Những phiến đá gồ ghề, thô kệch của
vùng Thất Sơn (An Giang) qua bàn tay của Phan Võ Hoàng Nam đã biến thành
những bức tranh mang đậm hồn quê, tình người…
Góp sức mọn cho quê hương
Về An Giang tìm Võ Hoàng Nam không khó, bởi anh là người đầu tiên ở
miền Tây dùng đá núi làm tranh. Nói về mình, Võ Hoàng Nam chỉ buông vài
dòng ngắn gọn: “Tôi làm thầy giáo ở H.Châu Phú, họa sĩ là nghề tay
ngang, cũng bởi mê vùng đất núi nên muốn góp chút sức mọn cho quê
hương”.

Võ Hoàng Nam - người biến đá thành tranh. Ảnh: Thanh Dũng
|
Võ Hoàng Nam kể anh nung nấu dùng đá núi trên Thất Sơn sáng tác tranh
từ rất lâu, nhưng đến năm 2008 mới có dịp thực hiện. Theo anh, màu sắc
của đá núi Thất Sơn so với đá núi miền Trung đơn giản hơn, tối hơn nên
chỉ thích hợp cho mảng tranh đen trắng. Nam đã đi khắp các ngọn núi
trong dãy Thất Sơn để lựa chọn những phiến đá, hòn đá ưng ý, rồi đem về,
đập vỡ ra, quết thành đá li ti… Sau khoảng thời gian dài thử nghiệm,
Nam mới chọn được loại keo thích hợp, dùng để kết dính những mảnh đá lại
thành tranh. Đến nay, anh đã cho ra đời hàng loạt tranh đá như: Đua bò
Bảy Núi, Dáng chiều Bảy Núi, Bến quê, Con đò dưới trăng, Nữ sinh đạp
xe… mang đậm nét sinh động hay khắc khoải, u tịch của vùng quê. Nam cho
biết trong các tác phẩm đã thực hiện, anh khá ưng ý với bức tranh khắc
họa chân dung Bùi Giáng, vì thể hiện được cái thần của thi sĩ họ Bùi.
Trong tranh, ánh mắt thi sĩ Bùi Giáng rất sáng, khóe miệng như nở nụ
cười…