Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

MIỄN CHO RỒI CÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI

Đây là một câu giảng được trích từ Sấm giảng Thi văn giáo lý quyển tư Giác Mê Tâm Kệ mà Đức Huỳnh Giáo Chủ đã viết ngày 20 tháng 9 năm Kỷ Mão (1939) tại Hòa Hảo (846 câu). Câu giảng này cha tôi nhờ người kẻ chữ in hoa trang trọng đặt trước trang thờ Phật.

Cha tôi là một tín đồ PGHH từ năm 1940, một năm sau ngày Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai sáng mối đạo. Ông nói mình vinh dự được gặp Đức Thầy 3 lần. Đó là dịp ông cùng các tín đồ khác nghe Thầy thuyết pháp trong những lần Đức Thầy đi khuyến nông.

Nội tôi là một thầy nghề võ (võ sư) có nhiều học trò trong vùng. Cha tôi là con út thứ mười ba. Nội bắt cha tôi học võ từ rất sớm, nên đến năm ông hai mươi tuổi nội đã không còn gì để dạy thêm nữa. Đó là năm 1947, cũng là năm ông nội mất. Còn bà nội thì đã mất trước hai năm.

Mồ côi cha mẹ, cha tôi gửi miếng vườn ở giồng Ông Tỏ, Chợ Mới cho mấy anh chị coi dùm, rồi một thân đi khắp nơi dạy võ kiếm sống. Cũng trải qua nhiều chìm nổi rồi cha tôi dừng chân lại ở cái thị trấn bên bờ sông Hậu này. Ở đây ông tham gia vào bộ máy chính quyền địa phương của chính phủ VNCH. Rồi cha tôi gặp mẹ tôi, cô con gái thứ bảy của ông từ đình xã. Ngoại tôi là gia đình cơ sở cách mạng ở núi Tượng - Ba Chúc, do bị lộ nên ông dắt cả gia nhà ra Châu Phú sinh sống.

Cuối năm 1975, cha tôi đi học tập cải tạo về được chừng một tháng thì mẹ tôi bệnh mất đột ngột, khi đó thằng em út chỉ vừa tròn năm. Gà trống nuôi con. Còn chút vốn liếng cuối cùng ông mua lúa của nông dân rồi đi xay gạo bán lại kiếm lời. Chưa được bao lâu thì gặp vụ đánh tư sản, chính quyền địa phương đưa người tới nhà tôi xúc đi toàn bộ lúa gạo. Vợ mất, chút vốn liếng cuối cùng cũng bị tịch thu tất cả. Ông lấy chiếc xe hon da 67, đóng cái thùng kéo vào rồi cho người ta thuê chở khách, kiếm chút tiền cha con sinh sống qua ngày. Ông đi học một lớp Y học dân tộc, rồi về mở một phòng thuốc nam miễn phí cho bệnh nhân nghèo trong vùng. Ngày ngày xem mạch, hốt thuốc, bỏ qua những hơn thua, dắt tay anh em tôi đi qua những thăng trầm đời sống. Nhà không có đàn bà, cha như người thầy, người mẹ. Ngoài những lúc lo việc gia đình, thời gian còn lại ông dành cho nhà thuốc, lấy việc khám chữa bệnh làm niềm vui trong cuộc sống hàng ngày. Ông thực hành nghiêm túc tôn chỉ hành đạo mà Đức Thầy đã dạy. Mỗi tháng ăn chay 4 ngày (chay kỳ, vào các ngày 14,15 và 29,30), cúng lạy hai thời và tuân thủ tám điều răn cấm. Ông dạy con cháu ăn hiền, ở lành, biết thương yêu và giúp đỡ mọi người, tôn trọng tổ tiên cha mẹ, biết ơn đất nước đồng bào. Ông không nhắc đến giải thoát mà chỉ một lòng cầu học Phật tu Nhân, sống nhân ái tôn trọng lẫn nhau, giữ “đạo chồng vợ thuận hòa đến thác”. Ông nói tu không chỉ là sửa đổi mà còn là trau dồi, giữ gìn nhân cách, bồi đắp đạo đức sống của mỗi cá nhân. Ông dạy anh em tôi: hãy lương thiện cho dù các con có làm nghề gì để sống Những ngày cuối đời ông sống với cái tâm rỗng rang, an bình cùng con cháu.

Cha tôi ra đi thanh thản năm ông tám mươi sáu tuổi. Ngày ông mất, có một nhóm các vị sư ni, sư thầy hơn hai mươi người đến hộ niệm. Đây là nhóm các sư, ni ở mấy chùa trên thành phố Châu Đốc chuyên đi hộ niệm vãng sanh cho những gia đình phật tử có người mất. Tất cả đều là thiện nguyện. Cha tôi không phải là Phật tử nhưng ông là một lương y hốt thuốc nam miễn phí cho người nghèo nên quý thầy, quý cô có cảm tình, đến đám tang với mong muốn trợ duyên cho cha tôi được vãng sanh về Tây phương cực lạc. Quý sư, ni đồng thanh niệm Nam mô A Di Đà Phật suốt sáu tiếng đồng hồ. Cuối buổi hộ niệm, một vị sư thầy đến sờ vào trán, vào bụng, vào chân của cha tôi rồi báo với anh em tôi: Ông ấy không được vãng sanh về cõi Tây phương cực lạc của Đức Phật A Di Đà mà sẽ tái sanh vào lại cõi người.

Nếu điều ấy là sự thật, có lẽ với cha tôi đã là một sự viên mãn. Ông đã từng trân trọng kiếp người, ông đã sống giữ gìn cái đạo làm người, nên nếu lại được làm một con người thì đó cũng là một đền đáp. Con người không thể tự muốn là được sinh ra. Chúng ta không biết mình từ đâu rồi lại về đâu, những điều ấy với người trần là một sự “bất khả tư nghì”. Vậy nên, hãy trân trọng cái mình có thể bàn, có thể nghĩ, có nghĩa là trân trọng cuộc sống, trân trọng cơ hội làm một con người.

Tôi vẫn làm một ông giáo làng và vẫn giữ nguyên câu giảng của Đức Thầy đặt trước trang Phật như khi cha tôi còn sống. Có thể cái nguyên tắc làm người của tôi có điều này, điều nọ không hoàn toàn giống với những tiêu chuẩn mà sinh thời ông vẫn đeo đuổi. Nhưng thưa cha, dài rộng thấp cao gì thì con cũng chỉ cầu cái đạo làm người.

Tôi dường như thấy ông mỉm cười hiền từ và bao dung.  - Vậy đi con!

Mưa hè 03/06/2024


Không có nhận xét nào: