đau yếu
bệnh hoạn đã mấy năm nay, tháng nào cũng phải tốn tiền thuốc điều trị. Tất cả đều
nhờ vào tiền làm mướn làm thuê của anh và đứa con trai 23 tuổi. Hai cô con gái
còn lại một lớp 9, một lớp 5 xem ra cũng bấp bênh quá. Sống giữa đồng không
mông quạnh, buổi tối gió lùa tứ phía, chỉ với vài bóng đèn led xài năng lượng mặt
trời chấp chới thì làm sao học giỏi được. Phía trước mịt mờ quá!
Thầy Phước trao cho chị một triệu rưỡi đồng,
cũng chỉ là một chút cho gia đình đón tết, nhẹ gánh cho anh trong mấy ngày
xuân. Số tiền ít ỏi nhưng anh chị rất vui, chị còn bảo cô gái lớn đi hái rau đắng
đất cho mấy chú về nấu canh ăn. Chúng tôi cũng chỉ giúp được vậy. Có quá nhiều
mảnh đời như vợ chồng chị Kim Em trong những ngày giáp tết này, và liệu có bao
nhiêu vòng tay nhân ái dang ra!
Chiều về trong ánh nắng muộn. Ngang qua đường
tránh Núi Sam, đồng lúa xanh ngắt một màu. Những cánh cò trắng chấp chới trong
buổi cuối ngày.
Tàn đông!
(*) O kuol: Cảm ơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét