Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Ngày 18 tháng năm.

Mấy hôm nay đi từ Châu Đốc xuống Long Xuyên, chốc chốc lại thấy một lễ đài được trang hoàng lộng lẫy, màu sắc rực rở của những tín đồ Phật Giáo Hoà Hảo chuẩn bị cho ngày Đại lễ khai sáng 18 tháng 5 năm(18.5 năm Kỹ Mão). Sáu mươi chín năm trước ( 07/4/1939), trong một bối cảnh xã hội hết sức phức tạp, đạo Phật Giáo Hoà Hảo đã được khai sáng tại làng Hoà Hảo. tỉnh Châu Đốc bởi một thanh niên chưa tròn hai mươi tuổi :Đức Huỳnh Giáo Chủ ( Huỳnh Phú Sổ 1920-1947). An Giang là nơi có đông tín đồ PGHH sinh sống, vì vậy ngày 18 tháng 5 âm lịch hàng năm đã là một sự kiện lớn. Có thể nói trước năm 1975, lễ hội 18.5 là một lễ hội xét về quy mô tổ chức, số lượng người tham gia có lẽ lờn nhất đồng bằng sông cửu long lúc bấy giờ. Hồi đó tôi còn khá nhỏ để có thể hiểu được các vấn đề lớn lao của xã hội, với chúng tôi lễ 18.5 là dịp để vui chơi và chiêm ngưỡng những chiếc thuyền hoa xe, hoa của các địa phương về Tổ Đình Hoà Hảo tham dự cuộc lễ. Từ sáng ngày 17 âm lịch, trên khắp các ngã đường đã nhộn nhịp vang lên tiếng trống, tiếng loa phóng thanh phát những bài kệ giảng của Đạo. Tín đồ Đạo PGHH phân bố hầu như khắp tỉnh An Giang nên làng xã nào củng có một ban Trị sự địa phương lo việc đạo, trong dịp lễ này mỗi địa phương sẽ làm một xe hoa hay thuyền hoa về Hoà Hảo dự lễ chung sau đó sẽ diễu hành khắp các địa phương trong tỉnh. Dân miền tây rất sẳn lòng cho các công việc từ thiện xã hội, nên việc đóng góp tài vật cho cuôc lễ có thể nói rất hậu hỉnh. Vì thế các địa phương luôn tranh nhau xem xe hoa hay thuyền hoa của ai đẹp hơn trong cuộc lễ này. Thôi thì đủ kiểu, đủ hình dáng, rực rở đèn hoa....Trên bờ là những chiếc xe hoa ( Dâng cộ đèn ) được trang hoàng lộng lẫy với đủ hình dáng kiểu cách. Có xe trang hoàng như một cung điện và trong cung điện ấy là một điển tích phật giáo do các diễn viên thật hoá trang , hoặc một con "Sấu hoá Long" dài cả chục mét mà trong ruột nó là một chiếc xe tải với cả rơ-moc, Hổ , Báo Kỳ Lân... đủ loại. Dưới sông, những chiếc thuyền hoa( Bè Thuỷ lục) củng không kém phần tranh cạnh. Những chiếc thuyền lớn được tạo hình, trang trí thành những con vật trong truyền thuyết dân gian, những điển tích phật giáo.... vô cùng phong phú và đa dạng. Với lợi thế ở dưới nước nên có thể kết nhiều con thuyền lại với nhau, tạo nên những bè "thuỷ lục" hết sức hoành tráng. Tất cả đều hướng về Hoà Hảo, nơi sẽ cử hành Đại lễ tập trung, sau đó đi diễu hành qua các địa phương. Cùng lúc ấy ở các ban trị sự giáo hội PGHH các địa phương củng tiến hành cuộc lễ hết sức long trọng và thành kính. Không khí hội hè tưng bừng trong ba ngày 17,18,19 tháng năm âm lịch. Hồi đó tôi còn rất nhỏ, cùng với đám con nít trong xóm vỗ tay reo hò,trầm trồ thán phục mỗi khi có một chiếc xe hoa chạy qua. Nhìn chán những chiếc xe hoa, chúng tôi lại chạy ra sông Hậu để chiêm ngưỡng những chiếc " Bè thuỷ lục " rực rở sắc màu. Khắp nơi đông nghịch người tham gia vui chơi, trẩy hội. Những người không phải tín đồ PGHH củng bị không khí náo nhiệt tưng bừng cuốn hút, tham gia vui chung góp phần tăng thêm quy mô của lễ hội. Có thể nói hơn ba mươi năm rồi, nhưng ấn tượng của những cuộc lễ 18.5 luôn vẫn như mới trong tôi, không biết có phải lúc ấy tôi chỉ là một đứa trẻ chưa có những nhận định chính xác, nhưng đến giờ tôi vẫn nghĩ đó là những lễ hội lớn nhất mà tôi từng chứng kiến trong đời. Những năm tôi được cha cho đi theo đoàn" Dâng cộ đèn" của địa phương về Tổ Đình Hoà Hảo dự lễ lại càng thích thú hơn nữa. Hồi đó con đường từ bến phà Năng Gù sang Hoà Hảo hẹp và đất đá lởm chởm đông nghịch dòng người đổ về Hoà Hảo, tưởng chừng như không thể nào tập trung người đông hơn được. Tôi thích ăn cơm chay trong các lán trại vừa mới dựng lên của những tổ chức, gia đình hảo tâm trong Đạo, họ tập trung lại rồi tổ chức nấu ăn, đãi cơm chay cho tất cả mọi người tham gia lễ hội ! (Năm 1986 tôi đi bộ đội và đóng quân ở rừng Cravanh thuộc Puôc-Thsat, biên giới Kampuchia - Thái Lan, trong những buổi trò chuyện, tôi đã kể cho những người chung đơn vị nghe về những lễ hội ở An giang, đến phần đãi cơm cho du khách tham gia lễ hội thì những anh chàng miền ngoài không tin. Một anh bảo làm sao có đủ kinh phí củng như về tổ chức đễ phục vụ ăn cơm cho gần cả triệu lượt người). Anh ta nói đúng, một cá nhân một tổ chức thì khó làm việc này, nhưng khi cả cộng đồng cùng xắn tay lên lo chung, mà nhất là cho một niềm tin về mặt tâm linh, thì không có gì mà không làm được. An giang là vùng đát rất giàu sản vật nông nghiệp, người An Giang theo đạo PGHH lại rất hay làm việc thiện, họ sẵn sàng bỏ công sức ra để xây cầu, đắp lộ, cứu trợ ... tạo lợi ích cho cộng đồng, và bản thân họ củng được hưởng phước về sau như niềm tin trong tín ngưỡng của Đạo Hoà Hảo ( Hiện nay ở An Giang hầu như không còn những cây cầu khỉ bắc qua kênh rạch nữa, thay vào đó là những cây cầu dây hiện đại và không kém phần hoành tráng, đó là kết quả của sự vận động xã hội, nhưng có thể nói kết quả ấy có sự đóng góp rất lớn của tín đồ PGHH). Trước những ngày diễn ra cuộc lễ, từ trong các làng quê, những chiếc thuyền chở đầy các sản vật nông nghiệp kìn kìn chở về Tổ Đình. Đủ loại rau củ quả, trái cây... nhà nào trồng được thứ gì thì cho thứ ấy với một sự thành tâm đóng góp cho ngày lễ khai sáng đạo. Tôi củng đã đi nhiều, củng đã tham gia một số hội hè ở khắp nơi, nhưng chuyện đãi cơm cho du khách thì chỉ ở Miền Tây mới có. Chỉ có những con người An Giang hiền hoà, giàu lòng nhân ái cùng với chính giáo lý hết sức "Đời" của Đức Huỳnh Giáo Chủ, đã hình thành một thứ tình cảm thân ái, gắn bó nhau, sẵn sàng chia sẽ, đùm bọc lẫn nhau, thứ tình cảm này chưa chắc đã tìm được trên một vùng đất khác.
Sau năm 1975 thì lễ hôi 18.5 bị cấm tổ chức, bọn nhóc chúng tôi không còn được chiêm ngưỡng những "Dâng cộ đèn", những "Bè Thuỷ lục" rực rở sắc màu trong những ngày lễ hội. Đến năm 1999, khi nhà nước công nhận lại Đạo PGHH là một tôn giáo hợp pháp, lễ hội 18.5 cũng được tổ chức lại hàng năm, nhưng không còn quy mô bề thế như xưa nữa. Hầu như chỉ có sự quan tâm của các tín đồ lớn tuổi, giới trẻ hiện nay ít chú ý các vấn đề về tôn giáo, tâm linh. Vã chăng hiện tại tình hình chính trị xã hội đã khác xưa rất nhiều, trong một nhịp sống vội vã, sôi động như hiện nay củng khó có thể đòi hỏi hơn thế nữa.
Tôi là một tín đồ
PGHH nhưng cho đến bây giờ tôi củng vẫn chưa được ai đó công nhận chính thức, và tôi củng chưa một lần vào Tổ Đình để lạy Đức Thầy. Nhưng trong thâm tâm tôi,tôi luôn xem mình là một tín đồ PGHH. Cha tôi là một tín đồ từ khi đạo HH vừa mới khai sáng. Ông rất kính trọng Đức Huỳnh Giáo chủ và xem ông là một vị phật. Ông đã từng hai lần được tham gia nghe Đức Huỳnh Giáo Chủ thuyết pháp và khuyến nông, nhưng lần gặp thứ ba với Đức Thầy mới để lại trong ông ấn tượng sâu sắc."Năm ấy mẹ con bệnh, cuộc sống quá khó khăn- Ông kể - cha theo một số người bạn làm phu khuân đá ở núi Châu Thới-Tây Ninh. Công việc nặng nhọc lại ăn uống kham khổ nên bệnh bao tử của cha tái phát và hoành hành dữ dội, nằm một chổ hai ba ngày, anh em định đưa về. Cha đã vái Đức Thầy phù hộ cho con vượt qua cảnh ngộ khó khăn này, đêm ấy cha nằm mơ thấy Đức Thầy, cha quỳ xuống và nói Thầy ơi cứu con, Đức Thầy mĩm cười rồi đi đến, người đưa tay ra vuốt vào chổ đau bao tử rồi nói : Sao con không sắc thuốc uống, rồi người cười quay lưng bỏ đi. Tỉnh dậy, cơn đau bao tử củng dần dần dịu lại,anh em vui mừng nấu cháo cho ăn. Thầy bảo sắc thuốc uống mà thuốc ở đâu ? Cha chợt nhớ những bài thuốc nam của Đức Thầy trong Sấm giảng thi văn giáo lý, cha nhờ anh em đi tìm giúp, sau mấy thang thuốc nam bệnh đau bao tử của cha hoàn toàn khỏi hẳn và mấy mươi năm nay chưa hề tái phát". Ông luôn xem mình là một tín đồ hoà hảo điển hình theo giáo lý của Thầy "học Phật tu nhân, tại gia cư sỉ". Ông hoàn toàn chống lại những kẽ mượn danh hoạt động đạo để làm những điều cá nhân, ông củng chống lại việc sửa đổi hoặc thêm thắt những nghi lễ đi ngược lại với giáo lý của Đức Thầy. Ông nói :"Thầy dạy ăn hiền ở lành, sống có trách nhiệm,có tình nghĩa, biết thương yêu chia sẽ...tựu trung làm một tín đồ HH tốt chỉ cần thực hiên tốt câu : Miễn cho rồi cái đạo làm người". Ông thực hiện ngày cúng hai thời và tháng ăn chay bốn ngày vào 14,rằm và 29,30 âm lịch mỗi tháng. Lúc nhỏ ông củng dạy anh em tôi cúng lạy hàng ngày,dạy anh em tôi học thuộc những bài nguyện. Chính những ngày tháng này tôi đã đọc đi đọc lại quyển Thi Văn Giáo Lý của Đức Thầy (hồi đó khổ quá , thiếu sách để đọc, lúc rảnh thì cứ đọc những gì mình có). Tuy nhiên, lúc ấy tôi làm gì hiểu được những điều ghi trong giáo lý, đến khi lên cấp 3 thì tôi đã không còn thực hiện cúng lạy hàng ngày và đặc biệt tôi không thể ăn chay ngày nào. Cha tôi không ép buộc, ông nói điều đó chỉ có ý nghĩa khi con thực hiện với một sự tự nguyện - Chay thiệt tánh chay tâm mới quý- ông kết luận.
Năm tôi học lớp 11 (1982-1983), tôi được nhà trường kết nạp vào Đoàn
TNCS HCM. Khi làm lý lịch, đến phần tôn giáo tôi hỏi cha tôi nên viết thế nào, vì thật ra từ nhỏ đến lúc ấy tôi chưa hề quy y một tôn giáo nào (khi đi xác nhận lý lịch này tại công an thị trấn, tôi đã nhận được một lời "chứng" hết sức đáng nhớ --- Xác nhận đương sự là học sinh trường.... có cha trước năm 1975 tham gia địch nguỵ tề---).Cha tôi chỉ nói với tôi thật nhẹ nhàng: Cả đời cha quy y theo Thầy, một đời một đạo, cha không ép buộc nhưng cha mong muốn con củng sẽ là một tín đồ HH tốt. Vậy là tôi trở thành tín đô PGHH. Thật ra củng không đơn giản chỉ là đề nghị của cha, từ nhỏ khi đọc sấm giảng Thi Văn Giáo Lý tôi đã nghí suy về tôn chỉ của đạo. Tôi thật sự thấy mình củng sẽ sống như những đạo lý ấy cho dù tôi không phải là tín đồ PGHH. Người Việt có tình yêu thương quê hương đất nước, có lòng kính trọng đối với tổ tiên ông bà, có lòng nhân ái ,biết yêu thương chia sẽ, đùm bọc lẫn nhau, những điều này không phải đã ghi rỏ trong Tứ ân của Đạo HH sao."...Bàn xét trong Đạo chúng ta thuộc hạng học Phật tu Nhân, tại gia cư sĩ..." Chính việc xác định tín đồ của mình nên Ông đã xây dựng một tôn chỉ hành đạo hoàn toàn phù hợp với cuộc sống sinh hoạt của người dân đồng bằng sông cửu long. Không có gì cao siêu hết, miễn cho rồi cái đạo làm người, chẳng phải khi làm một tín đồ HH với đúng những tôn chỉ mà Thầy đã dạy thì ta đã là một người yêu nước rồi sao. Tôi là một tín đồ PGHH chính là từ sự tán đồng với giáo lý của Đức Huỳnh Giáo Chủ, nó thật sự phù hợp với đạo lý ngàn đời của người Việt, sống sao cho phải đạo làm người.

Không có nhận xét nào: