Nhạc sĩ Phan Thành Phước (1956-2012) |
Những hẹn hò từ nay khép lại, thân
nhẹ nhàng như mây.(Như một lời chia tay-Trịnh Công Sơn)...Có lẽ giờ này anh đang phiêu bồng ở trong cái cõi " Về " ,
trong cái tĩnh mịch hư vô, thanh thản ngàn đời. Từ giã cuộc chơi, anh đến
nơi chẳng có buồn vui, cũng chẳng còn đau khổ, không có tị hiềm, cũng chẳng cần
toan tính. Nhạc sĩ Phan Thành Phước, một trong những cánh chim đầu đàn của Phân hội
Âm nhạc An Giang, nguyên Chánh văn phòng Hội Liên Hiệp Văn học nghệ thuật An
Giang, nguyên Phó chủ tịch Phân hội Âm nhạc An Giang, hội viên Hội Liên Hiệp VHNT An
Giang đã từ trần vào lúc 11 giờ ngày 06 tháng 07 năm 2012 (nhằm ngày 18 tháng
05 năm Nhâm Thìn) sau thời gian bạo bệnh, hưởng dương 56 tuổi.
Nhạc sĩ Phan Thành Phước sinh năm 1956 tại Long Hồ -
Vĩnh Long, nhưng An Giang mới là mảnh đất mà anh gắn bó gần trọn đời mình. So
với anh, tôi thuộc lớp hậu bối xa lơ xa lắc. Anh bắt đầu sáng tác từ năm 1978
khi mà chúng tôi còn mài đũng quần trên ghé trường cấp hai. Kể từ đó đến nay,
dù ở cương vị công tác nào, dù cũng có những lúc thăng trầm cuộc thế anh vẫn
miệt mài theo đuổi những giai điệu của riêng mình, như một món nợ với đời mà
người nghệ sĩ phải vương mang.
Công tác ở ngành công an, làm chủ tịch phường,Giấm đốc
TT Văn Hóa TP. Long Xuyên, Phó Giám đốc TT Văn Hóa tỉnh, Chánh Văn phòng
Hội Liên Hiệp VHNT An Giang... con đường hoạn lộ của anh khá gập ghềnh khúc
khuỷu. Nhưng có vẻ như cái sự thăng trầm ấy không hề ảnh hưởng đến tình yêu của
anh dành cho sáng tác âm nhạc. Từ năm 1978 đến nay, anh đã viết hàng trăm ca
khúc mà rất nhiều bài trong số đó đã được Đài truyền hình Cần Thơ, truyền hình
TP. Hồ Chí Minh dàn dựng. Một số ca khúc của anh cũng được các thí sinh sử dụng
trong các kỳ Hội thi Tiếng hát truyền hình An Giang. Còn bài hát Ơn Sáng của
anh thì không thể thiếu trong các cuộc thi hát về Bác Tôn.
Cảm nhận về âm
nhạc của Phan Thành Phước, Nhạc sĩ Bá Trạng, chủ tịch phân hội Âm Nhạc An Giang
viết " Ca khúc của Phan Thành Phước mang đậm hơi thở của quê hương xứ
sở. Trong đó, có hình bóng, âm thanh của những dòng sông, cánh đồng bao quanh
quê anh. Có những đường nét mạnh mẽ của một thành phố trẻ Long Xuyên đang vươn
mình trên dòng sông Hậu". Có thể nói các thế hệ thanh niên ở An Giang
nói chung và Long xuyên nói riêng, hầu như đều biết một vài bài hát của nhạc sĩ
Phan Thành Phước. Không chỉ sáng tác những bài hát về đề tài quê hương, hay các
ca khúc cho thiếu nhi, Anh còn có nhiều tác phẩm sâu lắng cảm xúc,
mang tính tình tự riêng tư ( Nhạc sĩ Bá Trạng - chủ tịch phân hội Âm nhạc
An Giang ). Giai điệu ngọt ngào, lắng đọng của các ca khúc Đêm nằm nghe mưa
rơi, Phải chăng là tình yêu ? làm cho người
nghe cảm thấy tâm hồn mình dịu lại, thanh thản hơn trước những dông tố cuộc
đời.
Âm nhạc của anh giàu chất trữ tình với ca từ trao
chuốt và giai điệu mượt mà. Trong các ca khúc của mình, anh không hề cố gắng để
tác phẩm mang tính hàn lâm, bác học, mà dường như những giai điệu là một thứ
tiếng lòng, tự thân nó vang lên hòa quyện với những ca từ đầy chất thơ. " Em
mãi là nụ hoa, khi mùa xuân anh đến...Lửa tim anh vẫn cháy… Vẫn mãi là
tình yêu." ( Mãi là tình yêu - nhạc Phan Thành Phước )“Tình
yêu phải chăng là biển. Mà thuyền yêu nổi sóng trong lòng. Tình yêu phải chăng
là rừng. Mà đường tình nhiều lối chông gai…” ( Phải chăng là tình
yêu ? - nhạc Phan Thành Phước)
Nhạc sĩ Phan Thành Phước là người khá đa tài, Nhạc sĩ Bá
Trạng cho biết " Anh sáng tác
nhạc, viết những bài hò vè; Viết Sớ táo quân; Viết dân ca cảnh; Viết dân ca lời
mới; Viết tiểu phẩm tuyên truyền; Viết câu chuyện truyền thanh; Truyện cười và
cả Câu Đối nữa ".
Anh Trần Hồng Hải, một người bạn từ thời
trẻ của anh cho biết " Tôi và Phước là bạn thân lúc còn trẻ, trước năm
75 Phước rất có nhiều tài, chẳng những sáng tác nhạc, viết văn, mà còn có giọng
ca rất hay". Không chỉ sáng tác nhạc sĩ Phan Thành Phước còn là người
gắn bó với phong trào văn nghệ quần chúng của An Giang từ những năm đầu giải
phóng. Hầu như ở các hội thi văn nghệ của các ngành trong tỉnh, hay các quận
huyện, người ta đều thấy nhạc sĩ Phan Thành Phước với nụ cười hiền lành ngồi ở
vị trí giám khảo. Anh luôn tâm huyết với việc xây dựng môi trường văn hóa trong
lành trong cộng đồng, thường xuyên đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả
công tác.
Đa tài thường lắm gian truân, có lẽ ông bà ta nói
không sai trong trường hợp nhạc sĩ Phan Thành Phước. Cuộc sống riêng tư của anh
cũng gặp nhiều khó khăn, trắc trở. Thế nhưng những thứ ấy dường như không làm
ảnh hưởng đến nhiệt huyết của anh đối với âm nhạc. Anh vẫn viết đều đặn, những
giai điệu của anh cũng vẫn ngọt ngào, nồng chay một tình yêu đối với cuộc sống.
Biết anh hơn hai mươi năm, lúc nào gặp anh tôi cũng thấy nụ cười hiền lành, gần
gũi nở trên môi anh. Hai tháng trước, gặp anh ở văn phòng Hội, sức khỏe anh đã
xuống nhiều. Gương mặt xanh xao, nhưng nụ cười vẫn đó, vẫn ấm áp, gần gũi như
bao nhiêu năm nay anh đến với anh em. Anh vẫn say sưa nói về âm nhạc, nói về
sáng tác như không phải mình đang mang trong người một căn nan y quái ác. Cái ngọn lửa
đam mê âm nhạc vẫn hừng hực cháy trong anh như một lần anh đã trả lời
nhà báo Phan Anh khi được hỏi về những dự tính sắp tới “Viết và tiếp tục viết, bởi không viết được nữa thì
cuộc đời này có còn ý nghĩa gì!”. Nhìn vào
những giải thưởng mà anh đã gặt hái được, chúng ta cũng phần nào thấy được công
sức lao động mà anh dành cho âm nhạc.
- Giải I của ngành Công An (năm
1979)
- Giải A hội thi ca khúc chính trị
An Giang (năm 1985)
- Giải B ngành Giáo dục (năm 1996)
- Giải nhì (không có giải nhất) cuộc
thi sáng tác về Bác Tôn (năm 1998)
- Giải khuyến khích cuộc thi viết về
Thoại Sơn (năm 2005)
- Giải khuyến khích cuộc thi viết về
Châu Đốc (năm 2005)
- Giải ba cuộc thi sáng tác về cầu
Cồn Tiên - An Phú (năm 2007)
- Huy chương Chiến sĩ văn hóa
- Huy chương vì thế hệ trẻ
- Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa quần chúng
- Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam
Nói về
những cống hiến của Phan Thành Phước, Nhạc sĩ Bá Trạng nhận xét "Tôi luôn khẳng định, anh lúc nào
cũng muốn được đóng góp công sức nhỏ nhoi của mình cho cuộc đời này".
Anh ra đi ở độ tuổi đang chín muồi cho những sáng tạo,
giờ có lẽ anh đã thanh thản dạo chơi trong chốn phiêu bồng, thả hồn theo những
giai điệu vĩnh hằng. Cũng còn lại một chút tiếc nuối cho anh, với những cống
hiến cả đời mình, vậy mà khi đi gặp các bậc tiền bối trong âm nhạc, anh vẫn
chưa được là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhưng rõ ràng anh viết không vì
những điều như thế. Cho dù anh có là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam hay không
thì tôi tin rằng hình ảnh nhạc sĩ Phan Thành Phước với nụ cười hiền từ và những
giai điệu ngọt ngào của anh vẫn còn đọng mãi trong lòng của những thế hệ người
yêu nhạc ở An Giang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét