Chủ Nhật, 15 tháng 8, 2010

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP VÀ TRANH ĐÁ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN

Xin giới thiệu cùng các bạn bài viết của Quang Nguyễn ghi nhận về triển lãm thư pháp và tranh đá của mình, đăng trên trang wed của liên chi hội văn học nghệ thuật đồng bằng sông Cửu Long (http://www.vannghesongcuulong.org.vn/modules.php?name=News&op=viewst&sid=7121)

TRIỂN LÃM THƯ PHÁP VÀ TRANH ĐÁ CỦA PHAN VÕ HOÀNG NAM - ĐÔI ĐIỀU GHI NHẬN - Quang Nguyễn
15.08.2010 14:36

Xem hình
Phan Võ Hoàng Nam (bên trái) tại triển lãm mỹ thuật Châu Phú 2010
Điều ghi nhận đầu tiên, mừng cho Phân hội Mỹ thuật - Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) huyện Châu Phú trước giờ vốn “hiếm” hội viên, nay có thêm một hội viên tâm huyết với nghệ thuật tạo hình qua phong cách sáng tác rất riêng tư. Sáng tác tranh bằng đá Bảy Núi trên hai gam màu chủ đạo trắng và đen.

Ngoài tranh đá, nghệ thuật viết thư pháp cũng là thú đam mê đã gợi cho anh cảm hứng sáng tạo nên những câu chữ thư pháp với một bút nét cũng rất riêng tư... Có thể xem đây là tín hiệu dự báo một khả năng sáng tạo nghệ thuật rất đáng trân trọng và đáng mừng cho phong trào văn nghệ Châu Phú tương lai.

Người hội viên ấy là Nguyễn Hoàng Nam – giáo viên âm nhạc Trường trung học cơ sở Cái Dầu - Châu Phú- An Giang. Hội viên Hội VHNT huyện Châu Phú, hội viên Phân hội Văn học, Phân hội Âm nhạc - Hội VHNT tỉnh An Giang. Hoạt động nghệ thuật ký bút danh: Phan Võ Hoàng Nam, Nguyễn Hoàng Nam,Võ Hoàng. Anh là tác giả của ba mươi bốn bức tranh đá cùng ba mươi ba bức thư pháp, trưng bày tại đợt triển lãm mỹ thuật chào mừng 35 năm ngày thống nhất đất nước - 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do Hội VHNT huyện Châu Phú tổ chức tại Nhà hàng Hoa Miền Quê - thị trấn Cái Dầu vào những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 năm 2010 vừa qua. Triển lãm góp một phần nhỏ vào đời sống sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Châu Phú thêm hương, thêm vị. Hương vị ấy , nói như danh họa Amedeo Modigliani “ là chất men say thăng hoa nghệ thuật nhằm giữ cái đẹp vĩnh cửu với thời gian” .


Đàn bà 5

Hôm khai mạc triển lãm Thư pháp và Tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam, đông đảo bạn bè, thầy cô giáo, anh chị em văn nghệ ở Châu Phú, Châu Đốc, Long Xuyên, Phú Tân , thậm chí xa xôi từ Thành phố Hồ Chí Minh. Họa sĩ Lê Thủy - thành viên nhóm họa sĩ An Bình -Quận 5 cũng tận tình đến chia sẻ niềm vui và chúc mừng tác giả Phan Võ Hoàng Nam lần đầu tiên tổ chức triển lãm cá nhân khá “ấn tượng”.

Lễ khai mạc diễn ra ấm cúng, chân tình đậm chất văn nghệ. Triển lãm hân hạnh đón tiếp nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang, nhà văn Mai Bửu Minh - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang, họa sĩ Quang Vinh -Phân hội Mỹ thuật - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang. Ngoài ra còn có đại diện báo Tuổi Trẻ cùng đại biểu các ban ngành huyện đến tham dự bằng tình cảm và tấm lòng dành cho tác giả Hoàng Nam. Trong không khí này, tôi lại nhớ đến buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của họa sĩ Quốc Mỹ cũng tại thị trấn Cái Dầu cách nay bảy, tám năm. Năm 2002 triển lãm tranh tràm của “Lão họa sĩ ” Quốc Mỹ là triển lãm mỹ thuật đầu tiên ở Châu Phú. Năm nay 2010 triển lãm tranh đá của Hoàng Nam là lần triển lãm mỹ thuật thứ hai của giới nghệ sĩ tạo hình địa phương sau 35 năm đất nước hòa bình, thống nhất. Buổi khai mạc triển lãm tranh tràm của họa sĩ Quốc Mỹ năm ấy không có nhiều người dự vì chiều hôm khai mạc trời lại đổ mưa nên phòng triển lãm của ông vốn bố trí ở nơi vắng người qua lại, lúc ấy càng ít có khách tham quan. Họa sĩ Quốc Mỹ cũng như Hoàng Nam bây giờ lúc nào cũng ấp ủ được giới thiệu những tác phẩm “tâm huyết” của mình tới công chúng .Và dù gặp không ít khó khăn (ngoài sự quan tâm hỗ trợ của Hội VHNT trong công tác tổ chức, còn thì mọi nhu cầu khác đáp ứng cho triển lãm, họa sĩ “tự thân vận động”) cuối cùng ông cũng có được một phòng triển lãm tranh cho riêng mình trong cuộc đời làm nghệ thuật ở Châu Phú. Triển lãm mỹ thuật năm ấy, tôi nhớ mãi lời tâm sự của họa sĩ tranh tràm Quốc Mỹ khi ông đang lặng lẽ nhìn những bức tranh máu thịt của ông trước giờ khai mạc. Ông hóm hỉnh: “Triển lãm nhỏ như cái lỗ mũi (cười)... nhưng dù lớn nhỏ thế nào cũng là triển lãm của mình. Vậy mà tôi thích...”. Có lẽ chính từ niềm yêu thích da diết cái đẹp, cái thiện, cái chân ấy mà những tác phẩm tranh tràm: "Trường Sơn vẫy gọi" - Giải nhì cuộc thi tranh nghệ thuật An Giang. "Phố cũ Cái Dầu" -giải nhì kỷ niệm 115 ngày sinh Bác Tôn. "Xẻ núi làm đường", "Áo dài" , "Chiếc giày" ... của họa sĩ Quốc Mỹ chẳng những đi vào lòng người, còn ít nhiều đóng góp vào hoạt động sáng tác mỹ thuật ở An Giang nói riêng, vùng sông nước Cửu Long nói chung. Bây giờ khi ông đã về cõi vĩnh hằng, mỹ thuật Châu Phú mất đi một tài năng ! Sau ông , Châu Phú có một Phan Võ Hoàng Nam , một Hà Thanh ( thể loại tranh tràm - học trò họa sĩ Quốc Mỹ ), một Mai Hoàng Bảo Trân (Học sinh Trường Trung học Trần Văn Thành - Châu Phú – tự ghép vỏ tràm thành bức tranh “Con mèo” đăng trên Văn nghệ Châu Phú - năm 2003 ) tiếp tục tôn vinh cái đẹp cuộc sống bằng nghệ thuật tạo hình, nghĩ cũng là điều đáng trân trọng.

Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài - Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang phát biểu chúc mừng hôm khai mạc triển lãm mỹ thuật Châu Phú lần II năm 2010 , không chỉ ghi nhận những đóng góp nhiệt tình của Phan Võ Hoàng Nam đối với phong trào văn nghệ Châu Phú như tham gia nhiều bộ môn : Âm nhạc (giảng dạy, sáng tác, biểu diễn), văn học (viết bài, làm thơ) . Anh còn trân trọng ý chí, tấm lòng dành cho nghệ thuật trong đó: nghệ thuật thư pháp và tranh đá là nét nổi bật của Phan Võ Hoàng Nam. Tác giả thơ tình - Trịnh Bửu Hoài - có vẻ rất “chịu” các bức thư pháp trưng bày tại triển lãm. Những bức thư pháp ấy theo anh có bút pháp rất riêng tư, rất... thư pháp.

Nghe nói, thư pháp là thú chơi tao nhã của người Trung Quốc, là nghệ thuật viết chữ bằng các dụng cụ văn phòng tứ bảo gồm: bút, nghiên, giấy, mực. “Học tập thư pháp khả dĩ tu thân...” (học tập thư pháp có thể tu thân dưỡng tính, uốn nắn tình cảm) còn là quan niệm lâu đời của người Trung Hoa. Với quan niệm này, người Trung Quốc xem thư pháp cũng là Đạo . Nói đến thư pháp là nói đến khổ luyện. Thư gia Trương Chi đời Đông Hán mỗi ngày luyện viết thư pháp xong thì rửa bút ở ao, lâu ngày nước đen như mực (Lâm trì học thư, trì thủy tận mặc). Thuật ngữ “Lâm Trì “ bắt nguồn từ đó. Giới nghệ thuật Trung Quốc tổng kết , các đại thư gia thường phải mất vài chục năm “Lâm Trì” mới thành danh. Lịch sử phát triển thư pháp đồng thời với lịch sử phát triển chữ Hán. Vương Hi Chi (đời Tấn) đã bỏ ra 15 năm luyện chữ, bắt đầu từ chữ vĩnh (mãi mãi). Chữ Vĩnh bao quát tám nét cơ bản của chữ Hán gọi là vĩnh tự bát pháp là nền tảng của nghệ thuật viết thư pháp. Vĩnh tự bát pháp chính thức được nghiên cứu có qui củ từ nhà sư Thích Trí Vĩnh (đời Tuỳ ). Vị cháu bảy đời này của Vương Hi Chi là một tấm gương khổ luyện thư pháp “vô tiền khoáng hậu”. Ông tu ở chùa Vĩnh Hân , huyện Ngô Hưng. Ông lên lầu chùa rồi giam mình trên đó suốt 40 năm để khổ luyện thư pháp. Luyện đến mức bút mòn vất thành gò đống. Vương Hiến Chi , thuở nhỏ luyện chữ thư pháp đã gánh nước đổ đầy 18 chum để làm nước mài mực,nhờ thế mà thành danh. Hai thư gia Vương Hi Chi và Vương Hiến Chi được thiên hạ xưng tụng là Thảo thánh nhị Vương . Chữ “Thảo” của họ trở thành khuôn mẫu thư pháp từ đời Tấn đến nay. Trong “nghề chơi” thư pháp,các thư gia thường mỗi người “chuyên trị” một thư thể được gọi là thư gia hoặc họa gia, nhưng hiếm có người vừa là thư gia vừa là họa gia thành công nhất định. Ở nước ta, thế hệ nhà Nho tiền bối có rất nhiều vị viết thư pháp nổi tiếng như Phan Thanh Giản, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Long Cát vv, nhưng cũng chỉ sở trường một thư thể. Mới thấy, thư pháp là một môn nghệ thuật đòi hỏi công phu khổ luyện,tâm tĩnh như thiền mới có thể gởi hồn, phóng bút biến câu chữ thành tác phẩm thư pháp nghệ thuật đủ sức thuyết phục. Thưởng thức thư pháp của Phan Võ Hoàng Nam, với thế bút sắc mảnh mà câu chữ vẫn toát lên cái mạnh mẽ và phóng khoáng , có người liên tưởng đến nhà thư họa, danh họa đời Đường - Trung Hoa - Hàn Cán. Ông đã sáng tạo ra thể chữ “ Sấu kim thể ” mảnh mai có sức lay động không kém gì những bức tranh vẽ ngựa nổi tiếng của ông , bức “Mục mã đồ ” bức “ Ngựa trắng ban đêm ” được người Trung Quốc ca tụng. Bởi ,ông là một trong những danh họa từng được Vua Đường Huyền Tông - Lý Long Cơ (712-756) “ thuê” vào cung chỉ để vẽ thư pháp và vẽ tranh chuyên một đề tài : NGỰA. Hiện hai bức tranh ngựa nổi tiếng trên được lưu giữ tại bảo tàng New York ( Hoa Kỳ).

Ghi nhận tiếp theo, mừng cho Phan Võ Hoàng Nam lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật – dù triển lãm tổ chức ở địa phương, phạm vi nông thôn cấp huyện - vẫn thu hút sự quan tâm của công chúng. Trong đó, cảm động nhất là được lắng nghe và tiếp nhận những ý kiến đóng góp trực tiếp, chân tình xuất phát từ tấm lòng dành cho nghệ thuật của anh chị em văn nghệ sĩ trong, ngoài tỉnh. Họa sĩ Quang Vinh - Phân hội Mỹ thuật - Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật An Giang ngồi bên tôi sau buổi khai mạc đã nhận xét về triển lãm của Hoàng Nam, Anh thủng thẳng nói : “ Trong nghệ thuật, không miệt mài sáng tạo thì sẽ không có tác phẩm. Lao động nghệ thuật là lao động kiên trì, cần mẫn. Cùng với năng khiếu, sự kiên trì cần mẫn thể hiện qua các tác phẩm tranh, thư pháp của Hoàng Nam thật đáng quí, đáng trân trọng khuyến khích ”. Nhà văn Võ Diệu Thanh, tác giả tập truyện ngắn “Lời thề đá” của Văn nghệ An Giang với nụ cười luôn tươi trên môi, sau một vòng “ngắm ngắm, nghía nghía” các tác phẩm của Phan Võ Hòang Nam “phán” ngay một nhận xét: “Ông Nam “ổng” làm tranh thật lạ mà cũng thật ‘tốc độ”. Không học hội họa chính qui. Với năng khiếu và lòng đam mê , trong vòng một năm “làm” ra hơn 60 bức vừa tranh vừa thư pháp, thì thiệt ... “ bái phục ”. Võ Diệu Thanh ngoài viết văn chị còn là một nhà giáo dạy môn mỹ thuật trong ngành giáo dục Phú Tân. Tiếp lời Võ Diệu Thanh, nhà giáo , nhà thơ Thảo Vy cũng không kém ngạc nhiên về những bức thư pháp và tranh đá của đồng nghiệp Hoàng Nam . Trước giờ khai mạc, tôi thấy chị đứng ngắm bức “Áo dài ” ...rất lâu, rồi tới bức “ Trăng ” cũng “hơi lâu” không biết nhà thơ Thảo Vy “bắt gặp” điều gì đó ở hai bức tranh này ? Với nhà sưu khảo Nguyễn Hữu Hiệp - khi nói chuyện về tranh đá của PhanVõ Hoàng Nam - anh góp ý : “ Sao không làm phác họa trên nền đá thay vì trên nền cactông ? Thậm chí khuôn tranh cũng bằng đá luôn , tất cả đều bằng đá. Vậy nó mới bền lâu với thời gian...” . Còn soạn giả cải lương Diệp Hoài Lâm thì chân tình gởi tác giả Hoàng Nam mảnh giấy đề nghị cần “đặt tên” lại cho một số bức tranh...vv. Nhà giáo Trần Ngọc Hùng – cựu giáo viên dạy Văn hơn 40 năm ở Châu Phú, cũng là người thầy kính yêu của Phan Võ Hoàng Nam, của tôi, của những học trò thế hệ sau 1975 được thầy dạy dỗ và thẩm thấu cho cái hay, cái đẹp của cuộc đời qua văn chương, nghệ thuật. Hôm đến dự triển lãm đi cùng nhà giáo Đặng Như Nguyện, ông nói với tôi: “ Thầy chưa hiểu Hoàng Nam thổi hồn vào đá hay trong đá vốn đã tự có hồn nay được Hoàng Nam cảm nhận, rồi sáng tạo thành tranh không nữa ? Nhưng thầy rất “chịu” Hoàng Nam ở tâm hồn , ở niềm đam mê nghệ thuật...” . Thầy cũng chính là người mang các quyển sách về nghệ thuật thư pháp cho Nam tham khảo trong những ngày đầu tiên Nam đến với đam mê này. Họa sĩ Lê Thủy - thành viên Nhóm họa sĩ An Bình -Thành phố Hồ Chí Minh, sinh viên ngành thiết kế thời trang khoa Mỹ thuật công nghiệp Đại học Quốc tế Hồng Bàng mê vẽ tranh sơn dầu, có phòng tranh riêng tại Quận 5. Có tranh tham gia triển lãm gây quỹ từ thiện EXHIBITION FOR CHARITY FUND , có triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng cảm với niềm đam mê sáng tạo của Phan Võ Hoàng Nam đã nhiệt tình đến dự buổi khai mạc dù phải vượt đoạn đường hàng trăm cây số. Lê Thủy tự sự :

“ Tranh của anh Nam đơn giản nhưng có chiều sâu, nhất là đối với tranh chân dung và tranh Nude. Anh đã diễn tả được nội tâm nhân vật. Điều đáng quí là anh đã dám sử dụng một chất liệu hoàn toàn mới để làm tranh và đi theo hướng riêng của mình. Thủy tin rằng anh Nam sẽ gặt hái được thành công ”.

Trong một lần tình cờ xem chương trình truyền hình HTV9 tôi có dịp thưởng thức các bức tranh sơn dầu: “Vòng xoáy cuộc đời ” , ”Số phận” , “ Thời đã xa ” của họa sĩ Lê Thủy cùng một số tác phẩm sơn dầu của nhóm họa sĩ An Bình : Dương Lan Hương, Đặng Ngọc Hà, Hoàng Hồng Vân, Thái Ngọc Nhi do Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu... Họ không phải là những họa sĩ nổi tiếng nhưng lòng đam mê nghệ thuật và với mục đích làm nghệ thuật phục vụ từ thiện, tranh của họ được mời tham gia triển lãm ở đất nước “ Cờ hoa”. Bây giờ tôi mới có dịp tiếp xúc và nghe nhận xét của cây cọ Lê Thủy về tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam.

Ghi nhận thứ ba là sau triển lãm, các báo Cần Thơ, Tuổi Trẻ lần lượt có bài giới thiệu về sáng tác tranh đá - thư pháp của Phan Võ Hoàng Nam. Phóng viên Minh Tâm báo Tuổi Trẻ trong bài “ Đá cuội cũng thành tranh” đăng cuối tháng 6 năm 2010 viết : “ 45 tuổi, chưa từng qua trường lớp hội họa, nhưng thầy giáo dạy nhạc Phan Võ Hoàng Nam (ấp Vĩnh Thành thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) đã có riêng một triển lãm tranh khá độc đáo, với chất liệu sáng tác là... đá cuội. Từ đôi bàn tay khéo léo của ông, đá cuội đã trở thành hình ảnh làng mạc, thôn xóm, dãy Thất Sơn hùng vĩ cao chót vót giữa mây trời vùng biên viễn, hay cảnh rừng tràm Trà Sư rộn ràng tiếng chim lúc buổi sớm, hoặc những chiếc xuồng ba lá dập dềnh sông nước Cửu Long, những thôn nữ duyên dáng trong chiếc áo bà ba hái những chùm bông điên điển...”

Cùng với tranh phong cảnh thì tranh chân dung và tranh khỏa thân nghệ thuật là hai thể loại PhanVõ Hoàng Nam ấp ủ ,say mê thể hiện. Trong đó, khỏa thân là đề tài anh tâm đắc, đeo mang. Anh dự định sắp tới sẽ hoàn thành một bộ tranh gồm ba mươi bức “Nuy” chủ yếu diễn đạt thế giới nội tâm cùng thân phận “ đàn bà ” dưới góc nhìn của nghệ thuật khỏa thân. Bằng việc sử dụng bột đá làm chất liệu sáng tác rồi kết dính chúng thành từng mảng, từng khối màu với sắc độ đậm nhạt khác nhau và trung thành với gam màu đen trắng , sau đó xử lý độ sáng tối, xa gần, nhằm thể hiện “ ra” các hiệu ứng hình ảnh mong muốn để thành một bức tranh hoàn chỉnh. Có thể nói là một quá trình lao động sáng tạo, miệt mài, kiên nhẫn âm ỉ từ niềm say mê và yêu cái đẹp của PhanVõ Hoàng Nam.

Và... có lẽ thẩm định về cái đẹp cái hồn trong hội họa, trong tạo hình nói chung, tranh đá nói riêng trước nhất xin dành cho người thưởng thức, kế tiếp là giới cầm cọ giới tạo hình . Thêm nữa, thì đó là công việc của những nhà phê bình chuyên nghiệp. Bàn về vấn đề này, tại Hội thảo về Mỹ thuật Việt Nam Đương Đại và Hiện Đại tổ chức ở Viện bảo tàng Mỹ thuật Singapore năm 2008 họa sĩ Trịnh Cung khẳng định : “ Ngôn ngữ hội hoạ trong giá vẽ không là ngôn ngữ của đám đông, và nghệ sĩ tạo hình rất khác với nhà văn. Nhà văn có ảnh hưởng nhiều đến đám đông và thường vác lên mình nhiệm vụ phê phán, đấu tranh và cải tạo xã hội; còn hoạ sĩ, với cái ngôn ngữ câm lặng của hội hoạ thì không thể nói tràng giang đại hải một cách trực tiếp và cụ thể như nhà văn được. Vì thế, hoạ sĩ là những kẻ lang thang trong những khu rừng cảm xúc ”. Nhìn chung, mỗi thời đại, riêng đối với mỹ thuật, các tiêu chuẩn của cái đẹp trước hết được định ra bởi những nhà sáng tạo. Các hoạ sĩ cổ điển thời tiền phục hưng cho đến các hoạ sĩ thời tân cổ điển thế kỷ 14 đến thế kỷ 19 đã thiết lập và giữ vững các tiêu chuẩn của cái đẹp dựa vào sự cân đối, hài hoà, nhịp nhàng và chặt chẽ về bố cục, màu sắc, đường nét, ánh sáng bằng một bút pháp tinh tế và nắn nót. Đầu thế kỷ 20, các nhà tiên phong thời hiện đại đã phủ lên những tiêu chuẩn ấy một “tấm vải liệm” bằng những khái niệm hoàn toàn mới về cái đẹp của những tác phẩm mỹ thuật. Lại thấy, cái đẹp luôn luôn có những tiêu chuẩn khác nhau của nó, tuỳ vào từng thời đại mà nó được tạo ra. Cái đẹp là một khái niệm mở và biến hoá không ngừng trong nghệ thuật nói riêng trong đời sống nói chung. Vì thế, sự bắt chước rập khuôn, tuân theo những nguyên tắc của người đi trước để làm công việc sáng tạo và thẩm định giá trị tác phẩm hôm nay, là dấu hiệu tiêu vong của nghệ thuật.Những sự phá vỡ phép cân đối, luật viễn cận, không gian hai chiều và tính hoà hợp của màu, xuất phát từ trường phái Ấn tượng đến Trừu tượng thật sự là một “cuộc cách mạng” làm thay đổi lớn lao các tiêu chuẩn của cái đẹp trong tác phẩm mỹ thuật, đang là cách nhìn mới của giới tạo hình hiện nay.

Ghi nhận cuối cùng để kết thúc bài viết này, xin được trích nhận xét của nhà thơ Trịnh Bửu Hoài, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang, về tranh đá của Phan Võ Hoàng Nam đăng trên báo Tuổi Trẻ tháng 6-2010 : “Anh Nam là người đầu tiên của đồng bằng sông Cửu Long dùng đá cuội làm chất liệu sáng tác. Tranh của anh khiến người ta hồi tưởng về ký ức vùng quê An Giang nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Từ đây An Giang có thêm một loại sản phẩm nghệ thuật độc đáo góp phần làm phong phú thêm diện mạo văn hóa quê hương”.

Q.N (An Giang)

Không có nhận xét nào: