Ngày muộn
Nắng vương trên lá cỏ
Cánh én chao
Hàng cau... Gió lao xao
Chiều cuối năm nồi bánh chưng đỏ lửa
Xuân năm nay vắng tiếng mẹ cười
Bao mùa xuân
Mẹ dệt yêu thương
Dệt những ước mơ
Đôi tay gầy guộc
Chái bếp quen ngày mưa tháng nắng
Khói chiều quê lãng đãng hồn quê
Những dấu chân xưa...
Con chập chửng bước theo
Gốc rạ, bờ tre. Con đường làng
Nắng!
Mẹ cho con đôi chân. Ngày tháng
Dấu chân chim. Mẹ hằn cả vào tim
Bao mùa xuân kẻ ở người đi
Chiều ba mươi mẹ vẫn canh nồi bánh
Bao mối lạt...
Nổi lòng của mẹ
Tấm lòng quê chan chứa tình quê
Luống hoa hiên nhà
tết này không nụ
Chiều cuối năm ai quét lá sân vườn
Tiếng chổi tre
Lời à ơi sâu thẳm
Góc quê ơi! thương lắm mẹ vai gầy
Những con đường tuổi thơ. Đi qua
Ngang dọc chốn quê
Lưng trâu dong ruổi
Vắt cơm muối vừng ủ nóng tàu lá chuối
Có vị mồ hôi và nước mắt mẹ tôi
Lá trầu vàng
Trái cau xanh héo úa
Lễ tổ tiên cánh phượng bay xa
Dòng sông trôi, con đò tách bến
Con ngẩn ngơ
Bờ lau trắng chiều xuân
Mùa xuân này con lại về đây
Góc sân vườn. Mẫu đơn bát ngát
Nồi bánh chưng
Lửa hồng...
Bóng mẹ
Vẫn mênh mang một góc chiều quê
Phan Võ Hoàng Nam
Ta
hãy bay theo hồi ức về quê một chiều cuối năm cùng tác giả. Với cảm xúc
đầu tiên có hình ảnh đẹp man mác, dịu nhẹ "Nắng vương trên lá cỏ/Cánh
én chao/ Hàng cau... Gió lao xao" và "Chiều cuối năm nồi bánh chưng đỏ
lửa". Phong tục tập quán của người Việt Nam, những chiều cuối năm,
thường náo nức, rộn rịp với không khí chuẩn bị đón tết bằng nồi bánh chưng. Mệt, nhưng vui và thú vị. Xôn xao tiếng nói cười, rôm rả háo hức
trong từng nhà. Nhưng ở đây là hình ảnh "... Nồi bánh chưng đỏ lửa/ Xuân
năm nay vắng tiếng mẹ cười". Một sự hụt hẫng buồn tênh. Kí ức về người
mẹ thân yêu lại ùa về. Tần tảo một đời, nuôi nấng, mong ước, hy sinh,
mong cho các con khôn lớn trưởng thành, vững bước trên đường đời". Bao
mùa xuân mẹ dệt yêu thương/Dệt những ước mơ" bằng những khó nhọc, lam
lũ, vất vả "Đôi tay gầy guộc/ Chái bếp quen ngày mưa tháng nắng/ Khói
chiều quê lãng đãng hồn quê". Một hình ảnh ẩn dụ hay, khi nhớ lại khói
đỏ lửa trong căn bếp bữa cơm chiều quê xưa, tác giả lại bâng khuâng
khắc khoải như có hồn quê bay trong khói chiều.
Bao gian lao, nhọc nhằn gian khó bàn chân mẹ đã in dấu khắp nẻo quê "Gốc rạ, bờ tre, con đường làng/ Nắng!" Khi nhớ lại "Những dấu chân
xưa..." ấy, mẹ đã nâng đỡ bước chân con từ lúc "Con chập chững bước
theo" đến đôi chân con mạnh mẽ vững bước vào đời "Mẹ cho con đôi chân.
Ngày tháng". Lặng lẽ khắc vào lòng, theo tháng năm, mẹ nhận về mình
những khổ cực bần hàn nghèo khó "Dấu chân chim. Mẹ hằn cả vào tim". Một
biểu tượng rất tuyệt vời về sự hy sinh cao cả của người mẹ, tất cả vì
những đứa con yêu của mình. Những người phụ nữ Việt Nam là vậy, những
người mẹ Việt Nam là vậy, giàu đức hy sinh, kiên cường chịu đựng gian
khổ vì con, mẹ luôn mong muốn những đứa con cận kề bên mình mặc dù chúng
đã lớn, đã trưởng thành. Nhưng với mẹ, các con của mẹ vẫn cần được vỗ
về, được tưới tắm yêu thương, được che chở. Nhưng rồi khi con cái như
những chú chim đã đủ lông cánh, vì cuộc sống, vì sự phát triển khả năng
của bản thân, chúng vẫn phải rời vòng tay mẹ, bay xa đến những chân trời
khác nhau để gây dựng cuộc sống sự nghiệp riêng mình. "Bao mùa xuân kẻ ở
người đi", dù vậy "Chiều ba mươi mẹ vẫn canh nồi bánh". Mẹ vẫn là mẹ
yêu, vẫn ngóng trông, vẫn chuẩn bị tươm tất để đón những đứa con xa quê
trở về xum họp ngày tết, đón xuân bên mẹ "Bao mối lạt.../ Nổi lòng của
mẹ/Tấm lòng quê chan chứa tình quê". Cảm xúc chiều quê cuối năm đượm
buồn, man mác về góc quê gắn với mẹ với tiếng ru à ơi âu yếm, tiếng chổi
tre quét lá trong vườn. "Chiều cuối năm ai quét lá sân vườn/Tiếng chổi
tre/Lời à ơi sâu thẳm/Góc quê ơi! thương lắm mẹ vai gầy". Nhưng tất cả
là hoài niệm, là bâng khuâng da diết. Tác giả sử dụng một loạt hình ảnh
ẩn dụ rất hay ở khổ thơ 7" Lá trầu vàng/Trái cau xanh héo úa". Mẹ đã rời
xa ta rồi, khi xưa còn, mẹ têm lá trầu cánh phượng dâng cúng trên ban
thờ tiên tổ. Giờ đây hình ảnh ấy chỉ còn khắc trong trí nhớ con thôi. "Lễ tổ tiên cánh phượng bay xa". Điều ấy xa rồi đâu còn nữa khi "Dòng
sông trôi, con đò tách bến" chỉ còn "Con ngẩn ngơ" với "... Bờ lau trắng
chiều xuân". Hình ảnh rất đắt biểu đạt sự ngậm ngùi khổ đau khi mẹ đã đi
xa, chỉ còn ta với ta trong "Bờ lau trắng chiều xuân". Một chiều xuân
không có tiếng reo ca của chim chóc, không có mầu sắc rực rỡ bừng nở
của hoa xuân chỉ có "... Bờ lau trắng" buồn lạnh mà thôi. Tôi có cảm giác
nước mắt đang chảy ngược vào lòng người con của mẹ.
"Mùa xuân này con lại về đây" và đây mới là hiện thực người con đang trở
về chăng? Ta thấy sự nao nao rưng rưng, sự khát khao một khung trời đã
vời vợi xa "Góc sân vườn. Mẫu đơn bát ngát/ Nồi bánh chưng/ lửa
hồng.../và thổn thức với câu kết "Bóng mẹ/ Vẫn mênh mông một góc chiều
quê". Như vẫn thế, mọi người dân dù làm việc, công tác xa nhà nơi đâu,
khi tết đến, xuân về, đều quay về quê hương đoàn tụ, xum vầy những ngày
tết bên gia đình, đó là truyền thống đẹp của dân tộc Việt nam. Nhưng
cũng có những người vì hoàn cảnh công việc ngặt nghèo không thể về được,
như các chiến sĩ canh gác biên cương, hải đảo, các chiến sĩ đang phục
vụ trên tuyến đầu chống dịch covid hiện nay, thì bài thơ "Góc quê
xuân & Mẹ" đã nói thay nỗi lòng, là sự gửi gắm những cảm xúc yêu
thương, chân kính đến đấng sinh thành của họ qua sự chia sẻ của tác giả.
Tôi tin rất nhiều người, trong đó có tôi, xúc động và yêu mến bài thơ
của tác giả Phan Võ Hoàng Nam.
GÓC QUÊ XUÂN & MẸ với tứ thơ không lạ nhưng hay. Tri ân về mẹ qua
sự hồi tưởng "góc quê xuân". Cảm xúc chân thực, giầu hình ảnh với phép
tu từ ẩn dụ, ôm chứa gợi tả sâu sắc rất hay về người mẹ, khiến độc giả
cũng thấy lòng chênh chao nhớ về mẹ yêu của mình. Bài thơ như bản nhạc
trữ tình mượt mà sâu lắng
Trịnh Thị Nhâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét