Thứ Năm, 11 tháng 9, 2008

Người nghèo...bao giờ hết nghèo !

Mấy hôm nay bảo ở đâu đó ngoài biển Đông làm trời cứ mưa suốt. Cả ngày không thấy nắng, bầu trời chỉ toàn mây xám xịt một màu. Trời như thế này thì khổ cho những người lao động nghèo rồi. Buôn bán ế ẩm, bao nhiêu công việc phải ngưng lại thì ai mà thuê người làm. Ở cái thời buổi " gạo châu củi quế" này,cuộc sống của những người lao động thật sự quá bấp bênh. Tiền công lao động của một ngày sau khi chi cho cái ăn xong củng chẳng còn lại bao nhiêu, rồi còn những nhu cầu khác nữa. Vậy là chẳng còn gì để dành lại cho những ngày không có việc làm. Trời mưa liên tục ba bốn ngày thế này, chắc chắn sẽ có nhiều gia đình lao động nghèo lại phải chịu cảnh "giật gấu vá vai", mượn tạm chổ này , "quơ" vội chổ kia, chủ yếu chỉ để trang trải cái ăn. Chiều nay, vợ chồng đứa cháu trong xóm sang mượn ít tiền đong gạo. Hai vợ chồng trẻ, mới có đứa con đầu lòng vào lớp 1, gia đình cha mẹ đều nghèo chẳng giúp gì được. Không có nghề nghiệp, trình độ văn hoá lại thấp, hai vợ chồng làm cu li trộn hồ cho công trình xây bệnh viện của huyện củng chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Mấy hôm nay công trình ngưng lại do mưa, vợ chồng đành ngồi bó gối nhìn mưa suy nghĩ xem mượn tiền ở đâu để trang trãi cho những ngày ngồi không này. Còn vợ chồng chị Tư nhà bên thì bốn ngày nay ăn bún thay cơm. Nồi bún cá nuôi cả nhà mấy hôm nay ế vì mưa dầm, báo hại cả nhà phải bất đắc dĩ phải làm khách cho chính mình. Xóm tôi có hai lớp nhà. Lớp ở phía trước là những gia đình sống bằng nghề buôn bán hoặc là cán bộ công chức nên cuộc sống tương đói ổn định. Còn ở phía sau, mấy chục nóc gia đều là những gia đình lao động nghèo, cuộc sống của họ luôn phụ thuộc vào nhu cầu thuê mướn lao động ở địa phương. Họ làm việc chăm chỉ, nhưng thu nhập củng chỉ đủ sống bấp bênh qua ngày. Có quá nhiều thứ nằm ngoài khả năng thu nhập của họ. Giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vùn vụt, trong khi đó tiền công của người lao động thì chẳng tăng lên được bao nhiêu. Ngày qua ngày, họ luôn phải đối mặt với sự thiếu hụt. Qua được hôm nay lại phải lo cho ngày mai, cuộc sống có lúc nào thảnh thơi, an tâm cho chuyện " cơm áo gạo tiền". Bình thường chỉ phải lo đói lo no, nhưng những khi đau yếu bệnh hoạn thì quả cuộc sống thật sự là một gánh nặng. Vợ chú Bằng ở phía sau , nhà đông con lại nghèo, tối ngày làm thuê hết chổ này đến chổ kia, những khi bệnh không dám nghĩ, uống thuốc nam qua quít rồi mang con bệnh đi cùng đến chổ làm, hàng ngày ăn uống tiện tặn để lo cho con. Rồi một ngày xấu trời, cái cơ thể ấy không còn chịu đựng nổi trước phong ba cuộc đời, thiếm bị đột quỵ do suy dinh dưỡng và làm việc quá sức. Bây giờ người đàn bà mới trên 40 tuổi ấy chỉ như một cọng lau trước gió, nắng không ưa mưa không chịu : thiếm bị lao phổi nặng, hậu quả của những ngày ăn uống thiếu thốn lại phải lao động vất vả. Trong cuộc sống hiện tại, có bao nhiêu xóm nghèo với những mãnh đời như thế ? bao nhiêu số phận đã phải chấp nhận với những nghiệt ngã của cuộc sống chỉ vì họ nghèo. Việt nam đang đi vào hội nhập, kinh tế ngày một phát triển, cuộc sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Thế nhưng, song hành với sự phát triển ấy cái hố ngăn cách giàu nghèo củng ngày một nới rộng ra. Trong cái cơ chế kinh tế thị trường, đã xuất hiên không ít những triệu phú, những tỷ phú, thành đạt, sống một đời sống vật chất đầy đủ, thoải mái. Nhưng bên cạnh đó một bộ phận dân nghèo không nhỏ phải thường xuyên đối mặt với những biến động về giá cả, vốn là sự tất yếu của thị trường. Với họ chỉ là chuyện cơm áo gạo tiền thôi, củng đã phải tất tả ngược xuôi rồi. Tiền công lao động thì không tăng bao nhiêu, trong khi đó giá các mặt hàng thiết yếu tăng lên vùn vụt, tự dưng giá trị ngày công lao động bị hạ xuống. Người lao động nghèo sẽ được chia phần bao nhiêu trong chiếc bánh kem sữa đầy vẽ hào nhoáng được gọi là lợi nhuận. Với thời giá như hiện tại, thì đồng lương mà họ nhận chỉ đủ tái sản xuất lại sức lao động. Ở miền tây, hầu như lao động trẻ ở nông thôn đều đổ về các khu công nghiệp ở Bình Dương, Long An, TP.Hồ Chí Minh, hoặc phu việc nhà, phụ quán ăn trong nội ô TP.HCM. Họ là những lao động nghèo, không có đất sản xuất hoặc có đất nhưng nằm trong khu vực quy quạch giải toả. Có một thực tế là hầu như các khu lao động nghèo ở các thị xã, thị trấn trong phạm vi cả nước đều có những quy hoạch nhằm chỉnh trang độ thị, phất triển nông thôn. Có những nơi làm tốt công tác đền bù giải toả và tái định cư, tạo được công ăn việc làm cho người lao động. Nhưng lại củng có quá nhiều nơi thực hiện một cách qua quít vội vả, đưa dân vào trong các "cụm tuyến dân cư" trong khi hạ tầng cơ sở vẫn chưa hoàn chỉnh. Đường xá lầy lội, thiếu nước , thiếu điện, việc làm lại không có, loay hoay là đã ăn hết cả số tiền đền bù giải toả. Họ vốn đã nghèo, bây giờ còn nghèo hơn nữa. Ở nông thôn có được bao nhiêu việc làm, họ đành phải chấp nhận với cuộc sống xa nhà, đổ xô về các khu chế xuất, khu công nghiệp với hy vọng kiếm được một ít vốn sau năm ba năm làm việc. Nhưng với tình hình vật giá luôn biến động như hiện tại, đồng lương trung bình từ 1 triệu rưởi đến 2 triệu rưởi trên tháng, họ sẽ dành lại được bao nhiêu sau khi đã chi trả cho các khoản ăn, trọ và những nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Những lao động ở lại nông thôn thì công việc làm không ổn đinh, nó tuỳ thuộc vào từng thời điểm, người lao động luôn phải đối mặt với vấn đề "hết việc", nên cuộc sống của họ vốn đã không ổn định lại càng bấp bên hơn. Ông bà ta có câu " tận nhân lực mới tri thiên mạng", đâu phải ai trong số những người nghèo đều là người lười biếng ngại lao động. Tất cả mọi người đều mong muốn mình và gia đình có một cuộc sống tốt hơn, họ đã cố gắng hết sức mình rồi, đã " tận nhân lực " rồi, nhưng cuộc sống vẫn không khá hơn. Có lẽ giờ đây họ chỉ còn chờ "Thiên mạng" xem có phép màu nào cho những lúc bức bách vì những đòi hỏi hàng ngày.
Có thể nói người lao động nghèo hiên nay luôn gặp phải những khó khăn vật chất trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho dù họ có việc làm ổn định hay không ổn định. Chính việc tăng giá của các mặt hàng đã làm cho giá trị ngày công lao động của họ trở nên rẻ mạt. Giải pháp nào cho người nghèo, đây là một bài toán lớn mà câu trả lời không phải giản đơn và không phải một vài cá nhân có thể làm được. Tuy nhiên nếu như các nhà quản lý có thể bình ổn được giá cả các mặt hàng thiết yếu và có những chính sách hợp lý trong việc định hướng tiền công lao động, sẽ giãm được phần nào gánh nặng chi tiêu của người lao động. Làm sao, sau khi chi cho cái ăn rồi, họ vẫn còn lại chút ít dành cho các nhu cầu khác, nâng cao mức sống lên so với hiện tại. Đối với các khu quy hoạch, điều cần thiết là cái tâm của những người làm công tác tái định cư , cần đặt lợi ít thiết thực của người dân lên đầu, nhất là vấn đề tạo công việc làm. Thông thường khi đến một nơi ở mới, phải mất một, hai năm mới có thể ổn định cuộc sống, nếu như có được sự hổ trợ, giúp đở tư bên ngoài, người lao động sẽ rút ngắn thời gian chờ việc, giãm bớt những khó khăn trong đời sống.
Người nghèo...bao giờ hết nghèo ? có lẽ đây là một câu hỏi khó tìm ra lời giải đáp trong một sớm một chiều. Nhưng với những chính sách hợp lý trong việc quản lý, bình ổn giá cả thị trường, củng như các chính sách về lao động tiền lương, chắc chắn người lao động sẽ được hưởng lợi, đời sống của họ sẽ phần nào được cải thiện. Vấn đề đặt ra là cần phải có sự đồng bộ khi thực hiện các giải pháp, có như thế mới phát huy được tác dụng trong việc giải quyết bài toán cho người nghèo. Những năm gần đây chúng ta đã chi rất nhiều tiền cho cho công tác xoá đói giãm nghèo, và củng có nhiều báo cáo ở nơi này nơi kia đã giãm được tỷ lệ hộ nghèo. Thế nhưng nghèo giàu đâu phải chỉ là những con số, mà nó liên quan đến từng số phận của những con người, vì vậy hãy thực hiện công tác này bằng cái tâm, điều mà ông bà ta từng dạy:
Nhiểu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.

Không có nhận xét nào: